TTCT - Ông Alexei Navalnyi có bị đầu độc hay không? Và ai đầu độc? Để làm gì? Những câu hỏi tiếp tục nhảy múa suốt hơn 15 ngày qua, kể từ khi ông ngã bệnh trên chuyến bay nội địa Tomsk - Matxcơva, khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống Omsk hôm 20-8. Ông Navalnyi là một nhân vật đối lập hàng đầu ở Nga. Ảnh: Sky News Kịch bản cũ Tóm tắt vụ việc như sau: Ông Navalnyi nhập viện ở Omsk vào ngày 20-8. Chẩn đoán chính của các bác sĩ: rối loạn chuyển hóa khiến lượng đường trong máu giảm mạnh. Họ vẫn chưa rõ nguyên nhân chính thức gây ra tình trạng này, chỉ nêu một số giả thiết “có thể do ăn kiêng, lạm dụng rượu hoặc stress kéo dài”. Theo các bác sĩ ở Omsk, dựa trên kết quả xét nghiệm, họ không phát hiện độc tố trong máu và nước tiểu của người bệnh. Sau 44 giờ điều trị ở Omsk, theo yêu cầu của gia đình, ngày 22-8, ông Navalnyi được đưa sang Đức. Ngày 2-9, các bác sĩ quân y Đức thông báo bệnh nhân bị đầu độc bằng một chất thuộc nhóm chất độc làm tê liệt thần kinh Novichok. Tờ Der Spiegel sau đó dẫn nguồn tin riêng khẳng định các chuyên gia đã phát hiện độc chất trong da và nước tiểu bệnh nhân. Chất độc Novichok cũng được tìm thấy trên chai nước mà Navalnyi mang theo người. Công bố kết quả khám nghiệm của Đức, Thủ tướng Angela Merkel ngày 2-9 cho rằng ông Navalnyi bị đầu độc hòng “bịt miệng” và yêu cầu Matxcơva tiến hành điều tra tội ác này. Tuy nhiên, ngày 3-9, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố tình báo quân sự điện tử nước ông đã chặn bắt được đoạn hội thoại giữa Ba Lan và Đức. Đoạn hội thoại được Belarus chuyển cho Nga và sau đó được công khai, cho thấy vụ đầu độc là giả, được dựng lên nhằm dẹp bỏ ý định của ông Putin “đâm đầu vào các vấn đề của Belarus”. Ngày 4-9, Kremlin xác nhận đã nhận được đoạn hội thoại này và đang phân tích độ chính xác của thông tin. Về phần mình, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho rằng Tổng thống Lukashenko đã “cung cấp thông tin sai sự thật về việc làm giả vụ đầu độc Alexei Navalnyi”. Ngày 4-9, đại diện các nước NATO nhóm họp ở Brussels để thảo luận về “vấn đề Navalnyi”. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg yêu cầu Nga “hợp tác toàn diện với Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) trong một cuộc điều tra quốc tế khách quan”, “cung cấp đầy đủ thông tin cho OPCW về chương trình Novichok” và “những ai chịu trách nhiệm cho cuộc tấn công [ông Navalnyi] phải chịu trách nhiệm”. Ông Stoltenberg gọi tình huống xảy ra với Navalnyi là sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cần có phản ứng quốc tế, và cho biết các thành viên NATO sẽ tiếp tục tham vấn để xem xét hậu quả của vụ việc. Đáp lại các yêu cầu của phương Tây, ngày 4-9, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Matxcơva, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: “Mọi thứ diễn ra y như kịch bản cũ [ám chỉ vụ đầu độc Sergei Skripal ở Anh năm 2018] khi các cáo buộc cứ nhắm vào chúng tôi từ các diễn đàn công khai, còn đề nghị chính thức của chúng tôi từ phía văn phòng Tổng công tố Nga [gửi đi từ 27-8], yêu cầu Đức sử dụng hiệp ước trợ giúp pháp lý và cung cấp dữ liệu cho những câu hỏi cụ thể của Nga, vẫn chưa được trả lời”. Đến ngày 7-9, ông Seibert mới cho biết việc chuẩn bị phản ứng từ Đức và các đối tác của Berlin về vụ "đầu độc" Alexei Navalnyi “sẽ mất nhiều thời gian và Nga không nên mong đợi một phản hồi trong vòng ba hoặc bốn ngày”. Từ giữa những năm 1990, khoảng 20 nước phương Tây, bao gồm Anh, Mỹ, Thụy Điển và Cộng hòa Czech, đã nghiên cứu các chất hữu cơ có chứa gốc phosphate thuộc họ Novichok, bao gồm các phương pháp điều chế lẫn những đặc tính hủy diệt của chúng. Trong khi đó, theo sắc lệnh của tổng thống Liên bang Nga năm 1992, những phát triển trong lĩnh vực vũ khí hóa học thời Liên Xô đã được Nga chấm dứt. Năm 2017, Nga hoàn thành việc tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học hiện có, điều đã được cơ quan quốc tế thẩm quyền Tổ chức cấm vũ khí hóa học xác nhận. (RIA Novosti) “Bệnh nhân Berlin” Trang web chính thức của ông Navalnyi giới thiệu tóm lược về ông: Alexei Navalnyi năm nay 44 tuổi, là luật gia, kinh tế gia, blogger đối lập. Năm 2004, ông thành lập “Ủy ban bảo vệ người Matxcơva” liên kết các nhóm công dân chống lại những công trình xây dựng gây thiệt hại những nhà dân lân cận. Năm 2008, ông bắt đầu nổi tiếng nhờ đăng một số bằng chứng về trộm cắp của công ở một số công ty quốc gia Nga. Năm 2010 ông thành lập dự án “RosPil” vạch trần những thủ đoạn lừa đảo và cạnh tranh không lành mạnh trong việc mua sắm của công, tiết kiệm được hơn 70 tỉ rúp cho ngân sách nhà nước. Năm 2011, ông lập Quỹ đấu tranh chống tham nhũng (FBK), tổ chức chống tham nhũng độc lập lớn nhất nước Nga, với hơn 30 thành viên là các luật sư và kinh tế gia cùng hàng trăm tình nguyện viên khắp nước, nhằm mục đích tố cáo việc làm giàu bất chính của các bộ trưởng và đại biểu Quốc hội Nga. Năm 2013, ông ra tranh cử thị trưởng Matxcơva, về thứ hai với hơn 27% phiếu. Năm 2017, Ủy ban bầu cử trung ương Nga từ chối đăng ký của Navalnyi làm ứng viên tổng thống vì một tiền án năm 2013 (liên quan đến vụ biển thủ gỗ ở Công ty “Kirovles”, gây thiệt hại cho nhà nước 16 triệu rúp, khiến Navalnyi bị xử 5 năm tù treo - vụ mà ông Navalnyi cho là “có động cơ chính trị”). Với bề dày hoạt động này, ngoài các hoạt động chống tham nhũng và tìm cách chứng minh Đảng Nước Nga thống nhất (ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin) là “bịp bợm và trộm cắp”, người ta chưa biết được gì thêm về cương lĩnh chính trị đối lập của Navalnyi với tương lai nước Nga. Thế nên ở Nga, ông Navalnyi được đề cập như một blogger chống tham nhũng hơn là nhà hoạt động đối lập. Có lẽ không thừa khi nhắc một chi tiết sau: trong các phát biểu của mình, Tổng thống Putin và thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov không bao giờ nhắc đến tên nhân vật này, kể cả khi bị buộc phải nói về Navalnyi. Chẳng hạn lần này, trả lời báo giới, Peskov đã gọi Navalnyi là “bệnh nhân Berlin”. Nở rộ thuyết âm mưu Có lẽ cũng vì lý do trên mà sau khi vụ việc được loan tin, trên các diễn đàn mạng, các “netizen” bình dân Nga đã bác bỏ giả thiết Matxcơva đứng sau vụ việc. Họ cho rằng Kremlin không cần phải “xử” một “kẻ gây rối” như thế, đồng thời nêu ra tính logic của vụ việc: nếu quả thật Kremlin muốn ra tay, có nhiều cách “ném đá giấu tay” hơn là dùng chất độc đã có “tính thương hiệu” Novichok để “lạy ông tôi ở bụi này”. Và nếu muốn “giết người diệt khẩu”, Kremlin đã không cho Navalnyi sang Đức điều trị. Đó là chưa kể nếu quả thật Navalnyi bị đầu độc bởi chất làm tê liệt thần kinh Novichok, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhiều. Thế nhưng không ai tiếp xúc với Navalnyi trước đó, hoặc ở trên máy bay cùng ông, cũng như nhân viên y tế, bác sĩ điều trị trực tiếp ông, bị ảnh hưởng. Thông tin tù mù là mảnh đất màu mỡ để nuôi trồng thuyết âm mưu. Trong vô số những giả thiết được nêu trên truyền thông Nga những ngày này, có thể kể ba câu chuyện ly kỳ của kinh tế gia, chuyên gia phân tích chính trị Mikhail Khazin, thành viên “Câu lạc bộ Izborsky” (một think-tank độc lập có khuynh hướng bảo thủ của Nga): do Mỹ đạo diễn để phục vụ cuộc đấu đá chính trị trước bầu cử tổng thống, do một nhóm những nhân vật quyền lực ở Nga không muốn bị Navalnyi vạch trần ra tay, hoặc do Đức đang muốn khẳng định vai trò “cường quốc trở lại” của mình. Trong một góc nhìn khác, nhà bình luận Irina Alknis liên kết “vấn đề Navalnyi” với dự án khổng lồ “Dòng chảy phương Bắc 2”. Bà cho rằng mục đích của kẻ ra tay với Navalnyi là nhắm vào việc đẩy mạnh cấm vận Nga. Nếu Đức đóng cửa “Dòng chảy phương Bắc 2”, đó sẽ là một đòn đau thực sự với Matxcơva. Ngay sau khi chẩn đoán của Navalnyi được Berlin công bố, một số chính khách Hoa Kỳ và Đức liền kêu gọi Berlin thực hiện đòn trừng phạt này. Bà Alknis viết: “Chính vì nóng lòng muốn Đức từ bỏ việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt mà chiến dịch Novichok-2 này đã được thực hiện khá vụng về, khiến mọi người đều hiểu vấn đề không nằm ở Navalnyi, mà là ở thắng lợi địa chính trị của Washington”. Tuy nhiên, đến nay Berlin vẫn tách biệt rạch ròi giữa “vụ đầu độc Navalnyi” với “Dòng chảy phương Bắc 2”. Ngày 3-9, quan điểm này đã được người đứng đầu Hội nghị an ninh Munich Wolfgang Ischinger xác nhận. Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đang bị cho là gây chia rẽ châu Âu (Ảnh: Kommersant) Đến nay, Berlin và Matxcơva vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại. Trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố nếu trong những ngày tới Nga không thực hiện các bước điều tra “vụ đầu độc” ông Navalnyi, Matxcơva sẽ phải đón nhận phản ứng của Đức và các đối tác. Đáp lại, thượng nghị sĩ Oleg Moroz, thành viên Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, nói đây là một vụ “sách nhiễu chính trị thô bạo. Người ta bắt chúng tôi biện hộ, nhưng không trình bất cứ bằng chứng nào cho điều họ cáo buộc chúng tôi”. Ngày 5-9, chủ tịch Phòng y tế quốc gia Nga, bác sĩ Leonid Roshal đã kêu gọi cơ quan tương đương là Phòng y tế Đức - một trong những tổ chức lâu đời nhất thế giới - lập một nhóm chuyên gia chung để hội chẩn và đưa ra kết luận khách quan cuối cùng. Nếu quả thật Navalnyi bị đầu độc, khi đó Nga sẽ tiến hành điều tra. Đề nghị này đã bị vợ ông Navalnyi, bà Yulia Navalnaya, thẳng thừng từ chối. Bà khẳng định chồng mình bị đầu độc vì “tất cả biểu hiện lâm sàng đã chứng tỏ điều đó” và việc ông nhập viện ở Omsk không có nghĩa ông “là tài sản của Nga”. Người trong cuộc duy nhất không quan tâm gì tới những diễn biến này có lẽ là chính ông Navalnyi. Đến chiều 7-9, bệnh viện Charite cho hay ông mới được đưa ra khỏi tình trạng hôn mê và vẫn còn quá sớm để đánh giá vì “hậu quả lâu dài có thể xảy ra do tình trạng ngộ độc nặng”. ■ Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là hệ thống đường ống dẫn khí đốt dài 1.234km chạy dưới lòng biển Baltic, nối Nga với Đức, là tuyến đường ống mở rộng của “Dòng chảy phương Bắc”. Tuyến đường ống chạy qua các đặc khu kinh tế và vùng nước của 5 quốc gia: Đức, Đan Mạch, Nga, Phần Lan và Thụy Điển, đã được xây dựng trong một thời gian dài (bắt đầu từ năm 2016, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2020 hoặc đầu 2021). Bất chấp sức ép phản đối của Hoa Kỳ và Ba Lan cùng các nước Baltic yêu cầu ngừng xây dựng, cho đến nay Berlin vẫn kiên quyết bảo vệ đường ống dẫn khí đốt, tuyên bố rằng đây là một dự án kinh tế thuần túy không có mục đích chính trị. Tags: ĐứcSản phẩm mớiNguyễn Thành TâmMôi trường kinh doanhDoanh nghiệp vừa và nhỏKhí đốtĐầu độc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.