Chờ về bình thường

HỒ QUỐC TUẤN 29/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Những ngày cuối tháng 1-2021, tôi đọc được bài của một bạn ký giả quen trên tờ Nikkei Asia rất lạc quan về kinh tế hậu dịch COVID-19. Bạn gọi năm 2021 là thời điểm bứt phá (breakout moment) của Việt Nam. Ở thời điểm đó Việt Nam chỉ có 1.500 ca bệnh với 35 người tử vong, và nền kinh tế vận hành hầu như bình thường, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Những ngày đầu 2021, Pamela và Tony, vợ chồng luật sư đã về hưu, cũng chia sẻ với vợ chồng tôi rằng kế hoạch Giáng sinh và năm mới của họ đổ vỡ sau khi con trai nhiễm COVID-19 và gia đình nhỏ của anh ấy “mắc kẹt” ở London vì thành phố này bị đưa lên mức Tier 4, nghĩa là tình trạng “phải ở nhà”. 

 
 Ảnh: Dreamstime

Hai bác luật sư già rất thất vọng. Với họ, Giáng sinh và năm mới mà không được thăm con cháu, không được chìm trong không khí lễ hội, đoàn viên là cả một sự đổ vỡ và mất mát. 

Trái với những đêm giao thừa vắng lặng ở các nước, Việt Nam tưng bừng chào đón 2021. Hình ảnh hàng nghìn bạn trẻ tham gia các “đại tiệc countdown” ở Việt Nam được thể hiện trên truyền thông và mạng xã hội khi đó là một điều đáng ganh tị so với những nước đang đánh vật với đại dịch. 

Sự đối lập giữa đêm giao thừa tấp nập ở Việt Nam với sự vắng lặng của quảng trường Thời Đại ở New York, khu vực xung quanh cầu London của nước Anh hay tháp Eiffel của Pháp đã nói lên tất cả. Các nước như Anh, Mỹ, Pháp không có cảm giác đang “sống”. 

Người ta đã trải qua một đêm giao thừa vắng lặng, mặc dù pháo hoa vẫn bắn như bình thường.

Trong bối cảnh như vậy, tôi cũng lạc quan như người bạn của mình rằng Việt Nam sẽ có một năm 2021 tốt đẹp, mặc dù vẫn còn chút lo ngại. Tôi chia sẻ với bạn nỗi lo của mình, và sau đó viết thành một bài đăng trên báo Đầu Tư.

Trong đó tôi viết: “Một số nền kinh tế như Việt Nam, Trung Quốc, Lào và vài nước châu Phi có tăng trưởng dương trong năm 2020. Nhưng kỳ vọng họ tăng trưởng gấp đôi mức của năm 2020 như một số dự báo có thể sẽ trở thành quá lạc quan nếu không có sự giúp sức của miễn dịch cộng đồng đạt được qua vắc xin”.

Ngay cả khi đó, tôi vẫn không thể ngờ đợt dịch từ tháng 4-2021 đã làm thay đổi hoàn toàn triển vọng kinh tế của cả năm. 

Biến thể Delta và các biện pháp chống dịch mạnh tay đã làm thay đổi hoàn toàn kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Chiến lược “Zero Covid” đã dẫn đến tình trạng giãn cách xã hội quá chặt kéo dài ở các tỉnh phía Nam và tạo ra gánh nặng lớn lên nền kinh tế.

GDP 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 là một tín hiệu lạc quan khi đó, nhờ vào thành quả của 4 tháng đầu năm. 

Nhưng sau đó tác động nặng nề của biến thể Delta đã thấy rõ: quý 3-2021 tăng trưởng âm 6,17%, mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Cuối cùng cả năm 2021, chúng ta về đích với mức tăng trưởng 2,58%, chỉ được một nửa tốc độ tăng trưởng kinh tế nửa đầu 2021.

Tuy nhiên, điều đáng lạc quan là tăng trưởng kinh tế của quý 4-2021 đã quay trở lại quỹ đạo trên 5%, thể hiện tác động tích cực của việc thay đổi trong chính sách chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Điều này góp phần tạo ra hy vọng về hồi phục kinh tế trong năm 2022. Những con số dự báo ban đầu cho thấy giới phân tích kỳ vọng tăng trưởng 6,5% hoặc cao hơn cho Việt Nam trong năm mới nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh và mở lại hoạt động kinh tế tiếp tục khả quan như mấy tháng cuối năm. 

Đầu năm 2022, 8 đường bay quốc tế đã được mở lại.

Là một nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu cũng như vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần mở cửa kinh tế và trở lại hoạt động bình thường để có thể thúc đẩy kinh tế bật tăng trở lại.

Đầu năm 2022, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam từ một nước có tỉ lệ tiêm vắc xin rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới, với tỉ lệ bao phủ hai mũi vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên là 90,9%. 

Đây là một tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể yên tâm mở cửa lại các hoạt động kinh tế quốc tế và hồi phục về bình thường.

Tuy nhiên, còn một tiền đề quan trọng khác để hồi phục kinh tế. Đó chính là bỏ tâm lý “sợ dịch”, phong tỏa người về từ “vùng dịch”. 

Lấy ví dụ, khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch và báo VnExpress vào tháng 12-2021 cho biết nhu cầu đi du lịch của du khách trong nước cao, với gần 90% số người khảo sát cho biết muốn đi du lịch ngay trong 10 tháng tới, nhưng 87% du khách được hỏi cho biết lo ngại lớn nhất là khi đi sẽ bị cách ly ở nơi đến hoặc khi quay về nhà.

Câu chuyện nhiều người dân bị khóa cổng nhà khi về Thanh Hóa ăn Tết là một ví dụ sinh động và đáng ngại cho tâm lý “sợ dịch” (hay thật ra là sợ trách nhiệm) này. 

Câu chuyện kỳ lạ “ở đây không bán cho người Sài Gòn” ở Đà Lạt là một ví dụ khác. Không một nền kinh tế nào có thể hồi phục, và không một xã hội nào có thể hoạt động bình thường với tâm lý như vậy. Hồi phục kinh tế về mức 6-7% sẽ không còn ý nghĩa khi tư duy đó vẫn còn tồn tại.

Việt Nam không thể như vậy. Việt Nam phải trở về bình thường.

Một số nước đang kêu gọi WHO tuyên bố dịch COVID-19 không còn là đại dịch toàn cầu trong năm 2022 và ngay cả Noubar Afeyan, đồng sáng lập công ty phát minh ra vắc xin Moderna, cũng cho rằng năm 2022 có thể là năm mà dịch COVID-19 chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hiệu (dịch cúm được xếp vào loại này).

Thế nhưng như ông Afeyan nói, tất cả phụ thuộc vào từng quyết định của mỗi quốc gia trên toàn cầu. Không phải cứ hết là đại dịch toàn cầu là mỗi nước đều trở lại bình thường ngay được. Tiến trình trở lại bình thường của mỗi nước sẽ khác nhau.

Chúng ta sẽ cùng nhau chờ Việt Nam trở về bình thường.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận