TTCT - Đứng vị trí số 1 trên thị trường bán lẻ toàn cầu (năm 2008) rồi liên tiếp tụt hạng, “văng” ra khỏi nhóm 30, để rồi xếp hạng 32 vào năm nay theo công bố “chỉ số thường niên về thị trường bán lẻ toàn cầu (GRDI) năm 2012” của Công ty tư vấn A.T.Kearney (Mỹ), thị trường bán lẻ Việt Nam - nhìn vào thực lực - đang cần những cân chỉnh nào? Sức mua giảm đang làm các nhà kinh doanh siêu thị lo lắng - Ảnh: Thanh ĐạmÔng Phạm Thành Công, đại diện Nielsen Việt Nam, nơi đưa ra một báo cáo đánh giá khác về thị trường bán lẻ Việt Nam với bốn lý do khiến Việt Nam tụt hạng dần các năm qua là: thủ tục cấp giấy phép còn nhiêu khê, khó tìm mặt bằng, chất lượng chuỗi cung ứng kém, chất lượng nguồn nhân lực còn ở mức sơ khai.Ngoài những lý do trên, các chuyên gia còn cho rằng giá thuê mặt bằng quá cao so với các nước trong khu vực cũng như những rào cản thương mại và phi thương mại cũng làm thị trường bán lẻ của chúng ta mất dần sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.Không thể phủ nhận rằng thị trường bán lẻ cũng chỉ là một thành phần (dù hết sức quan trọng) trong toàn bộ nền kinh tế, và vì thế nó không có cơ may nào để một mình phát triển bất chấp khó khăn chung.Những năm 2007, 2008, ngay sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đã đi vào lịch sử đất nước chúng ta với những cột mốc không thể quên: chỉ số VN Index đạt con số trong mơ: 1.170 điểm (cao gần gấp ba lần so với hiện nay) vào tháng 3-2007, và cơn sốt giá bất động sản hai miền Nam - Bắc kéo dài vài năm liên tiếp đã kéo giá nhà, giá đất Việt Nam lên những đỉnh cao khó tưởng tượng ngay cả với con cháu chúng ta.Trong tâm lý hứng khởi chung đó, việc A.T.Kearney đánh giá thị trường bán lẻ của Việt Nam chiếm vị trí hấp dẫn nhất thế giới phần nào bị ảnh hưởng từ kỳ vọng của các nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng của một đất nước đông dân, trẻ trung, năng động, khát khao phát triển, có nhiều năm phải nằm bên ngoài hệ thống kinh tế toàn cầu.Ngon nhưng không dễTuy nhiên, thực tế thị trường bán lẻ nói riêng và các mảng thị trường khác của Việt Nam nói chung có những góc khuất mà có thể các nhà đầu tư nước ngoài không thấy hết, nếu chỉ nhìn từ cửa sổ cao ốc hoặc báo cáo trên màn hình máy tính. Người Việt quen sống trong các đô thị - chợ, nơi mà mọi ngôi nhà có thể là cửa hàng, và mỗi người dân cũng là một giám đốc kiêm nhân viên bán hàng, kiêm kế toán, kiêm mua hàng, kiêm giao nhận và cả dịch vụ hậu mãi! Trong hệ thống bán lẻ nhân dân chằng chịt như thế, những lý thuyết kinh doanh được truyền dạy ở Boston hay London nhiều khi cũng mất phương hướng. Khách hàng Việt Nam chọn nơi mua hàng đôi khi chẳng cần quan tâm đến giá cả, chất lượng dịch vụ, mẫu mã sản phẩm, mà nhiều khi chỉ vì tiện đường đi, có thể dừng xe máy gọi với vào để lấy hàng, hay đơn giản chỉ vì tình làng nghĩa xóm.Hệ thống bán lẻ này đã ăn sâu vào văn hóa Việt, đến mức người dân ở các thành phố lớn được gọi là thị dân, là người kẻ chợ, thậm chí quy hoạch, kiến trúc, giao thông, hạ tầng,... của các đô thị Việt cũng mang những nét điển hình của một khu chợ khổng lồ chứ không phải là các trung tâm công nghiệp, văn hóa, tài chính... như các đô thị châu Âu.Những đặc thù của thị trường bán lẻ truyền thống của Việt Nam đương nhiên tạo rào cản không dễ vượt qua với các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng triệu hộ gia đình đang sống hằng ngày bằng cách bán lẻ hàng hóa cho khách vãng lai và cho nhau sẽ không dễ từ bỏ miếng cơm manh áo của mình trong một sớm một chiều. Thói quen mua hàng khi ngồi trên xe máy, nơi gần nhà cũng làm các siêu thị hiện đại rộng lớn như những ốc đảo tràn ngập hàng hóa mất vẻ thân thiện như nó cố gắng tạo ra.WalMart và triết lý bán rẻTrong khi người Việt vẫn quen với việc hàng hóa định kỳ tăng giá thì bên kia bờ đại dương, WalMart - một trong những tập đoàn giàu có nhất thế giới - đã thành công nhanh chóng chỉ nhờ một triết lý đơn giản: luôn tìm cách bán rẻ nhất cho khách hàng. Thậm chí WalMart quan niệm giá chỉ có thể giảm chứ không bao giờ được tăng.Trong một lần trả lời phỏng vấn, Sam Walton - nhà sáng lập WalMart - phát biểu: “Những doanh nhân vẫn đang cố gắng đẩy giá lên cao ở bất cứ mặt hàng nào sẽ nhanh chóng chuốc lấy thất bại. Bởi họ đã không hề quan tâm đến khách hàng và không đặt lợi ích của khách hàng lên trên. Họ là những kẻ tham lam và rồi chắc chắn sẽ bị đào thải. Chiến lược buôn bán của chúng tôi là thu hút khách hàng bằng cách bán cho họ hàng hóa có chất lượng cao nhất với giá thấp nhất có thể. Nó đã có hiệu quả. Thậm chí rất ít người trong số chúng tôi tin tưởng vào ý tưởng này ngay khi mới khởi nghiệp. Vậy mà họ đã đầu tư vào nó và trở nên nổi tiếng”.Quan điểm kinh doanh của WalMart thật sự đặt quyền lợi khách mua hàng lên trên hết, và giá bán luôn là yếu tố quan trọng nhất trong gói dịch vụ tổng thể của họ. Các nhà cung ứng vừa căm ghét vừa cần WalMart, vì doanh số mua hàng của họ đủ để đảm bảo hoạt động cho nhà cung ứng, nhưng sự kiên định của WalMart trong chuyện đàm phán mua hàng phải “luôn luôn giá thấp” khiến các hãng cung cấp phải tìm mọi cách tối ưu hóa quá trình sản xuất và cung ứng, phải do dự, không dám đề cập đến chuyện tăng giá bán cho WalMart ngay cả khi có những lý do hoàn toàn chính đáng.Chưa thể khẳng định mô hình hoạt động của WalMart có thành công ở Việt Nam hay không, ngay cả khi WalMart chưa bước chân vào thị trường chúng ta, thì các doanh nghiệp khác cũng khó bắt chước được phương thức kinh doanh của họ, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ nội địa vì những nhà cung ứng chắc chắn sẽ không chịu thua nhà bán lẻ địa phương như đã chịu chiều theo những đơn hàng khổng lồ của WalMart.Tuy nhiên triết lý kinh doanh của WalMart là một điều đáng suy ngẫm với tất cả doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ trong ngành hàng bán lẻ. Dù có dùng những mỹ từ lấp lánh đến thế nào khi tiếp thị hàng hóa thì nói cho đến tận cùng, giá cả vẫn là yếu tố quan trọng nhất, đôi khi là yếu tố duy nhất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng.Mô hình nào sẽ chiến thắng?Ví dụ về WalMart cho thấy sự tụt hậu trong bảng xếp hạng thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Thói quen tiêu dùng và hệ thống bán lẻ truyền thống của chúng ta vừa là trở ngại, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ. Nếu không hút được khách mua hàng từ các chợ truyền thống, từ hệ thống cửa hàng khắp mặt tiền đường lớn cho đến hang cùng ngõ hẻm, thì dù tổng doanh thu thị trường bán lẻ có tăng cao đến đâu cũng không có nhiều cơ hội cho nhà đầu tư vào thị trường này.Nhưng nếu họ tạo được thói quen mua hàng mới thì thị trường gần 90 triệu người dân đang khát khao tăng trưởng, chắc chắn sẽ lại một lần nữa bước vào danh sách hấp dẫn nhất với nhà đầu tư toàn cầu. Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam cho thấy dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn trong năm 2012, đặc biệt là chi cho giáo dục, y tế và thực phẩm.Chuyển qua mô hình bán lẻ theo tiêu chuẩn hiện đại, tập trung dường như là một tất yếu của nền kinh tế. Vấn đề có lẽ chỉ còn là thời gian mà thôi. Tuy nhiên, sự thay đổi nào cũng có giá của nó. Kinh nghiệm cho thấy khi WalMart mở cửa hàng ở đâu thì trong vòng bán kính quanh họ vài cây số khó có cửa hàng bán lẻ nào tồn tại được.Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc này với người tiêu dùng, nhưng trong những đô thị - chợ như ở Việt Nam thì việc hàng loạt cửa hàng bán lẻ, từ thực phẩm cho đến quần áo, đồ dùng gia đình, và hàng ngàn mặt hàng thiết yếu khác phải đóng cửa hoặc dở sống dở chết vì không thể cạnh tranh nổi về giá cả với những con khủng long của ngành bán lẻ, chắc chắn cũng mang lại những đổi thay không dễ chịu với khá nhiều người dân.Có rất nhiều việc cần phải lo lắng và hoạch định, hơn là lo lắng cho một bảng xếp hạng thị trường từ một công ty nước ngoài xa lạ. Dù họ có xếp hạng nhất hay hạng 30 thì cũng chỉ thể hiện kỳ vọng của họ, chứ không hẳn là chúng ta đang tồi tệ đi hay đã từng tốt lên nhanh chóng đến như vậy.Tuy nhiên, càng gắn bó với nền kinh tế toàn cầu thì hệ thống bán lẻ kiểu truyền thống của chúng ta càng bộc lộ những điểm yếu. Kiểu cách kinh doanh manh mún, tiểu thương, lạc hậu, đặt giá bán dựa trên giá mua và chi phí chứ không phải dựa theo nhu cầu thị trường đã góp phần làm giá cả bán lẻ của Việt Nam hàng chục năm liên tục chỉ biết tăng và tăng tiếp, hầu như không bao giờ nghỉ ngơi, chứ chưa nói đến chuyện giảm.Mức tăng giá tác động qua lại làm cho lạm phát luôn ở mức cao, chi phí sản xuất và quản lý doanh nghiệp ngày càng lớn, từng bước làm suy giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.__________Ông Vũ Vinh Phú - Ảnh: Từ NguyênTrao đổi về việc phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại hiện nay, ông Vũ Vinh Phú - chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - khẳng định các doanh nghiệp trong nước rất khó trong tiếp cận mặt bằng. Không có giải pháp, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nắm toàn bộ hệ thống phân phối ở VN. Ông Phú nói:Các doanh nghiệp bán lẻ VN hiện đang ở tình trạng rất khó khăn. Tôi không muốn nêu những cái tên cụ thể nhưng phải khẳng định ngay các hệ thống siêu thị hàng đầu của VN, có hệ thống rộng và mạnh ở miền Nam cũng gặp khó khăn chứ không chỉ những doanh nghiệp nhỏ. Các tên tuổi ngoại như Big C, Metro... đang chi phối thị trường.* Thị trường bán lẻ VN từng hấp dẫn nhất nhì thế giới, giờ nằm ngoài top 30, theo ông, có phải sức hấp dẫn thật sự đã mất?- Trong bối cảnh suy giảm kinh tế, sức mua giảm mạnh như hiện nay, độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ của VN bị tụt hạng, theo tôi là dễ hiểu. Tổng kết năm tháng đầu năm, sức mua tại các hệ thống siêu thị của chúng tôi giảm tới 10%.Tồn kho còn nhiều, trừ hàng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng sự tụt hạng trên là tạm thời, tiềm năng và sự hấp dẫn về lâu dài của thị trường bán lẻ VN vẫn rất lớn. Vì thế, hầu hết các "ông lớn" về phân phối như Parkson, Metro, Lotte, Big C... đều đã có mặt ở VN. Vấn đề là làm sao để tận dụng và phát triển, cứ như hiện nay sắp tới các doanh nghiệp phân phối ngoại sẽ kiểm soát thị trường.* Thưa ông, sự khó khăn của doanh nghiệp VN có phải do chính sách mở cửa quá mạnh thời gian qua?- Có thể nói các doanh nghiệp phân phối nước ngoài được mở cửa khá mạnh. Đến nay, họ đang áp đảo với quy mô vốn, trình độ công nghệ, doanh nghiệp VN khó cạnh tranh nổi. Giá một số mặt hàng ở Metro, người ở chợ Đồng Xuân đi mua về cộng thêm 15% lợi nhuận vẫn bán được. Vì họ có kênh thu mua và phân phối trên toàn thế giới, có thể lấy mặt hàng này bù mặt hàng kia, bán giá thấp, khuyến mãi lớn mà vẫn có lãi. Doanh nghiệp chúng ta khó có đủ tiềm lực để làm điều đó.* Chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống bán lẻ đã được Bộ Công thương nói đến nhiều, thực tế ra sao?- Hiện nay, các doanh nghiệp nội muốn có mặt bằng làm siêu thị vẫn rất khó khăn. Chúng tôi gần như không được cho thuê đất, mà phải theo cơ chế giao đất. Có địa điểm chỉ 4.000m2, nhưng muốn có, doanh nghiệp phải nộp 600 tỉ đồng thì tiền đâu ra?Tiếp cận đất đai thực tế rất tốn kém, tất cả cộng vào giá thành. Nghịch lý là tình trạng bất bình đẳng theo hướng ưu tiên doanh nghiệp ngoại lại rất rõ ở lĩnh vực phân phối. Có doanh nghiệp VN, tôi không muốn nêu tên, nói tiếp cận mảnh đất ở tỉnh A mấy tháng trời không được, nhưng khi doanh nghiệp ngoại hỏi thì được ngay. Phải nói thật là các quan chức địa phương một số tỉnh không mặn mà với việc cho doanh nghiệp trong nước thuê đất.* Vậy làm sao để hệ thống bán lẻ VN phát triển tốt và cạnh tranh được với các "ông lớn" nước ngoài?- Cần tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nội và ngoại trong tiếp cận đất đai, khả năng kinh doanh. Quy hoạch phải làm tốt, thực hiện nghiêm. Bộ Công thương cần xắn tay vào cuộc quy hoạch rõ chỗ nào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chỗ nào các trung tâm bán sỉ và điều phối thực hiện, chỗ nào sai yêu cầu làm lại... Các địa phương cũng cần công tâm hơn. Quản lý nhà nước phải trực tiếp xắn tay xem thực tế chứ không nên ngồi ở văn phòng.Không có hỗ trợ cũng được, doanh nghiệp chúng tôi chỉ cần bình đẳng. Nhiều người nói các doanh nghiệp ngoại được ưu đãi rất lớn về địa điểm, vì họ vận động rất giỏi. Nếu thật như thế thì nguy, vì doanh nghiệp trong nước đã khó về quy mô, về vốn, lại bị chi phí không tên đó đe dọa, hoặc nếu không thì không có mặt bằng thì khó lòng phát triển nổi. Trong khi đó, các hệ thống phân phối khi đã mạnh lên thì sẽ quyết định sản xuất.Cần “nhạc trưởng”Chúng ta cần “nhạc trưởng” để phát triển hệ thống phân phối. Quy hoạch hệ thống phân phối các tỉnh gần như chưa hình thành. Đặc biệt, chúng ta phải làm được việc là tổ chức hệ thống lưu thông cho kênh phân phối đó. Nhiều mặt hàng như đường, dầu ăn... hiện nay siêu thị nội đến mua nhưng nhà máy không bán, cứ phải qua đại lý các cấp của họ, giá bị đội lên.Tại sao không mạnh tay giảm khâu trung gian? Sự liên kết lỏng lẻo giữa hệ thống sản xuất, phân phối ai cũng biết nhưng không làm được. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt. Không nên có thêm một thất bại trong lĩnh vực phát triển hệ thống phân phối Việt. Tags: Mô hìnhViệt NamThị trường bán lẻTriết lý bán rẻ
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).