TTCT - Đầu tháng 7 vừa rồi, hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập trước chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam để yêu cầu rút các khoản tiết kiệm bị đóng băng suốt 4 tháng qua. Người dân Trung Quốc biểu tình đòi ngân hàng trả tiền. Dòng chữ trên băng-rôn: "Ngân hàng Nông thôn Hà Nam, trả lại tiền tiết kiệm cả đời cho tôi. Ngân hàng Hà Nam lừa đảo gần 30 tỉ tệ tiền gửi của hàng triệu người dân khắp cả nước". Nguồn: udn.comCuộc biểu tình như giọt nước tràn ly sau khi sự việc kéo dài không được giải quyết. Trước đó, vào ngày 18 và 19-4, bốn ngân hàng ở vùng nông thôn Hà Nam gồm Ngân hàng Nông thôn Hạ Châu Tân Dân Sinh, Ngân hàng Nông thôn Thượng Thái Huệ Dân, Ngân hàng Nông thôn Chá Thành Hoàng Hoài, Ngân hàng Nông thôn Khai Phong Tân Đông Phương thông báo nâng cấp hệ thống, tạm dừng dịch vụ ngân hàng trên Internet và trên di động. Do tình trạng treo truy cập kéo dài suốt nhiều tháng, khách hàng lo lắng vì không rút được tiền đã phản ảnh khắp nơi. Hàng chục ngàn khách hàng đã gửi tiền tiết kiệm với tổng cộng lên đến 40 tỉ tệ (khoảng 6 tỉ USD) ở bốn ngân hàng này.Khoản tiết kiệm bị "đóng băng"Ngày 30-4, Ủy ban Điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) chính thức lên tiếng rằng họ đang phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra và xác minh sự việc. Tất cả các giao dịch hợp pháp đều được pháp luật bảo vệ, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được bảo vệ.Đến ngày 20-5, CBIRC thông báo vụ việc liên quan đến một số cá nhân khác, tình tiết phức tạp. Cổ đông lớn nhất của bốn ngân hàng này là Tập đoàn Tân Tài Phú đã lợi dụng các nền tảng tài chính trực tuyến bên thứ ba thu hút vốn, có dấu hiệu phạm tội và đang bị điều tra.Ngày 18-6, Công an thành phố Hứa Xương cho biết đã khởi tố vụ án với Tập đoàn Tân Tài Phú, bước đầu xác định từ năm 2011 đến nay, một nhân vật họ Lữ là người đứng đầu công ty đã lợi dụng các ngân hàng nông thôn để thực thi nhiều hành vi phạm tội. Hiện vụ án được tiếp tục điều tra và cơ quan công an đã bắt được một số nghi phạm, phong tỏa một số tài sản.Đến ngày 11-7, các chi nhánh của CBIRC tại tỉnh Hà Nam và An Huy đã khẳng định khách hàng của bốn ngân hàng có số tiền gửi từ 50.000 tệ (khoảng 7.400 USD) trở xuống sẽ được hoàn trả trước. Việc trả nợ cho khách hàng đã bắt đầu từ ngày 15-7. Tuy nhiên, các tài khoản bị nghi ngờ có liên quan đến những hoạt động bất hợp pháp hoặc nhận được lãi suất cao từ các kênh khác sẽ không được hoàn trả.Trong cuộc họp báo ngày 13-7, ông Tôn Thiên Kỳ, cục trưởng Cục Ổn định tài chính Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, phải ra thông báo trấn an, nói rủi ro ngân hàng của nước này trong tầm kiểm soát, 99% tài sản trong phạm vi an toàn. Theo đánh giá xếp loại của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quý 4-2021, trong 4.398 ngân hàng tham gia khảo sát, 4.082 ngân hàng có mức rủi ro từ 1-7, chiếm 93% số lượng và 99% quy mô vốn các ngân hàng được khảo sát; 316 ngân hàng xếp hạng 8, tức mức độ rủi ro cao, chiếm 7% số lượng và 1% quy mô vốn.Đủ kiểu huy động vốnNgân hàng nông thôn ở Trung Quốc được thí điểm thành lập từ năm 2006, đến nay đã qua 16 năm phát triển. Ngân hàng nông thôn đầu tiên - Ngân hàng Nông thôn Nghi Long Huệ Dân (Tứ Xuyên) - có vốn điều lệ 2 triệu tệ. Những ngân hàng nông thôn này mặc dù quy mô nhỏ nhưng về số lượng lại là nhiều nhất nước. Theo số liệu của CBIRC, tính đến cuối năm 2021, Trung Quốc có 1.651 ngân hàng nông thôn, chiếm 36% tổng cơ quan tài chính ngân hàng. Ngân hàng nông thôn phân bổ ở 31 tỉnh thành Trung Quốc, trong đó tỉnh Sơn Đông đứng đầu với 126 ngân hàng, Hà Bắc 110, và Hà Nam đứng thứ 3 với 86 ngân hàng. Thống kê của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy quý 2-2021 có 122 ngân hàng nông thôn có mức rủi ro cao, chiếm 29% các tổ chức tài chính có rủi ro cao.Theo đánh giá của giáo sư Vạn Triết Hệ, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, trên trang thepaper.cn, ngân hàng nông thôn phải đối mặt với hai khó khăn: một là do phạm vi phục vụ là "tam nông", ở vùng nông thôn thu nhập thấp, nên khả năng thu hút nguồn tiền gửi rất khó; hai là các doanh nghiệp ở nông thôn phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, nên rủi ro và chi phí cao. Để hoàn thành chỉ tiêu huy động vốn, các ngân hàng nông thôn đã phải đưa ra nhiều chương trình huy động với lãi suất tiền gửi cao, rủi ro lớn. Lãi suất huy động ở các ngân hàng này thường cao hơn các ngân hàng thương mại thông thường 0,25 - 0,75 điểm phần trăm.Trước đó, vào 20-6, bốn ngân hàng dính bê bối ở Hà Nam đã yêu cầu khách hàng khai báo lại thông tin tiền gửi như thời gian, số tiền, tên gói tiết kiệm, kỳ hạn, lãi suất, kênh giao dịch... Trong mục địa điểm giao dịch, ngoài 4 kênh giao dịch chính của ngân hàng, tờ Thanh niên Bắc Kinh phát hiện trong bảng thông tin còn liệt kê 34 nền tảng số của bên thứ ba với hàng loạt những app tài chính, ví tiền điện tử... rất đáng ngờ.Đa số khách hàng của bốn ngân hàng này gửi tiền qua app của kênh thứ ba đó. Họ thường chọn gói tiền gửi tiết kiệm 3-5 năm, cho phép rút tiền trước kỳ hạn. Đổi lại, họ phải sử dụng phương thức thanh toán của kênh thứ ba cung cấp. Nếu họ có tiền gửi ở các ngân hàng khác có liên kết thì tiền cũng sẽ chuyển về tài khoản điện tử của ngân hàng nông thôn. Trong khi theo quy định của luật pháp Trung Quốc, các nền tảng trực tuyến kênh thứ ba này lẽ ra không được tiếp xúc trực tiếp với tiền của người dùng.Trước làn sóng gửi tiền qua app ngày càng tăng, tháng 1-2021 Trung Quốc đã ra quy định ngân hàng thương mại không được huy động tiền gửi qua các app bên thứ ba, nhưng quy định này có vẻ đã bị phớt lờ. Các ngân hàng nông thôn thực tế vẫn duy trì một đội ngũ sale tín dụng hùng hậu chuyên săn lùng khách hàng với các chính sách cộng thêm lãi suất nghe rất hấp dẫn và hoa hồng hậu hĩnh. Theo tờ Bắc Kinh thương báo, khi mở sổ tiết kiệm 1 triệu tệ có kỳ hạn 50 ngày, nhân viên sale sẽ chuyển tiền lãi cộng thêm của 50 ngày đó trực tiếp cho khách hàng.Rủi ro hệ thốngTờ Đệ nhất tài kinh trích dẫn báo cáo Nghiên cứu ngân hàng nông thôn 2021 cho thấy tỉ lệ nợ xấu ở các ngân hàng này tăng dần qua các năm từ 3,66% (2018) lên 4% (2020), trong khi tỉ lệ này ở các ngân hàng thương mại bình thường là 2%. Từ năm 2018 đến nay, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã ra tới 1.500 thông báo xử phạt ngân hàng nông thôn, chủ yếu là vi phạm trong hoạt động kinh doanh, rửa tiền, thông tin sai lệch gây hiểu nhầm cho khách hàng, thiếu trách nhiệm trong vay vốn, kinh doanh ngoài lĩnh vực cho phép...Các ngân hàng nông thôn cũng thường xuyên đổi chủ. Tờ Đệ nhất tài kinh nhận định cổ phần phân tán, quản lý lỏng lẻo là vấn đề chung của các ngân hàng nông thôn. Trong tất cả các loại hình ngân hàng, yêu cầu về cổ đông của ngân hàng nông thôn tương đối thấp.Giữa tháng 6, CBIRC đã công bố danh sách 43 cổ đông ngân hàng vi phạm pháp luật (28 cổ đông doanh nghiệp, 15 cổ đông cá nhân) đợt 5. Trong đó đa số là cổ đông của các tổ chức tín dụng nông thôn. Nhà chức trách Trung Quốc nhận định sau thời gian phát triển, ngân hàng nông thôn đã làm được nhiều việc như hỗ trợ khu vực nông thôn tiếp cận vốn và phổ cập dịch vụ tài chính, nhưng nhiều bất cập và lỗ hổng quản lý cũng đã nảy sinh.Rủi ro còn có tính hệ thống khi các ngân hàng nông thôn hiện đều phải nhờ các ngân hàng lớn làm đại lý thanh toán dịch vụ tài chính, giúp họ gián tiếp gia nhập hệ thống thanh toán hiện đại của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ngân hàng thương mại làm đại lý cho ngân hàng nông thôn chỉ là kênh thanh toán tài chính và không chịu trách nhiệm về rủi ro tài chính.Dưới góc độ chuyên gia, ông Chu Mậu Hoa của Ngân hàng Quang Đại nhận định vụ việc ở Hà Nam cho thấy vấn đề chung của các ngân hàng nhỏ, cơ cấu cổ phần phức tạp, quản lý nội bộ chưa hoàn thiện. Còn ông Đổng Hi Diễu, chuyên gia Viện Nghiên cứu tài chính, Đại học Phúc Đán, nhận xét ngân hàng tư nhân ở nông thôn có xuất phát điểm thấp, giá thành vốn cao so với các ngân hàng khác, khả năng định giá lãi suất vay doanh nghiệp nhỏ cũng chênh lệch với ngân hàng lớn. Tất cả tạo thành một hệ thống với rủi ro sóng lan rất đáng ngại một khi sự đổ vỡ xảy ra. ■Do đặc thù kiểm soát thông tin ở Trung Quốc, những câu chuyện ngân hàng đổ vỡ chủ yếu chỉ được chia sẻ qua mạng xã hội. Chẳng hạn, chỉ vì 0,5% lãi suất chênh lệch, có người ở Hàng Châu (Chiết Giang) mở sổ tiết kiệm 10 triệu tệ ở ngân hàng nông thôn tận An Huy, cách đó hơn 400km. Một cư dân mạng là khách hàng của Ngân hàng Nông thôn Hạ Châu Tân Dân Sinh, cũng là người dân Hạ Châu, chia sẻ trên Weixin rằng ngân hàng cách nhà anh có 2km. Anh gửi tiền qua app vì thông tin ghi rõ đó vẫn là tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, có bảo hiểm tiền gửi, dù lãi suất cao hơn trực tiếp tại quầy, nay mới biết là không phải như vậy. Một cư dân mạng khác bày tỏ người dân lâu nay đều rất tin tưởng ngân hàng, luôn nghĩ ngân hàng là của Nhà nước, giờ mới biết chỉ cần 3 triệu tệ là có thể mở ngân hàng. Vì vậy, cư dân mạng kiến nghị: sau này ngân hàng tư nhân không nên gọi là ngân hàng, nên đổi tên thành công ty tài chính thì tốt hơn! Tags: Trung QuốcNgân hàngKhủng hoảng tiền gửiTiền tiết kiệmHà Nam
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng sử dụng điện thoại trong lớp tùy tiện VĨNH HÀ 12/10/2024 Sở GD-ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các nhà trường chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong lớp không phục vụ cho việc học tập.