Từ những ngôi nhà nổi Việt Nam

THUẬN AN 12/03/2014 07:03 GMT+7

TTCT - Chuyện một quốc gia phát triển lại quan tâm và muốn học hỏi kiến trúc từ những ngôi nhà nổi trên nước ở Việt Nam vốn dĩ khá tuềnh toàng nghe có vẻ... khó tin. Nhưng đối với kiến trúc sư (KTS) Hans Peter Hagens, đó là chuyện hoàn toàn có thể.


Những phác họa nhà nổi Việt Nam của KTS Hans Peter Hagens




Ở Đan Mạch, Hans Peter Hagens là một KTS tên tuổi. Ở Việt Nam, ông đại diện cho Hội KTS Đan Mạch, cùng hai KTS Việt Nam khác là Nguyễn Hữu Thái và Phó Đức Tùng chấm giải cuộc thi Tài năng kiến trúc 2013 (do Quỹ Trao đổi và phát triển văn hóa Đan Mạch CDEF cùng ĐSQ Đan Mạch tổ chức).

Sự say mê đối với những ngôi nhà nổi trên nước từ Quảng Ninh, Ninh Bình đến vùng ĐBSCL khiến ông nhận xét: “Việt Nam có kỹ thuật xây dựng độc đáo được sử dụng ở những ngôi nhà nổi trên mặt nước. Cấu trúc có bề dày lịch sử và truyền thống này có thể gợi ý đột phá cho kiến trúc phương Tây hiện đại và ngành kiến trúc nói chung”.

KTS Hagens cho rằng Đan Mạch có điều kiện sông nước, tuy không giống hoàn toàn như vùng ĐBSCL, nhưng vẫn có thể áp dụng kiến trúc nhà nổi Việt Nam.

Ông tỏ ra lạc quan: “Thách thức lớn của các thị trấn bên các con kênh ở Đan Mạch là mực nước thường dâng cao sau những cơn bão hoặc đợt mưa lớn. Tuy nhiên, việc được sống trên mặt nước, thiên nhiên thì luôn đẹp đẽ và hấp dẫn. Đó chính là điều mà người phương Tây đang thiếu và họ sẵn sàng trả tiền cho điều này”.

Đánh giá cao nhất của KTS Đan Mạch đối với mô hình nhà nổi trên sông là việc con người có được môi trường sống chan hòa với thiên nhiên xung quanh, được tận hưởng những điều thú vị do thiên nhiên mang lại. Điều đó lý giải vì sao Hans Peter Hagens bị hớp hồn bởi những ngôi nhà nổi vốn dĩ khá đơn sơ, tuềnh toàng... trên các vùng sông nước Việt Nam.

Hơn nữa, ông cho rằng nhịp sống đô thị hóa gia tăng khiến quỹ đất đô thị hẹp lại, giá cả không ngừng đắt đỏ. Nếu nhà thơ Tú Xương khi xưa cho rằng “Phố phường chật hẹp người đông đúc/Bồng bế nhau lên nó ở non”, thì giờ đây KTS Hagens chọn hướng ngược lại: xây nhà nổi trên sông để mở rộng môi trường sống.

Trong vòng hai tháng, Hans Peter Hagens đưa vợ là nhà nhân học Louise Sylvest Vestergaard cùng hai con sang Việt Nam, đi từ Quảng Ninh, Ninh Bình, vùng ĐBSCL... để nghiên cứu, tìm hiểu nhà nổi Việt Nam. Sưu tầm của họ là các bản ghi âm, bản vẽ, chân dung người được phỏng vấn... liên quan đến kiến trúc, con người, môi trường sống trên nhà nổi.

Nói về công việc của KTS Hagens, KTS Nguyễn Hữu Thái nhận xét rằng ở Việt Nam thì kiến trúc chỉ đơn thuần là kiến trúc, chỉ có vẽ nhà, xây nhà. Còn đối với phương Tây, kiến trúc còn liên quan sâu rộng hơn đến các bộ môn xã hội nhân văn khác như xã hội học, nhân chủng học...

KTS Lý Thế Sơn, người cùng hỗ trợ Hans Peter Hagens trong chuyến nghiên cứu, trêu ông rằng sở dĩ các KTS Đan Mạch thường có bạn đời là nhà nghiên cứu xã hội học là để... tiết kiệm, khỏi phải thuê thêm một nhân công khác!

Rõ ràng Hans Peter Hagens được chào đón ở Việt Nam. Đồng nghiệp và công chúng Việt Nam cũng hi vọng nghiên cứu nhà nổi Việt Nam của ông sẽ được cụ thể hóa ở các đô thị ven sông của Đan Mạch trong một thời gian không xa.

Sau khi kết thúc tại ĐH Kiến trúc TP.HCM, vào ngày 10-3 triển lãm nghiên cứu nhà nổi Việt Nam của KTS Hans Peter Hagens tiếp tục diễn ra tại Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích, Hà Nội) từ ngày 25 đến 30-3. Sau đó, triển lãm đến với công chúng Đan Mạch ở thị trấn Holeby, vùng đảo Lolland - Falsters và thủ đô Copenhagen trong tháng 4-2014.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận