“Cách mạng quả mơ” hay cơn ác mộng Armenia?

TƯỜNG ANH 16/05/2018 22:05 GMT+7

TTCT - “Cách mạng màu”, “Cách mạng nhung” hay “Cách mạng quả mơ”! Những biến cố dồn dập tháng 4 và 5-2018 có thể đi vào lịch sử Armenia với những tên gọi khác nhau, nhưng sự thật là trên đất nước chưa tới 3 triệu dân này đang diễn ra những thay đổi không thể đảo ngược.

Ông Nikol Pashinyan (cầm loa) trực tiếp xuống đường. Ảnh: aawsat.com
Ông Nikol Pashinyan (cầm loa) trực tiếp xuống đường. Ảnh: aawsat.com

 

Sự kiện đó là việc lên nắm quyền lãnh đạo phe đối lập Armenia của Nikol Pashinyan, người không lâu trước đó còn là đại diện của nhóm thiểu số YELQ chỉ có 9 ghế trong Quốc hội 105 đại biểu.

Từ đường phố vào nghị viện, từ nghị viện ra đường phố

Ngày 23-4, thủ tướng Armenia Serzh Sargsyan thuộc Đảng Cộng hòa (chiếm đa số trong Quốc hội) đã từ chức trước áp lực biểu tình của hàng chục nghìn người dân Armenia suốt 10 ngày trước đó. Nguyên nhân biểu tình: phản đối Serzh Sargsyan làm thủ tướng sau khi Armenia, nhiều năm dưới sự lãnh đạo của tổng thống Serzh Sargsyan, tình hình kinh tế - xã hội không cải thiện, tham nhũng hoành hành.

Serzh Sargsyan đã làm tổng thống Armenia 10 năm nên không có quyền tái cử. Ngày 9-4, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông kết thúc. Ngày 12-4, Đảng Cộng hòa đã đề cử và Quốc hội Armenia đã phê chuẩn ông vào chức thủ tướng.

Phe đối lập phản đối, cho rằng đây là mưu toan cố thủ quyền lực: sau một cải cách hiến pháp năm 2015, Armenia trở thành cộng hòa nghị viện và chức thủ tướng được trao nhiều quyền hành rộng rãi, còn tổng thống giờ chỉ có chức năng đại diện.

Ngày 17-4, ông Pashinyan chính thức kêu gọi người dân xuống đường. Các trụ sở chính quyền, cơ quan nhà nước, đường sá thủ đô Yerevan bị phong tỏa. Căng thẳng gia tăng khi có người bị thương và bị bắt sau những cuộc đụng độ.

Sau những nỗ lực thương lượng với phe đối lập bất thành, thủ tướng Serzh Sargsyan bất ngờ từ chức, mở đường cho Pashinyan trở thành ứng viên độc nhất vào chức thủ tướng trong cuộc bỏ phiếu bất thường của nghị viện Armenia ngày 1-5.

Tuy nhiên, ứng viên duy nhất chỉ nhận được 45 phiếu thuận (trong khi cần ít nhất 53 phiếu) của Quốc hội. Ông Pashinyan liền kêu gọi người biểu tình trở lại phong tỏa các tuyến đường giao thông chính, công sở, phi trường... đến khi ông được bầu vào ghế thủ tướng! Trong cuộc bỏ phiếu lần hai ngày 8-5, ông đạt mục đích: giành được 59 phiếu.

Hầu hết các nhà quan sát đều đồng tình nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những cuộc biểu tình tháng 4-2018 tại Yerevan là tình hình kinh tế và năng lực của ông Serzh Sargsyan. Trong chỉ số phát triển con người của Liên Hiệp Quốc, Armenia xếp hạng 85, sau cả Ukraine đang loay hoay trong cuộc chiến ở miền đông (81) và thấp hơn so với hầu hết các nước láng giềng như Iran (69), Thổ Nhĩ Kỳ (72), Gruzia (76) và Azerbaijan (78).

Số liệu của Ngân hàng Thế giới về tăng trưởng kinh tế của Armenia năm 2016 là 1,9%, tức tiếp tục tình trạng “phú quý giật lùi”, thấp hơn năm 2015 (3%) và 2012 (7%). 30% dân số Armenia sống bên bờ vực nghèo khó. Không có việc làm, nhiều người bỏ ra nước ngoài tìm việc: 80% kiều hối gửi về Armenia là từ Nga. Tuy nhiên, kinh tế Nga suy thoái đã kéo theo sụt giảm lượng kiều hối người lao động Armenia gửi về tới 65%. Với những người Armenia còn ở lại trong nước, tỉ lệ thất nghiệp là 20%, theo carnegie.ru.

Giữa đông và tây

Armenia là một “trường hợp cá biệt” trong số các cựu cộng hòa Liên Xô, phát triển không theo khuôn mẫu nào sau khi Liên Xô tan rã. Không theo khuôn mẫu thứ nhất của Gruzia, Moldova, Ukraine - những nước đã và đang chọn đứng hẳn về phương Tây, Armenia cũng không thuộc nhóm Azerbaijan, Belarus với đường lối thân Nga và các nhà lãnh đạo cứng rắn thường xuyên nhận các cáo buộc đủ loại về dân chủ và nhân quyền.

Rắc rối của Armenia ở chỗ tuy chỉ có 2,9 triệu dân nhưng lại nằm ở vị trí địa chính trị nhạy cảm trong khu vực Caucasus. Là đồng minh chiến lược của Matxcơva sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Armenia giáp giới hai quốc gia thù địch là Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ (hai láng giềng còn lại là Gruzia và Iran).

Biên giới Azerbaijan - Armenia từ lâu đã sôi sục vì tranh chấp chủ quyền Nagorno-Karabakh và những vấn đề tôn giáo. Với Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có nhiều mắc mứu nan giải trong lịch sử và gần như không thông thương biên giới, chưa kể Thổ Nhĩ Kỳ đứng về Azerbaijan trong vấn đề Nagorno-Karabakh.

Armenia đã chọn lựa mô hình phát triển được gọi là “đa vectơ”. Yerevan là thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEC) và Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) do Nga chủ xướng. An ninh của họ phần nào dựa vào Matxcơva với sự hiện diện của quân đội Nga ở căn cứ quân sự Gyumri, nhưng mặt khác Armenia cũng đã ký với Liên minh châu Âu (EU) một số hiệp định hợp tác dưới thời tổng thống Serzh Sargsyan.

Expert.ru bình luận: “Sargsyan dàn xếp được với Nga. Ông ta dàn xếp được với Mỹ. Ông ta dàn xếp được với Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Azerbaijan. Ông ta chỉ không dàn xếp được với Armenia”.

Armenia nay vẫn là một trong những nước nghèo nhất trong các cựu cộng hòa Liên Xô. Làn sóng đầu tư mà Sargsyan hứa hẹn chưa xuất hiện, trong khi phần lớn người Armenia đều có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài nên họ có cơ hội nhìn ngắm và so sánh. Những người xuống đường nhiều ngày qua, theo expert.ru, “không hẳn họ ủng hộ ứng viên đối lập Nikol Pashinyan, nhưng chắc chắn họ chống ông Serzh Sargsyan”.

Nhà phân tích chiến lược của Đại học Princeton F. William Engdahl cho rằng có những dấu hiệu của một cuộc “cách mạng màu” ở Armenia, với sự hiện diện của hàng loạt tổ chức phi chính phủ (NGO) tại đây. Trong một bài viết trên Global Research ngày 4-5, Engdahl nêu tên Quỹ xã hội mở Armenia (OSF-Armenia), Ủy ban Helsinki-Armenia, Tổ chức Bảo vệ quyền không biên giới (Protection of Rights Without Borders, tức PRWB)... hoặc do tỉ phú - chuyên gia cách mạng màu George Soros, hoặc do EU và Cơ quan Viện trợ phát triển Mỹ (USAID) tài trợ.

Engdahl cho rằng việc OSF-Armenia và các NGO khác vào giữa tháng 4 ký một tuyên bố liên quan trực tiếp đến những sự kiện trên đường phố Yerevan cho thấy “mối quan tâm cao hơn bình thường” của phương Tây. Cũng theo Engdahl, ngày 30-4, một ngày trước cuộc bỏ phiếu ở Yerevan, trợ lý bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Á - Âu A. Wess Mitchell đã điện đàm với ứng viên đối lập Pashinyan. Mitchell đang giữ chức vụ mà dưới trào Obama thuộc về bà Victoria Nuland, nổi tiếng với vai trò trong cuộc “Cách mạng cam” ở Ukraine, Engdahl nhấn mạnh.

Armenia sẽ khác?

Phát biểu tại Quốc hội Armenia trước cuộc bỏ phiếu thứ nhất ngày 1-5, ông Pashinyan cho biết về đối ngoại, ông chủ trương duy trì mối quan hệ của Armenia với EAEC và CSTO. Với châu Âu, ông hứa hẹn “tăng cường quan hệ giữa EAEC với các nước EU, làm tất cả để có được chế độ bãi bỏ thị thực với EU”. Về vấn đề lãnh thổ Nagorno-Karabakh, ông cam kết sẽ “ngăn chặn không để Baku có các hành động vũ lực” qua nhóm hòa giải thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu - OSCE.

Để đạt được điều này, ông khẳng định sẽ tăng ngân sách quốc phòng. Những tuyên bố đó đậm màu dân túy, nhưng khó xác định tính khả thi. Trên hết, đường lối đấy không khác biệt lớn so với thời thủ tướng thất sủng Serzh Sargsyan. Carnegie.ru nhận định: “Bất bình của người dân với các hoạt động của ông Sargsyan là yếu tố duy nhất liên kết phe đối lập Armenia.

Ngay cả trong trường hợp thắng lợi, phe đối lập cũng không thể thay đổi chính sách đối ngoại mà chính quyền trước đây đã tiến hành”.

Tuy nhiên, vấn đề là bởi vị trí địa chính trị, mọi diễn biến tại Armenia đều có thể tác động đến lợi ích chiến lược của các nước lớn. Nga không muốn mất căn cứ quân sự duy nhất ở khu vực Caucasus, nơi họ ngày càng ít đồng minh, chưa kể Armenia là nhân tố bảo đảm hòa bình chính ở khu vực Karabakh và là nước ủng hộ Nga trong vấn đề Syria, vì cộng đồng người Armenia đông đảo ở Syria.

Trong khi đó, ông Pashinyan đã cho thấy sự thiếu nhất quán trong chủ trương đối ngoại. Tại cuộc điều trần ngày 1-5, ông này, từng là nhà báo, bị phe Cộng hòa đa số “bắt bài” khi họ trưng ra một bài báo của ông chỉ trích quan điểm dân tộc và dân túy của chính quyền Sargsyan trong vấn đề Karabakh nhiều năm trước. Gần đây hơn là phát biểu chỉ trích việc Armenia gia nhập EAEC: “EAEC không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho Armenia, ngoại trừ tác hại”.

Họ đặt câu hỏi: Vì sao ông Pashinyan thay đổi quan điểm nhanh như thế và đâu là đường lối thật của ông? Cũng không phải ngẫu nhiên mà tại cuộc điều trần, các đại biểu Đảng Cộng hòa đã chất vấn ông Pashinyan về mối liên hệ với nhà hoạt động đối lập Nga Alexei Navalny (mà ông đã phủ nhận)!

Cuối cùng là hai thông tin đầy tính biểu tượng về những diễn biến mới nhất ở Armenia. Thứ nhất là chuyến thăm Yerevan của ngôi sao nhạc rock thuộc nhóm System Of A Down Serzh Tankyan, một người Mỹ gốc Armenia. Ngày 7-5, Tankyan bay về Yerevan và ông Pashinyan không bỏ qua cơ hội PR khi ra tận sân bay đón tay ca sĩ.

Phát biểu ở quảng trường trung tâm trước những người biểu tình, Tankyan đùa rằng ông “xin lỗi vì đã về trễ giờ cách mạng”. Trong khi đó, một người gốc Armenia nổi tiếng khác, tổng biên tập kênh truyền hình quốc tế Nga RT Margarita Simonyan trả lời phỏng vấn kênh Sputnik cho biết trong thời khắc khó khăn này của Armenia, bà rất quan tâm tới mối bang giao tương lai Nga - Armenia. Bà nói: “Nếu mối quan hệ tuyệt vời và trong sáng giữa Nga và Armenia biến thành những gì đang diễn ra hiện nay giữa Nga với Ukraine, điều đó thật đáng sợ!”.■

Theo Interfax, sau khi đắc cử, ông Pashinyan tuyên bố sẵn sàng thương lượng về vấn đề Karabakh với Azerbaijan trên cơ sở các nguyên tắc “bình đẳng các dân tộc” và “tự quyết”, nhấn mạnh hợp tác quân sự với Nga tiếp tục là nhân tố quan trọng bảo đảm an ninh cho Armenia và nước này tiếp tục là thành viên của EAEC, nhưng cũng tuyên bố sẽ tạo xung lực mới cho quan hệ với Hoa Kỳ, đồng thời phát triển quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ.

Tên gọi “Cách mạng quả mơ” (tiếng Nga: Абрикосовая революция), theo nhà nghiên cứu “Cách mạng màu” Budina M.E, xuất phát từ định kiến cho rằng xuất xứ của quả mơ là Armenia (theo e-koncept.ru).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận