Cuộc khủng bố nhân danh tôn giáo

DANH ĐỨC 21/11/2015 21:11 GMT+7

TTCT - Dù muốn hay không, cuộc thảm sát tối 13-11 cũng chính là một cuộc khủng bố nhân danh tôn giáo, dẫn đến cái chết của ít nhất 129 nạn nhân cùng thương tích cho 352 thường dân vô tội.

Một phút tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát ở Paris tại quảng trường Capitole ở Toulouse (Pháp) ngày 16-11-2015 -Reuters
Một phút tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát ở Paris tại quảng trường Capitole ở Toulouse (Pháp) ngày 16-11-2015 -Reuters

Trưa chủ nhật 15-11, Giáo hoàng Francis, sau khi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến mọi thân nhân những người đã chết hay bị thương trong chuỗi tấn công đêm thứ sáu, đã than trách rằng “sự dã man đó khiến chúng ta phải bàng hoàng tự hỏi làm thế nào con tim loài người lại có thể suy tính ra và thực hiện những tội nghiệt gây thất kinh không chỉ nước Pháp mà cả thế giới”.

Điểm đến của dòng người tị nạn

Quá dễ để các tổ chức khủng bố đưa người trà trộn vào các dòng người tị nạn. Chỉ cần lọt qua được các chặng đầu tiên ở Hi Lạp, Croatia chẳng hạn là sau đó sẽ đến Pháp do lẽ Hiệp định Schenghen năm 1995 đã “gỡ” hết mọi kiểm tra căn cước giữa các quốc gia.

Trong số bảy tên khủng bố đã chết, Hi Lạp nhận ra được một tên đã trà trộn trong một nhóm 69 người tị nạn ghé vào đảo Leros và có đăng ký nhân dạng ở đó. Còn Bộ Nội vụ Serbia nhận ra rằng kẻ khủng bố mang hộ chiếu Syria đã qua biên giới nước này hôm 7-10 và sau đó xin tị nạn.

Không lạ vì sao nay Pháp, Đức vẫn đang “đóng cửa biên giới”, coi như tạm dẹp tính thông thương của “visa Schenghen”.

Trong một phỏng vấn trên đài phát thanh Bồ Đào Nha Radio Renascenca, Giáo hoàng Francis hôm 14-9 cũng đã khuyến cáo rằng châu Âu phải đón nhận người di tản, song cũng cần cẩn trọng ngăn ngừa việc các kẻ khủng bố trà trộn vào dòng người này. 

Ông nói: “Ngày nay, các điều kiện an ninh không như trước kia. Trong thực tế chỉ cách đảo Sicilia có 400km, có một nhóm khủng bố cực kỳ hung dữ. Nên nguy cơ xâm nhập là có thật”.

“Thánh chiến” ở thế kỷ 21

Trong một thế kỷ qua, nước Pháp đã tách bạch đạo với đời bằng đạo luật năm 1905. Lúc đầu, giáo hội Công giáo Pháp khước từ thực thi đạo luật này, chủ yếu do sợ rằng việc thành lập các hội đoàn văn hóa khác nhau sẽ thoát ra khỏi thẩm quyền của Công giáo (*). 

Thế nhưng riết rồi cũng quen, nhất là khi dân Pháp tự thế tục hóa cuộc sống của mình còn hơn là luật pháp.

Ngược lại, từ cuối nửa sau thế kỷ 20 bỗng nhiên nổi lên một chuỗi nhà nước, bắt đầu là Iran, không chỉ xem một tôn giáo nào đó như là quốc giáo, mà còn trong sự thống lĩnh của tôn giáo đó. Nhà nghiên cứu Hồi giáo nổi tiếng người Pháp gốc Ba Tư Siyavash Awesta Abbasi trong “Bảy nền cộng hòa Hồi giáo” viết:

Trong chính trị Hồi giáo, không phải nền dân chủ lãnh đạo mà là Allah và đấng Tiên tri của ngài! Còn tính thế tục có nghĩa là tách các nhà chính trị ra khỏi tôn giáo. Thế nhưng từ khởi thủy, Hồi giáo là một đảng chính trị mà người ta cai trị và hành động chính trị với tôn giáo”.

Sự trái ngược giữa các nhà nước thế tục và nhà nước tôn giáo đó có khi còn kèm theo những “ân oán chính trị”, như mối ân oán giữa Mỹ và Iran kể từ sau năm 1979. Cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ quốc vương Iran (Shah) năm 1979 còn thêm phần kịch liệt với việc giữ làm con tin 66 công dân Mỹ tại Iran trong suốt 444 ngày.

Từ đó, Nhà nước Hồi giáo Iran gọi Mỹ là “đế quốc của quỷ Satan”. Cho đến tháng 11 năm ngoái, thông tấn xã FARS còn đăng thông báo của Vệ binh cách mạng Iran (IRGC) như sau: “Mỹ vẫn còn là quỷ dữ Satan và là kẻ thù hạng nhất của cuộc cách mạng của chúng ta...” (Frontpage Mag 13-11-2014).

Năm ngoái, xuất hiện Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS, IS, Deach). Nhà nước mới tinh này cũng ôm mộng được thần phục. IS cũng từng đe Vatican vào tháng 2 năm nay qua một đoạn video chiếu cảnh chặt đầu một số người Ai Cập theo Thiên Chúa giáo dòng Copte, khi một trong những tay “thánh chiến Djihad” lớn tiếng nhắn nhủ:

Bọn Thập tự chinh các người sẽ chẳng an toàn ở bất cứ nơi nào đâu. Chúng ta sẽ chinh phục La Mã, như đấng Allah mong muốn”. Làm thế nào mà vào thế kỷ 21 lại khơi khơi đòi “thánh chiến” như thời Trung cổ!

Cuộc va chạm ở Pháp

Trớ trêu thay, Pháp lại là một nước thế tục tột cùng. Nếu như vào đầu thế kỷ 20, cuộc tranh luận ở Pháp là câu hỏi có được phép mặc áo dòng ở bên ngoài nơi phụng tự hay không, và câu trả lời bằng luật năm 1905 là “không” thì đến cuối thế kỷ, khi người nhập cư Hồi giáo đã là số đông, cuộc tranh cãi nổ ra là câu hỏi: Có được đeo khăn che mặt hay không?

Cuối cùng, câu trả lời của Nhà nước Pháp là “Luật về những dấu hiệu tôn giáo trong các trường công lập Pháp” ngày 15-3-2004, gọi tắt là luật 2004-228, theo đó “nhằm thực hiện nguyên tắc thế tục, việc đeo hay mặc trong nhà trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông, các dấu hiệu tôn giáo hay y phục thể hiện rõ rệt thuộc về một tôn giáo nào, bị cấm”.

Tất nhiên, điều khoản cấm này không chỉ liên quan đến các học sinh Hồi giáo mà là mọi tôn giáo khác: Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo, Phật giáo... Chẳng qua đây chỉ là một sự lặp lại đạo luật tách biệt đạo - đời hiệu lực từ hơn một trăm năm nay, mà nay bị đặt vấn đề bởi nhóm nhập cư ngày càng đông.

Nếu như năm 1962 ở Pháp mới chỉ có 0,55 triệu người Hồi giáo, thì đến năm 1973 đã lên đến 1,4 triệu người, đến 1-1-2015 vào khoảng 6-9 triệu người, tức tối thiểu 10% dân số nước Pháp, trong đó số người sùng đạo vào khoảng 2,5-4 triệu (Jean-Paul Gourévitch, La vérité sur le nombre de musulmans en France - Sự thật về số người Hồi giáo ở Pháp). Sự bùng nổ dân số này do điều kiện tị nạn, nhập cư dễ dàng, lại được chu cấp xã hội tốt nên càng có tỉ lệ sinh đẻ cao.

Trong dòng người nhập cư vào Pháp, 57% phụ nữ các nước Magreb (Bắc Phi) là mẹ, 65% số phụ nữ đến từ các nước châu Phi khác có con khi đến Pháp, và có những người có đến bốn con (số bà mẹ trong số phụ nữ bản địa chỉ là 47% và bình quân có chưa đến hai con). 

Thật ra số con cái của các phụ nữ này nhiều hơn gấp bội, do Cơ quan thống kê Pháp INSEE không tính đến số con cái họ sinh trên đất Pháp (đương nhiên được xem là người Pháp).

Tuy cùng đi học ở trường công lập Pháp, với chi phí ngân sách giáo dục bình quân cho mỗi học sinh là 11.700 euro/năm, song số con em người nhập cư từ Bắc Phi và Sahara tốt nghiệp đại học chưa đến 10%, trong khi tỉ lệ này nơi con em người Pháp bản địa là 23%.

Ngược lại, chi tiêu ngân sách cho các “khu trọng điểm giáo dục” (ZEP) lại cao hơn đối với con em người nhập cư, do phải kèm cặp các em nhiều hơn. Hậu quả là con em gia đình nhập cư sau này khi vào đời lại thất nghiệp quá nhiều, tỉ lệ lên đến 44%!

Từ làn sóng thanh niên thất nghiệp đó, quá dễ để các tổ chức khủng bố trà trộn trong các cộng đồng Hồi giáo quyến rũ, chiêu mộ các thanh niên đang lãnh tiền trợ cấp “chế độ tương trợ tích cực” (RSA, 466,99 euro/người (độc thân), 700 euro/người nếu “có gia đình”) cho đến 25 tuổi.

Tình hình khủng bố toàn cầu ngày càng lan rộng buộc Bộ trưởng Tư pháp Michèle Alliot-Marie trình một dự thảo luật được lưỡng viện Quốc hội Pháp thông qua trong hai ngày 13 và 14-9-2010, theo đó bất cứ ai buộc một phụ nữ đeo khăn choàng toàn thể đều có thể bị phạt 1 năm tù và 30.000 euro phạt vạ, hình phạt nhân đôi nếu đó là một phụ nữ vị thành niên.

Đến đây xuất hiện những can thiệp từ chính các tổ chức khủng bố. Theo Le Point 27-7-2010, nhân vật số 2 của Al-Qaeda là Ayman al-Zawahiri kêu gọi phụ nữ Hồi giáo ở Pháp kháng cự lệnh cấm trên, “ngay cả khi điều đó khiến các chị mất tiền, mất việc học, mất việc làm. Các chị là những mujahedat (nữ chiến binh thánh chiến)”.

Ngược lại, các lãnh đạo Hồi giáo ở Saudi Arabia khuyên: “Người phụ nữ Hồi giáo nên mở mặt ra nếu đang ở trong một nước cấm che mạng toàn thể. Không nên đối đầu với thiên hạ khi đang ở trong nước họ hay tìm kiếm phiền toái làm gì”. Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Pháp kêu gọi tín đồ Hồi giáo ở Pháp tôn trọng luật này. 

Tháng 7-2011, Vương quốc Bỉ cũng thông qua một đạo luật tương tự.

Thôi tự bó tay

Cái giá của tối thứ sáu 13-11 vừa qua là quá đắt! Nhưng chế độ pháp quyền ở Pháp không cho phép an ninh Pháp toàn quyền bắt bớ, bắt ai thì bắt, đánh ai thì đánh. Năm 2010, khi soạn dự luật liên quan đến việc đeo mạng che toàn thể, Bộ Tư pháp đã cẩn thận “phòng tránh”: khi người đeo khăn che khăng khăng không chịu trình giấy tờ căn cước hay giở mạng che mặt, tuyệt đối cấm nhân viên công lực cưỡng ép xuất trình giấy tờ hay buộc giở mạng che mặt, bất quá được phép đưa về đồn giữ tối đa trong bốn giờ!

Trong bối cảnh đó, không lấy làm lạ tại sao Đảng Mặt trận dân tộc từ 30 năm qua, hết đời cha là Jean Marie Le Pen đến đời con là Marine Le Pen, ngày càng thu hút cử tri đòi quyết liệt với người nhập cư. Các đảng cánh tả, cánh hữu “dòng chính” cầm quyền ở Pháp từ thời Mitterrand đến nay đều đã không muốn “bàn tay sắt” như thế, vì làm vậy sẽ là tự xóa đi các “giá trị Pháp”.

Nay là lúc Chính phủ Pháp phải chạm đến một thực tế khắc nghiệt: những tổ chức mang màu sắc tôn giáo này mang tính “phi quốc gia, phi dân tộc”, khiến cho người ta không gắn bó gì với mảnh đất họ sinh sống, và từ đó có thể không đắn đo hay cắn rứt khi ra tay ở nơi họ đang sinh sống. Nếu như đã từng có một xu hướng thần phục Nhà nước Hồi giáo Iran theo dòng Shiite, thì gần đây là xu hướng thần phục Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) theo dòng Sunni.

Hôm sau vụ thảm sát, Tổng thống François Hollande đã nói: “Chúng ta đâu có lao vào một cuộc chiến tranh của các nền văn minh. Những tên sát nhân đó chẳng hề có chút văn minh nào”.■

(*): http://www.vie-publique.fr/politiques-publiques/etat-cultes-laicite/separation-eglises-etat

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận