TTCT - Kỳ vọng các nước đặt lợi ích chung lên trên lợi ích quốc gia và hướng đến một nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 đang bị những nghi kỵ lẫn nhau làm sứt mẻ. Ảnh: The Telegraph Liên tiếp những ngày giữa tháng 7, các nước phương Tây cáo buộc Nga và Trung Quốc đứng sau nhiều vụ tấn công mạng nhằm đánh cắp thông tin nghiên cứu vaccine COVID-19. Dĩ nhiên cả Matxcơva và Bắc Kinh đều lên tiếng phủ nhận. Trộm đạo thời dịch giã Ngày 16-7, quan chức cấp cao ba nước Mỹ, Anh và Canada ra thông cáo chung cáo buộc các thành viên nhóm tin tặc mang tên APT29, được cho là có mối liên hệ với tình báo Nga, đã tìm cách đánh cắp thông tin từ các đơn vị nghiên cứu vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tại ba quốc gia này. Dù không tiết lộ đã có thông tin nào bị đánh cắp thành công, ba nước cho rằng ý định của những vụ tấn công là “rõ ràng”. “Việc tình báo Nga nhắm vào những người làm việc để chiến đấu chống đại dịch do virus corona là hoàn toàn không thể chấp nhận được” - Ngoại trưởng Anh Dominic Raab phản ứng mạnh mẽ. APT29 là cái tên không còn xa lạ với những vụ tấn công mạng nhắm vào các cơ quan chính phủ, ngoại giao, viện nghiên cứu chính sách hay các tổ chức chính trị, y tế và năng lượng các nước, đặc biệt là Mỹ. Năm 2016, nhóm tin tặc Nga được cho là đã xâm nhập máy tính của Đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo báo Washington Post. Trong phần trả lời Hãng thông tấn Nga TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow “không có thông tin gì” về những người đứng sau các vụ tấn công như phương Tây mô tả, nhưng có một điều nước này có thể khẳng định chắc nịch: “Nga không dính dáng đến những nỗ lực này.” Ngày 21-7, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hai tin tặc người Trung Quốc, Li Xiaoyu và Dong Jiazhi, bị truy tố vì tìm cách ăn cắp dữ liệu nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 nhằm cung cấp cho cơ quan tình báo nước này. Hoạt động của bộ đôi được cho là một phần của chiến dịch đạo chích trên không gian mạng kéo dài trong nhiều năm của chính quyền Bắc Kinh nhắm vào hàng trăm công ty tại Mỹ và các nước, chủ yếu thuộc nhóm các ngành công nghiệp trọng yếu như nhà thầu quốc phòng, sản xuất công nghệ cao và năng lượng mặt trời. Li và Dong được mô tả là “mối nguy kép” - vừa hoạt động cho mạng lưới tình báo Trung Quốc, vừa thực hiện các vụ tấn công để trục lợi cá nhân. Theo giới chức Mỹ, hai nghi can trước đó từng đánh cắp thông tin về các mục tiêu tình báo mà Trung Quốc quan tâm, nhưng từ đầu năm nay đã chuyển trọng tâm sang các công trình nghiên cứu vaccine COVID-19 từ khi dịch bùng phát. “Trung Quốc hiện đã cùng với Nga, Iran và Triều Tiên đứng vào hàng ngũ các nước cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tội phạm mạng” - Bộ Tư pháp Mỹ chỉ trích. Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh viết trên Twitter cho rằng các cáo buộc của phương Tây là “không có cơ sở”. “Những lời buộc tội như vậy cấu thành sự thiếu tôn trọng đối với các nhà khoa học Trung Quốc và thành tựu của họ, và có khả năng làm suy yếu hợp tác quốc tế về nghiên cứu và phát triển. Quốc tế cần phản đối mạnh mẽ và bác bỏ những tuyên bố vô căn cứ như vậy” - ông Lưu phản ứng cứng rắn. Không trái thông lệ? Các nghị sĩ phương Tây kêu gọi có biện pháp trừng phạt mạnh tay Nga và Trung Quốc liên quan các cáo buộc trên, gọi đó là vấn đề “sống còn”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia an ninh mạng cho rằng đánh cắp nghiên cứu vaccine trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, dù là một phần của hoạt động gián điệp, không trực tiếp vi phạm các thông lệ quốc tế trên không gian mạng mà Mỹ ra sức thúc đẩy trong nhiều năm qua. “Có rất nhiều thứ tình báo Nga và Trung Quốc đang làm hoàn toàn đáng để chúng ta phẫn nộ. Đánh cắp nghiên cứu vaccine nằm ở vị trí khá thấp trên danh sách ấy” - ông Dmitri Alperovitch, cựu giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng CrowdStrike và hiện là chủ tịch một viện nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận nói với Washington Post. Trong cả hai nghi án đánh cắp công trình nghiên cứu, bên cáo buộc không thể trưng ra bằng chứng nào cho thấy Nga và Trung Quốc sử dụng dữ liệu thu thập được vào mục đích nào khác ngoài giúp các nhà khoa học trong nước nhanh chóng tìm ra vaccine ứng phó với dịch bệnh. Về bản chất, vụ tấn công lần này rất khác với các hoạt động gián điệp kinh tế mà Mỹ thường cáo buộc Trung Quốc thực hiện - vốn tập trung vào ăn cắp sở hữu trí tuệ các công ty Mỹ để trục lợi cho các công ty “gà nhà”. Nhưng thực tế này có thể thay đổi. Ví dụ, Trung Quốc có thể sử dụng thông tin đánh cắp để giúp các công ty của mình có lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh của Mỹ và thế giới trên thị trường điều chế thuốc điều trị COVID-19, từ đó thao túng cả về giá cả và nguồn cung. Đáng lo hơn, tin tặc một khi có trong tay quyền truy cập hệ thống máy tính các phòng thí nghiệm của Mỹ có thể lợi dụng nó để phá hoại các công trình nghiên cứu trong tương lai. “Mối quan tâm lớn nhất là (tin tặc) có thể cản trở hoặc làm chậm nghiên cứu một phương pháp chữa bệnh tiềm năng. Nếu hành vi của họ cản trở việc sản xuất hoặc nghiên cứu vaccine theo bất kỳ cách nào, nó rõ ràng sẽ đi quá giới hạn” - Washington Post dẫn lời ông Chris Painter, cựu quan chức đứng đầu về an ninh mạng trong Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama. Lấy tiếng và lấy miếng Ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia Nga RDIF có vốn trong ít nhất một công ty Nga đang chạy đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19, tố ngược các cáo buộc của phương Tây là một “nỗ lực bôi nhọ vaccine do Nga sản xuất”. Như để “minh oan”, ông Dmitriev thông báo ngày 17-7 AstraZeneca, một công ty dược phẩm có trụ sở tại Anh đang nghiên cứu một loại vaccine ngừa COVID-19 đầy hứa hẹn mang tên “vaccine Oxford”, đã bắt tay với một công ty Nga do RDIF chống lưng để sản xuất loại vaccine này. Dù phấn khởi với sự hợp tác, Dmitriev cho biết ông hoàn toàn tin tưởng vaccine do Nga tự sản xuất có chất lượng cao hơn, minh chứng là cả ông và song thân “thất thập cổ lai hi” đều đã tình nguyện được… tiêm một liều để phục vụ thử nghiệm, theo CNN. Mỹ, Trung Quốc, Anh và Nga đang là những ứng viên hàng đầu cho ngôi quán quân trong cuộc chạy đua nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đang vào giai đoạn nước rút. Câu chuyện sắp tới không chỉ là bài toán y tế mà còn là bài toán chính trị khi các nước nhỏ hơn buộc phải “chọn phe” trong việc mua vaccine do ai sản xuất để sử dụng trong nước. “Tôi tự tin rằng chúng ta sẽ có vaccine ngừa COVID-19, chỉ không chắc vaccine nào sẽ tới được tay người dân” - Matthew Kavanagh, giảng dạy bộ môn sức khỏe toàn cầu và luật tại Đại học Georgetown, Mỹ, nhận xét. Theo ông Kavanagh, sự cạnh tranh thay vì hợp tác giữa các nước đang “gây phương hại” đến nỗ lực phát triển vaccine toàn cầu. Nhưng cả hai quan điểm “chọn phe” và “mua đứt” đều xuất phát từ các giả định sai lầm rằng tiền và quyền có thể giúp nước lớn khẳng định sự thống trị trong các phát kiến y khoa. “Trên thực tế, khác với các cuộc chạy đua vũ trang hay chạy đua vào vũ trụ chỉ có hai cường quốc hiếu chiến với túi tiền không đáy và ham muốn kiểm soát thế giới, trong lĩnh vực y tế, vô số các công ty, quốc gia và tập đoàn quốc tế đều có mặt trong mọi cuộc đua” - bác sĩ Kent Sepkowitz của Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York viết cho CNN. Các bên sẵn sàng làm mọi cách - từ xin xỏ, vay mượn cho đến ăn cắp - để đạt được mục tiêu. “Đúng là bên đầu tiên được cấp phép sẽ bỏ túi hàng tỉ đô trước tất thảy, nhưng tất cả sẽ sớm nhập cuộc và chia phần” - ông Sepkowitz nhận định dựa trên quan sát thực tế các trường hợp tương tự trong quá khứ như với thuốc trị trầm cảm, kháng sinh hay thuốc ngủ. Sepkowitz cho rằng cũng không thuyết phục nếu nói đánh cắp thông tin nghiên cứu để nhanh chóng tạo ra vaccine cứu người. Từ kinh nghiệm thực tế, ông cho rằng trong các tình huống khẩn cấp ở mức độ toàn cầu như đại dịch COVID-19 thì ranh giới quốc gia không thể ngăn một phương thuốc được phát triển, cấp phép và sản xuất ở một nước nhanh chóng “tìm đường” sang nhiều nước khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 27-7 đã có 25 vaccine COVID-19 đang được thử nghiệm lâm sàng trên người và 139 vaccine trong giai đoạn tiền lâm sàng. Trong điều kiện đặc biệt hiện nay, nhiều khả năng nhiều loại vaccine khác nhau sẽ được đưa vào sử dụng cùng lúc, cung cấp nhiều sự lựa chọn cho các nước. Nếu không phải vì lý do kinh tế hay nhân đạo, theo Sepkowitz, mục đích cuối cùng của các vụ tấn công mạng nhắm vào các cơ sở nghiên cứu vaccine, nếu có, chẳng là gì khác ngoài “một trò kèn cựa hơn thua nhau để lấy cái danh về nhất”.■ Nhiều người nói Mỹ “đạo đức giả” khi miệng thì chỉ trích thói trộm đạo của tin tặc Trung Quốc nhưng bản thân tình báo Mỹ cũng hoạt động năng nổ không kém trên không gian mạng. Một bài báo độc quyền trên Yahoo News ngày 15-7 cho thấy Cơ quan Tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã tiến hành một loạt các hoạt động bí mật trên mạng chống lại Iran, Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và các mục tiêu khác kể từ khi được Tổng thống Donald Trump “bật đèn xanh” vào năm 2018, theo tiết lộ của một số cựu quan chức có hiểu biết trực tiếp về vấn đề. Theo đó, CIA được trao nhiều quyền tự chủ hơn trong việc triển khai các hoạt động gián điệp trên môi trường mạng - trong đó có lựa chọn mục tiêu và cách thức tiến hành - mà không cần thông qua Nhà Trắng. Tags: Trung QuốcCOVID-19VaccineGián điệpĐánh cắp thông tinTình báo y tế
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.