TTCT- Trong tất cả những lời hứa thì thứ dễ bị quên lãng nhất, dễ bị bỏ qua nhất chính là lời hứa với bản thân mình. Bởi vậy, vượt qua bản thân mới là thách thức lớn nhất của đời người. Avi về biển Và ở một vùng biển miền Trung, chợt gặp ba người quen, thấy hạnh phúc thay cho họ vì đã đi qua một con đường chẳng mấy người đi, chỉ để giữ vẹn lời hứa với mình. Avi về biển Nếu chiều cuối tuần, lúc biển nắng dữ nhất, thấy một cô gái đen thui, chắc nịch người, lụi cụi với mớ sắt ống, dây nhợ nhì nhằng thì đó chính là Avi. Cô dọn về ở hẳn ngoài biển, vui thì dẫn khách đi lặn ở Cù Lao Chàm, vui nữa thì dạy yoga ngoài biển, còn vui hơn nữa, là kéo cả hội lên đỉnh Sơn Trà cùng nhau hít thở... Tôi biết Avi, lúc còn gọi tên là Việt Nga, vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP.HCM. Sáng đi làm chuyên viên truyền thông, tối về bán quán chè nhỏ tên là Avi. Sau cô chuyển sang làm sản xuất phim, làm quản lý cho các diễn viên điện ảnh. Và làm một núi việc có tên và không tên khác nhau chỉ để kiếm sống, và sống rất phù phiếm ở đất Sài Gòn. Đùng một phát, Avi xuất hiện trở lại sau vài năm mất liên lạc. Cô trở thành nữ huấn luyện viên lặn người Việt đầu tiên đạt chuẩn PADI, cứ đi khắp các vùng biển để dạy lặn, tùy theo mùa. Lúc này thì ở Cù Lao Chàm - Hội An, lúc sau lại thấy ở Malaysia, lúc nọ đã bay tít mù khơi. Thỉnh thoảng, thấy Avi đăng Facebook, báo vừa hoàn thành thêm chứng chỉ massage chuyên nghiệp. Lúc lại thấy Avi thông báo bán hết vật dụng giá trị của mình để theo đuổi chương trình huấn luyện viên yoga dây... Nhưng mà bây giờ, Avi dọn về Đà Nẵng sống luôn rồi. Cô thuê một cái nhà gần như đang bỏ hoang, sửa lại, treo những sợi dây yoga lên, vẽ thêm cái hình ngoài cửa và dạy yoga. Cô quan tâm đến hơi thở của mỗi người quen, quan tâm đến độ thẳng của sống lưng người mới gặp hay đơn giản là muốn chia sẻ vài suy nghĩ của mình về... cá mập, vốn là loài động vật bị hiểu lầm nhiều nhất. Avi khác xưa, hoàn toàn khác. Và từ người cô tỏa ra năng lượng của niềm hạnh phúc được làm những điều mình giỏi, mình mê say và mình có thể cống hiến nhiều hơn. Cô thì thầm trong một cuộc trò chuyện ngoài biển: “Thật sự thấy mình được là mình, vì đã hoàn thành lời hứa thuở xa xưa khi dám bỏ qua những phồn hoa phố thị...”. Lê Cát Tiên. Ảnh: TGCC Tiên “điên” về núi Quán Nếp từng là một cái tên rất thú vị trong làng giải trí Sài Gòn 10 năm về trước. Hai chị em nhà Lê Cát Tiên và Lê Cát Trọng Lý hùng cứ nơi đây, đêm đêm sáng đèn để Tiên vừa hát, vừa trò chuyện và vừa... thu tiền. Khách ngày một đông, lượng người hâm mộ ngày một nhiều, tiền cũng kiếm nhiều lắm. Trọng Lý theo đuổi con đường âm nhạc riêng, bỏ lại Tiên với những tình khúc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy và Lê Uyên Phương cùng những tháng ngày bạc nhược. Cô vẫn hát hằng đêm, vẫn hút hết hai bao thuốc, vẫn kiếm rất nhiều tiền và thấy mình không còn là Lê Cát Tiên mà mình mong muốn nữa. Cô cáu gắt, khó chịu và kiêu kỳ. Cô sợ hãi và trốn về Đà Nẵng, quê mình. Quán mới, vẫn tên là Nếp, chỉ lác đác dăm ba khách hằng đêm, Tiên vẫn lên đèn và hát như ngày xưa. Ba, hay bốn khách ngồi nghe thì có làm sao, vì Tiên còn chạy show được kha khá tiền. Đà Nẵng thoáng khí hơn, nhưng Tiên vẫn cảm thấy ngột ngạt và tù túng trong chính cái quán do mình mở ra. Tiên bỏ chạy về núi, mua một rẻo đất ven nghĩa trang Hòa Ninh, gần Bà Nà, lập ra một “căn cứ địa” của riêng mình, tên là “Trại Điên homestay” - để sống với bản thân mình. Chúng tôi đi gần một giờ từ phố lên thăm Tiên, bác taxi có phần sợ sệt vì đường xa, vắng và càng ngày càng vào sâu trong núi. Tiên ngồi trước cửa đón, nói như reo: “Vào ngay, đồ ăn nguội hết rồi”. Đêm đó, Tiên mở một show diễn nhỏ của mình ở Trại Điên, đăng trên Facebook, ai biết thì tới. 10 năm rồi mới gặp lại nhau, Tiên bảo: “Cơm do người đàn bà này tự nấu đấy, nấm hái ngoài vườn, rau cũng ngoài vườn, heo thì của nhà bên cạnh nuôi, gạo quê thì có phần hơi thiếu bóng bẩy, nhưng em tin là nó ngon, vì em nấu bằng hết cái tình của mình”. Ăn cơm, Tiên ngồi thu lu gối bên cạnh, hồn nhiên kể: “Em giờ đã bất tử rồi, có cái nhà che mưa gió rồi, ba em không chửi em điên nữa. Em muốn làm gì thì làm. Cái nhà này, là em đi mua lại hết mớ đồ của cái trường tiểu học mà người ta đập đi xây mới, toàn là cửa lớp đắp lên làm tường, còn nguyên hai cái bảng Nền nếp - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm đó. Đâu có tiền mời kiến trúc sư gì đâu, em lấy chân, vạch lên đất, nhờ anh bạn xây giùm. Đất còn rộng, nên em tự đào xới, trồng cây. Nhiều lúc đang cuốc đất, tự dưng dừng lại, tát vô mặt mình, hỏi: “Tiên ơi mày đang làm gì? Xong tự cười khà khà, trả nợ bản thân mình thôi...”. Mải chuyện, khách lục đục tới, Tiên cuống cuồng chạy đi “biến hình”. Để mười phút sau đó, cô gái ngỗ ngược vừa gặp bỗng lộng lẫy trong lớp áo dài lụa trắng điểm những lông công thêu mềm mại, lung linh đưa khẽ ngón tay út kiêu kỳ trong ánh đèn sân khấu và cất lên những lời hát thiên thai... Ánh đèn đường vàng vọt, rọi vào những ô cửa kính màu, được mua từ một căn nhà cũ của Pháp bị đập bỏ, quyện thêm là tiếng lá đùa chơi với gió, bỗng thấy những lời hát của Tiên mềm như lụa, quấn quít một cái mầu nhiệm... Khuya, ra về, Tiên bảo hôm khác nhớ lên sớm. Núi mùa này đẹp, suối cũng đẹp, ra vườn có gì ăn nấy, tha hồ mà đọc sách và hát hò cùng nhau, cho bõ những ngày nợ nần bản thân cày cuốc ở dưới phố. Đập tay nhau một phát, và hứa rằng, mình cũng sẽ quay trở lại, không phải vì Tiên mà vì bản thân thôi... Nhạc sĩ Trí Minh. Ảnh: TGCC Và Trí Minh về rừng dừa Tôi không biết Trí Minh. Tất cả chỉ vì một lời mời quá quyến rũ của chị Giang, một nhà hoạt động xã hội của Tổ chức Hành động vì đô thị: “Sẽ có một đêm nhạc đặc biệt ở rừng dừa Cẩm Thanh, vùng ven của Hội An. Không đến sẽ tiếc lắm”. Và quả thật, ngay từ giây phút tiếng dương cầm của Nanna Bottos - nữ nghệ sĩ người Đan Mạch vang lên cùng với bản dân ca vùng Scandinavia. Những núi, những đồi, những trập trùng sóng và muôn trùng mây cộng với những chiến thuyền Viking hiện lên theo tiếng hát của cô, hòa với vài giọt mưa bên ngoài mái hiên của một khu vườn nhỏ. Cô và ca sĩ bạn tên là Anja Backmann bay gần 20 tiếng, thẳng từ thủ đô Copenhagen có nàng tiên cá về Hội An, chỉ để hát cho lời hứa “sẽ về Việt Nam” của mình, với một nhóm rất nhỏ khán giả. Nanna là thành viên thứ hai của ban nhạc mang tên Bay Collective, được định nghĩa bởi Facebook là “Hợp tác xã Bay”. Người đầu tiên là nhạc sĩ Trí Minh. Anh đứng quay phim cho người bạn diễn của mình, rồi sau giờ giải lao lên ôm cây dương cầm, rủ rê các bạn trẻ con đến cùng hát với “Chú ếch con”. Không chỉ các bạn nhỏ, mà toàn thể người lớn đều hào hứng hát theo “ộp ộp”, nhưng Minh bảo: “Âm nhạc của Trí Minh, có một phần quan trọng nhất là tuổi thơ của mình...”. Bay Collective của anh, mang theo hai nghĩa: “bay” - nghĩa là các cái vịnh ở Đan Mạch nơi anh đang sống, và còn có nghĩa là “bay cao, bay xa” trong tiếng Việt, để nối những miền văn hóa khác nhau lại gần hơn. Tôi gõ vào Google, mới biết Trí Minh là nghệ sĩ hàng đầu châu Âu trong dòng nhạc điện tử, hoặc là DJ số 1 Việt Nam một thời, hoặc là người tiên phong mang nhạc jazz về Hà Nội, hoặc là người mang ca trù đi khắp thế giới, hoặc là em trai tài năng nhất của ca sĩ Thanh Lam. Nhưng dù là ai thì đêm nay, Trí Minh ngồi đó, giữa một khu vườn nhỏ, đánh những khúc piano cổ điển tuyệt đẹp cho bạn mình hát Bèo dạt mây trôi bằng thứ tiếng Việt có phần lúng túng. Anh bảo Bay Collective chọn thông điệp về mẹ Trái đất cho hành trình âm nhạc của mình. Họ không cần nhiều người nghe, không cần những sân khấu hoành tráng, thứ mà họ cần là những người tri âm. Họ chơi nhạc chuyên nghiệp nhưng sẵn sàng diễn ở những sân khấu thiếu chuyên nghiệp, chỉ cần người nghe chuyên nghiệp. Vậy là đủ. “Khi đến sống ở châu Âu, tôi đối diện vô vàn khó khăn, nhưng cùng lúc đó là sự hạnh phúc. Ở Việt Nam rất dễ hành nghề và kiếm tiền nhưng tốt hơn cho bản thân mình là được đi ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân mình. Ai cũng cần bước đi để khám phá chính mình. Và giờ, chúng tôi quay lại...”. Cuối đêm nhạc, tôi khẽ lật những trang viết cảm nhận của khách, bỗng thấy hạnh phúc lạ thường khi đọc được những dòng ngọt ngào: “Minh ơi, cảm ơn đã trở lại...”.■ Tags: Và rồi ta hứa
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".