Trong cơn tăng giá của dược phẩm, thuốc nội là điểm tựa

XUÂN MAI 03/06/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Tại TP.HCM, các loại thuốc kháng sinh thiết yếu, thuốc gây mê, hóa trị liệu COVID-19 xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc trở nên khan hiếm. Nguồn thuốc nội địa đã trở thành chỗ dựa, đủ cung ứng cho bệnh nhân với giá bình ổn.

Kháng sinh ciprofloxacin xuất xứ Ấn Độ, loại 500mg có nơi bán giá 1.000 đồng/viên, nơi 1.500 đồng/viên. Ảnh: X.MAI

 Khó tìm thuốc Ấn Độ, Trung Quốc

Tìm mua các loại thuốc kháng sinh, kê đơn thiết yếu có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc (amoxicillin, clavulanat, ceptriaxon...), chúng tôi đến chợ sỉ thuốc tây lớn nhất TP.HCM nằm trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) và một số hiệu thuốc lẻ trên tuyến đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Tân Bình), đường Dương Quang Trung (quận 10), đường Thuận Kiều (quận 5)... 

Phần lớn các tiệm thuốc có bán các loại kháng sinh nêu trên nhưng chủ yếu xuất xứ từ Việt Nam. “Ở đây không có bán kháng sinh của Ấn Độ và Trung Quốc, em vào tiệm nào chuyên bán các hãng thuốc của Ấn Độ, Trung Quốc thì may ra mới có”- một chủ tiệm thuốc trong chợ sỉ thuốc tây cho hay.

Chúng tôi đến một tiệm thuốc dạng đó, nhưng trong danh mục các loại kháng sinh chúng tôi đưa ra, chỉ có thuốc kháng sinh amoxiciclin 500mg, giá 68.000 đồng/hộp 100 viên. 

Cũng loại thuốc này khi mua một tiệm kế bên có giá 65.000 đồng/hộp 100 viên. 

Tại một tiệm thuốc bán lẻ trên đường Cách Mạng Tháng 8, quận Tân Bình, một nữ nhân viên cho biết cửa hàng này có bán các loại thuốc kháng sinh dạng uống, nhưng không có thuốc kháng sinh dạng chích.

“Hàng bây giờ chủ yếu là của Việt Nam. Vì dịch COVID-19 nên một số sản phẩm Ấn Độ không nhập khẩu được. Trong mấy loại chị cần chỉ có ciprofloxacin là xuất xứ Ấn Độ, loại 500mg, giá 1.000 đồng/viên” - cô cho biết.

Qua khảo sát, giá một số thuốc kháng sinh như ciprofloxacin, amoxicillin có xuất xứ từ Ấn Độ giữa các tiệm thuốc không chênh lệch quá nhiều.

So sánh với giá trên các cửa hàng online, giá các loại thuốc chênh lệch từ 1.000 - 1.500 đồng/viên. 

Riêng các loại thuốc liên quan đến hóa trị liệu COVID-19 và viêm phổi như hydroxycloroquin, cloroquin và một số thuốc kê đơn cho bệnh nhân có dấu hiệu suy hô hấp điều trị trong các đơn vị chăm sóc tích cực như azithromycin, dopamine... hiện không có bán trên thị trường.

Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y dược TP.HCM) cho biết những loại thuốc này phải nhập khẩu và chỉ lưu hành trong các bệnh viện để điều trị những bệnh nhân viêm phổi nặng, suy tim, đông máu... 

Một bác sĩ thuộc Chi hội truyền nhiễm TP.HCM cũng cho biết các thuốc trên chỉ dùng cho bệnh nhân khi bị viêm phổi bội nhiễm, suy hô hấp khả năng tử vong cao và thường do virus COVID-19 gây ra.

Người dân mua thuốc tại một tiệm thuốc tây ở TP.HCM. Ảnh: Duyên Phan

 Chủ yếu cần oxy, máy thở

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết Việt Nam nói chung và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nói riêng hiện chưa thiếu các loại thuốc trên. 

Các công ty dược trong nước vẫn đang sản xuất các loại thuốc thiếu yếu này, đảm bảo nhu cầu cho các bệnh viện. Tuy nhiên, theo bác sĩ Châu, quá trình điều trị đa số bệnh nhân COVID-19 không cần các loại thuốc đó, chỉ dùng cho dưới 1% bệnh nhân nặng.

“Với bệnh nhân COVID-19 thì oxy, máy thở mới là thứ quan trọng nhất” - bác sĩ Châu nhấn mạnh.

Nói về chất lượng thuốc Việt Nam trong việc thay thế được thuốc ngoại, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức cho biết thuốc sản xuất trong nước khi lưu hành trên thị trường phải đạt được chứng nhận GMP (Tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt) do Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, vì thế chất lượng thuốc trong nước vẫn đảm bảo, đáng tin cậy.

Ông Phan Văn Mến, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, cho biết hiện đơn vị chưa nhận phản ảnh nào từ phía các bệnh viện và người dân tại TP.HCM về việc thiếu hay tăng giá các loại thuốc kháng sinh thiết yếu, thuốc liên quan đến hóa trị liệu cho bệnh nhân COVID-19. 

“Nguồn thuốc vẫn cung ứng đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người bệnh nói chung và đặc biệt bệnh nhân mắc COVID-19” - ông Mến nhấn mạnh.■

Việt Nam trong tầm kiểm soát

Tại Việt Nam, thuốc, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, trang bị bảo hộ cá nhân, dụng cụ y tế vẫn được cung cấp bình thường phục vụ nhu cầu của nhân dân trong điều trị và phòng chống dịch bệnh nói chung, dịch Covid-19 nói riêng. Hiện nay tình hình chất lượng thuốc và sản phẩm bảo vệ sức khỏe đang trong tầm kiểm soát.

Tuy vậy, cần tiên liệu các biện pháp bảo đảm nguồn cung dược phẩm, sản phẩm bảo vệ sức khỏe và dụng cụ, trang thiết bị y tế cho trường hợp bất trắc. 

PGS.TS Lê Văn Truyền (chuyên gia cao cấp dược học)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận