Doanh nghiệp lữ hành quốc tế: Quay về phục vụ khách nội địa

NHƯ BÌNH 05/06/2021 18:00 GMT+7

TTCT - Năm 2020, doanh nghiệp du lịch còn được hai tháng đầu năm để cứu doanh số, nhưng năm nay được xác định sẽ là mảng trắng hoàn toàn. Hiện họ chưa thể kỳ vọng cơ hội đón khách quốc tế trong năm nay và lại tìm cách quay về thị trường nội địa, chờ qua dịch.

Sinh viên ngành du lịch ĐH Văn Lang trong một tour thử nghiệm đem các tiêu chí your inbound vào tour nội địa. Ảnh: N.T.

 

Thu hẹp quy mô chờ qua dịch

Cách đây gần 16 tháng, Công ty Images Travel của ông Nguyễn Ngọc Toản đưa những vị khách Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam, trước khi Chính phủ “đóng cửa” bầu trời để chống dịch. 

Hơn một năm qua, từ một doanh nghiệp chuyên mảng inbound (đón khách quốc tế) phục vụ khách Âu, Images Travel là một trong số ít doanh nghiệp du lịch vẫn cố gắng duy trì hoạt động và tồn tại đến hôm nay nhờ quay về thị trường nội địa.

 “Chúng tôi vừa tổ chức một tour nội địa cho 270 khách về thì dịch đến. Một tour nội địa nhưng được làm theo cách của một tour inbound, đưa các yếu tố inbound về mặt tổ chức, ý nghĩa xuyên suốt hành trình.

Nghĩa là tour hướng đến trải nghiệm văn hóa bản địa, ở homestay trước đây chỉ đón khách quốc tế và có nhiều hoạt động hơn so với tour thông thường. Khách là các sinh viên ngành du lịch đã rất thích thú. Trải nghiệm trong một tour inbound và nội địa là rất khác nhau” - ông Toản nói. 

Những ngày đầu sau dịch, Images Travel cũng bị mất tập trung, rơi vào lúng túng vì chưa biết phải thích nghi thế nào trong bối cảnh mới. 

Quay trở về nội địa, doanh nghiệp này cũng  chưa xác định được phân khúc khách hàng để chào bán và thiết kế sản phẩm phù hợp. “Đến nay chúng tôi vẫn đang duy trì được hoạt động nhưng với quy mô thu hẹp hơn.

 Trong tháng 4 và đầu tháng 5 vừa rồi, chúng tôi bán tour nội địa rất tốt, chỉ hi vọng dịch sớm được kiểm soát để sang tháng 7-8 tiếp tục, dù biết càng làm sẽ càng lỗ. 

Một trong những lý do có sự chuyển hướng kịp thời có lẽ là đội ngũ nhân sự đã gắn bó, cùng sát cánh. Tôi quan niệm phải giữ người đến khi nào còn có thể” - ông Toản nói. 

Ngày 16-3-2020, Việt Nam dừng tất cả chuyến bay quốc tế, ông Từ Quý Thành, tổng giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, bị rơi vào cảm giác hụt hẫng. 

Là doanh nghiệp mạnh về các thị trường nói tiếng Hoa, doanh thu của Liên Bang Travel chủ yếu phụ thuộc vào thị trường khách nước ngoài, lại đang trong các kế hoạch kinh doanh của mùa tết với những đoàn khách nhộn nhịp.

Lúc ấy, toàn công ty ông chấp nhận tạm ngưng kinh doanh và bắt đầu lên kế hoạch đào tạo nội bộ, tranh thủ xem lại các vấn đề mà do lúc đông khách công ty chưa kịp làm.

Ông Thành bình tĩnh với hi vọng mọi việc sẽ ổn định trong vài tháng. Nhưng sau hơn 16 tháng dịch vẫn chưa kết thúc. “80% doanh thu của chúng tôi đến từ mảng inbound và outbound (đưa khách đi nước ngoài). 

Trở về thị trường nội địa, con số 20% doanh thu còn lại cũng bị teo tóp, còn chưa đến 7% do ảnh hưởng dịch và do chiếc bánh nội địa đang cùng chia với “người cùng cảnh ngộ”.

Doanh thu sụt giảm nhưng chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động tối thiểu như tiếp thị, bán hàng, chỉ có điều là không có khách” - ông Thành chia sẻ.

Các doanh nghiệp đang cầm cự với quy mô tổ chức được thu hẹp hơn trước, cố gắng duy trì cơ bản hoạt động vận hành với hi vọng lướt qua được thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử ngành du lịch. Không chỉ doanh nghiệp nhỏ, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang liêu xiêu. 

Theo báo cáo tài chính của Vietravel, cả năm 2020 hãng này chỉ đạt tổng doanh thu 1.936 tỉ đồng, giảm đến 73,3% so với mức thu 7.255 tỉ đồng của năm 2019, khiến Vietravel lỗ 90 tỉ đồng.

Cuộc chiến dài

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính hết năm 2020 cả nước có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế nhưng có đến 338 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin rút giấy phép kinh doanh, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2019, trong khi chỉ có 201 doanh nghiệp xin cấp giấy phép mới, giảm hơn 1/3 so với cùng kỳ năm 2019. 

Riêng tại TP.HCM có khoảng 860 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, nhưng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021 đã có 39 doanh nghiệp xin rút giấy phép kinh doanh, trong đó 34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

Sở Du lịch TP.HCM thừa nhận có thời điểm doanh nghiệp du lịch, lữ hành tạm đóng cửa đến 95%, công suất phòng của khách sạn chưa chạm đến 4 - 5%. 

Ông Từ Quý Thành nói nếu tính đủ thì 95% doanh nghiệp tạm đóng băng để tránh các “nghĩa vụ” lương bổng với nhân viên, tiết kiệm chi phí vận hành, và khoảng 30% doanh nghiệp lựa chọn rời thị trường, chưa biết ngày quay trở lại. 

Ông Lại Minh Duy, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp du lịch TP.HCM, cho biết sau một năm vật lộn với đại dịch với bốn đợt bùng phát, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành gần như không còn gì.

Trước đây, để đủ điều kiện hoạt động đưa khách đi nước ngoài và đón khách quốc tế, doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ 500 triệu đồng và 200 triệu đồng. Do không vay được số tiền ký quỹ nên nhiều doanh nghiệp muốn lấy lại tiền chỉ còn cách tạm ngưng hoạt động, rút quỹ về.

“Đây là cách làm không hay vì nếu doanh nghiệp nào cũng như vậy thì khi thị trường quốc tế mở cửa, các đơn vị cấp phép cũng rối, thành phố cũng không có lợi thế đón khách nữa” - ông Minh Duy nói.

Du lịch trong nước đang là “cứu cánh” của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Trong ảnh: Hướng dẫn khách tham quan khu vực đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) đầu năm 2021. Ảnh: T.T.D

 

Vẫn đầy ắp kế hoạch cho tương lai

Bà Tiêu Thụy Thùy Trang, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Hoàn Mỹ chuyên tour Mỹ, cho biết hơn một năm qua khi các tour Mỹ phải tạm ngưng theo quy định để chống dịch, doanh nghiệp này vẫn cố gắng duy trì các dịch vụ tư vấn, gia hạn visa Mỹ để khách có thể đến Mỹ ngay sau khi hết dịch. 

Với dịch vụ này, khách hàng ngồi nhà vẫn có thể được gia hạn visa Mỹ, tư vấn qua điện thoại, nộp hồ sơ qua và các nền tảng công nghệ thông tin và có nhân viên đến thu hồ sơ tận nhà. 

Nhưng bước ngoặt lớn của doanh nghiệp này là đã tập trung sản phẩm cho thị trường nội địa, đó có thể là bước tái cơ cấu lớn nhất. Sau khi dịch bệnh qua đi, bà Thùy Trang cho biết công ty sẽ nhanh chóng bắt tay vào khôi phục các tour Mỹ và thị trường xa, cao cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Toản tin rằng du lịch sẽ hồi sinh, luôn luôn có đường ra và ai tìm được lối thoát trước người đó sẽ sống sót. Hiện doanh nghiệp vẫn đang âm thầm thiết kế các sản phẩm phù hợp để có thể mở bán từ đầu năm 2022 với tín hiệu tốt từ thị trường châu Âu.

 “Các nước châu Âu đã mở cửa du lịch trở lại. Nhiều người nói du lịch sẽ thay đổi nhưng theo tôi mọi thứ vẫn vậy. Gần đây chúng ta có nói nhiều đến số hóa, chuyển đổi số, công nghệ nhưng với tôi, du lịch vẫn là con người, vẫn là sự tiếp xúc. 

Hiện nay du lịch đang khó khăn vì tâm lý chung là sợ dịch COVID-19. Nếu có một đợt dịch nữa người ta sẽ không còn sợ hãi nữa, tư thế tiếp nhận sẽ khác và du lịch không bị tàn phá dữ dội như bây giờ” - ông Toản nói.

Ông Phùng Quang Thắng, phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nhận xét rằng các doanh nghiệp đã có phản ứng khác nhau trước dịch, phải rất quyết tâm doanh nghiệp mới duy trì được vì hiện nguồn khách rất hạn chế, đa số cầm cự được nhờ nguồn tích lũy những năm qua.

Nhiều doanh nghiệp chọn con đường rẽ sang lĩnh vực mới hoặc tạm đóng cửa, ngưng kinh doanh. “Tuy nhiên ngành du lịch sau dịch sẽ nhìn nhận yếu tố bền vững theo một cách khác, theo những tiêu chuẩn mới” - ông Thắng nói. ■

Nhiều doanh nghiệp du lịch các nước cũng ngưng hoạt động

Bà Ratiwan Boonprakhong, giám đốc văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại Việt Nam, cho biết dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Thái Lan, vốn đóng góp đến 17 - 18% GDP của nước này.

Thái Lan đã mất khoảng 1,45 triệu việc làm du lịch trong đại dịch COVID-19, bao gồm 400.000 lao động trong quý 1-2021. Từng được xem là hình mẫu của sáng tạo và không khuất phục, các kế hoạch hồi phục liên tiếp được quốc gia này đưa ra nhưng sớm lụi tàn vì các đợt dịch COVID-19 bùng phát liên tiếp. Hiện nay, Thái Lan chỉ hơn Lào, Brunei và Việt Nam về số liều người dân tiêm vaccine được tiêm trong khu vực Đông Nam Á.

Đại diện Cục Xúc tiến du lịch tại Singapore (STB) cũng cho biết nước này đang nỗ lực đưa ứng dụng công nghệ vào du lịch nhằm khôi phục dần hoạt động du lịch, phục hồi kinh tế. 

Một cuộc khảo sát của STB cuối năm 2020 cho thấy 63% doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này trong lĩnh vực du lịch chia sẻ công việc kinh doanh của họ trở nên rủi ro hoặc đang phải tạm đóng cửa, trong đó có đến 1/3 doanh nghiệp nhỏ không thể duy trì hoạt động kinh doanh trong 6 tháng gần nhất (tính vào thời điểm thực hiện khảo sát).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận