Đối thoại Shangri-La 2012: Khi không còn đối thoại!

DANH ĐỨC 13/06/2012 21:06 GMT+7

TTCT - Hình thức mà nói, an ninh châu Á đã thật sự “sang trang” với một Đối thoại Shangri-La 2012 thiếu vắng đối tác tối quan trọng là Trung Quốc.

Sự vắng mặt này “đóng dấu” chấm hết cho một quá trình mà mới năm ngoái còn được xem trọng, đồng thời khẳng định rằng nay là “chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”!

Mỹ khẳng định cam kết với châu Á - Thái Bình Dương
Biển Đông nóng trên bàn nghị sự ASEAN

Phóng to
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) đến vịnh Cam Ranh ngày 3-6 sau khi dự Đối thoại Shangri-La 2012 ở Singapore - Ảnh: Reuters

Mới năm ngoái, TS John Chipman - tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - còn nhiệt liệt tán thưởng (1) “việc Trung Quốc nâng cấp một cách đáng kể sự tham gia đối thoại năm nay, qua đăng đàn diễn thuyết của Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt, là quan trọng sinh tử”.

Cụm từ “quan trọng sinh tử” mà TS Chipman sử dụng không phải là đãi bôi ngoại giao. Tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái, đại tướng Lương Quang Liệt còn thuyết khách như một quan văn: “Khát vọng then chốt của loài người là hòa bình chứ không phải chiến tranh, đối thoại chứ không phải đối đầu, hiểu biết chứ không phải thờ ơ lãnh đạm...”. Ông Liệt còn nhắc đến hai chữ “đa phương” trong diễn văn của ông, thậm chí 29 lần sử dụng từ “hợp tác”!

Mục tiêu thay đổi, thôi nói chuyện!

Nhằm giúp ngăn ngừa những căng thẳng không cần thiết có thể làm tình hình leo thang, khái niệm “người đi biển nghiêm chỉnh” cần được xem như một khuôn phép trên biển...” - Thứ trưởng quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe

Đối thoại Shangri-La khác với các hội nghị chính thức khác ở chỗ tại đối thoại này không chỉ có các bộ trưởng quốc phòng mà cả các nhà nghiên cứu chiến lược: người thì đăng đàn phát biểu chính thức về những tính toán chiến lược của mình, người thì họp kín các vấn đề nhạy cảm nhất, những người khác họp nhóm thảo luận thẳng thừng. Những lần trước đoàn Trung Quốc còn đến và nói chuyện, vẫn còn đôi chút hi vọng. Lần này thôi nói chuyện, phải chăng là hết hi vọng?

Trong bối cảnh đó, càng nhớ lại tại sao người đứng đầu IISS năm ngoái đã gọi sự tham dự của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc là “quan trọng sinh tử”. Còn nhớ năm 1958 khi IISS được thành lập ở Anh với mục đích ngăn chặn hạt nhân và kiểm soát vũ khí, thì ở châu Á ngày ngày vọng tiếng đại bác đối đầu giữa Trung Quốc và Đài Loan ở mặt trận Kim Môn và Mã Tổ, hai hòn đảo nhỏ trong tay Đài Loan sát bờ Đông của Trung Quốc, phía Đài Loan mất 2.500 người. Năm đó còn trong giai đoạn mà “giải phóng Đài Loan” còn là “nhiệm vụ lịch sử” độc nhất.

Nay “những nhiệm vụ lịch sử” của hải quân nước này đã trở thành “bảo vệ các lợi ích chiến lược của Trung Quốc trên Đông Hải và Nam Hải của Trung Quốc” (tức vùng biển giáp với Đài Loan và vùng biển Đông của Việt Nam), theo một báo cáo của Cục Tình báo hải quân Trung Quốc (2).

Hải quân nước này được giao nhiệm vụ cụ thể là “bảo toàn việc tiếp cận các tài nguyên hải sản mở rộng” và “đảm bảo an ninh cho việc tiếp cận các khu vực có tiềm năng tích trữ dồi dào dầu hỏa và khí đốt”. Tức làm sao để trong bối cảnh mà chính Cục Tình báo hải quân Trung Quốc cũng công nhận rằng “do các yêu sách của Trung Quốc vượt quá vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc nên đa số các nước không công nhận các yêu sách này và xem là quá đáng” (3), mà người Trung Quốc tiếp tục thoải mái đến tận đâu đánh cá cũng được và có thể ung dung khai thác dầu khí ở đâu cũng được.

Ngày 6-12 năm ngoái, đích thân Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã lệnh cho hải quân nước này phải “đẩy nhanh công cuộc cải đổi và hiện đại hóa một cách mãnh liệt, và tiến hành những chuẩn bị mở rộng cho việc chuẩn bị chiến đấu nhằm góp phần hơn nữa vào việc bảo vệ an ninh quốc gia” (4).

Mục tiêu mới, nhiệm vụ mới, ngôn từ và khẩu khí mới. Nay thì những từ ngữ như “đa phương” ngày càng biến mất, thậm chí có từ ngữ như “quốc tế hóa” bị nguyền rủa như có thể đọc trên Nhân Dân Nhật Báo (bản Anh ngữ) ngày 28-4: “Về vấn đề biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông - TTCT) Trung Quốc có nguyên tắc và lập trường riêng của mình, và điều đó là kiên định và không suy suyển. Tranh chấp phải được giải quyết qua các đàm phán song phương với các nước tranh chấp.

Vấn đề đó không thể nào được quốc tế hóa. Quốc tế hóa vấn đề đó đồng nghĩa với thúc ép các nước xung quanh phải kết bè... và mời các thế lực bên ngoài vào tài phán các công việc của châu Á. Quốc tế hóa vấn đề còn có nghĩa là làm cho tình hình thêm phức tạp và thậm chí trở nên không kiểm soát được...”.

Từ khi thế giới tập hợp nhau dưới “mái nhà chung” Liên Hiệp Quốc, tất cả đã nhất trí cùng tạo dựng nên những công cụ tài phán chung như các tòa án quốc tế, các công ước quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Vậy mà bây giờ lại có nước dứt khoát bác bỏ những tài phán quốc tế, ấn định “luật chơi” là “nguyên tắc và lập trường riêng của mình”! Trong bối cảnh đó, tẩy chay không đến dự đối thoại là chuyện dễ hiểu. Cũng trong bối cảnh đó thiên hạ, tức thế giới còn lại, đành phải nói lên những suy nghĩ của mình.

Phóng to
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt (trái) còn dự Đối thoại Shangri-La vì sự “quan trọng sinh tử” đối với Trung Quốc - Ảnh: (IISS)

Để tránh xung đột

Trong tinh thần của một diễn đàn mở là Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã công khai những sắp xếp chiến lược sắp tới của Mỹ (5): “Đến năm 2020, hải quân Mỹ sẽ bố trí lại lực lượng từ chia đôi 50/50 cho Thái Bình Dương và Đại Tây Dương hiện nay sang tỉ lệ 60/40, bao gồm sáu tàu sân bay, đa số các khu trục hạm, tuần dương hạm và tuần duyên hạm cùng tàu ngầm”. Lý do của sự tái bố trí này: “Mỹ đã từng là một cường quốc hiện diện ở Thái Bình Dương và sẽ còn như thế trong tương lai. Điều này cũng đúng đối với Trung Quốc”.

Làm thế nào để cho “long ưng hòa hoãn” cũng như để ASEAN được yên ổn? Ông Leon Panetta trả lời: “Then chốt là các định chế khu vực phát triển các quy tắc được nhất trí chung về việc làm sao cho các nước có quyền tự do thông thương đến các vùng biển này. Chúng tôi hậu thuẫn nỗ lực của các nước ASEAN cùng phát triển một quy tắc ứng xử trên biển Đông mang tính bó buộc, trong đó bao gồm việc ngăn ngừa và xử lý các xung đột...

Chúng tôi không nghiêng về một phe nào khi xảy ra tranh chấp lãnh thổ, song chúng tôi muốn rằng tranh chấp phải được giải quyết trong hòa bình và đúng với luật pháp quốc tế. Chúng tôi chống lại việc khiêu khích, việc câu kết, và chống lại việc sử dụng võ lực”. Hẳn là ông Panetta muốn ám chỉ đến những sự cố “áp đảo” bấy lâu nay trên biển Đông.

Tiến sĩ Susilo Bambang Yudhoyono, tổng thống Indonesia, một nước “không liên quan”, không che giấu những e ngại của mình: “Ngày nay đa số các nguy cơ địa chính trị không đến từ mối đe dọa tấn công quân sự lắm đâu, mà từ những điều kiện dẫn đến mất niềm tin, tính toán sai và không truyền thông được với nhau... Sự nổi lên của các cường quốc mới..., nếu được ấp ủ tốt, sẽ không tạo ra thêm những căng thẳng bổ sung hoặc làm nổ ra những xung đột mới. Họ đeo đuổi nhu cầu an ninh của họ không thể khiến cho người khác gặp bất an. Châu Á đủ rộng cho mọi cường quốc tân cựu, đủ chỗ cho mọi hào kiệt mới, miễn là họ vì hòa bình và tiến bộ chung”.

Ông Yudhoyono bày tỏ sự thất vọng trước việc lâu ra đời một bộ quy tắc ứng xử: “Đã đành là còn lâu mới xong các yêu sách lãnh thổ và tài phán..., song chúng ta cần tăng tốc. Đã mất 10 năm dài đăng đẳng để đề ra bộ hướng dẫn bản Tuyên bố ứng xử (DOC). Đừng để mất 10 năm nữa nhóm công tác ASEAN - Trung Quốc mới làm xong bộ quy tắc ứng xử” (6).

Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shu Watanabe đề xuất một giải pháp thực tiễn: “Đã xảy ra một số vụ đối đầu cọ sát tàu bè và tàu bay trên biển trong khu vực, hậu quả của những hành vi không đúng với các quy định và khuôn phép đã từng được (quốc tế) rộng rãi chấp nhận... Nhằm giúp ngăn ngừa những căng thẳng không cần thiết có thể làm tình hình leo thang, khái niệm “người đi biển nghiêm chỉnh” cần được xem như một khuôn phép trên biển...

Năm 2003, chúng tôi đã từng soạn ra bộ “Quy tắc dùng cho những vụ chạm trán trên biển không được cảnh báo trước” (CUES) cho khu vực Tây Thái Bình Dương. Bộ quy tắc đó đề ra những nguyên tắc cơ bản để duy trì khoảng cách an toàn giữa các con tàu, đồng thời nhằm tránh những hành động có thể bị hiểu lầm là tấn công... Nhật Bản sẽ bảo trợ một sáng kiến biên tập “Quy tắc người đi biển nghiêm chỉnh” trong khuôn khổ hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng và Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF)”.

Tiếc là ông Lương Quang Liệt đã không tham gia đối thoại năm nay để thẳng thắn yêu cầu ông Panetta giải thích rõ, và thượng tá Triệu Bảo Bân đã chỉ hỏi một câu rất xã giao: “Chúng tôi hoan nghênh việc Mỹ đóng một vai trò xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương. Câu hỏi của tôi là Mỹ sẽ phát triển quan hệ giữa các giới quân sự với Trung Quốc như thế nào”.

Khi có dịp đối thoại thì không đối, để rồi độc thoại bằng mọi cách!

__________

(1) http://www.iiss.org/conferences/the-shangri-la-dialogue/shangri-la-dialogue-2011/speeches/keynote-address/dr-john-chipman/
(2), (3) “The People’s Liberation Army Navy, a modern navy with Chinese characteristics”, PUBLISHED BY THE OFFICE OF NAVAL INTELLIGENCE, p.13
(4) China’ s Hu to PLA Navy: Be Ready for Combat, AGENCE FRANCE-PRESSE Dec. 6, 2011
(5) Remarks by Secretary Panetta at the Shangri-La Dialogue in Singapore
(6) Keynote Address - Dr H Susilo Bambang Yudhoyono, President of the Republic of Indonesia, The Shangri-La Dialogue

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận