Chống tiêm chủng: Thái độ cá nhân hay phong trào chính trị

DANH ĐỨC 17/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Không đồng ý chích ngừa là một thái độ cá nhân song cũng là một phong trào mang màu sắc chính trị ở một số nước.

Nước Pháp đang là “thủ đô thế giới” của phong trào chống các kiểu “giấy thông hành y tế” (pass sanitaire). Thật vậy, ngày thứ bảy 7-8, khoảng 237.000 người đã xuống đường phản đối ý định ban bố những giấy tờ này trong cuộc biểu tình vào kỳ cuối tuần thứ tư liên tiếp trên cả nước. 

 Trong lúc đó, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng hằng ngày từ 22.000 - 25.000 người, và số ca nguy kịch có chiều hướng tăng 50% so với một tuần trước.

Giấy thông hành và tự do cá nhân

Trước lễ Quốc khánh Pháp hai ngày, Tổng thống Emmanuel Macron loan báo do tình hình biến thể virus mới nguy hiểm bội phần hơn nên sẽ buộc phải chích ngừa để sống sót, và từ ngày 21-7, người 12 tuổi trở lên sẽ phải xuất trình “thông hành y tế” để vô các địa điểm giải trí, văn hóa; từ ngày 1-8 nếu muốn vô quán xá, siêu thị, bệnh viện, tàu bay, tàu lửa, tàu thủy; đi nghỉ hè về, sẽ phải tự chi trả xét nghiệm PCR, trừ phi có yêu cầu điều trị, để buộc phải chích ngừa chớ không “ta bà” xét nghiệm miễn phí như bây giờ... 

Dư luận nháo nhào và xì xào chuyện nhắm tới tuổi 12 khiến qua hôm sau, người phát ngôn chính phủ phải loan báo ngay sẽ sớm có những linh động cho thanh thiếu niên 12 - 18 tuổi.

Về bản chất, thông hành y tế ở Pháp là chỉ những người từng tiêm chủng hoặc xuất trình được xét nghiệm PCR âm tính dưới 48 giờ mới được vào những nơi như quy định.

Chuyện này thực ra đang dần phổ biến ở nhiều nước, bao gồm chính Việt Nam, khi xét nghiệm PCR âm tính dưới 3 ngày từng được yêu cầu để đi lại khi có giãn cách theo chỉ thị 16, hay như việc từ hạ tuần tháng 7 xuất hiện giải pháp “xe luồng xanh” với “giấy nhận diện phương tiện”, cũng như giấy xác nhận của phường đang bị phiền trách ở Hà Nội vì gây ùn tắc kéo dài.

Khác biệt giữa Pháp và Việt Nam là ở Việt Nam vì lý do kinh tế nhiều hơn, trong khi ở Pháp được cho là do chính phủ nhấn mạnh đến sự an nguy của xã hội. Tuy nhiên, do tình hình triển khai vaccine, chuyện bắt buộc chứng minh đã chích ngừa ở Việt Nam chưa yêu cầu.

Ông tổng thống “mê” triết luận Macron luôn thích “lý luận cao cấp” với dân chúng: “Chúng ta là một dân tộc của khoa học, của tinh thần Khai sáng. Một khi khoa học cung cấp cho chúng ta các phương tiện để bảo vệ bản thân, chúng ta phải sử dụng chúng bằng niềm tin vào lý trí và sự tiến bộ. Chúng ta phải hướng tới việc tiêm chủng cho tất cả người dân Pháp”.

Dân tình Pháp

Không rõ những hiệu triệu “Khai sáng” như trên có lọt tai một số nhóm dân Pháp hay không, mà theo Cơ quan thống kê Pháp (INSEE), trong năm 2019 có 13% người trong độ tuổi 25 - 34 và 31% thuộc nhóm 55 - 64 tuổi chỉ có văn bằng tối đa là trung học cơ sở. 

Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là ít học thì không hiểu lợi ích của tiêm chủng, và ngược lại có học thì đương nhiên thích tiêm chủng. 

Song, theo nhật báo tài chính Les Echos của Pháp hôm 23-7, “16% người Pháp không có ý định chích ngừa, chủ yếu là phụ nữ dưới 35 tuổi và nhất là những người thuộc các tầng lớp bình dân: 24% công nhân và nhân viên không có ý định tiêm chủng”.

Kết quả này tương tự một thăm dò trước đó của Viện Nghiên cứu y tế và y học quốc gia (Inserm) cùng Trung tâm Khảo cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) trên một mẫu dân số 86.000 người. 

Alexis Spire, giám đốc khảo cứu CNRS diễn giải kết quả “17% công nhân tuyên bố chắc chắn sẽ không tiêm vaccine”, so với “8% cán bộ điều hành cấp cao”: “Càng ở vị trí thấp trên thang bậc xã hội, người ta càng ngại tiêm chủng nói chung và chống vaccine COVID-19 nói riêng”.

Sự ái ngại này là do lo sợ rằng các tiêu chuẩn khoa học về độ tin cậy của vaccine có thể bị hy sinh vì những lợi ích chính trị kinh tế, ông Spire giải thích. 

Mặt khác, lợi ích của “thông hành y tế” cấp cho những ai đã chích ngừa thật ra không hiển nhiên do lẽ dân Pháp nói chung mê quán xá, giải trí thiệt, song không phải ai cũng có tiền đi ăn tiệm, đi coi chiếu bóng, coi kịch hay đi du lịch, đáp xe lửa, máy bay liền liền.

Vì vậy, ông Spire nêu vấn đề: các biện pháp của nhà nước càng khiến người thuộc lớp trung lưu và cao cấp bớt ái ngại chích ngừa, trong khi lớp bình dân thêm bực dọc mà không chịu chích, càng đào sâu mâu thuẫn, đứt gãy xã hội, trong khi nhóm nghèo lại là nhóm dễ tổn thương vì COVID-19 nhất.

Mạng xã hội là thuốc độc

Một số đông dân Pháp chưa chích ngừa đổ xô đi chích, song vẫn có không ít người nhất định không chịu chích, khoảng 16% như Les Echos đã thăm dò. 

Không chỉ không chích, họ còn xuống đường từ một tháng qua. Thật ra, làn sóng biểu tình này đã được gầy dựng và nuôi dưỡng từ trước, để rồi chỉ chờ một động thái cứng rắn của ông Macron sẽ bùng lên.

Gầy dựng, nuôi dưỡng và kích động bằng gì? BBC 27-3 đã báo động: “Cuộc chiến thông tin sai lệch về vaccine đang hoành hành ở Pháp”. 

Theo đó, Pháp là một trong những nước nghi kỵ vaccine nhất thế giới, một mảnh đất phì nhiêu cho những kẻ đầu độc thông tin trên mạng. 

Tác giả nêu thí dụ Gilles, một chủ trang Facebook có 50.000 thành viên thu hút người theo dõi bằng lập luận đơn giản: Mặc cho các hãng vaccine trưng ra những chứng cớ khoa học, Gilles vẫn thành công với lời khẳng định vaccine bị “đốt giai đoạn” nên khó mà an toàn. 

Vấn đề ở chỗ 50.000 người trong nhóm Facebook này còn phát tán những thông tin đó đi bao xa nữa.

Và Gilles chỉ là một trong nhiều trang mạng xã hội chống vaccine kiểu đó. Bộ phận theo dõi giám sát thông tin của BBC cho biết ở Pháp số người “theo” các tài khoản chống vaccine trong năm 2020 đã tăng từ 3,1 triệu lên 4,1 triệu người. 

Các trang này không bàn bạc, tranh luận y học một cách khoa học, mà chỉ gieo rắc những tin đồn kiểu vaccine gây chết hàng triệu người, có gắn chip hoặc làm thay đổi ADN người được chích.

Nay khi nhà nước muốn chích ngừa trở nên bắt buộc, các trang này khoác cho vaccine cái áo chính trị: nước Pháp dân chủ sẽ biến thành một nền độc tài y tế. 

BBC Monitoring cho biết đã làm việc với Facebook về các trang mạng này và đại gia công nghệ Mỹ đã gỡ 12 triệu thông tin gây hại cho việc chích ngừa các vaccine được phê duyệt. 

Nhưng xem ra chỉ như muối bỏ biển: Một thăm dò của Ipsos năm ngoái cho thấy chỉ 40% dân Pháp có ý định chích ngừa.

Tuy nhiên, cũng có khi phản ứng của các chính phủ đã tạo ra phản ứng nghi kỵ vaccine, tỉ như việc Pháp và một số nước châu Âu hồi đầu năm ngưng sử dụng vaccine AstraZeneca vì sợ biến chứng máu đông. 

Chính phủ Anh và giới chức y tế EU đã ra sức bác bỏ và đảm bảo rằng vaccine AstraZeneca an toàn và hiệu quả. Những nghi kỵ ban đầu này từng lan tới Việt Nam, khiến có những người nhất định không chịu chích vì “không tin vào vaccine”.

Khơi dậy sự sợ hãi từ một vài ca tác dụng phụ cũng dẫn đến sự từ khước chích ngừa. 

Có khi báo chí đăng một vài tin tử vong rồi dừng ở đó mà không theo dõi tiếp và tìm hiểu xem tỉ lệ tử vong vì tác dụng phụ là bao nhiêu, nên trở thành những nguồn tin nửa vời. 

Tất cả tạo nên một làn sóng thông tin sai lệch và đầu độc thông tin, mà để đối phó, nhà nước cần phải khéo léo hơn là chỉ cứng rắn.

Mỹ cũng là nơi có phong trào chống vaccine rầm rộ. 

Tới mức hôm 15-7 vừa qua, Tổng y sĩ Hoa Kỳ Vivek Murthy - chức vụ do tổng thống bổ nhiệm và thượng viện phê chuẩn, giữ vai trò phát ngôn chính của ngành y tế quốc gia - đã dành nguyên buổi họp báo ở Nhà Trắng để cảnh báo về nạn thông tin sai lệch “lôi kéo người dân kháng cự việc đeo khẩu trang tại những nơi công cộng có nguy cơ lây lan cao, bỏ ngang những trị liệu đã được chứng minh là hiệu quả, nhất định không chích ngừa... khiến tổn thất nhân mạng”.

Thêm nữa ở Mỹ mọi thứ đều bị chính trị hóa và trở thành công cụ giành giật phiếu bầu. Chích ngừa cũng thế. 

Một thăm dò của ABC NewsWashington Post cho thấy 93% người theo Đảng Dân chủ cho biết đã hoặc sẽ chích ngừa, trong khi bên phía Cộng hòa chỉ là 49%. 

Chính vì vậy mà bác sĩ Murthy nhấn mạnh tính phi chính trị của dịch tễ cộng đồng: “Tôi nhận thức rằng mỗi người bệnh tôi có diễm phúc chữa trị là một cá nhân, bất luận người đó theo đảng nào hay có quá khứ thế nào. Người bệnh là một cá nhân và mục tiêu của tôi là hiểu nhu cầu cũng như mong muốn của họ, các giá trị của họ là gì, và sau đó giúp họ cải thiện sức khỏe”.

Làm gì để đối phó trận chiến thông tin y tế sai lệch? 

Theo ông, đôi khi những tiếng nói được tin cậy nhất không phải là những tiếng nói có nhiều người theo dõi nhất trên mạng xã hội, mà là một người mẹ, người cha, một lãnh đạo tôn giáo hoặc bác sĩ, y tá ở gần nhà; và ông khuyên hãy hợp tác với những tiếng nói đáng tin cậy đó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận