Truyện ngắn Cây gòn suối Phướn

NGÔ PHAN LƯU 24/10/2009 21:10 GMT+7

TTCT - Thôn Năm là thôn miền núi. Dĩ nhiên, đó là một thôn nghèo, nhưng nay cũng bớt nghèo. Nghèo là một khái niệm giãn nở. Nói “bớt nghèo” là nói theo kiểu ngoái lại đằng sau để thấy mình đằng trước.

Truyện ngắn Cây gòn suối Phướn

TTCT - Thôn Năm là thôn miền núi. Dĩ nhiên, đó là một thôn nghèo, nhưng nay cũng bớt nghèo. Nghèo là một khái niệm giãn nở. Nói “bớt nghèo” là nói theo kiểu ngoái lại đằng sau để thấy mình đằng trước.

Thực ra so với thôn khác, thôn Năm vẫn nghèo sát đất. Nhưng bù lại, thiên nhiên ở đây thơ mộng và hùng vĩ. Sông Nhau uốn lượn xanh rờn, thác Đái tung bọt trắng trời, đá Đen chai lì mưa nắng, hòn Ông xé mây ngó trời.

Minh họa: Hoàng Tường

Gia đình cụ Bí ở thôn Năm. Cụ ông cụ bà cùng tuổi con ngựa, nay lên 91. Vợ chồng cùng tuổi lủi củi làm ăn... Đó là ngày trước, còn nay họ làm hết nổi, mà chỉ ăn... Nhưng ăn cũng ít ăn. Nay chỉ muốn nói. Nếu hết giai đoạn nói, chắc là đến giai đoạn im để vào yên lặng vĩnh hằng.        

Tuy lên hàng đại thọ nhưng cụ Bí vẫn chống gậy, liêu xiêu công việc xã hội. Cụ vẫn đương kim tổ trưởng tổ cụ lão thôn Năm.

Anh Thắng phóng viên báo tỉnh lặn lội về thôn Năm tìm con mèo đen nấu cao trị bệnh hen kinh niên cho vợ, nhân tiện được mời dự buổi sinh hoạt tổ cụ lão của cụ Bí. Dự xong anh bó tay, không tài nào viết bài tường thuật được. Anh nhăn nhó nói: “Buổi sinh hoạt phi bài bản. Rối loạn tự do. Buổi sinh hoạt khôi hài, nhưng đột ngột lại thương cảm vô song”.

Cuộc họp tiến hành khoảng 10 giờ sáng, không sớm hơn được vì còn lạnh các cụ chưa dậy. Hơn nữa, người già làm khâu vệ sinh cá nhân buổi sáng chậm hơn rùa. Đấy là chưa nói các cụ bước đi cũng chậm hơn rùa. Nơi họp tổ cụ lão là căn phòng lớp 2 mượn của trường tiểu học thôn Năm.

Đặc biệt các cụ ở thôn Năm ghiền họp. Hai chân còn cục cựa là còn đi họp. Có cụ chống đến hai gậy, khệnh khạng dò từng bước, vẫn đi họp. Họp là nhiệm vụ mà cũng là thú vui. Sau khi lề mề đến đông đủ, cụ Bí tổ trưởng chọt gậy rù rờ tiến lên bàn cô giáo. Dáng cụ đi uể oải như con lạc đà băng qua sa mạc. Cụ ngồi vào ghế cô giáo, khoanh tay lên mặt bàn, mắt nhìn chằm chằm xuống lớp, nhưng chưa chắc đã thấy ai. Cụ e hèm vài cái, cố gắng nói lớn:

“Thưa quý già ngồi ở dưới. Trách nhiệm tổ trưởng ngồi trên này, tôi xin vài lời đưa xuống - cụ Bí dường như nhìn thấy vợ mình ngồi ở hàng đầu. (Tuy vợ chồng nhưng lúc nào họ cũng đi riêng, cụ không biết có cụ bà ở đây). Đột ngột, cụ Bí lên giọng rắn rỏi - Tiền thằng Phát cho tôi, khi nãy bà thu cất rồi nhá. Lạ thật, phụ nữ thôn Năm lạ thật. Họ hạnh phúc tràn trề khi túi thằng chồng rỗng không...”.

Nghe cụ Bí nói thế, chú An thư ký do xã phái xuống liền nói lớn:

“Nói mạt sát thế, cụ tổ trưởng không sợ cụ bà giận à?”.

“Giận cái gì? - cụ gắt lên - Đây là sự thật. Giận cái gì?”.

Như nhớ ra lúc này đang họp, cụ Bí liền dịu giọng, chuyển sang trọng tâm cuộc họp:

“Nhìn nhiều quý già ngồi trong lớp này thấy mặt mày nhăn nhíu như cái bị rách. Chân cẳng và hông đùi lệch lạc. Mắt mũi lèm nhèm, miệng móm riết. Hình xác thật chẳng giống con giáp nào trong 12 con giáp. Tội nghiệp quá chừng. Nhưng trời đất vũ trụ thiên nhiên vạn vật đã bù lại cho quý già nhiều năng lực phi thường hiếm có. Những năng lực phi thường đó là: lỗ tai các già muốn nghe cái gì, cái đó liền có ngay trong lỗ tai. Con mắt các già muốn thấy cái gì, lập tức cái đó có ngay trong mắt. Mà thật ra những cái đó đâu có. Đâu có. Tuyệt đối không. Không bao giờ có. Vậy mà vẫn cứ có như thường. Quái quỷ. Quá phi thường. Sai ráo cả rồi. Trật ráo cả rồi. Con cháu... chúng nó đâu có mở miệng, miệng chúng ngậm cám, vậy mà các già cứ nghe rõ rành rành chúng nó chửi mình thậm tệ. Con cháu... chúng nó đâu có ở đấy, chúng nó vắng mặt, vậy mà cứ thấy chúng nó thò tay xô mình ngã chúi. Quái quỷ. Sai ráo cả rồi. Trật ráo cả rồi. Rõ ràng mới ăn uống đấy, vậy mà muốn đói, lập tức cơm chạy đi đâu mất, mặc dù bụng căng như cái trống chiến. Trật ráo cả rồi. Sai ráo cả rồi. Quái quỷ...”.

Chú An thư ký ngồi cạnh, đập đập vào vai cụ Bí:

“Thưa tổ trưởng, đi vào trọng tâm hội nghị. Không mở rộng vấn đề quá trớn”.

Cụ Bí quay lại nhìn chú An, gật đầu, nói tiếp:

“Tôi biết rồi. Chú thư ký yên trí. Cụ bà Mõ Làng kia - cụ Bí chỉ tay xuống lớp - là giỏi chuyện “phi thường” này nhất. Con, cháu, chắt, chít... làm sao sống nổi với cụ? Hả? Làm sao chúng thở được với cụ? Hả? Từ ngày chồng cụ cỡi bò quy tiên, cụ đã biến chứng tánh nết nghiêm trọng. Quái quỷ. Sai ráo cả rồi. Trật ráo cả rồi... Phi thường cái chó gì? Còn cụ Chín Sách kia nữa, cái miệng sắp ăn đất rồi, phải tu tỉnh lại chớ. Phải nhìn trẻ nhỏ như nhìn con gà con mới đẻ. Phải thương con gà con chớ! Chửi rủa chúng là ngon à? Trẻ con là đạo đức. Ngón tay, đầu gối, con chim, hòn dái... của chúng, thảy thảy đều đạo đức cả. Quái quỷ. Bọn già mình sai ráo cả rồi. Trật ráo cả rồi”.

“Xin phép tổ trưởng. Tôi xin phát biểu” - cụ Chín Sách giơ tay.

Cụ Bí khoát tay:

“Cụ Chín hãy bỏ tay xuống. Tôi chủ trì, tôi nói trước. Nhiệm vụ của tôi là phải nói trước. Cụ hội viên, cụ nói sau. Nhiệm vụ của cụ phải nói sau. Tôi đang nói. Tôi nói chưa xong. Bây giờ tôi nói xong. Mời cụ phát biểu”.

Cụ Chín Sách ho một tràng, nói yếu ớt:

“Việc tôi chửi rủa con cháu có xảy ra năm ngoái chỉ một lần. Năm nay hết rồi”.

“Phát biểu bao nhiêu thôi à?” - cụ Bí hỏi.

“Hết rồi” - cụ Chín Sách trả lời.

Cụ Bí tổ trưởng nói tiếp:       

“Tôi cảm ơn cụ Chín Sách đã thành khẩn. Tôi nay 91 tuổi. Cũng không mấy bữa nữa đất ăn tôi, tôi ăn lại nó. Sợ gì! Việc này tôi tính rồi. Tổ cụ lão thôn Năm đã làm đơn xin hạ cây gòn suối Phướn để xẻ ván hòm. Cây to lắm. Cụ nào chết trước được ưu tiên hưởng quan tài gỗ gòn. Tôi báo tin trước như thế để mừng, nhưng cứ để tự nhiên đào thải, tuyệt đối không được tranh nhau chết trước. Việc chết là đại sự, đừng dại dột nhúng tay vào. Bây giờ, mời cụ Chín Sách phát biểu ý kiến”.

“Tôi phát biểu rồi” - cụ Chín Sách gắt gỏng.

“Xin lỗi, tôi quên” - cụ Bí nói ngay.

“Cho tôi nói” - cụ bà Bí giơ tay, nói to.

Cụ Bí tổ trưởng hét:

“Bà là vợ tôi... về nhà hãy nói”.

Chú An thư ký đập vai cụ Bí:

“Không được ỷ làm tổ trưởng độc tài quân phiệt, gia đình trị. Cứ để cụ bà nói”.

Cụ Bí liền dịu giọng:

“Cho bà nói”.

“Tôi nói cho ông biết - cụ bà Bí chồm tới, xỉa bàn tay ra phía trước - Tiền ông tôi giữ là còn, ông giữ là mất. Việc nhà ông đem phô bày ra hội nghị làm chi? Ông đã hiểu thủng chưa? May mà con “chim” nó dính trong người ông, nếu nó rời ra, ông cũng làm mất. Con người ông không thể giữ tiền được nên tôi phải giữ. Hiểu chưa? Còn việc quan tài cây gòn, ông là tổ trưởng cụ lão thôn Năm, buộc ông phải có một cái. Chưa chết cũng phải có một cái cất đấy để dành. Đến cái hòm mà ông không giành được, ông làm tổ trưởng chi? Chưa hết, ông răn dạy cụ Chín Sách, ông phê phán bà Mõ Làng... Còn ông thì sao? Nói tôi nghe? Đít mình be bét, lại hét đít khác lèm nhèm. Là sao? Ông nói tôi nghe?”.

Chú An gõ cốc cốc xuống mặt bàn:

“Không được mở rộng vấn đề quá trớn. Đi vào trọng tâm sinh hoạt hội nghị”.

Cụ bà Bí nghe thế, lớn tiếng:

“Trọng tâm sinh hoạt hội nghị nằm chỗ nào, chú chỉ tôi coi? Nó nằm ở chỗ nào?”.

Cụ Bí tổ trưởng lập tức lên tiếng thay chú An:

“Trọng tâm cuộc họp nằm ở quan tài cây gòn”.

Chú An thư ký mừng rơn, lật đật lặp lại:

“Trọng tâm cuộc họp nằm ở quan tài cây gòn”.

“Vậy thì ông tổ trưởng phải lãnh một quan tài cây gòn. Ông không dùng thì tôi dùng. Không nói lôi thôi” - cụ bà Bí xẵng giọng.

Cụ Bí tổ trưởng ho ho vài tiếng, ráng sức nói lớn tiếng, rành mạch:

“Thưa nhiều quý già. Nhân đây nhờ chú An thư ký ghi vào biên bản rằng tôi đề nghị cụ Phốc làm tổ trưởng cụ lão thôn Năm thay tôi. Có một hội viên như bà vợ tôi lạc vào, tôi thật sự không làm nổi chức tổ trưởng”.

Chú An phản đối:

“Không được. Việc này có ủy ban nhân dân xã lo liệu. Chừng nào cụ “thăng” hẵng hay. Không lo xa như thế. Không vì rắc rối nhỏ mà buông xuôi đại sự. Gian nan là nợ anh hùng phải vay”.

Cụ Bí gãi gãi vào má phải, má trái rồi vào trán:

“Thế thì tôi phải đảm trách tiếp trọng trách tổ trưởng vậy. Phải chi không có phụ nữ trên cõi đời này - xin lỗi tôi đã vơ đũa cả nắm - Tôi xin nói lại, phải chi không có những bà vợ - Ồ, tôi lại xin lỗi vì vơ đũa cả nắm - Phải chi không có vợ tôi... Giờ thì chính xác rồi, hẳn là sự việc đơn giản hơn nhiều”.

Cụ bà Bí chồm lên:

“Ông đúng là thứ qua sông dìm thuyền, khỏi rào quào dái, ăn cháo đá bát...”.

Chú An thư ký gõ ngón tay lia lịa xuống bàn:

“Biết cả rồi. Không được mở rộng vấn đề quá trớn. Đi ngay vào trọng tâm cuộc họp. Xin mời cụ tổ trưởng tiếp tục. Xong sớm nghỉ sớm”.

Cụ Bí e hèm vài cái, cố gắng nói lớn tiếng:

“Với tư cách tổ trưởng tổ cụ lão thôn Năm, xã Liên Phức, huyện Tổng Trạch, tôi xin phép nói ngắn gọn rằng cuộc đời con người là sự nỗ lực dài hơi để đi vào quan tài. Đi vòng, đi quanh, đi tránh... rồi cũng nhắm cái quan tài mà đến. Riêng quý già ở đây là thành phần ưu tú đi tới sát quan tài mà chưa có quan tài. Thế nên tôi quyết định xẻ ván hòm cây gòn dự trữ cất đấy như phần thưởng để phụng sự việc này. Đơn xin phép hạ cây gòn đã gửi ủy ban nhân dân xã duyệt rồi. Cụ nào thật sự “vào” hòm mới xuất ván đóng quan tài. Không nên đóng quan tài trước mà cụ ấy còn nhởn nhơ bên ngoài. Nếu đóng quan tài trước bỏ đấy, người các thôn khác sẽ mượn ngay. Mà các già quá rành chuyện này rồi. Người nằm trong hòm... thì đời nào họ trả cái hòm đang nằm cho người bên ngoài cái hòm. Ngắn gọn như thế có gì khó hiểu không? Các già có ý kiến gì không? Hơn nữa, cây gòn ấy là cây gòn lâu đời lâu kiếp, gỗ rất xốp, mau mục mau tiêu cho con cháu mau phát đạt thịnh vượng, thế nên không nên vì lý do gì mà để cho người xã khác, thôn khác nằm vào”.

Có tiếng ồm ồm cuối phòng vang lên. Đó là cụ Bảy Tro:

“Tôi có chút ý kiến”.

“Xin mời” - cụ Bí lịch sự xìa tay ra phía trước.

Cụ Bảy Tro nói:

“Ban nãy ông “kình” vợ ông quá nặng. Bà ấy đang khóc kia kìa”.

Nghe thế, mọi cụ đều quay nhìn cụ bà Bí. Đúng là cụ bà Bí đang khóc. Cụ Bí tổ trưởng liền nói một cách bình thản:

“Bà vợ tôi nãy giờ không khóc. Rõ ràng không khóc. Cụ dựng chuyện ra, bà ấy nghe tủi thân khóc thật. Bà cười lên nào? Chùi nước mắt, cười lên nào? Cười hoành tráng lên nào? Bà nghe lời tôi hay nghe lời thằng cha Bảy Tro?”.

“Không nghe lời ông thì nghe lời ai? - cụ bà Bí quệt nước mắt, cười mếu trông rất ngộ nghĩnh. Cả phòng nhìn thấy cũng cười theo. Mười hai nụ cười đều ngộ nghĩnh cả.

Chú An thư ký lại gõ cốc cốc xuống bàn:

“Yêu cầu không mở rộng vấn đề quá trớn. Đi vào trọng tâm hội nghị”.

Lúc này có tiếng xe máy chạy vào. Tiếng xe nổ đùng đùng như súng khạc đạn. Đó là cụ Phiên chủ nhiệm hội người cao tuổi xã Liên Phức do ông Đức xã đội trưởng chở tới. Cả hai cùng đi vào.

Chú An lật đật nhường chỗ cho cụ Phiên. Riêng ông Đức đứng khoanh tay dựa lưng vào vách phòng, mặt mày có vẻ đè nén tức tối đang dâng lên. Vừa ngồi vào ghế, cụ Phiên tra kính lão vào mắt, cụ nói ngay, giọng căm phẫn:

“Thưa các cụ ông cụ bà bất hạnh của thôn Năm. Cây gòn đại lão bìa suối Phướn không còn nữa. Bọn trộm dùng cưa máy đẵn mất tối hôm qua. Chúng xả ván tại chỗ và chở đi trong đêm. Vậy mà xã ta vẫn không hề hay biết. Thế có tức không? Thế có giận không? Thế có lộn gan lộn ruột ra khỏi cơ thể không? Xã đang tiến hành điều tra. Quyết chí điều tra. Xin lưu ý các cụ cũng phải có trách nhiệm điều tra theo kiểu các cụ. Tôi thông báo hung tin này cho các cụ biết. Các cụ hãy bình tĩnh để giữ gìn sức khỏe. Tôi xin phép đi lo công việc. Chúc các cụ ra về cẩn thận”.

Cả phòng họp im lặng. Một sự im lặng nặng nề đến ngạt thở. Khuôn mặt cụ tổ trưởng Bí xám xịt như đất sét. Hai tay cụ bấu mạnh vào cạnh bàn như đang bóp cổ bọn trộm.

Tiếng nổ đùng đùng của chiếc xe máy ho lao hiệu Simson cứ xa dần xa dần...

NGÔ PHAN LƯU

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận