Vẫn cần nhìn về một quá khứ đau buồn và ám ảnh 

DU LÊ 24/03/2018 04:03 GMT+7

TTCT - “Hỡi Chúa Trời, Ngài đã làm gì mà tạo ra một kẻ như thế? Kẻ đã bắn vào đầu một cô gái trẻ hãy còn cử động?”… “Một đứa trẻ, chừng tuổi bé Bucky, thoi thóp, mang ra từ những xác người ngày một nhỏ dần” - những trích đoạn ca từ trong vở opera My Lai vừa được chiếu tại TP.HCM đầu tuần này sẽ còn ám ảnh người xem rất lâu về sau...

Tứ tấu Kronos, Rinde Eckert và Võ Vân Ánh trên sân khấu vở opera Mỹ Lai của Jonathan Berger. Ảnh: i.ytimg.com
Tứ tấu Kronos, Rinde Eckert và Võ Vân Ánh trên sân khấu vở opera Mỹ Lai của Jonathan Berger. Ảnh: i.ytimg.com

 Những câu chuyện về những câu chuyện

Trong số khán giả tới buổi chiếu đầu tiên bộ phim Whistleblower of My Lai (tạm dịch: Người thức tỉnh ở Mỹ Lai), có một cô gái vừa bay vào từ Quảng Ngãi. Cô chính là bé gái mà đạo diễn Tiana Thanh Nga đã bồng trên tay trong cảnh quay tại Mỹ Lai trong phim tài liệu Từ Hollywood đến Việt Nam, thực hiện năm 1992.

Đêm chiếu này cũng thu hút hai đối tượng khán giả tương phản nhau: những người Việt hầu như rất trẻ, và những người Mỹ hầu như đã rất lớn tuổi, những người theo cách này hay cách khác từng tham gia cuộc chiến Việt Nam, ở vai trò binh lính hay những người theo phong trào phản chiến.

Đạo diễn Connie Field thuộc nhóm sau. Bộ phim của cô cũng do những người thuộc nhóm sau thực hiện: Jonathan Berger - nhà soạn nhạc, David Harrington - nghệ sĩ violin tứ tấu Kronos, nhà văn Harriet Scott Chessman và ca sĩ Rinde Eckert.

Bộ phim Whistleblower of My Lai có thể gọi là một bộ phim tài liệu kép. Thoạt đầu, nó dễ tạo ấn tượng về một tác phẩm thuật lại sự ra đời của vở opera thính phòng đơn tuyến/đơn thoại (đó là vở opera về những bi kịch của chiến tranh dưới góc nhìn của chuẩn úy Hugh Thompson, người đã bị xem là một kẻ phản bội khi quyết định ngăn cản tội ác này và lên tiếng tố cáo nó), nhưng dần nhập làm một với quan điểm và thái độ của đạo diễn, người muốn khai thác sự kiện Mỹ Lai từ góc nhìn khác với những góc nhìn phóng sự lịch sử hoặc chất vấn đạo đức vốn đã được khai thác quá nhiều.

Tình cờ gặp gỡ Jonathan trong một bữa ăn tối, Connie hứng thú với dự án âm nhạc Mỹ Lai khi đó đã được bắt đầu. Dự án này đến từ chính thôi thúc nội tại của Jonathan - vốn là thành viên phong trào đòi lại quyền và danh dự cho Hugh Thompson (và hai đồng đội Lawrence Colburn, Glenn Andreotta) qua hành động quả cảm, nhân văn của họ tại Mỹ Lai năm xưa.

Câu chuyện về thảm sát Mỹ Lai đến tai Jonathan Berger khi ông còn học trung học, trong các tranh luận nóng hổi trong gia đình về thế nào là chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa, thế nào là lòng yêu nước.

Nhưng chỉ đến khi làm việc tại ĐH Yale, ông mới được nghe từ một đồng nghiệp trọn vẹn câu chuyện về Hugh Thompson. Hugh Thompson đã đích thân gọi điện cho Jonathan sau khi nhận Huy chương Chiến sĩ năm 1998, một cuộc trao đổi dẫu ngắn nhưng cảm động, cũng là lần duy nhất. Bộ phim của Connie bắt đầu từ năm 2015, khi vở opera trong giai đoạn diễn tập, và hoàn chỉnh kịp thời điểm công chiếu tại Việt Nam năm nay, đúng 50 năm kỷ niệm cuộc thảm sát.

Berger kết hợp nhuần nhuyễn các giai điệu âm nhạc truyền thống Do Thái và Việt Nam trong vở opera, mà theo một nhận định là “vừa vĩnh cửu cũng vừa đại diện cho căn tính của nhân loại”. Trong vở opera này, cái chết đeo bám duy nhất một người - người đã đứng lên bảo vệ cho tất cả những người vô tội bị sát hại tại ngôi làng, và đến lượt mình, họ đại diện cho hàng vạn người khác đã chết trong chiến tranh.

Còn với Harrington, nghệ sĩ violin tứ tấu Kronos, thì “Một điều tôi cố sức thực hiện trong hợp tác với các nhà soạn nhạc chính là tôi luôn tin tưởng những gì họ nói. Nếu ai đó nói với tôi rằng họ đã có ý tưởng ấy nung nấu suốt 40 năm - cần phải lôi ra ngoài - tôi tin hoàn toàn”.

Vở opera thính phòng, đơn tuyến nhân vật, chỉ gồm ba hồi, ứng với ba lần trực thăng của Hugh Thompson và đồng đội hạ cánh chống lại và ngăn cản “đồng đội” nổ súng vào người vô tội. Khúc hát ru Mỹ Lai, tác phẩm đầu trong vở opera, được Harrington mô tả là “tiếng một cây theremin (loại nhạc cụ điện tử được thiết kế để chơi nhạc mà không hề có sự tiếp xúc trực tiếp với tay, nhạc công di chuyển hai tay quanh hai antenna kim loại để điều khiển tần số và biên độ âm thanh của nhạc cụ) thật sự sống và thật sự hít thở”.

Đối chọi với sự thô ráp, nghịch tai và không chút khoan nhượng của tứ tấu Kronos chính là những âm thanh rung cảm và đẹp tuyệt. Bề dày kinh nghiệm, ngôn ngữ âm nhạc và những âm thanh nghịch lạ, hương xa của tứ tấu đi cùng ngôn ngữ điện ảnh giàu truyện kể, chắt lọc của Connie Field, chất nghệ sĩ tỉnh táo, không buông thả, và đậm đặc cam kết vào vai trò nhân bản của nghệ thuật của Rinde Eckert. Đạo diễn sân khấu Mark DeChiazzo cũng có những đóng góp quan trọng, sắc bén để định hướng tác phẩm về sự phát triển nhân vật Hugh Thompson.

 
 Một cảnh trong vở opera My Lai (nguồn ảnh: LAT)

 Để thấu hiểu, trước hết cần phải lắng nghe

Hai trong số nhiều chi tiết đắt giá từ bộ phim là việc chính những người lính đã tàn sát dân làng suốt buổi sáng lại “hiền từ” chia sẻ phần ăn trưa với những đứa trẻ đến gần họ, và câu hỏi “làm thế nào một người có hai đứa con như Calley lại có thể cầm súng và bắn vào những đứa trẻ trạc tuổi, thậm chí còn ít tuổi hơn con mình?”.

Calley im lặng trước chất vấn của phóng viên. Những hình ảnh và thước phim trực tiếp tại Mỹ Lai do Ronald L. Haeberle cung cấp được sử dụng (không hết) trong bộ phim, đến nay vẫn còn nhiều người Việt trẻ chưa hề hay biết.

“Chúng ta nhìn thấy tội ác chiến tranh diễn ra hằng ngày. Chỉ cần mở báo ra, chúng ta thấy nước Mỹ xuất hiện ở nhiều động thái rất đáng ngờ. Chúng ta không cần chính trị hóa thực tế rằng tồn tại những trường hợp tương tự, nhưng chúng ta cần phải hiểu biết về nó - Harrington nói - Thật khó so sánh ảnh hưởng hay tác động tâm lý của những hình ảnh phản ánh sự tàn bạo, phi nhân của chiến tranh ngày trước, ngày nay, hay bất cứ thời điểm nào, với sự tham gia của Mỹ.

Có lẽ trong tương lai gần, chiến tranh trên thế giới sẽ ngập tràn drone của quân đội Mỹ”. Tác giả viết lời Harriet Scott cũng cho rằng không khó tìm thấy sự thức thời của câu chuyện về Thompson khi ngày nay Mỹ vẫn tham chiến, sự hành hạ những người cho là kẻ thù xuất hiện trở lại trên tít báo. “Tôi không thể nói rằng đất nước này thật sự học được nhiều từ câu chuyện thảm sát Mỹ Lai” - bà nói.

 
 

 Mỹ Lai không phải là tội ác đầu tiên, cuối cùng, hay duy nhất của Mỹ, và của các cuộc chiến diễn ra ngày nay cũng như có thể sắp tới. Kể cả khi con người càng tiến gần hơn về một hệ thống Internet toàn cầu, một bộ não toàn cầu, thì những xung đột hiện đang xảy ra chỉ càng trở nên phức tạp theo những phụ thuộc, thậm chí lệ thuộc lợi ích.

Trò chuyện cùng khán giả sau buổi chiếu, trong một góc nhìn chia sẻ với Connie, bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng nói: “Có một điều gì đó khác thường trong não trạng của người Mỹ, trong cách giáo dục họ nhận được, khiến cho sự tiếp xúc của họ với thế giới bên ngoài dường như luôn có vấn đề”.

Khắc họa cuộc chiến Việt Nam mà không nhìn nhận đúng đắn tầm quan trọng của phong trào phản chiến dường như là một thiếu sót lớn, tiếc là nó vẫn thường diễn ra. Và có lẽ, ngay tại Việt Nam, những cách thức khắc họa theo góc nhìn nghệ thuật thay vì chính trị, về cuộc chiến đó cũng vẫn chưa có sự quan tâm thỏa đáng.

Giữa thời đại mà các phương tiện kể chuyện trỗi lên, trong sự nhiễu loạn thông tin và nhận định, vai trò của hiểu biết và nhìn nhận thấu đáo về lịch sử, quá khứ là vô cùng khẩn thiết, để từ đó hiện tại và tương lai trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trò chuyện với khán giả sau buổi chiếu, Connie nói: “Trách nhiệm của nhà làm phim và là một người Mỹ chính là tác phẩm bên trong tác phẩm này, nhưng còn trách nhiệm, đặc biệt của người trẻ, chính là việc nhìn nhận về quá khứ dẫu đau buồn, ám ảnh có lẽ vẫn có gì đó tốt hơn là né tránh hoặc thờ ơ hoàn toàn về quá khứ, như nó chưa từng tồn tại”. ■

Sự kiện Mỹ Lai xuất hiện trong bài giảng tại Học viện quân sự lâu đời nhất nước Mỹ West Point, với sự tham gia của Hugh Thompson – một việc chưa từng có tiền lệ, như căn dặn về những bổn phận đạo đức và pháp lý của người lính trong thời chiến.

Ngày 6-3-1998, quân đội Mỹ trao Huy chương Chiến sĩ, danh hiệu dành cho những binh sĩ không giao tranh, cho Hugh Thompson, Lawrence Colburn và Glenn Andreotta (người đã hi sinh 3 tuần sau thảm sát Mỹ Lai) vì hành động hạ cánh “đứng giữa làn đạn quân lực Mỹ nhằm vào thường dân Việt Nam đang chạy trốn để ngăn cản hành vi giết người”. 

10 ngày sau, Thompson và Colburn có mặt tại Mỹ Lai, nhân 30 năm tưởng niệm vụ thảm sát kinh hoàng. Nói với tờ Associated Press năm 2004, Hugh Thompson chua chát, nhưng cũng chắc nịch với chọn lựa suốt 40 năm còn lại của đời mình: “Khi làm điều tốt chớ tìm kiếm cho mình phần thưởng, vì biết đâu nó sẽ chẳng đến”. 

Bài cáo phó năm 2016 mà tờ The New York Times dành cho Lawrence Colburn, người cuối cùng qua đời trong ba thành viên đội trực thăng năm xưa tại Mỹ Lai, cũng viết: “Mỹ Lai trở thành một hình mẫu cho sự tàn nhẫn không kiềm chế, và một bài học trực quan về đạo đức chiến trường, thế nhưng những thành viên trong phi đội có hành động kiên cường ngăn chặn không cho sự đổ máu tiếp diễn lại bị quên lãng”.

Ảnh

Connie Field là một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, thành viên Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh. Bà đã đạt được nhiều giải thưởng lớn: giải thưởng John Grierson Award cho nhà làm phim tài liệu xã hội xuất sắc nhất, giải Primetime Emmy, giải Nomurae của Học viện Anh, phim hay nhất và phim tài liệu xuất sắc nhất từ giới phê bình và nhiều giải thưởng khác. Connie Field từng được đề cử giải Oscar cho Phim tư liệu hay nhất.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận