Văn Cao - Những xúc cảm đen trắng

ĐỖ PHẤN 15/09/2023 14:18 GMT+7

TTCT - Có lẽ chính mức độ đơn giản hội họa của Văn Cao đã làm nên một kỳ tích trong ngành đồ họa in ấn hồi giữa thế kỷ trước.

Đã có nhiều bài viết, thậm chí có cả những công trình dài hơi nghiên cứu về thế giới hội họa của Văn Cao. Nhưng để hiểu được thế giới hội họa của tài danh đặc biệt này không hề đơn giản. Hay có lẽ chính vì mức độ đơn giản hội họa của ông đã làm nên một kỳ tích trong ngành đồ họa in ấn hồi giữa thế kỷ trước.

Và đặc biệt, mảng sáng tác minh họa cho báo chí của ông đã gần như khai phá ra khái niệm minh họa nghệ thuật.

Những xúc cảm đen trắng - Ảnh 1.

Ta đều biết rằng kỹ thuật in ấn của Việt Nam hồi giữa thế kỷ trước vô cùng lạc hậu. Nhà máy in vẫn phải dùng những bản in hình vẽ bằng gỗ khắc tay. Mãi đến thập kỷ 1970 mới có kỹ thuật in tráng ảnh kẽm. Họa sĩ vẽ minh họa trong thời kỳ này luôn được nhắc đến kèm theo tên ông thợ khắc ở trang sách cuối. Đại khái "Bìa và minh họa Văn Cao. Khắc gỗ Nguyễn Xà".

Bản in khắc gỗ dĩ nhiên chỉ có hai sắc độ: đen và trắng. Sắc độ trung gian phải do họa sĩ tự tìm cách sáng tạo ra nó, bằng cách đan thưa mau những nét đen, hoặc bằng những chấm đen rời cho một mảng lớn. Bức vẽ nào cũng vậy. Muốn có hiệu quả về không gian ba chiều trong khi chỉ có vật liệu là hai sắc độ, không có cách nào tốt hơn là phải tìm ra được nhiều sắc độ trung gian chỉ bằng màu đen duy nhất.

Điều đó hiển hiện lên bức vẽ bằng những xúc cảm lay động lòng người. Đó chính là cốt lõi giá trị của một bức minh họa.

Những xúc cảm đen trắng - Ảnh 2.

Vì những lý do kỹ thuật chế bản thời kỳ ấy, minh họa của Văn Cao cũng buộc phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo. Phải vẽ lên giấy trắng hoặc giấy can. Màu đen phải đặc biệt đậm đặc.

Cứ chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa sơn dầu của ông mà xem, ta sẽ thấy một bảng hòa sắc tài hoa tinh tế. Các sắc độ trên tranh sơn dầu của ông đã được lược bỏ hoàn toàn những cồng kềnh rối rắm bút pháp để đi đến một độ giản lược, chính xác đến không ngờ. Và đó chính là tiền đề cho những sáng tạo minh họa của ông về sau.

Không nghi ngờ gì nữa, con người cảm xúc trong ông mới chính là linh hồn của những bức vẽ minh họa chứ không phải là con người của kỹ năng được đào tạo. Đó là phẩm chất của một nghệ sĩ tổng hợp trong mình rất nhiều cảm xúc của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau, từ thơ, văn, nhạc cho đến họa.

Nhiều họa sĩ chỉ có trong mình một cảm xúc hội họa thôi là không đủ để vẽ một bức minh họa, ít nhất là thiếu độ thẩm thấu văn chương chữ nghĩa. Hiểu câu chữ thôi cũng chưa đủ, còn cần cả một quá trình tư duy hình ảnh hội họa nữa.

Nhiều bức minh họa của các họa sĩ khác cho ta thấy một câu chuyện khá buồn cười: anh vẽ mà tư duy bằng ngôn ngữ của anh kể chuyện thực ra là sai phương pháp.

Ai cũng biết ý tưởng cho một bức minh họa bao giờ cũng xuất phát từ một trang văn, một ý thơ, thậm chí một nét nhạc. Nếu họa sĩ không thẩm thấu được phần nào những nghệ thuật ấy thì bức minh họa chỉ còn là… minh họa!

Đã có một thời kỳ rất dài, nền văn học của chúng ta được nhà văn Nguyễn Minh Châu kết luận là một nền văn học minh họa. Kết luận của ông tuy không làm vui lòng các nhà lãnh đạo văn hóa, tuy nhiên nó đúng đến nỗi chẳng có cách gọi nào ngắn gọn chính xác hơn. Ông Văn Cao là người vẽ minh họa cho nền văn học minh họa ấy. Vậy là minh họa đến hai lần.

Nhưng thật ngạc nhiên, văn học minh họa đã thoái trào từ khá lâu rồi mà kỳ lạ thay, những minh họa của Văn Cao còn sống mãi. Những mảng màu đen đằm thắm như ngân vang trong bóng tối. Những mảng màu trắng tinh khôi nuột nà. Những nét vẽ chậm rãi khi run rẩy, khi khoáng hoạt, nhưng hết sức cô đọng chắt lọc.

Ông Văn Cao uống rượu không nhiều. Nhưng với ông, ta sẽ chẳng bao giờ có thể gọi là một bữa rượu. Sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào trước mặt ông cũng là một cái chén hạt mít. Cỗ bàn tụ tập ăn uống ông vẫn thích cái chén hạt mít ấy. Cũng chỉ dăm ba chén là thôi. Và cũng chỉ sau đó vài giờ là lại có thể uống tiếp. Với ông, dường như rượu là thứ tạo ra trạng thái cân bằng minh mẫn. Nhưng ở trong thời kỳ gian khổ chống Mỹ, rượu của ông chỉ toàn hạng nút lá chuối rẻ tiền. Và không thể nói là nó không có hại cho sức khỏe.

Ông Văn Cao vẽ trong lúc uống. Vừa vẽ vừa uống. Nhưng nét vẽ của ông luôn tạo ra cho người xem một cảm giác ấm cúng trong veo. Ta nên nhớ rằng ở thời kỳ minh họa thô sơ khắc gỗ và tráng bản kẽm thì kích thước của một bức minh họa báo chí thường được họa sĩ trình bày báo giao cho là chính xác đến từng milimet.

Và nó thường rất nhỏ. Nhiều vignette chỉ bằng bao diêm. Bàn tay của họa sĩ nếu không đủ khéo léo thì không bao giờ làm nổi. Ông Văn Cao phải làm việc ấy hằng ngày. Trong giai đoạn ông bị dừng bút viết, chính minh họa báo chí và làm bìa sách là nguồn sống của ông và gia đình.

Cũng giống như văn, thơ, nhạc, hội họa của ông cũng chỉ là tự học mà thôi. Nhưng không ngờ vài năm học dự thính hội họa của ông lại trở thành công việc chính kiếm ăn nhiều năm sau này. Đó hình như là một lợi thế của người ít được học.

Lối vẽ minh họa của Văn Cao đã hình thành được một phong cách riêng biệt, ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ cầm bút tiếp theo. Nếu chỉ ngắm nhìn những bức minh họa của Văn Cao thì hẳn là những người vẽ được đào tạo bài bản đều có cảm giác như nó trong tầm tay của mình.

Cũng đã có nhiều họa sĩ minh họa sau này bắt chước lối vẽ giản dị ấy của ông. Nhưng những bức vẽ ấy lập tức nhận được những lời bình xét không nhân nhượng: bắt chước Văn Cao. Đúng là bắt chước tạo hình mảng miếng của Văn Cao thì không khó, nhưng những xúc cảm tạo hình của ông là thứ không ai bắt chước nổi. Lớp hậu sinh học vẽ sau này cũng ít người nhận ra điều đó.

Những xúc cảm đen trắng - Ảnh 3.

Tối giản của ông Văn Cao là một thủ pháp đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ ông lược bỏ đi tất cả những gì không cần thiết nhưng lại đẩy hình và nét theo chiều hướng cảm xúc đi đến cao trào quyết liệt. Minh họa của ông đôi khi chỉ là một gương mặt thiếu nữ mà không có bất cứ thứ phụ trợ nào. Thế nhưng cho đến nay cũng chỉ có một mình Văn Cao thành công với lối vẽ đơn giản ấy. Đơn giản nhưng đủ đầy các cung bậc cảm xúc, vẽ như ông thì chưa ai làm được.

Nhớ về Văn Cao, ta không chỉ nhớ đến những ca khúc bất hủ, những trường ca từ thuở mới khai sinh ra thể loại trường ca. Sự nghiệp hội họa của ông cũng là một dấu ấn đồ sộ không thể nào quên.■

VĂN CAO (1923 - 1995)

15-11-1923. Sinh ra tại Hải Phòng khi người cha quê Nam Định ra thành phố cảng làm cai máy nước. Học Trường Bonnal, rồi Trường dòng Saint-Joseph, tại đây được học thêm âm nhạc.

1939. Viết ca khúc đầu tiên Buồn tàn thu được Phạm Duy đem đi hát khắp nơi. Bắt đầu sự gắn bó hoạt động văn nghệ của Văn Cao - Phạm Duy. Tạ Tỵ viết: "Phải thừa nhận rằng nếu không có giọng hát của Phạm Duy, nhạc Văn Cao cũng khó mà phổ biến; trái lại nếu không có Văn Cao, chưa chắc Phạm Duy đã sáng tác! Cả hai hỗ trợ nhau, cùng dìu nhau đi vào bất tử!".

1942. Từ Hải Phòng lên Hà Nội học dự thính Trường Mỹ thuật Đông Dương và lần đầu tiên được Vũ Bằng giới thiệu thơ văn đăng báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy.

1943. Triển lãm tranh lần đầu ở Salon Unique (Phòng tranh Duy Nhất) với bức tranh Les Suicidés (Những kẻ tự sát) gây được tiếng vang trong giới hội họa.

1940 - 1943. Thời kỳ viết nhạc sung mãn nhất với các ca khúc lịch sử và ca khúc lãng mạn: Bạch Đằng giang, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Thu cô liêu, Cung đàn xưa, Bến xuân, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi

1944. Bài hát Tiến quân ca được viết cho khóa Quân chính kháng Nhật theo yêu cầu của Vũ Quý, một cán bộ lãnh đạo Việt Minh. Văn Cao tự tay chép lời và nhạc Tiến quân ca vào đá (litho) in báo Lao Động số 1, tháng 11-1944.

19-8-1945. Tiến quân ca được Văn Cao điều khiển dàn đồng ca Thiếu Niên Tiền Phong hát tại quảng trường Nhà hát Lớn trong cuộc mít tinh giành chính quyền của Việt Minh tổ chức.

1945. Sáng tác bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, và các ca khúc Chiến sĩ Việt Nam, chiến sĩ Hải quân, Chiến sĩ Không quân, Bắc Sơn.

1946. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại kỳ họp thứ nhất đã quyết định lấy Tiến quân ca làm quốc ca.

1947. Viết bài hát Trường ca sông Lô mà theo Phạm Duy đánh giá là "tác phẩm vĩ đại, chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của loại nhạc cổ điển Tây phương".

1948. Được kết nạp Đảng Lao động Việt Nam. Viết bài hát Tiến về Hà Nội bị phê bình là "lạc quan tếu".

1950. Viết các bài hát Tiểu đoàn Lũng Vài, Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Công nhân Việt Nam, Toàn quốc thi đua…

1952. Được cử đi Liên Xô trong phái đoàn của Trần Huy Liệu. Đây là lần xuất ngoại đầu tiên của Văn Cao. Những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi đã khiến ông suy nghĩ nhiều.

1954. Hòa bình trên nửa nước, Văn Cao phụ trách ban nhạc Đài phát thanh Hà Nội.

1956. Tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm với bài thơ Anh có nghe không đăng trên Giai phẩm mùa xuân và trích đoạn trường ca Những người trên cửa biển in báo Nhân Văn số 4.

1958 - 1988. Bị kỷ luật, đi thực tế lên Điện Biên cùng Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng. Các bài hát trước đây không được biểu diễn. Viết thơ trong âm thầm. Kiếm sống kham khổ bằng vẽ bìa sách, vẽ minh họa, trang trí sân khấu.

1976. Viết bài hát Mùa xuân đầu tiên sau nhiều năm im lặng. Bài hát có những câu "Từ đây người biết quê người / Từ đây người biết thương người / Từ đây người biết yêu người". Phải một thời gian dài sau khi viết ra, Mùa xuân đầu tiên mới được phép hát chính thức.

1980. Quốc hội phát động cuộc thi sáng tác quốc ca mới để thay thế Tiến quân ca của Văn Cao. Nhưng cuộc thi đã không thành công. Tiến quân ca vẫn được chọn làm quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến nay.

1983. Lễ mừng Văn Cao 60 tuổi được tổ chức. Các bài hát Thiên thai, Trương Chi, Suối mơ được hát trở lại.

1988. Văn Cao cùng các thành viên chính của Nhân Văn

-Giai Phẩm chính thức được phục hồi. Tập nhạc Thiên thai và tập thơ được phép xuất bản.

10-7-1995. Mất tại Hà Nội.

1996. Được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên.

20-8-2023. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, chương trình âm nhạc lớn mang tên "Đàn chim Việt" được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Các bài hát từng bị phê bình, từng bị cấm hát của Văn Cao đã được vang lên đàng hoàng, đặc biệt bài Tiến quân ca lại được biểu diễn trên quảng trường ngoài Nhà hát Lớn như chính Văn Cao từng thực hiện ngày 19-8-1945.

Phạm Xuân Nguyên tổng hợp

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận