Bộ Tứ (QUAD) có phải NATO châu Á?

DANH ĐỨC 22/03/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Những cái tên nghe rất kêu như “Bộ tứ”, “Bộ tứ kim cương” để chỉ nhóm đối thoại bốn nước Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, cùng đồn thổi về một “NATO châu Á” đã gây ầm ĩ khu vực thời gian qua. Thực hư thế nào?

Một hội nghị thượng đỉnh, dù trực tuyến, vẫn luôn hàm chứa nhiều hứa hẹn, nhất là thượng đỉnh đó quy tụ các thủ tướng Úc, Ấn, Nhật và tổng thống Mỹ trong khuôn khổ “Đối thoại Tứ giác”. 

Bốn nhà lãnh đạo nhóm QUAD, từ trái sang: các ông Modi, Biden, Morrison và Suga. -Ảnh: India TV News

 

Càng hứa hẹn khi tình hình khu địa chính trị xung quanh các nước này đang ngày càng khó lường trước một Trung Quốc quyết đoán hơn và vừa được CNN 6-3 xác nhận là “đã xây dựng xong lực lượng hải quân lớn nhất thế giới”. 

Trong cuộc họp báo hôm 12-3 sau thượng đỉnh, Jake Sullivan, cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ, đã giải đáp phần nào những thắc mắc liên quan tới nhóm QUAD này.

Họ nói gì?

Trong thông điệp nhậm chức lẫn trong diễn văn “Vị thế của nước Mỹ” hôm 4-2, tân Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh ông sẽ “sửa sai các liên minh của chúng ta và tương tác với thế giới một lần nữa”. 

Nếu như “tương tác lại với thế giới” có thể chỉ là một khẩu hiệu phấn đấu, thì “sửa sai” lại là yêu cầu bắt buộc trong quan hệ với các liên minh - thông điệp mới của ông Biden khá rõ. 

Ông cũng nhấn mạnh những hành động đó “không chỉ để đáp ứng thách thức của hôm qua, mà là của hôm nay và ngày mai, trong đó có tham vọng cạnh tranh với nước Mỹ ngày càng tăng của Trung Quốc…”.

Phát biểu với ba nhà lãnh đạo Úc, Ấn và Nhật ở thượng đỉnh trực tuyến, ông Biden triển khai lại những ý đó: “Vào thời điểm này, tôi nghĩ tất cả chúng ta đều quan tâm tới một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở. Hoa Kỳ cam kết hợp tác với các bạn, các đối tác của chúng tôi và tất cả các đồng minh của chúng tôi trong khu vực nhằm đạt được sự ổn định”.

Trên một bình diện khác, nếu như ông Trump hầu như không coi trọng mấy các vấn đề dân chủ hay nhân quyền thì ông Biden nay quay lại với các “giá trị Mỹ” đó. 

Theo ông, điều đó mới tạo thành “chính nghĩa” của nước Mỹ và đồng minh trong Bộ tứ: “Chúng ta cũng sẽ trực tiếp đối mặt với những thách thức đe dọa các giá trị thịnh vượng, an ninh và dân chủ của chúng ta từ đối thủ nặng ký nhất là Trung Quốc”. 

Ông không úp mở: “Chúng ta sẽ đối đầu với những lạm dụng kinh tế của Trung Quốc; chống lại hành động hung hăng, cưỡng chế của họ; đẩy lùi cuộc tấn công của Trung Quốc vào nhân quyền, sở hữu trí tuệ và quản trị toàn cầu”, dù ông vẫn chừa cửa nói chuyện: “Chúng tôi sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh khi Mỹ muốn như vậy”.

Ông nhấn mạnh rằng ông sẽ “nói là làm”: “Điều đặc biệt quan trọng… là nhắm đến các giải pháp thiết thực và kết quả cụ thể”. Minh họa cho điều này, các lãnh đạo Bộ tứ cam kết “sẽ kết hợp các năng lực y tế, khoa học, tài chính, sản xuất và phân phối để thực hiện cam kết mang tính đột phá về phân phối vaccine an toàn và hiệu quả” không chỉ cho bốn nước.

Cố vấn an ninh Sullivan tóm tắt kế hoạch này: “Với nền sản xuất của Ấn Độ, công nghệ của Hoa Kỳ, nguồn tài chính của Nhật Bản và Mỹ, và khả năng hậu cần của Úc, Bộ tứ cam kết cung cấp tới 1 tỉ liều [vaccine] cho ASEAN, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và hơn thế nữa vào cuối năm 2022”.

Sau bốn năm “nước Mỹ trên hết” và vứt bỏ vai trò tại không ít các định chế cùng thỏa hiệp quốc tế, xem nhẹ các đồng minh, buộc họ “ăn bánh trả tiền” dưới thời Trump, để rồi sau đó Trung Quốc điền vào chỗ trống, nay ông Biden đang muốn nước Mỹ trở lại.

Nội dung thượng đỉnh Bộ tứ ngày 12-3 đã được chuẩn bị bởi các ngoại trưởng từ hội nghị trực tuyến các ngoại trưởng bốn nước hôm 18-2, thể hiện qua tuyên bố chung của các ông Nerendra Modi (Ấn Độ), Scott Morrison (Úc), Yoshihide Suga (Nhật) và Biden.

Tuy nhiên, việc tuyên bố chung này không nhắc trực tiếp tới Trung Quốc cũng đã khiến báo chí một số nước, như Ấn Độ, đặt câu hỏi.

Outlookindia.in ngày 11-3 đăng một bài tựa đề: “Bộ tứ có dám nêu tên Trung Quốc?” của tác giả Vappala Balachandran, nguyên bộ trưởng văn phòng chính phủ: “Ở Đông Á hiện có cảm giác [do] cấu trúc vô định hình của Bộ tứ [nên] không thấy đề cập gì đến mục đích thực sự tồn tại của nó, điều đang gây bối rối và khó hiểu". 

"Ví dụ, thông cáo chung do Bộ Ngoại giao nước ta [Ấn Độ] công bố sau cuộc họp ngoại trưởng Bộ tứ gần nhất do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken chủ trì ngày 17-2 đề cập đến hầu hết mọi chủ đề như dân chủ chính trị, kinh tế thị trường, xã hội đa nguyên, quy tắc dựa trên trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, pháp quyền, minh bạch, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp, gắn kết và trung tâm của ASEAN, các chương trình tiêm chủng và đại dịch COVID-19. Song, thông cáo đó không hề đề cập một lời nào đến Trung Quốc”.

Đội hình các tàu chiến tham gia cuộc tập trận Malabar 2020. Ảnh: dnaindia.com

 

Khi ông Biden phát biểu riêng trong tư cách tổng thống Mỹ, ông có nêu đích danh Bắc Kinh, song tuyên bố chung sau đó thì không nêu. Nếu thượng đỉnh Bộ tứ hôm 12-3 là lần “xuất tướng” đầu tiên của ông Biden trên trường quốc tế, e rằng chưa thuyết phục cho lắm. 

Chi tiết này cũng cho thấy một thực tế: Còn tồn tại không ít khác biệt trong nhóm này. Đơn cử, Frédéric Charles của RFI từ Tokyo nhận xét: “Giống như Ấn Độ và Úc, trong Bộ tứ, Nhật Bản không muốn bị lôi kéo vào một mặt trận chống Trung Quốc". 

"Tuy vậy, Tokyo đánh giá cao việc tổng thống Mỹ đã chọn Bộ tứ để tiến hành một trong những cuộc họp trực tuyến đầu tiên của ông. Trái với Donald Trump, ông Joe Biden cố chứng tỏ Bộ tứ không phải là liên minh chống một quốc gia cụ thể nào”.

Có phải là NATO châu Á?

Cố vấn an ninh Sullivan trong cuộc họp báo ngày 12-3 cũng đã thận trọng bác bỏ mọi đồn đoán rằng Bộ tứ sẽ là một NATO châu Á: “Bộ tứ không phải là một liên minh quân sự; không phải là một NATO mới, bất chấp những tuyên truyền ngoài kia”.

Từ khi Bộ tứ nhóm họp và hoạt động trở lại vào năm 2017, truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng liên tục qua các bài bình luận và chỉ trích tổ chức này nhằm chống Trung Quốc.

Vì lẽ đó, sự thận trọng là cần thiết. Một thực tế là ở Úc, Ấn và cả Nhật, Mỹ cũng không thể loại trừ hoàn toàn những dòng chính trị có xu hướng hòa hoãn với Trung Quốc, hoặc coi trọng quan hệ kinh tế - thương mại tới mức không muốn rơi vào thế đối đầu trực diện.

Được biết, Đối thoại tứ giác ra đời vào tháng 8-2007 từ sáng kiến của thủ tướng Nhật lúc đó Abe Shinzo về “những vùng biển tự do và thịnh vượng”, được ông Abe trình bày trong diễn văn “Hợp lưu của hai vùng biển” đọc trước Quốc hội Ấn Độ hôm 22-7-2007. 

Đối thoại Bộ tứ được nối lại dưới thời tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty Images

 

Lúc bấy giờ, thủ tướng Ấn Manmohan Singh, thủ tướng Úc John Howard và phó tổng thống Mỹ Dick Cheney đã tham gia đối thoại.

Có thể mở ngoặc đơn ở đây, chính thức mà nói, thủ tướng Abe mới là tác giả học thuyết Ấn Độ - Thái Bình Dương từ năm 2007, nhưng Nhật tất nhiên không có đủ tiềm lực để triển khai điều đó trên thực tế.

 Phải 10 năm sau, khi tổng thống Trump nêu ra điều đó lần nữa ở APEC Đà Nẵng 2017, nó mới trở thành một dòng chính trong chính sách ngoại giao toàn cầu. 

Nhân đây cũng nhắc luôn, năm 2006, ông Abe từng đánh giá quan hệ Nhật - Ấn có thể vượt qua quan hệ với Mỹ để trở thành “mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới” (Foreign Policy 24-2-2015). 15 năm sau, nhiều người mới hiểu ra tầm nhìn đó của ông Abe.

Tuy nhiên, Bộ tứ không hề suôn sẻ từ đầu tới cuối. Ngay tháng 2-2008, thủ tướng Úc Kevin Rudd tuyên bố rút lui (ông Rudd có quan điểm hòa hoãn với Trung Quốc và nói tiếng Hoa cực kỳ trôi chảy). 

Cuối năm 2007, thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda, người thay ông Abe, cũng rút Nhật khỏi Bộ tứ. Tháng 1-2008, thủ tướng Ấn Manmohan Singh, trong chuyến thăm Trung Quốc, đã tuyên bố quan hệ Ấn - Trung mới là ưu tiên. 

Những thay đổi “khẩu vị chính trị” đó đã khiến Bộ tứ trở thành một dự án chết yểu hơn chục năm qua và chỉ được rục rịch khởi động lại năm 2021 này, dù không có gì chắc chắn nó sẽ tồn tại lâu bền.

Nói cho ngay, năm 2011, lãnh đạo ba nước Ấn, Nhật, Mỹ quyết định mở lại đối thoại ba bên, đào sâu hơn vấn đề an ninh hàng hải và bàn tới việc kêu gọi Úc trở lại, nhưng mãi tới Thượng đỉnh ASEAN Manila 2017, các thủ tướng Malcolm Turnbull (Úc), Modi và Abe cùng tổng thống Trump mới đồng ý khởi động lại việc bàn bạc khôi phục Bộ tứ. ■

Còn chuyện Bộ tứ tập trận hải quân thì sao? 

Thiệt ra, các cuộc tập trận mang tên Malabar này là sự kiện hoàn toàn riêng rẽ, bắt đầu từ tận năm 1992 giữa hải quân Ấn và Mỹ. 

Năm 2007, bốn nước Ấn, Úc, Nhật, Mỹ từng tập trận hải quân chung, rồi thôi, song cũng đủ để Trung Quốc tố cáo họ muốn lập “NATO châu Á”. Từ đó tới nay, Malabar chỉ có sự tham dự của 2 hoặc 3 trong 4 nước của Bộ tứ, chủ yếu là Mỹ và Ấn Độ.

Chỉ đến năm 2020, Malabar mới lại đủ mặt bốn nước, và cũng không hề diễn ra gần vùng biển Trung Quốc. Cuộc tập trận vào tháng 11-2020 đó chia làm hai giai đoạn ở vùng vịnh Bengal và biển Ả Rập. 

Còn năm 2021 này dự kiến có thêm sự tham gia của một tàu chiến Pháp, với lịch trình là 4-4 đến 7-4, cũng chỉ ở Ấn Độ Dương.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận