Chậm chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai

DƯƠNG NGỌC HÀ 11/06/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Lĩnh vực đất đai ở TP.HCM dù có tiếng là “đi trước” trong chuyển đổi số, thực tế đến nay vẫn ì ạch thí điểm.

 

 

Click chuột xin cấp Phép xây dựng

Cuối tháng 5-2022, ông Trần Hải Long ở phường Tân Phú (TP Thủ Đức, TP.HCM) đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP Thủ Đức ở phường Hiệp Phú hỏi thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng (CPXD).

Cán bộ chỉ cho ông tờ hướng dẫn dán trên vách kính và trả lời: hiện TP Thủ Đức chỉ nhận hồ sơ CPXD qua mạng theo quy trình thủ tục hành chính trực tuyến cấp độ 4 (nộp hồ sơ và nhận kết quả qua mạng). 

Ông Long chụp lại nội dung hướng dẫn, ra về với nhiều thắc mắc: nộp hồ sơ qua mạng có dễ không, làm sao có bản chụp hồ sơ cho hoàn chỉnh, lỡ bấm nộp nhầm thì sao… Nhân viên công ty làm bản vẽ xin CPXD nhà hướng dẫn ông Long scan lại một số giấy tờ, vô trang thông tin điện tử TP Thủ Đức nộp hồ sơ. 

Sau 10 phút thao tác, nhân viên công ty đo vẽ thông báo: hồ sơ đã nộp xong và giao cho ông một mã biên nhận hồ sơ tự động trên máy. Hôm sau, ông Long được thông báo hồ sơ của ông đã hoàn chỉnh, đầy đủ và đã được thụ lý, bắt đầu quy trình CPXD. 

Bà Mai Thanh Nga, phó phòng quản lý đô thị TP Thủ Đức, cho biết thủ tục CPXD trực tuyến cấp độ 4 tại TP Thủ Đức áp dụng từ ngày 1-4-2022, từ trang thông tin điện tử TP Thủ Đức hoặc app Thành phố Thủ Đức. 

Phần hướng dẫn khi bắt đầu nộp hồ sơ mô tả rõ các bước thao tác, mẫu bản vẽ xin CPXD, mẫu bản chụp các loại giấy tờ. Người dân có thể ở bất kỳ nơi đâu và vào bất cứ thời gian nào trong ngày để nộp hồ sơ, không phải chờ đợi như nộp hồ sơ trực tiếp. 

Hồ sơ điện tử của người dân sau khi nộp lên hệ thống sẽ được nhân viên thụ lý kiểm tra, nếu đủ thành phần thì sẽ thông báo cho người nộp hồ sơ qua email và thụ lý. Việc bổ sung, điều chỉnh hồ sơ, bản vẽ và nhận kết quả cũng qua email.

Với cơ quan CPXD, lượng công việc giảm đi đáng kể. Tất cả những khâu nhập liệu, thời gian hồ sơ được nộp, thời điểm xử lý của từng người trong quy trình đều được phần mềm ghi nhớ. 

Những người xử lý hồ sơ hành chính của dân không phải có mặt trực tiếp ở văn phòng như trước, chỉ cần có máy vi tính hoặc điện thoại thông minh truy cập Internet.

Bà Nga cho biết khâu lưu trữ, theo dõi hồ sơ sau CPXD gọn hơn rất nhiều, không sợ bị thất lạc. Muốn xem hồ sơ nào, chỉ cần click chuột là có thể tìm ra ngay hồ sơ lưu trữ, không phải vô tận kho lưu trữ, mất nhiều thời gian tìm kiếm thủ công như trước. 

TP Thủ Đức đang hướng dẫn để người dân quen với việc này. “Người nộp hồ sơ và người thụ lý không tiếp xúc với nhau, chỉ trao đổi qua thư điện tử nên hạn chế được việc cán bộ cố tình làm khó dân”, bà Nga nói.

Tại các quận 8, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn có các app trực tuyến để người dân theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ hành chính, phản ánh về trật tự lòng lề đường, trật tự xây dựng. 

Sở Quy hoạch - kiến trúc có trang Thông tin quy hoạch TP.HCM với thông tin các lớp quy hoạch, các chỉ tiêu quy hoạch cho từng khu đất, những bản đồ giấy và các quyết định phê duyệt quy hoạch… cho người dùng cần tìm hiểu thông tin sâu. Sở Xây dựng có app SXD247…

Các quận huyện khác tại TP.HCM có trung tâm điều hành đô thị thông minh như quận 1, 7, huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức. Theo Sở TT&TT TP.HCM, mục tiêu đến cuối năm 2022, mỗi quận huyện đều có một trung tâm điều hành đô thị thông minh. Đây là cơ sở để triển khai mô hình chuyển đổi số trong thủ tục hành chính, quản lý hồ sơ...

TP Thủ Đức, quận 7 cho biết những nơi này có ý định kết nối các dữ liệu về đất đai với quy hoạch, xây dựng. Đại diện Phòng quản lý đô thị TP Thủ Đức cho biết trên cơ sở các thông tin về hồ sơ CPXD trực tuyến, họ sẽ thiết kế khâu lưu trữ dữ liệu để chuẩn bị cho việc tích hợp với các thông tin về nhà, đất và quy hoạch để làm hồ sơ về lịch sử biến động đất đai của dân. 

Khi đó, một thửa đất sẽ được cập nhật tất cả thông tin: các biến động từ chuyển nhượng, quy hoạch, CPXD, tài sản, công trình trên đất và thông tin về chủ sở hữu.

“Từng lớp thông tin sẽ được khai thác phục vụ cho những mục tiêu quản lý nhà nước khác nhau, một phần phục vụ cho người dân” - ông Lê Văn Thành, phó chủ tịch UBND quận 7, nói.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh quận 7, TP.HCM. Ảnh: T.T.D.

 

Ngành đăng ký đất đai: quá tải kho lưu trữ

Lĩnh vực đất đai có nhiều thủ tục gắn liền với người dân. Tuy nhiên, theo một cán bộ Sở TN&MT TP.HCM, sở này đang xây dựng chương trình thí điểm chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký đất đai. Nhưng để số hóa toàn bộ dữ liệu đăng ký đất đai tại TP, cần tới nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng.

Hệ thống văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM hiện có hơn 20 điểm kho lưu trữ hồ sơ ở các chi nhánh, 1 kho lớn ở địa chỉ 12 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh (trụ sở chính của Văn phòng đăng ký đất đai TP). 

Nhưng phần lớn các kho lưu trữ đã đầy từ nhiều năm trước, các chi nhánh liên tục xử lý, hủy bỏ những hồ sơ đến hạn để có chỗ lưu trữ hồ sơ mới. 

Theo cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai TP, nếu các kho lưu trữ hiện tại được trang bị hệ thống lưu trữ số thì sẽ sử dụng được 80% diện tích kho dành cho việc lưu trữ.

Nhưng hiện tại do chưa có hệ thống lưu trữ số nên các kho phải lưu trữ hồ sơ thủ công, chỉ có 40% diện tích kho dành lưu trữ (diện tích trống còn lại dành cho lối đi lại để tìm hồ sơ).

Hơn 10 năm trước, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (trước đây là văn phòng đăng ký đất đai quận huyện) từng đi đầu khi lần lượt số hóa các dữ liệu, hồ sơ về đăng ký đất đai, bản đồ… nhưng đến nay vẫn “mạnh ai nấy xài”, chưa xây dựng được dữ liệu chung cho TP. 

Nguyên nhân là các quận huyện tự xây dựng cơ sở dữ liệu trên những phần mềm, nền tảng khác nhau nên không thể tích hợp và chia sẻ cho nhau được.

Còn thêm một nguyên nhân khác, theo một cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, một số thủ tục đăng ký đất đai yêu cầu người sử dụng phải ký trực tiếp, không thể thực hiện qua mạng. 

Chưa kể tài sản nhà đất có giá trị lớn, nếu thực hiện thủ tục qua mạng khả năng thất lạc cao. Bên cạnh đó, lịch sử sử dụng đất, nhà phức tạp, có nhiều loại hồ sơ, giấy tờ khác nhau, khó nộp trực tuyến cấp độ 3 (nộp hồ sơ qua mạng, nhận kết quả trực tiếp), cấp độ 4… 

Trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại TP, văn phòng đăng ký thực hiện một số thủ tục hành chính qua bưu điện và qua mạng nhưng không có nhiều người dân đăng ký.

Theo một chuyên gia, chính vì thủ tục liên quan đến đăng ký đất đai phức tạp, rối rắm nên cần có sự sắp xếp, chuyển đổi số để bớt giấy tờ, giảm đi lại cho dân.

Riêng các loại giấy tờ thật sự cần thiết vẫn có thể yêu cầu người dân đến ký trực tiếp. Khi đó, không chỉ có lợi cho dân mà còn giảm thời gian tìm kiếm, thụ lý hồ sơ của cán bộ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính.■

Thông tin cập nhật từng giờ

Ông Lê Văn Thành, phó chủ tịch UBND quận 7, dùng điện thoại di động, chọn mở một cuộc họp của Quận ủy quận 7. Toàn bộ nội dung cuộc họp, tài liệu, thành phần dự họp xuất hiện trên màn hình. Ông tiếp tục vào mục khác, trên màn hình hiện ra số liệu thu ngân sách của quận đến cuối tuần rồi…

Đó là một trung tâm điều hành đô thị thông minh giúp những người như ông Thành có thể ngồi đâu họp cũng được. Dựa trên số hóa, ông và lãnh đạo quận 7 có thể phân tích tình hình, ra quyết định ngay. Các quyết định này sẽ triển khai đến cán bộ ngay trong ngày. 

“Trước đây, chúng tôi muốn biết số thu ngân sách phải chờ chuyên viên tổng hợp số liệu từ cơ quan thuế, chuyên viên phòng tài chính tổng hợp rồi mới báo cáo lãnh đạo. Nhanh thì mất một buổi, chậm thì cả ngày mới có”, ông Thành cho biết.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh quận 7 hiện có 5 chức năng chính là phòng chống dịch, phát triển - phục hồi kinh tế, xây dựng chính quyền điện tử, là trung tâm giám sát quản lý giao thông trật tự đô thị vệ sinh môi trường trên địa bàn, dịch vụ hành chính công cấp độ 3, cấp độ 4 một cửa điện tử liên thông. 

Trung tâm này có 2 app, một cho công chức phục vụ công việc chỉ đạo và điều hành, một để phục vụ người dân (cung cấp thông tin quy hoạch, an toàn thực phẩm, các thủ tục hành chính, đánh giá sự hài lòng, các địa điểm nước phòng cháy chữa cháy...).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận