Đại học Fulbright Việt Nam: Sẽ đối mặt nhiều thách thức muôn thuở

THANH Hà (thực hiện) 29/05/2016 00:05 GMT+7

TTCT - Chia sẻ của cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey - Chủ tịch hội đồng tín thác Trường đại học (ĐH) Fulbright Việt Nam - khi ông có mặt trong đoàn tháp tùng Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam và chứng kiến sự kiện trao giấy phép thành lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV).

Ông Bob Kerrey -Thanh Hà
Ông Bob Kerrey - (Ảnh: Thanh Hà)

 Ông Bob Kerrey khẳng định “FUV sẽ là một trường ĐH của Việt Nam, do chính người Việt Nam xây dựng và phát triển”.

Theo ông, điều gì sẽ tạo nên sự khác biệt của FUV so với những mô hình quen thuộc khi các trường ĐH Hoa Kỳ mở chi nhánh hay các chương trình liên kết đào tạo ở nước ngoài?

- FUV khác biệt bởi vì đây là cơ sở giáo dục do chính người Việt Nam xây dựng. FUV sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục ĐH khác, trong đó có các trường ĐH Hoa Kỳ. Nhưng FUV không phải là một trường ĐH Hoa Kỳ hay một trường ĐH quốc tế nào. Đây là trường ĐH của Việt Nam.

Cũng như mọi trường ĐH, FUV sẽ có lịch sử và truyền thống của riêng mình. Chủ tịch trường, bà Đàm Bích Thủy, và hội đồng trường, chủ yếu là người Việt Nam, sẽ cùng nhau vun đắp và phát triển những truyền thống của trường mang bản sắc của Việt Nam. FUV sẽ là một trường ĐH bắt rễ sâu sắc trong xã hội Việt Nam, lịch sử Việt Nam và văn hóa Việt Nam.

Có nhiều cách nhìn khác nhau về sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với FUV. Liệu sự quan tâm này và sự hỗ trợ lâu dài mọi mặt từ phía các cơ quan chính phủ có tạo ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của trường, hoặc ít nhất là đến định hướng lựa chọn lĩnh vực đào tạo không?

- Ngay từ ban đầu, chúng tôi muốn đảm bảo rằng ưu tiên hàng đầu của FUV là đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam. Sự tài trợ ban đầu của Chính phủ Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Cả Chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đều đã thống nhất rằng FUV sẽ vận hành hoàn toàn độc lập. Nguồn tiền của Chính phủ Hoa Kỳ rót cho FUV thông qua Bộ Ngoại giao không có nghĩa là Chính phủ có thể can thiệp vào hoạt động của trường.

Theo ông, những thách thức lớn nhất đối với việc đạt được những mục tiêu kỳ vọng của FUV là gì?

- Cho dù FUV xây dựng một mô hình hoàn toàn mới với cơ chế hoạt động đặc biệt thì theo tôi, trường vẫn phải đối mặt với hai thách thức muôn thuở đối với mọi trường ĐH mới thành lập. Đó là làm sao tuyển dụng được những nhà lãnh đạo và quản lý giáo dục có tầm nhìn và bản lĩnh dẫn dắt sự phát triển của trường. Thứ hai, FUV phải thu hút được các nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ cho sinh viên, những người vốn không đủ khả năng chi trả cho một nền giáo dục chất lượng cao và tốn kém.

Theo ông, làm thế nào để FUV có thể vượt qua những thách thức này?

- FUV đang được nhìn nhận như một biểu tượng cho hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ, một mối quan hệ đặc biệt do hậu quả của chiến tranh. Bởi vậy, tôi tin rằng FUV sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ hai chính phủ, đóng góp thiện nguyện từ các công ty, các tập đoàn Việt Nam cũng như các tập đoàn của Mỹ và tập đoàn đa quốc gia, những người sẽ sử dụng đầu ra của FUV cũng như từ cộng đồng người Mỹ gốc Việt. 

Đây là những nguồn tiềm năng giúp FUV đáp ứng nhu cầu hỗ trợ tài chính của sinh viên. Theo ước tính của chúng tôi, sẽ có khoảng 70% sinh viên của trường cần được hỗ trợ tài chính một phần. Chúng ta không thể để những người xứng đáng không thể theo học những chương trình chất lượng chỉ vì mức học phí vượt quá khả năng chi trả của họ.

 FUV khác biệt bởi vì đây là cơ sở giáo dục do chính người Việt Nam xây dựng. FUV sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục đại học khác, trong đó có các trường đại học Hoa Kỳ. Nhưng FUV không phải là một trường đại học Hoa Kỳ hay một trường đại học quốc tế nào. Đây là trường đại học của Việt Nam.

Cựu thượng nghị sĩ Bob Kerrey

Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng FUV được xây dựng trên một lợi thế ngay từ đầu là có thể dựa vào sự hậu thuẫn của Chính phủ Hoa Kỳ, sự hợp tác của Chính phủ Việt Nam và gắn với những “tên tuổi” lớn, thậm chí có nhiều người còn nghĩ rằng FUV chính là một chi nhánh của Harvard ở Việt Nam?

- FUV không phải là chi nhánh của Harvard. Chúng tôi hi vọng rằng trong tương lai không xa, FUV sẽ được nhắc tới như một trường ĐH Việt Nam trong top các trường ĐH xuất sắc trên thế giới. Câu hỏi của bạn khiến tôi nhớ đến câu hỏi mà nhiều người thường hỏi chúng tôi: Liệu FUV có áp dụng mô hình của Harvard hay không? 

FUV có mối quan hệ gần gũi với ĐH Harvard nhưng tôi cho rằng chúng tôi sẽ không đi theo mô hình này. Bởi mô hình của Harvard quá đắt đỏ. Theo như Harvard công bố mới đây, năm nay họ huy động được nguồn đóng góp thiện nguyện khoảng 40 tỉ USD nhưng học phí của sinh viên ở mức xấp xỉ 60.000 USD/năm. Rõ ràng, FUV không thể đi theo mô hình này.

Tôi luôn tin rằng khi chúng ta thành lập một trường ĐH mới, chúng ta luôn có rất nhiều cơ hội để làm khác. Chẳng hạn, ngày càng có nhiều người chấp nhận quan điểm cho rằng giáo dục ĐH phải đáp ứng nhu cầu thị trường. Các công ty tuyển dụng những cử nhân có chuyên môn chuyên biệt. 

Tất nhiên, giáo dục nhân văn (liberal arts) cung cấp cho bạn một nền tảng rất tốt. Nhưng nếu sau khi bạn tốt nghiệp và không thể tìm được việc làm, hẳn bạn sẽ tự hỏi mình: phải chăng ngay từ đầu mình đã chọn sai trường? Rõ ràng, cung cấp những chương trình đào tạo chất lượng, đáp ứng đòi hỏi của thị trường ở mức chi phí thấp nhất có thể đang là một yêu cầu đối với giáo dục ĐH trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.

 Tôi hoàn toàn tin tưởng FUV sẽ thành công. Các trường ĐH thường là những tổ chức khá bảo thủ và sợ thay đổi. Một trong những lợi thế lớn nhất của FUV là bắt đầu mà không phải gánh theo một gánh nặng nào cả, những thứ vốn trì kéo bước phát triển của các trường ĐH lâu đời. Nhờ vậy, bộ máy của trường có thể linh hoạt, nhạy bén với đòi hỏi của thời cuộc và toàn tâm toàn ý vào chất lượng. Mất bao lâu để nhìn thấy thành công? Tôi tin rằng sau khi FUV đã tuyển được đội ngũ giảng dạy của mình và sau khi lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Chính chất lượng của các sinh viên tốt nghiệp sẽ quyết định thứ hạng của FUV trên thế giới.

Ông Bob Kerrey

Một trong những mục tiêu của FUV là “cổ xúy cải cách giáo dục ĐH” ở Việt Nam. FUV sẽ làm những gì để thực hiện được mục tiêu này?

- Cách tốt nhất để FUV đóng vai trò tích cực trong việc cổ xúy cải cách giáo dục ĐH ở Việt Nam là chính mình nêu một tấm gương trong việc tập trung mọi nguồn lực và nỗ lực xây dựng những chương trình đào tạo chất lượng cao nhất ở mức chi phí chấp nhận được. 

Lợi thế lớn nhất của FUV với tư cách một trường ĐH mới thành lập là có thể duy trì bộ máy hành chính quản trị ở mức tối thiểu, sử dụng các nghiên cứu sẵn có để quyết định nên dạy môn gì, dạy như thế nào. Mặt khác, các công nghệ hiện nay cho phép mở rộng số lượng người học và tiết giảm chi phí, cũng như giúp cho quản trị nội bộ đơn giản, minh bạch và đủ năng lực thích ứng với các nhu cầu học tập của sinh viên.

Khi đó, FUV mới có thể đóng vai trò như một mô hình mới mà các trường ĐH khác có thể học hỏi, áp dụng, thậm chí ganh đua với nhau. Sự cạnh tranh lành mạnh - để thu hút những sinh viên và giảng viên xuất sắc nhất, những nguồn lực để phát triển - sẽ giúp cải thiện hệ thống giáo dục ĐH.

Xin cảm ơn ông.   

Ông Bob Kerrey là thượng nghị sĩ bang Nebraska từ năm 1992 đến 2001. 

Thượng nghị sĩ Kerrey cũng là người cổ xúy cho trao đổi giáo dục song phương khi ông chính là người bảo trợ cho dự luật thành lập Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF). 

Sau khi rời Thượng viện, ông Kerrey có chín năm làm chủ tịch Trường ĐH New School tại New York.

 
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận