Trước một Trung Quốc đang suy yếu?

C. VĂN 06/09/2023 10:41 GMT+7

TTCT - Cách đây chưa lâu, không ít chuyên gia đã dự báo thế kỷ 21 sẽ là "thế kỷ Trung Quốc", nhưng những diễn biến gần đây cho thấy tương lai đó không hề chắc chắn.

Cũng những chuyên gia đó cảnh báo về cuộc đụng đầu Trung - Mỹ, khi "Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới"; và "bẫy Thucydides" sẽ xuất hiện - tình thế khó xử của hai siêu cường, một đang ngự trị và một đang nổi lên, như kiểu Athens và Sparta thời Hy Lạp cổ đại.

Nhưng cùng cuộc tập hợp lực lượng của nhóm BRICS, một vấn đề khác đang khiến tình hình trở nên khó đoán: Bất trắc tương lai trên trường quốc tế có thể không phải bởi Trung Quốc vươn lên, mà là suy yếu, điều đã bộc lộ rõ ràng hơn qua những số liệu kinh tế ảm đạm thời gian vừa rồi.

Ảnh: China Daily

Ảnh: China Daily

Tác động tới cả thế giới

Một Trung Quốc gặp khó khăn cũng có thể gây nhiều rắc rối địa chính trị không kém một Trung Quốc tìm cách vươn lên thoát khỏi sự kiềm chế của Mỹ.

Sức mua giảm đi từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dù là với lúa gạo của Việt Nam, túi xách của Ý, đồng của Zambia, hay thịt bò của Mỹ, chắc chắn sẽ tác động xấu lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Một vài ví dụ: hãng chip Mỹ Qualcomm có 64% doanh số năm 2022 là từ Trung Quốc; với hãng xe Đức Mercedes-Benz là 37%, trong khi Boeing dự báo Trung Quốc sẽ là thị trường cho 1/5 số máy bay thân rộng của họ trong 20 năm tới.

Đó cũng có thể là một cuộc khủng hoảng dài hơn dự tính, nhất là với những quốc gia có quan hệ thương mại - đầu tư chặt chẽ với Trung Quốc. Quy mô tiềm tàng của cuộc khủng hoảng là không thể xem thường: bất động sản và các lĩnh vực liên quan chiếm gần 30% GDP Trung Quốc, theo nghiên cứu năm 2020 của các kinh tế gia Ken Rogoff và Yuanchen Yang. 

Tới lượt nó, lĩnh vực này nhận luồng đầu tư khổng lồ lên tới 2,9 nghìn tỉ đô la từ các hãng cho vay phi chính thức, vốn cũng đang bộc lộ nhiều dấu hiệu rủi ro. Ngay cả nếu Trung Quốc lèo lái qua được cuộc khủng hoảng ngắn hạn, tăng trưởng dài hạn vẫn khá ảm đạm khi dân số đang già hóa nhanh chóng (lực lượng lao động dự kiến sẽ giảm gần 1/4 vào năm 2050), và tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao ngất ngưởng.

Do đó, theo tác giả Bret Stephens trên The New York Times 29-8, nguy cơ không phải là "bẫy Thucydides", mà là "nghịch lý Tocqueville": tình hình trở nên bất ổn và một cường quốc phải hướng vấn đề ra bên ngoài khi những điều kiện kinh tế - xã hội trong nước xấu đi. Một ví dụ là vấn đề Đài Loan. 

Nếu Trung Quốc mạnh lên từng ngày, giới lãnh đạo nước này có thể muốn chờ đợi thêm để tiếp tục củng cố lực lượng và tạo ra ưu thế quyết định trong tương lai. Nhưng nếu dấu hiệu suy yếu bắt đầu xuất hiện, thôi thúc hành động sớm khi còn có thể sẽ lớn dần.

Bốn lằn ranh đỏ

Từ đó, Stephens vạch ra "bốn lằn ranh đỏ" mà Mỹ phải coi là "lợi ích cốt lõi" trong quan hệ của nước này với Trung Quốc: "tự do hàng hải, nhất là ở Biển Đông; an ninh cho Đài Loan và các đồng minh khác (của Mỹ) ở Ấn Độ - Thái Bình Dương; bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ và an ninh quốc gia Mỹ; và an toàn cho công dân Mỹ".

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc yếu đi, Mỹ cũng có thể sẽ muốn giảm thang căng thẳng, như lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói ngày 29-8, sau các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc phụ trách lĩnh vực kinh tế, gồm Thủ tướng Lý Cường và Phó thủ tướng Hà Lập Phong, ở Bắc Kinh. 

"Những cuộc thảo luận này là để duy trì quan hệ thương mại rất trọng yếu giữa chúng tôi", bà Raimondo nói. "Mối quan hệ này tốt cho Mỹ, tốt cho Trung Quốc, và tốt cho thế giới. Quan hệ kinh tế bất ổn giữa Trung Quốc và Mỹ cũng sẽ tác động xấu tới cả thế giới... Và trong khi chúng tôi tất nhiên không bao giờ nhượng bộ trong vấn đề an ninh quốc gia, tôi muốn nói rõ là chúng tôi không tìm cách tách rời với kinh tế Trung Quốc, hay ngăn cản họ phát triển".

Đó cũng là ý kiến của Stephens trên tờ NYT: "Chúng ta không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc, và chúng ta không thể chấp nhận một cuộc chiến tranh nóng. Cách phản ứng tốt nhất với những khó khăn kinh tế của Trung Quốc là sự hào hiệp, có thể bắt đầu bằng cách dỡ bỏ các sắc thuế mà chính quyền Trump đã áp, vốn gây ra rất nhiều tổn hại cho giới doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận