TTCT - Tác động biến đổi khí hậu không ở đâu xa mà chính là trong túi tiền của chúng ta. Ảnh: MHJ/Getty ImagesGiá sô cô la đắt đỏ hơn bao giờ hết trong mùa Phục sinh cuối tháng 3 vừa qua, khi giá ca cao thế giới lập đỉnh vì mùa màng ở Tây Phi gặp thời tiết khô hạn nghiêm trọng. Trước đó, tháng 7-2023, giá gạo ở châu Á tăng vọt, do lo ngại hạn hán sẽ gây thiệt hại cho mùa màng. Còn ở Mỹ, 2022 là một năm thảm họa đối với nghề trồng bông vải ở Texas do nắng nóng và đất khô kiệt, nên băng vệ sinh và tã vải đã lần lượt tăng giá 13 và 21%.Trên đây là những ví dụ ngay trước mắt về hiện tượng "heatflation", một từ mới do giới truyền thông đặt ra, kết hợp giữa "heat" - cái nóng và "inflation" - lạm phát. Một nghiên cứu đồ sộ mới đây cho thấy biến đổi khí hậu, cụ thể là nắng nóng quá mức, đã thúc đẩy giá cả tăng cao, và tương lai có thể tồi tệ hơn.Không chừa quốc gia nàoTheo nghiên cứu đăng trên tạp chí Communications Earth & Environment, đến năm 2035, hiện tượng "lạm phát vì nóng" có thể khiến giá lương thực trên toàn thế giới tăng vọt tới 3 điểm phần trăm mỗi năm.Mối liên hệ giữa nắng nóng và thực phẩm tăng giá không phải là "khoa học tên lửa" - nếu lúa gạo bắt đầu héo và chết, ta có thể cá rằng bột gạo sẽ đắt hơn. Nhìn sâu hơn, cái nóng cực đoan gây thiệt hại cho nông nghiệp bằng nhiều cách. Nó có thể làm cây trồng căng thẳng, nên dễ bị sâu bệnh tấn công hơn. Nó dẫn đến căng thẳng về nước, và vì thế mất mùa. Nắng hạn cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, khiến thực phẩm kém dinh dưỡng và dễ bị hư hỏng. "Lạm phát vì nóng" sẽ làm phức tạp hơn những khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, thành thị và nông thôn.Nhóm nghiên cứu đã so sánh dữ liệu giá cả hằng tháng của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ ở 121 quốc gia từ năm 1996 đến năm 2021, cùng với điều kiện thời tiết mà các nước đó phải đối mặt. Họ tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiệt độ trung bình và giá thực phẩm của tháng liền kề. Không một nơi nào trên Trái đất có vẻ miễn dịch với "lạm phát vì nóng"."Chúng tôi tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nhiệt độ cao hơn - đặc biệt là vào mùa hè hoặc ở những nơi nóng bức - khiến giá cả tăng, chủ yếu là lạm phát giá thực phẩm, nhưng cũng gây lạm phát tổng thể" - Maximilian Kotz của Viện Potsdam (Đức) và là một trong các tác giả, nói với AFP.Đối với lạm phát tổng thể, thời tiết khắc nghiệt có thể dẫn đến mức tăng từ 0,3 đến 1,2 điểm phần trăm mỗi năm, tương ứng với kịch bản tươi sáng và xấu nhất, còn tùy thuộc vào lượng khí thải carbon mà các quốc gia sẽ bơm vào khí quyển.Kotz cho biết tác động của lạm phát vì biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất ở "các khu vực vốn đã nóng nực hơn cả", đặc biệt là các nước nghèo và đang phát triển. Châu Phi và Nam Mỹ sẽ là những lục địa bị ảnh hưởng nặng nề nhất.Nhưng Bắc bán cầu cũng sẽ không tránh được bệnh "đau ví". Theo Kotz, "lạm phát vì nóng" sẽ xảy ra ở Bắc bán cầu chủ yếu vào mùa hè, với phần còn lại của thế giới, nó sẽ lây lan quanh năm.Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thay đổi lượng mưa và lạm phát. Ngoài ra, họ cũng không nhận thấy cái nóng có tác động đáng kể đến các chi phí khác của hộ gia đình, ngoại trừ… giá điện. Dẫu vậy, với sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo, độ nhạy cảm về giá điện đối với thời tiết có thể sẽ thay đổi.Giải quyết từ gốc rễThực phẩm tăng giá vì trời nóng, nhưng mỗi vế của biểu thức này đều mang giải pháp. Ta có thể tìm cách giảm lãng phí thực phẩm, hoặc hành động để giảm nhẹ cái nóng toàn cầu. Trên khắp thế giới, nhiều thay đổi tích cực đang diễn ra để giảm tình trạng lãng phí thực phẩm, vì thế góp phần giải quyết nạn đói. Tin tốt là cách làm này cũng đồng thời giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bởi vì chất thải từ thực phẩm khi phân hủy ở các bãi rác sẽ tạo ra khí methane, khiến hành tinh nóng lên nhanh chóng. Ở Seoul, các thùng rác sẽ tự động cân đong lượng thực phẩm bị vứt đi, các cửa hàng tạp hóa tại London đã ngừng dán nhãn "hạn sử dụng" trên trái cây và rau quả, nhằm gỡ rối cho câu hỏi "còn ăn được không?", còn bang California (Mỹ) yêu cầu các siêu thị phải cho tặng - không phải vứt bỏ - những thực phẩm không bán được nhưng vẫn có thể ăn được.Ảnh: AxiosNói về giảm phát thải khí nhà kính, cách châu Á đang trồng trọt và chăn nuôi cũng đóng vai trò rất quan trọng. Lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm chiếm khoảng 1/3 lượng khí thải nhà kính trên hành tinh. Tuy nhiên, theo báo cáo từ PwC và công ty đầu tư Temasek, một số khu vực ở châu Á có tác động lớn hơn nhiều, với khí thải từ nông nghiệp chiếm tỉ lệ lên tới 50%. Các ruộng lúa ngập nước, bò ăn cỏ và ợ hơi, quá nhiều phân bón trong đất… tất cả đều đang phát thải.Tin tốt lành là châu Á có tiềm năng cắt giảm 12% lượng khí thải nông nghiệp - thực phẩm vào năm 2030, theo báo cáo Asia Food Challenge vào tháng 11-2023 do Rabobank và công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu Terrascope thực hiện. Báo cáo kể ra hơn 20 cách sẵn có để chúng ta làm sạch lĩnh vực này, bao gồm "tưới cục bộ" (micro-irrigation) để thay đổi cách trồng lúa nước, hay các nền tảng kỹ thuật số để nông dân nhận được tư vấn và tài chính, cũng như đầu tư vào máy móc.Cận cảnh Đông Nam ÁNhiệt độ tăng 1% so với năm trước sẽ làm chi phí sản xuất lương thực tăng thêm 0,5-0,8% ở các nền kinh tế Đông Nam Á, theo báo cáo Climate change and food prices in Southeast Asia của công ty dự báo toàn cầu Oxford Economics đăng vào tháng 3-2022.Giá lương thực tăng vọt theo sau thời tiết khắc nghiệt gây khó khăn thực sự cho các hộ gia đình nghèo: họ phải dành thêm khoảng 10% thu nhập cho thực phẩm so với hộ gia đình trung bình. Trong quá khứ, các đợt nắng nóng ở Thái Lan vào tháng 12-2014 và ở Việt Nam vào tháng 2-2019 đã góp phần khiến giá thực phẩm tăng từ 5-6% trong những tháng đó.Nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong tương lai, một số chính phủ triển khai việc chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon hơn. Nhưng quá trình chuyển đổi này sẽ có cái giá riêng của nó.Ví dụ ở Indonesia, giá nông sản tại vườn hay tại nhà sản xuất có thể tăng thêm 80% trong kịch bản chính phủ nước này đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 nhưng không kèm theo các biện pháp giúp giảm thiểu tác động lên chi phí thực phẩm.Với bản chất tiêu tốn nhiều năng lượng, ngành sản xuất thực phẩm dễ bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Nhưng các chính phủ có thể làm suy yếu tác động của chi phí năng lượng lên giá lương thực.Ví dụ ở Việt Nam, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất việc triển khai kiểm toán năng lượng, để giúp các nhà sản xuất xác định tiềm năng tiết kiệm điện. Đại học Quốc gia Singapore đang khám phá tiềm năng biến chất thải thực phẩm thành nguồn điện, đặc biệt là khi tình trạng lãng phí thực phẩm là không thể tránh khỏi trong quá trình sản xuất. Những tác động "hậu trường"Uriyoán Colón-Ramos, trợ giáo sư trường y tế công thuộc Viện Milken (Mỹ), tin rằng nhiều người không nhận ra tương quan giữa thời tiết cực đoan và giá cả. "Tôi cho rằng chỉ có nông dân và nhà nông nghiệp nhìn ra liên hệ này, còn người khác chẳng thấy gì" - bà nói với CBC.Với đa số người tiêu dùng, ít ai nghĩ "biến đổi khí hậu" là nguyên nhân khiến chi tiêu ngày càng đắt đỏ. Để hàng hóa đến được người dùng cuối, cần một chuỗi cung ứng phức tạp, và các khâu vận chuyển, hậu cần này không thoát được ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.Ví dụ rõ ràng nhất là kênh đào Panama: khi hạn hán làm giảm mực nước, cơ quan hữu trách buộc phải hạn chế số lượng tàu chở hàng và tàu chở khí qua lại con kênh chiếm khoảng 5% khối lượng giao thương quốc tế này.Kết quả: các công ty tàu vận chuyển hoặc phải trả nhiều hơn để được xếp đầu hàng hoặc đi đường khác - vừa xa vừa tốn kém.Tương tự, ở Bắc Mỹ, dù hàng hóa chủ yếu được chuyên chở bằng xe tải hoặc xe lửa, các hãng vận chuyển vẫn phụ thuộc rất nhiều vào giao thông đường thủy, chẳng hạn trên dòng Mississippi, nơi tàu và sà lan tấp nập chở ngũ cốc và các nông sản khác. "Nếu thời tiết khiến các sà lan không thể chạy hết công suất trên sông Mississippi, chúng tôi sẽ phải tìm phương án khác để vận chuyển ngũ cốc, tất nhiên là sẽ tăng chi phí" - Pascal Thériault, chuyên gia kinh tế nông nghiệp Đại học McGill (Canada), giải thích. Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Việt Nam xanh Tiếp theo Tags: Giá cả tăngBiến đổi khí hậuTrời nóngThời tiết nóngGiá cả
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.