TTCT- Ngày 18-10, Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, siêu cường mới nổi, và láng giềng của Việt Nam, đang đứng trước bước ngoặt trọng đại trong cả quá trình phát triển kinh tế và xây dựng thể chế. Một bức tranh sàn cổ động nhân đại hội đảng đang vẽ dở. Dòng chữ bên phải: “Lòng tôi mãi hướng về đảng” (ảnh chụp ở Hạ Ấp, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).-Ảnh: AFP Trung Quốc mộng Các tổng thống Mỹ có thói quen mô tả các lãnh tụ Trung Quốc bằng những lời nể phục. Richard Nixon nói trước tác của Mao Trạch Đông “thay đổi thế giới”. Jimmy Carter mô tả Đặng Tiểu Bình “khôn ngoan, cứng cỏi, thông minh, thẳng thắn, dũng cảm, dễ chịu, tự tin, thân thiện”. Bill Clinton gọi Giang Trạch Dân là người “có tầm nhìn” và “trí tuệ khác thường”. Donald Trump thì ca ngợi lãnh tụ Trung Quốc hiện tại, Tập Cận Bình, theo tờ Washington Post, “có lẽ là người có quyền thế nhất” mà Trung Quốc có được trong một thế kỷ. Đương nhiên Trung Quốc còn kém Mỹ về nhiều mặt, nhưng mô hình quản trị ở hai quốc gia khiến cho ngay cả với một nước mà quyền lực tập trung nhiều trong tay nguyên thủ như Hoa Kỳ, quyền lực đó có lẽ vẫn khó sánh với người đứng đầu Trung Quốc. Hơn nữa, Trung Quốc hiện giờ không còn là đất nước nghèo khó của quá khứ, mà là động cơ chủ đạo của tăng trưởng toàn cầu. Cơ sở đó đã giúp ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu nói về “Trung Quốc mộng” - giấc mơ Trung Quốc. Ông nhắc tới ý tưởng đó lần đầu có lẽ là vào tháng 11-2012, sau một chuyến thăm tới cuộc triển lãm “Con đường Phục hưng” ở Bảo tàng Quốc gia, tại quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Triển lãm trưng bày những hiện vật và tác phẩm kể lại “thế kỷ tủi nhục” của Trung Quốc: từ những cuộc chiến tranh nha phiến, tới sự xuất hiện của Đảng Cộng sản và thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Các hiện vật trưng bày kết thúc triển lãm là vỏ bọc điện thoại di động và thiết bị không gian, những thành quả của nước Trung Hoa mới. Trong bài diễn văn, ông Tập đã nói về “giấc mơ Trung Quốc lớn nhất [là] phục hưng đất nước Trung Quốc”. Tiếp nối hành trình đó, Hà Nghị Đình, hiệu phó Trường Đảng trung ương, gần đây viết rằng lịch sử hiện đại của Trung Quốc có thể chia thành ba thời kỳ: thời kỳ của Mao, thời kỳ cải cách và mở cửa (của Đặng Tiểu Bình), và thời kỳ kể từ năm 2012. Lời mở đầu cuốn Tư tưởng Tập Cận Bình, xuất bản hồi tháng 7, cũng nhấn mạnh: “Trung Quốc cần những anh hùng có thể dẫn dắt đất nước vào một thế hệ mới về tư duy và thành tựu, những anh hùng như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình”. Ông Tập là chủ tịch, tổng bí thư, và hồi tháng 7 được báo chí nhà nước gọi là “tư lệnh tối cao”, một danh hiệu được dùng lần gần đây nhất là cho Đặng Tiểu Bình. Gần như tất cả bí thư và chủ tịch ở 31 tỉnh, thành Trung Quốc đã được thay thế dưới thời ông Tập, tương tự là phần lớn chỉ huy cao cấp nhất của Giải phóng quân Trung Quốc. Bài toán lớn nhất của ông Tập, vì thế, không chỉ là tiếp tục sự tăng trưởng kinh tế, mà còn là chỉnh đốn đảng, duy trì sự ổn định của chế độ, và xử lý giới tài phiệt đang ngày càng lộng hành ở Trung Quốc. Tránh đi sai đường Với Tập Cận Bình, đó là đường dẫn tới lụi tàn. Ông viết: “Nếu ý chí thấp, tổ chức lỏng lẻo, kỷ cương và đạo đức không được kiểm soát, [thì] rốt cuộc chúng ta sẽ không chỉ thất bại... mà thảm kịch của Sở Nghĩa Đế [tức Sở Hoài Vương, lãnh tụ chính thức của lực lượng khởi nghĩa chống Tần, nhưng bị Hạng Vũ giết năm 206 trước Công nguyên] có thể tái diễn”. Tuy nhiên, bài học lớn nhất với ông Tập có lẽ không phải là từ lịch sử cổ đại, mà là từ những gì diễn ra rất gần đây: sự tan rã của Liên Xô. Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sự sụp đổ của Liên Xô là thất bại của lòng tự tin từ những người cộng sản Nga, và quyết tâm không để chuyện như vậy xảy ra ở Trung Quốc. Chính ông Tập từng nói những người Nga “không đủ dũng khí” để bảo vệ đảng, và bằng các chiến dịch chỉnh đốn đảng rất mạnh tay của mình, ông đang cho thấy dũng khí và quyết tâm đó. Ông được trang bị kỹ càng cho điều đó. Ông là hiệu trưởng Trường Đảng trung ương giai đoạn 2008-2013, tổ trưởng tiểu tổ lãnh đạo “xây dựng đảng”, và là người dành nhiều thời gian cho các thiết chế đảng hơn ai hết từ thời Đặng Tiểu Bình. Nổi tiếng nhất trong các chiến dịch của ông là chiến dịch chống tham nhũng. Từ năm 2012, cơ quan chống tham nhũng chính, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, đã xử lý kỷ luật với 1,4 triệu đảng viên. Kỷ cương đòi hỏi sự tự chủ. Dưới thời ông Tập, các “cuộc họp sinh hoạt dân chủ” để đảng viên phê bình và tự phê bình đã được tổ chức nghiêm túc hơn hẳn. Kỷ cương đòi hỏi trung thành. Như một bài đăng trên Cầu Thị, tập san lý luận chính của đảng: “Không có lòng trung thành 99,9%. Chỉ có lòng trung thành thuần túy và tuyệt đối 100% và không kém”. Đảng viên trong các công ty - kể cả liên doanh với nước ngoài - cũng bắt đầu đòi quyền phê duyệt các quyết định đầu tư. Giới học thuật và truyền thông cũng được đưa vào khuôn khổ. Ông tăng ảnh hưởng của đảng đối với quân đội bằng cách mở rộng vai trò của Quân ủy trung ương, trao cho quân ủy nhiều công việc trước đây của bên “chính quyền”, như giám sát hậu cần, và các chỉ thị từ văn phòng quân ủy được xem ngang hàng với quy định của quân đội. Trên hết thảy, ông Tập Cận Bình đã dịch chuyển cán cân quyền lực giữa đảng và nhà nước. Quốc vụ viện (chính phủ) trước đây thường chịu trách nhiệm về nền kinh tế, nhưng thiết chế chính về hoạch định chính sách kinh tế hiện nay là tiểu tổ lãnh đạo về tăng cường cải cách, do ông Tập làm tổ trưởng. Vương Kỳ Sơn, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương, đầu năm nay cũng đã tuyên bố: “Không hề có sự tách biệt giữa đảng và nhà nước”. Vai trò mới của người khổng lồ Giấc mơ về một Trung Quốc phục hưng có thể được lòng dân. Và nếu ông Tập có thể khiến Trung Quốc được nể trọng ở nước ngoài, thì Đảng Cộng sản có thể nhận được điều tương tự. Do đó, mối quan tâm thứ nhì của ông là vị thế của Trung Quốc trên thế giới, một mục tiêu giờ có thêm động lực bởi chính sách “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Trump. Tháng 1-2017, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, ông Tập đã hứa ủng hộ toàn cầu hóa, thương mại tự do và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông nói Trung Quốc nên “dẫn đường toàn cầu hóa kinh tế”. Một tháng sau, ông nói thêm rằng Trung Quốc nên “dẫn đường xã hội quốc tế hướng tới một trật tự thế giới mới công bằng và duy lý hơn”. Thiên hạ, dù muốn hay không, phải lưu tâm tới những lời của ông Tập bởi Trung Quốc quả thực có tiềm lực hậu thuẫn cho những phát biểu đó. Sáng kiến “Vành đai và con đường”, chính sách đối ngoại tham vọng nhất của ông Tập, có thông điệp rõ ràng: Hàng trăm tỉ đôla vốn của Trung Quốc sẽ được đầu tư ở hơn 60 nước Á - Âu nhằm xây dựng đường sắt, cảng, nhà máy điện và các cơ sở hạ tầng khác hứa hẹn mang tới sự tăng trưởng mới trên toàn cầu. Nếu thành công, dự án này có thể khiến giao thương Á - Âu, với Trung Quốc là trung tâm, đủ sức cạnh tranh với giao thương xuyên Đại Tây Dương tập trung vào Mỹ. Đó là kiểu lãnh đạo mà Mỹ đã không thể hiện từ thời kỳ hậu chiến với Kế hoạch Marshall ở Tây Âu. Về sức mạnh cứng, Trung Quốc cũng đã tăng cường rất nhiều sức mạnh quân sự và năm nay mở căn cứ hải ngoại đầu tiên, ở Djibouti. Hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập ở những nơi ngày càng xa hơn, như hồi tháng 7, ngay tại cửa ngõ của NATO trên biển Baltic, cùng hạm đội của Nga. Về quyền lực mềm, Trung Quốc từ lâu đã chi tiền cho việc mở các viện Khổng Tử trên toàn thế giới. Nay thì chính quyền cũng đang bỏ tiền vào các cơ sở truyền thông ở phương Tây và cố gắng dùng Hoa kiều làm những người đại diện cho chính sách nhà nước. Còn nhiều vấn đề Về đối ngoại, Trung Quốc sẽ còn nhiều việc phải làm để thuyết phục các láng giềng của họ, khi quá nhiều tham vọng lãnh thổ và những hành vi quân sự đã gây ra lo ngại trong khu vực, dù là ở Đông Nam Á, Đông Bắc Á, hay Ấn Độ. Một trở ngại khác là vấn đề Triều Tiên, khi Bắc Kinh được cho là có thể làm nhiều hơn để ngăn chặn tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Về đối nội, trong thập niên sắp tới, một số vấn đề đã âm ỉ lâu nay có thể trở nên trầm trọng hơn. Môi trường là một bài toán lớn. Nạn thiếu nước - xưa nay là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của Trung Quốc - sẽ trở nên khó xử lý hơn. Không khí và đất nhiễm độc chưa có dấu hiệu suy giảm nhiều hơn. Nhân khẩu học, đi kèm với nó là những câu hỏi kinh tế, là câu hỏi thứ hai cần trả lời. Thế hệ đầu tiên ra đời thời chính sách một con sẽ tới tuổi kết hôn, với tình trạng thừa nam thiếu nữ càng trầm trọng hơn do kiểm soát dân số. Những khoản nợ khổng lồ do các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc tích lũy cũng sẽ phải được xử lý.■ Quyền lực của kinh tế tư nhân Kinh tế tư nhân hiện chiếm 3/4 sản lượng và tạo ra 80% công ăn việc làm trong nền kinh tế Trung Quốc, theo Andy Rothman, chiến lược gia về đầu tư của Hãng Matthews Asia, nói trên The Wall Street Journal. “Nền kinh tế Trung Quốc trong thập niên qua - và vĩnh viễn trong tương lai - sẽ có động lực từ lĩnh vực tư nhân. Đó là điều không thể tranh cãi” - ông Rothman nói. Nhưng ngay cả như thế, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn rất thận trọng với thứ chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát. Các quan chức trong đảng ở mọi cấp nhiều năm qua đều phải tham gia các khóa học tập về sự sụp đổ của Liên Xô, về những hỗn loạn sau đó, và sự nổi lên của một tầng lớp tài phiệt mới giàu có nhờ ăn cắp tài sản nhà nước. Các doanh nhân được khuyến khích gia nhập đảng và tới năm 2016, doanh nhân và phụ nữ chiếm hơn 8% trong tổng số gần 90 triệu đảng viên, theo con số chính thức. Đảng “đã tìm ra cách thức tích hợp lĩnh vực tư nhân một cách khá hiệu quả, họ có nhiều công cụ trong tay”, theo lời Huang Yasheng, một chuyên gia về Trung Quốc ở MIT. Không ai khác, chính ông Tập đã tuyên bố điều đó. Phát biểu với lĩnh vực tư nhân Trung Quốc gần đây, ông nói các doanh nhân phải “tăng cường tự học tập, tự giáo dục và tự tiến bộ”. “Họ không nên thấy khó chịu với đòi hỏi này - ông Tập nói - Đảng Cộng sản có những yêu cầu tương tự và còn nghiêm ngặt hơn với những người lãnh đạo”. Tags: Trung QuốcTập Cận Bình
Phó tổng thống Philippines: Đã bố trí người ám sát Tổng thống Marcos THANH BÌNH 23/11/2024 Phó tổng thống Philippines đã chỉ thị sát thủ giết chết vợ chồng Tổng thống Marcos và chủ tịch Hạ viện Philippines trong trường hợp bà bị sát hại.
Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai phi công lái máy bay Yak-130 gặp nạn NAM TRẦN 23/11/2024 Lễ trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân đã diễn ra vào chiều nay 23-11.
Đề xuất xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng với 1.850 tỉ đồng, năm 2028 đưa vào sử dụng ÁI NHÂN 23/11/2024 Theo dự án, thời gian thực hiện sẽ là 5 năm và năm 2028 hoàn thiện công trình, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Đặt hàng 2 hôm đã có 'shipper dỏm' gọi, dù đơn mới thông quan CÔNG TRIỆU 23/11/2024 Rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Online liên quan đến câu chuyện bị 'shipper' mắng xối xả, lừa chuyển khoản để nhận hàng dù không đặt, cho thấy đây đúng là một vấn nạn đang tồn tại và gây nhức nhối.