Vai diễn đầu đời

TRUYỆN NGẮN CỦA MẠC CAN 24/12/2007 10:12 GMT+7

TTCT - “Ông sẽ đến” - người nghệ sĩ già nói lớn trong lúc hai giọt nước mắt của ông lăn dài. Ông hình dung căn phòng trắng toát lạnh lẽo của khu xạ trị tràn ngập những đóa hoa. Các cháu đón ông già Noel với nụ cười xinh. Và ông, người kịch sĩ chuyên đóng vai phản diện, lần này sẽ sắm một vai khác hẳn...

Phóng to

Sau những ngày vỡ hoang, tập thoại rồi lên sàn ứng tác hành động, hôm nay là buổi tập then chốt khó nhất của một vở kịch gọi là phá cách. Trong đó có cảnh độc thoại của nhân vật chính, một vai phản diện có xung đột nội tâm.

Lúc nào nhà hát chưa có khán giả thì nó có vẻ rộng hơn, ví von như lon thịt hộp trống không, ngược lại cũng có lúc vẫn chính không gian đó lại thu hẹp, tù túng, chật chội. Lần này chỉ một người đàn ông đứng trên sân khấu, ông ta có giọng nói tốt, vang vang cho tới tận bức tường cuối căn phòng: “Kịch là giả, kịch vốn là giả, chính vì giả cho nên gọi là... kịch. Nghịch lý thay càng diễn tự nhiên, cố làm ra vẻ tự nhiên lại càng giả, càng kịch. Càng sáng tạo thì than ơi lại càng tối tạo bấy nhiêu. Bản thân tôi không thích xem kịch nhưng tôi là đạo diễn kịch, thế mới lạ, hay là... nhiều khi cả tôi cuối cùng cũng giả nốt”.

Người vừa nói không phải là diễn viên sắm vai nhân vật chính, mà là nhà đạo diễn nổi tiếng lập dị, còn diễn viên kịch thật sẽ đóng vai phản diện kia lại ngồi dưới hàng ghế dành cho khán giả. Ông ta có khuôn mặt khá tối, ngồi im như bức tượng sáp, cũng nổi tiếng không kém gì đạo diễn. Do ngang cơ cho nên buổi tập cứ dừng lại và rồi trở thành cuộc tranh luận mà lý lẽ chẳng hề nghiêng về ai. Ông diễn viên này nói ít, kiệm lời, tiết chế các động tác ngoài đời và cả trong vở kịch; thuộc dạng bẩm sinh ích kỷ sợ hao chút calori vốn đã khiêm tốn của mình. Lúc nào ông cũng hình như ngồi, chỉ ngồi và cứ ngồi yên, rất thụ động.

Ông đạo diễn nói về mình, về kịch chừng như không tôn trọng cho lắm cái nghề mà chính ông yêu thích nhất. Ông diễn viên có khác nhưng vẫn là bi quan, nói nhỏ nhẹ gần như thở dài: “Ông khoa trương không khác con lân nghe tiếng trống. Tôi thì không thích múa lân lẫn đám đông, không thích ai nhìn tôi và nói cái con khỉ gì với tôi. Nhưng rồi suốt đời tôi, tôi phải đứng trước đám đông, khó có đêm nào khỏi bị người ta nhìn ngắm.

Cũng lạ, tôi đã nói trơn tuột nhiều lời không hề là của tôi nghĩ ra, diễn biết bao nhiêu vai không nhớ nổi. Cho dù tôi nhập quá nhiều vai, cho dù là tôi thành công với các vai đó, nào là tướng cướp, chính khách, nhà bác học, tên trùm sex tour hoàn lương... trong tôi vẫn mong đợi một vai đầu đời, chính mình nói lời của mình, để khóc cười với nó”. Ông đạo diễn phá lên cười: “Làm sao có một vở không có người viết kịch bản sẵn? Ông lại muốn có một cuộc cách mạng mới về cái giả à, về kịch à?”.

Cả hai vị nghệ sĩ trông dễ thương ngộ nghĩnh. Đạo diễn lập dị có vài sợi râu màu cỏ úa, bề bộn bận bịu thu nạp mọi thứ vào thân người còm cõi của ông. Nào là áo thun màu cỏ úa, áo gilê nhiều túi cũng màu cỏ úa, quần nhiều túi lớn nhỏ, với đôi giày khủng bố và cái nón lưỡi trai đội lệch cũng là màu cỏ úa. Ngay chính khuôn mặt nhiều nếp nhăn và đôi mắt u buồn ẩn khuất sau khói thuốc lá cũng đã úa tàn. Một người theo nghề đạo diễn lâu tới nỗi ông còn khó biết mình nghĩ gì, làm gì khi dàn dựng miếng mảng cũ, cảnh trí cũ, lời thoại cũng cũ. Kể cả sáng tạo có lúc lóe lên, lại cũng sáo mòn.

Người diễn viên kịch nổi tiếng kia, ngược lại với ông bạn đồng nghiệp, tước bỏ tất tần tật những gì có trên người ông ta, may là chưa cởi truồng. Cái áo hờ hững cho có, áo không có túi nào, quần cũng vậy, ông không hề mang giày, chỉ có mỗi đôi dép lê, một buổi chuồn nhanh ra khỏi nhà hát chân ông xỏ lộn dép của người khác, nhìn không khác chi con cá da trơn.

Ông không có chỗ nào cất bao thuốc lá hay bật lửa, nếu như ông có nó. Tuy vậy ông lại là cây đa cây đề trong làng sân khấu kịch nói. Ông diễn như không diễn, tiếng nói sân khấu khi trầm khi bổng, có rất nhiều khán giả hâm mộ. Ông nói: “Tôi trở thành một thợ diễn từ lúc nào không hay và không cưỡng lại được”. May thay hằng ngày có một ít người hay mơ về những điều mới hơn.

Người diễn viên gạo cội này muốn nói chính lời của mình, ông khắc biết chuyện đó đã diễn ra từ rất... khuya, khi xưa trên sân khấu tuồng, đạo diễn chỉ nói với diễn viên về cái sườn tuồng, còn thì các nghệ sĩ ra sân khấu ứng diễn nói lời của mình. Người xưa gọi là hát cương. Thỉnh thoảng ngày nay cũng có diễn viên nói chen lời của mình, nếu là diễn viên giỏi, nhưng số người có tài như vậy không nhiều.

Chia tay như thường lệ, đạo diễn đi uống bia, ông diễn viên ra quán uống trà đá. Chính ra ông cũng có chiếc điện thoại di động bèo nhèo. Và lúc này thì tiếng chuông reo, ông nói: “Dạ tôi nghe”; bên kia: “Chú có đọc tin về một cô bé chết vì ung thư xương chưa?”. “À tháng trước đoàn kịch tập liên tục và rồi có nhiều chuyến lưu diễn xa nên chú chưa đọc tin này”. “Thưa chú, tụi cháu có một chương trình giao lưu và phát quà cho các cháu bị bệnh ung thư vào ngày Noel tại bệnh viện ung bướu... Chú ơi chú có nghe không?”. “Tôi vẫn nghe đây”.

Bên kia: “Một cô bé bị ung thư xương qua đời có nguyện vọng sau cùng là mời cho được chú đóng vai ông già Noel phát quà, rồi diễn kịch vui cho các cháu bị ung thư xem”. “Nhưng... sao không mời người khác, tôi thường đóng các vai phản diện, mặt mày tâm địa khó chịu, theo tôi biết thì thánh Nicolas lại là một ông già nhân từ...”. “Cháu hiểu chú, nhưng cô bé đó có xem nhiều vai diễn khác của chú trên sân khấu kịch, cả trên truyền hình nữa, nói chú có một cặp mắt buồn, không thiếu trắc ẩn nhân hậu. Chú ơi, chúng cháu dự trù sẽ tổ chức buổi giao lưu sớm hơn dự định, bởi vì các cháu bé cũng lần hồi... không còn nhiều...”. “Sao?”. “Mỗi ngày hay mỗi tuần đều có một vài em qua đời, có em còn chưa thấy ông già Noel lần nào...”. “Sao sao...”. “Cháu xin cái hẹn gặp chú để chú đọc những lá thư các cháu bệnh ung thư gởi cho ông già Noel”.

“Tôi sẽ làm những gì?”. “Đầu tiên chú sẽ hóa trang để không có cháu nhỏ nào nhận ra chú là một kịch sĩ nổi tiếng, việc đó chính là giữ nguyên các ấn tượng thân thương của các cháu với ông già Noel. Thứ nữa là chú vốn kiệm lời, cháu tin chú sẽ hiểu lời nói nào của chính chú làm vui lòng các đứa trẻ tội nghiệp này”. “Kể cả những món quà phải đúng địa chỉ của từng cháu nhỏ nhé cháu, người ta hay sơ suất trong tổ chức biểu diễn lắm, đừng nói tới chấm điểm thi ca nhạc hay phát giải thưởng điện ảnh, chú sợ có bé bị sốc khi trong lòng nó mơ một con búp bê hiền lành mà khi nhận lại là món khác”.

“Cám ơn chú đã góp ý chu đáo, quả là có những trường hợp tréo ngoe như vậy. Thưa chú, như vậy là chú đã nhận lời”. “Chẳng những nhận lời mà có lẽ đây là một vai diễn đầu đời của tôi, vai diễn mà một kẻ buồn hiu mặt lạnh như tôi phải diễn sao cho những người u buồn hơn cả tôi cười vui. Vai diễn mà tôi nói chính lời nói của trái tim mình. Tôi hình dung ra một gian phòng buồn nản với các khán giả chờ chết, tôi phải làm gì với số thời gian ít ỏi của các cháu và cả chính tôi. Chúng tôi sẽ cười như cô bé có nguyện vọng mời tôi đã cười”.

Và rồi sáng hôm sau, trong một căn phòng thật rộng, ông già diễn viên khoác bộ trang phục của thánh Nicolas. Cái nón vải màu đỏ có cái ngù trắng như tuyết, chiếc áo thụng với đai nịt bụng, độn thêm cái gối lớn, quần chẽn và đôi ủng đi tuyết cao, trông ông lùn tịt và buồn cười không khác chi trái banh, nếu như quả banh thật sự là buồn cười. Tay ông cầm cái chuông bằng đồng lắc nhẹ, từ đó phát ra tiếng leng keng vui tai. Ông diễn viên kịch 64 tuổi ngồi xuống chiếc ghế dài đọc những lá thư của các bệnh nhi ung thư, từ bệnh viện gởi tới cho ông.

Kính gởi ông già Nôen

Con, bệnh nhân Nguyễn Thị Kim Cương, 11 tuổi, cầu nguyện gởi ông già Nôen. Xin Chúa và ông già Nôen ban phước lành cho con mau lành bệnh và có sức khỏe để chống lại căn bệnh hiểm nghèo này. Con xin ông già Nôen phù hộ cho con trúng số để con có tiền trị bệnh cho con, cho cha mẹ con bớt khổ, trong lúc này con muốn sống và đi học như các bạn khác...

Ngày 7-12-2007

Kính gởi ông già Nôen.

Năm ngoái con được gặp ông già Nôen ở bệnh viện. Con rất vui. Con muốn lại được chơi đùa với ông. Con đã khá rồi, con ước lớn lên sẽ làm ca sĩ. Con chúc ông già Nôen vui, khỏe, để năm nào cũng đi phát quà cho các bạn nhỏ. Con là Huỳnh Tiến Đạt, 7 tuổi.

Dạ con xin tặng ông già Nôen một nụ cười
Bé Thái Bảo Trân, quê ở Bà Điểm, Hóc Môn.

Con là An Khang,

Ông già Noel ơi, Noel năm nay con muốn được vui chơi cùng bạn bè. Con muốn ông mang đến cho chúng con một phép mầu. Làm sao cho tất cả chúng con đều hết bệnh để chúng con được về quê. Con chúc ông già Noel sức khỏe để mang đến phép mầu cho chúng con.

Phòng số 1.

Kính gửi ông già Noel. Con tên Nguyễn Hồng Sơn, 9 tuổi. Con bị ung thư máu. Đã lâu lắm rồi con mơ về ông như một ông tiên có nhiều phép màu thật kỳ diệu. Sắp tới ngày Noel rồi, con biết sẽ gặp được ông, và lúc đó con chỉ xin ông một điều ước. Ông có biết điều ước đó là gì không? Con ước được mau chóng mạnh khỏe, được tới trường đi học và vui đùa cùng các bạn với một cơ thể khỏe mạnh. Không biết ông có đến thăm con không? Con rất mong được gặp ông để kể cho ông nghe về căn bệnh của con. Về nỗi buồn và niềm vui con đã có cùng các bạn có hoàn cảnh như con. Lần cuối vì con không biết con có còn ở trên đời này một vài hôm nữa để nói chuyện của con không. Cuối thư con chúc ông già Noel và mọi người thật mạnh khoẻ. Dù con mong điều đó đến với con từng ngày từng phút mà chắc là cũng không được. Một đêm Giáng sinh vui vẻ ông nhé. Ông có đến với chúng con không?

“Ông sẽ đến” - người nghệ sĩ già nói lớn trong lúc hai giọt nước mắt của ông lăn dài xuống đôi má hóp. Ông hình dung căn phòng trắng toát lạnh lẽo trước kia của khu xạ trị. Trong ngày hội lớn của các cháu bệnh ung thư, những người lớn sẽ sơn nó một màu xanh ngát như bầu trời. Rồi cả không gian đó tràn ngập những đóa hoa. Các cháu đón ông già Noel với nụ cười xinh. Và ông, người kịch sĩ chuyên đóng vai phản diện, lần này sẽ sắm một vai khác hẳn, một vai mới tinh trong suốt cuộc đời sân khấu của ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận