Từ câu chuyện thuế, ngẫm về bức tranh ngân sách

HUỲNH THẾ DU 03/05/2018 00:05 GMT+7

TTCT - Những đề xuất thuế khóa liên tục gần đây của Bộ Tài chính, đỉnh điểm là thuế tài sản, đã làm công chúng hết sức bức xúc. Tại sao người dân lại phản ứng mạnh mẽ như vậy? Và liệu có cách tiếp cận nào khác dung hòa cho cả hai phía?

Tuyến đường NT18 và N5, dài 19km, vốn đầu tư 700 tỉ đồng, đi qua huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đã trở thành... sân phơi nông sản. Ảnh: Trường Trung
Tuyến đường NT18 và N5, dài 19km, vốn đầu tư 700 tỉ đồng, đi qua huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đã trở thành... sân phơi nông sản. Ảnh: Trường Trung

 

Trên cõi đời này không có bất kỳ điều gì là chắc chắn, trừ thuế và cái chết. Thành ngữ này nói lên tính tất yếu của thuế khóa, nhưng không ai muốn nộp thuế. Do vậy, bất kỳ sắc thuế nào được đưa ra đều vấp phải sự phản đối từ công chúng. Vấn đề này đang trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam do gánh nặng thuế khóa quá cao đi liền với việc chi tiêu ngân sách nhà nước kém hiệu quả.

90% vốn cho đầu tư phát triển từ vay nợ

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (biểu đồ 1), thu ngân sách, không bao gồm các khoản viện trợ, so với GDP giai đoạn 2000-2016 (tính bình quân đơn giản) của Việt Nam lên đến 22,6%, trong khi bình quân các nước châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm các nước phát triển) chỉ có 13,1%. Với một năm điển hình (2013) mà tất cả các nước có số liệu thì Việt Nam cũng cao hơn hẳn.

Biểu đồ 1: Thu ngân sách không bao gồm các khoản viện trợ so với GDP (%)
Biểu đồ 1: Thu ngân sách không bao gồm các khoản viện trợ so với GDP (%)

 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2007-2016, thu ngân sách so với GDP của Việt Nam gần 24,7% GDP, chi ngân sách hơn 29,6% GDP và thâm hụt ngân sách lên đến 5% GDP (biểu đồ 2). Đây cũng là những mức cao nhất so với nhóm nước nêu trên. Hơn thế, nếu tính các khoản chi phí không chính thức như các loại “lót tay”... thì tổng số “thuế” mà người dân và các doanh nghiệp phải đóng còn cao hơn rất nhiều.

Biểu đồ 2: Thu và chi ngân sách của Việt Nam so với GDP giai đoạn 2007-2016
Biểu đồ 2: Thu và chi ngân sách của Việt Nam so với GDP giai đoạn 2007-2016

 

Vấn đề đáng quan tâm là trong những năm gần đây, nguồn thu ngân sách chỉ đủ chi tiêu thường xuyên và trả nợ. Vốn đầu tư phát triển về cơ bản là phải đi vay làm cho nợ công của cả nước gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, trong 5 năm qua, nợ công của Việt Nam đã tăng từ 54,5% GDP lên 61,3% GDP và tăng tuyệt đối 1,173 triệu tỉ đồng. Tổng vốn cho đầu tư phát triển từ ngân sách trong cùng giai đoạn là 1,316 triệu tỉ đồng. Như vậy, 90% vốn ngân sách cho đầu tư phát triển là từ vay nợ.

Sự phình to và kém hiệu quả của bộ máy đã ngốn nhiều ngân sách và chính sách phân bổ ngân sách giữa các địa phương đang rất bất cập. Chính sách này không khuyến khích các địa phương làm tốt hơn vì những nơi khó khăn thì được rất nhiều ngân sách để chi tiêu rất lãng phí, trong khi những nơi có điều kiện làm cho cái bánh to hơn thì đang bị vắt kiệt.

Thêm vào đó, những thông tin về tiêu cực, lãng phí, tham nhũng xuất hiện hằng ngày trên các phương tiện truyền thông với tần suất rất cao đã tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân. Do vậy, lập luận tập trung vào hiệu quả chi tiêu khác trở nên phổ biến cũng là điều dễ hiểu.

Những trục trặc của cấu trúc nguồn thu ngân sách

Cơ cấu thu ngân sách Việt Nam hiện nay đang gặp phải vấn đề về bền vững và công bằng. Về tính bền vững, nguồn thu đang phụ thuộc khá nhiều vào tài nguyên, thuế nhập khẩu và các nguồn thu một lần như chuyển nhượng đất đai chẳng hạn. Hai nguồn thu đầu tiên đang giảm dần.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2007 nguồn thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu chiếm 24,37% và 12,15% trong tổng thu ngân sách và đã giảm xuống còn 3,65% và 8,47% vào năm 2016. Theo dự toán ngân sách năm 2018 thì thuế xuất nhập khẩu chỉ còn có 7,9%. Với xu hướng mở cửa và cắt giảm thuế quan đang xảy ra thì loại thuế này sẽ chỉ còn dưới 5% trong một tương lai không xa.

Trong kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã nêu: “Tỉ lệ thuế trên GDP giảm từ 25,4% giai đoạn 2006-2010 xuống 21,6% giai đoạn 2011-2015, chủ yếu là do giảm giá dầu và dự trữ dầu mỏ... tổn thất thu từ việc thực thi các cam kết, ràng buộc về việc cắt giảm và loại bỏ thuế quan khi tham gia vào các tổ chức, cộng đồng kinh tế quốc tế và khu vực có khả năng sẽ ảnh hưởng đến thu trung hạn và đồng nghĩa với việc ngành thuế cần có những chính sách, giải pháp phù hợp để nâng cao nguồn thu ngân sách từ nội địa bù đắp cho khoảng thiếu hụt trên để đảm bảo số thu cho ngân sách nhà nước”.

Thêm vào đó, phần thu từ chuyển nhượng đất (một lần) cũng chiếm những tỉ phần đáng kể trong cơ cấu thu ngân sách hiện nay. Nguồn này dự kiến cũng sẽ giảm trong tương lai khi mà nguồn đất công cũng dần cạn kiệt.

Thứ hai, cơ cấu thuế hiện tại không đảm bảo tính công bằng mà ở đó những người có khả năng nộp thuế như nhau phải nộp thuế như nhau (công bằng ngang) và những người có khả năng nộp thuế cao hơn phải nộp thuế tính theo tỉ lệ cao hơn (công bằng dọc).

Xét về công bằng ngang, hiện đang tồn tại ít nhất hai bất cập. Thứ nhất, thuế thu nhập cá nhân chủ yếu là thu từ lương và một phần thu từ những người trúng thưởng xổ số. Trong khi đó, những người đang có các nguồn thu rất lớn từ các khoản đầu tư hay tài sản về cơ bản là không chịu thuế hay phải nộp thuế chỉ ở mức tượng trưng mà thôi.

Thứ hai, về thuế thu nhập doanh nghiệp thì tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất phổ biến. Điều này tạo ra sự bất công với các doanh nghiệp trong nước. Tình trạng né thuế hay trốn thuế cũng xảy ra đối với các doanh nghiệp dân doanh trong nước. Tuy nhiên, điều này vẫn tích cực hơn so với các doanh nghiệp FDI vì của cải về cơ bản vẫn ở trên lãnh thổ Việt Nam.

Xét về công bằng dọc, với đặc điểm thuế tiêu dùng nói riêng, thuế gián thu nói chung đang chiếm một tỉ phần lớn trong cấu trúc thuế thường làm cho tính lũy thoái (người có thu nhập thấp hơn phải đóng một tỉ phần thuế so với thu nhập cao hơn).

Những việc cần làm

Thứ nhất, với những phân tích nêu trên thì việc đầu tiên mà Nhà nước cần phải làm là cải cách và sắp xếp lại bộ máy để việc sử dụng ngân sách trở nên hiệu quả hơn. Điều này đã được thể hiện trong các nghị quyết của Hội nghị Trung ương VI vừa qua.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào thực tế rằng việc này không thể làm nhanh được vì bản chất cồng kềnh và kém hiệu quả cố hữu của khu vực công. Kinh nghiệm của nhiều nước và cả Việt Nam cho thấy tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả chi tiêu công là bài ca muôn thuở ở nhiều nước, nhưng qua thời gian thì bộ máy vẫn ngày một cồng kềnh hơn.

Thứ hai, cơ cấu lại chính sách phân bổ ngân sách để các địa phương có lợi thế có đủ nguồn lực để phát huy nhằm làm cho cái bánh to hơn chứ không nên duy trì công thức phân bổ theo kiểu người làm tốt bị phạt và người nghèo hay các địa phương khó khăn không có nhiều động cơ vươn lên vì khoản phúc lợi hay ngân sách bị cắt quá lớn khi tốt hơn.

Thứ ba, trong bối cảnh tìm kiếm các nguồn thu mới để bù đắp các khoản hụt thu là việc phải làm thì Nhà nước (cả hệ thống chính trị) nên có những thông tin cụ thể để người dân có thể hiểu được vấn đề nhằm giảm thiểu cảm giác đang bị tận thu cho những chi tiêu kém hiệu quả. Bộ Tài chính, với vai trò của người giữ ngân sách quốc gia, nên có những thông tin cụ thể và những bước đi hợp lý trong việc khai thác những nguồn thu mới đảm bảo hiệu quả, công bằng và tính khả thi.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận