Biểu tình ở Cuba: Một thử thách với các giá trị Mỹ

THI-BAY MIRADOLI 30/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Hoa Kỳ là một trong hai nước (nước kia là Israel) mà mỗi năm ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lại bỏ phiếu chống để duy trì sự phong tỏa kinh tế do Mỹ dẫn dắt chống Cuba. Tại sao lập trường của chỉ hai nước lại khác biệt với toàn thế giới như vậy? Và lập trường này đã thay đổi ra sao trong những cuộc biểu tình chưa có tiền lệ tại hòn đảo này tuần lễ qua?

Với việc Tổng thống Joe Biden đang phát đi tín hiệu khác với những lời hứa tranh cử, bản thân quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Cuba đã nói về nước Mỹ và những giá trị của chúng tôi cũng nhiều như là về chính Cuba.

 
 Người dân Cuba đổ ra đường hôm 11-7. Ảnh: time.com

 Bài báo này không nhằm giải thích những cuộc biểu tình ở Cuba. Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận xét có tính kết luận nào. Tuần qua, một số lượng người Cuba đông đảo chưa từng thấy đã xuống đường để phản đối những thiếu thốn vật chất, tình trạng lạm phát và mất điện. 

Giống như phong trào SoS Cuba, hiện đặc biệt phổ biến ở Hoa Kỳ, lan truyền nhờ mạng xã hội, phong trào chống cấm vận NEMO tức “No Embargo Cuba”, đã thu hút được sự chú ý quốc tế, nhất là trên Facebook, với những đoàn người tuần hành khắp thế giới và một cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra ở Washington DC ngày 25-7. 

Trong khi SoS Cuba phản đối điều kiện sống ở hòn đảo này và kêu gọi thay đổi chế độ, NEMO cũng lên án những điều kiện đó, nhưng kêu gọi Mỹ gỡ bỏ cấm vận. Cùng vấn đề, nhưng thủ phạm và giải pháp với họ là khác nhau. 

Tình hình Cuba

Cuba đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế vào loại tồi tệ nhất từ sau khi Liên Xô sụp đổ, cũng trùng với thời gian một số lệnh cấm vận ngặt nghèo hơn từ Mỹ được áp đặt. 

Làm trầm trọng thêm đại dịch COVID-19 vốn tăng mạnh ở Cuba gần đây là tác động của 240 điều khoản cấm vận từ chính quyền Donald Trump cùng việc liệt Cuba vào danh sách quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Trước đó, một nước Caribê khác, Haiti, đã trải qua biểu tình lớn sau vụ ám sát tổng thống họ ngày 7-7. Tháng 6-2020, biểu tình nổ ra ở Colombia, cảnh sát đã bắn chết 20 người. 

Các năm 2019 và 2020, những cuộc biểu tình lớn ở Chile khiến hàng chục người thiệt mạng. Nhưng những sự kiện đó không gây nhiều sóng gió và sự chú ý ở Mỹ như với Cuba. 

Tại sao chúng tôi lại quá quan tâm tới tình trạng nghèo khổ hay bất ổn ở Cuba, mà không phải ở Haiti, Colombia, Chile, Guatemala, Honduras, hay chính “lãnh thổ” của nước Mỹ Puerto Rico?

Alan Yuhas đã viết trên báo The Guardian: “Hai hòn đảo Caribê đang ở ngã ba đường trong quan hệ của họ với Mỹ. 

Một hòn đảo tràn ngập trong tham nhũng và nợ nần, với những căn nhà đổ nát, những gia đình ly tán vì cường quốc đế quốc láng giềng. Hòn đảo còn lại là Cuba”. Hiện ngập trong khoản nợ 370 triệu đôla và ở bờ vực phá sản, thí nghiệm chủ nghĩa tư bản Mỹ ở Puerto Rico đã thất bại.

Trong khi đó, viết về nỗi ám ảnh của Mỹ về Cuba, Frances Negrón-Muntaner lập luận rằng việc quên mất vai trò của Mỹ trong việc định hình nền kinh tế Cuba giúp người Mỹ cảm thấy họ không có vai trò gì trong tình cảnh hiện tại của Cuba, trong khi về Puerto Rico họ hoàn toàn im lặng vì ở đó họ không thể đổ lỗi cho ai.

Ngày 13-7 vừa rồi, sau những cuộc biểu tình ở Cuba, thị trưởng Miami Francis Suarez đã kêu gọi can thiệp quân sự vào Cuba và phe Dân chủ ủng hộ những kêu gọi tương tự từ cộng đồng người Mỹ gốc Cuba. 

Chính quyền Biden trong khi đó giữ nguyên những hạn chế với Cuba của chính quyền trước, bao gồm việc chuyển kiều hối về nước, dù khi tranh cử ông đã hứa sẽ gỡ bỏ bớt các lệnh cấm vận.

Dan Restrepo ở Trung tâm Tiến bộ Mỹ cho rằng phe Dân chủ có thể muốn lôi kéo cộng đồng người Mỹ gốc Cuba trước các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. 

Nhưng bên phía Dân chủ cũng có những người như các nghị sĩ Bernie Sanders, Alexandra Ocasio Cortez và Bobby L. Rush, họ bày tỏ sự đoàn kết với những người biểu tình, đồng thời kêu gọi chấm dứt cấm vận.

Điểm lại quá khứ quan hệ Mỹ - Cuba, ta sẽ thấy lệnh cấm vận không mang lại bất kỳ kết quả tích cực nào cho cả hai nước. 

Đó là lý do tại sao năm 2014, tổng thống Barack Obama tuyên bố chính sách đấy đã thất bại và đã tới lúc phải thử cách khác. Nhưng chỉ vài năm sau, Trump lại áp các lệnh cấm vận còn ngặt nghèo hơn, mà giờ Biden đang duy trì.

Trong hoàn cảnh đó, Cuba vẫn đạt được nhiều thành tựu kể từ sau cuộc cách mạng tới nay. Tình trạng mù chữ bị thanh toán hoàn toàn vào năm 1961. 

Giáo dục đại học và chăm sóc y tế ở Cuba là miễn phí. Nước này cũng có tỉ lệ bác sĩ và nhân viên y tế trên đầu người rất cao và có tuổi thọ bình quân cao thứ ba ở Mỹ Latin. 

Cuba còn là nước có tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh thấp nhất trên toàn châu Mỹ, bao gồm chính Hoa Kỳ, và là nước đầu tiên trên thế giới loại bỏ hoàn toàn việc lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và bệnh giang mai. 

Cuộc sống ở đó còn xa mới là lý tưởng, nhưng nếu không có những lệnh cấm vận ở Mỹ, rất có thể ngày nay chúng ta đã thấy được một cách tổ chức kinh tế - xã hội khác, hứa hẹn, ở Tây bán cầu.

Tình hình thế giới

Ngày 23-6-2021, Đại hội đồng LHQ trình nghị quyết hằng năm hối thúc chấm dứt ngay lập tức các cấm vận nhắm vào Cuba. 

Theo LHQ, những cuộc cấm vận đã khiến Cuba không được tiếp cận đầy đủ với Internet và làm nước này thiệt hại hơn 147,8 tỉ USD, mà riêng năm 2020 là 9,1 tỉ USD. 

Nghị quyết nói đạo luật Helms-Burton của Mỹ là vi phạm Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế khi ngăn cản những trang thiết bị y tế thiết yếu vào Cuba trong đại dịch với việc đưa nước này vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố. 

184 nước đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết, 3 nước vắng mặt (Colombia, Brazil và Ukraine). Hai phiếu chống là của Mỹ và Israel.

Bình luận về nghị quyết, đại diện Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý gọi lệnh cấm vận nhắm vào Cuba là những trừng phạt đơn phương bất công và kéo dài nhất từng áp lên một quốc gia trong lịch sử thế giới hiện đại. 

Nói rằng Việt Nam vốn không lạ những khó khăn do cấm vận gây ra, ông Quý kêu gọi đối thoại xây dựng và thúc đẩy thay đổi tích cực trong chính sách của Mỹ với Cuba, vì lợi ích của “hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Thế nhưng, nhiều người Mỹ vẫn thật sự tin rằng ủng hộ việc cấm vận Cuba mới là vì lợi ích của người dân Cuba.

Rất nhiều ngộ nhận đã được sử dụng để biện minh cho điều đó.

Có thể kể ra đây tin tức về việc Cuba xử lý dịch bệnh không tốt. Thật ra, hầu hết các nước công nghiệp đều chật vật đối phó đại dịch. Ý chẳng hạn, có hơn 4 triệu ca nhiễm và 128.000 ca tử vong. 

Ở đỉnh điểm đại dịch, Mỹ cũng đã điêu đứng một thời gian dài. Về đòi hỏi thu hồi các tài sản của Mỹ bị quốc hữu hóa ở Cuba, lệnh cấm vận do Trump ban bố trên thực tế đã buộc nhiều doanh nghiệp Mỹ phải đột ngột ngưng hoạt động và “bỏ của chạy lấy người” ở Cuba, tức nó hoàn toàn đi ngược với yêu cầu đòi lại tài sản.

Danh sách những ngộ nhận như vậy là rất dài, nhưng điều quyết định ở đây là hơn 60 năm qua, những biện pháp cấm vận ngặt nghèo nhất đã chẳng đạt được gì. 

Ở thời điểm này, thật khó hình dung một kết quả tích cực cho hai nước. Có cảm giác Mỹ đơn giản tiếp tục trừng phạt Cuba vì sự kiên cường của nước này và vì việc chính Mỹ đã không đánh giá đúng một đảo quốc chỉ có 11 triệu dân và cách họ 150km bên kia đại dương.

Sự thật là một tình hữu nghị giữa hai nước sẽ là điều tốt đẹp hơn nhiều. Xét đến cùng, ở cả hai phía của cuộc tranh luận, mọi người đều muốn những cơ hội kinh tế tốt hơn cho người dân Cuba. 

Là một người gốc Ý, tôi nợ những đội y tế Cuba món nợ ân tình khi họ giúp quê hương tôi vượt qua sự hủy diệt của đại dịch COVID-19. Là người mang dòng máu Việt Nam, tôi nợ Cuba ân nghĩa với Việt Nam qua bao năm tháng. 

Là một người Mỹ tin ở hạnh phúc, phẩm giá và quyền tự quyết cho mọi dân tộc, tôi hy vọng chính quyền mình sẽ chấm dứt những chính sách phi lý và phi nhân, và tin rằng người dân Cuba đủ thông minh để hiểu điều gì là tốt nhất cho đất nước họ mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. 

Vấn đề Cuba, xét đến cùng, thật sự là một phép thử giấy quỳ với các giá trị Mỹ về nhân phẩm, tự do, tự trị và cơ hội bình đẳng. ■

HẢI MINH (chuyển ngữ)

Người Mỹ thật sự bị ám ảnh bởi cuộc cách mạng Cuba. Tôi từng nói chuyện với Amauris, một người Cuba sống ở Argentina, sau khi nhìn thấy những lời đe dọa nhắm vào anh trên Instagram vì anh bày tỏ sự ủng hộ với nhà nước và cuộc cách mạng Cuba. 

Amauris là một nhà địa lý học đã di cư khỏi Cuba để tìm kiếm các cơ hội kinh tế tốt hơn vào năm 2014, nhưng anh chưa bao giờ thôi ủng hộ những lý tưởng của cuộc cách mạng Cuba và chưa bao giờ thôi lên án những khó khăn kinh tế mà lệnh cấm vận đã áp lên hòn đảo này hơn 60 năm qua. 

Tôi đã được phép của Amauris khi nêu tên anh vì anh bày tỏ công khai quan điểm của mình và lên tiếng dứt khoát chống lại những tấn công nhắm vào anh trên mạng xã hội. 

Bằng cách nào mà người ta có thể sử dụng tự do để biện minh cho sự ủng hộ với phong tỏa kinh tế, rồi lại đe dọa bắt những người khác quan điểm phải im lặng?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận