Donbass: Chiến tranh nóng hay hòa bình lạnh?

TƯỜNG ANH 04/05/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Giữa nhiều tồn tại trong quan hệ Ukraine - Nga, vấn đề Donbass đột ngột nóng lên những ngày qua trong bối cảnh NATO tập trận cho kịch bản “giành lại Crimea”, còn Nga tập trung lực lượng đông đảo ở vùng biên giới để “thường kỳ thao dượt”. Cuộc tham vấn giữa các chuyên gia của bộ tứ Normandy không thành công càng làm vấn đề Donbass thêm căng thẳng.

Cuộc khủng hoảng ở đông nam Ukraine đã leo thang từ cuối tháng 3, khi các nước Cộng hòa Donetsk và Luhansk tự xưng (DNR và LNR) ở đây cáo buộc Kiev gây ra “những vụ bắn phá khiêu khích vào lãnh thổ DNR và LNR”, “tăng cường quân đội và khí tài ở chiến tuyến”, trong khi Kiev và phương Tây cho rằng căng thẳng gia tăng là do “hoạt động của quân đội Nga tại biên giới”.

 
 Vùng Donbass gồm hai tỉnh Luhansk và Donestk bên phía Ukraine. -Ảnh: Lowy Institute

 Vì sao Donbass nóng lên?

Cuộc tham vấn bộ tứ Normandy - thực tế là một hội nghị truyền hình giữa các cố vấn chính trị của 4 nước Ukraine, Nga, Pháp, và Đức - diễn ra hôm 19-4 - đã không thống nhất được biện pháp cụ thể nào nhằm giảm leo thang. Trong khi Nga đưa ra một số biện pháp để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk, yêu cầu đưa ra công lý những kẻ vi phạm lệnh ngừng bắn, thì Ukraine phản bác và đổ lỗi tình hình leo thang là “do hoạt động của quân Nga”. Đức và Pháp tiếp tục không đưa ra được các quyết định cụ thể, nên cuộc họp trực tuyến kéo dài ba tiếng lâm vào bế tắc.

Ngay sau đó, phái “Đầy tớ nhân dân” trong Quốc hội Ukraine (thân Tổng thống Volodymyr Zelensky) đề xuất cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ và Anh cử quân đến để bảo vệ Ukraine.

Những căng thẳng vừa rồi không phải là chuyện mới trong cuộc khủng hoảng Donbass kéo dài đã hơn 7 năm. Nhưng cao trào hiện giờ có lý do của nó. Người phát ngôn Nga Maria Zakharova ngày 22-4 cho rằng lý do nằm ở cuộc họp thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào 14-6 tới tại Brussels, mà Ukraine hi vọng sẽ có kế hoạch hành động để họ trở thành thành viên.

Xét tuyên bố của người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia Ba Lan Pavel Solokh hôm 21-4, sau cuộc gặp với thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine Alexei Danilov, rằng “Ba Lan sẽ cố gắng để đảm bảo tình hình Ukraine vẫn là chủ đề hàng đầu để thảo luận trong NATO”, thì lập luận của bà Zakharova không phải là thiếu cơ sở.

Nó được củng cố thêm bởi chuyến thăm tới Donbass nhằm tỏ tình đoàn kết với Kiev của các đại biểu Ba Lan và Litva. Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk, Phó thủ tướng Ba Lan Malgorzata Hoshevskaya và Phó chủ tịch Quốc hội Litva Paulus Saudargas đã đến thăm Shirokino, cảng Mariupol và trạm kiểm soát Gnutovo của Donbass hôm 22-4.

“Người anh em, các bạn không đơn độc. Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy vấn đề, vấn đề không chỉ của riêng bạn, mà còn là của châu Âu và toàn thế giới. Đây không phải là một cuộc xung đột song phương, đây là sự gây hấn của một bên, đó là Nga” - ông Saudargas tuyên bố trên Kênh 24.

“Cuộc tập trận tham vọng nhất trong 30 năm”

Sẽ là thiếu sót nếu không kể tới hậu cảnh của cuộc chiến ngoại giao căng thẳng hiện nay: các hoạt động diễn tập quân sự gần biên giới Nga.

Trong một cuộc họp báo ngày 22-4 ở Crimea sau cuộc kiểm tra đột xuất binh đoàn phía Nam của Nga, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết quân đội Nga đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của quân NATO trong khu vực sắp diễn ra cuộc diễn tập “Người bảo vệ châu Âu 2021”. Mục tiêu của cuộc tập trận, được công khai trên trang web của Nghị viện châu Âu, là “nhằm kiểm tra khả năng của Mỹ và NATO trong việc phát động cuộc tấn công nhằm vào Nga ở Balkan, Biển Đen và các nước Baltic”.

Hằng năm ở châu Âu, NATO hiện tổ chức khoảng 40 hoạt động huấn luyện tác chiến lớn định hướng chống Nga. Tuy nhiên, cuộc tập trận sắp tới, theo lời ông Shoigu, là “tham vọng nhất trong 30 năm qua”. Để chuẩn bị, “các trung tâm điều phối đã được thành lập ở Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria để đảm bảo tập kết quân đội và khí tài NATO… Quân đội Hoa Kỳ đang được chuyển từ lục địa Bắc Mỹ qua Đại Tây Dương đến châu Âu. Việc chuyển quân ở châu Âu đến biên giới Nga cũng đang diễn ra. Các lực lượng chính tập trung ở Biển Đen và khu vực Baltic”.

Tổng cộng, NATO có kế hoạch triển khai 40.000 quân và 15.000 đơn vị vũ khí, trang thiết bị, bao gồm cả không quân chiến lược cho cuộc tập trận này. Ông Shoigu, do đó, cho rằng quân đội Nga cần chuẩn bị để có phản ứng kịp thời. Cuộc tập trận gần đây nhất của quân đội Nga ở khu vực Biển Đen đã được tổ chức với tổng cộng 1.200 đơn vị vũ khí và trang thiết bị quân sự từ các đơn vị liên hợp của Quân khu phía Nam, Hạm đội Biển Đen, Quân đoàn Caspi và lực lượng dù. Đặc biệt, hơn 40 tàu chiến và 20 tàu hỗ trợ cũng hiện diện.

Việc “so găng” kiểu đó khiến leo thang căng thẳng ở biên giới Nga - Ukraine là khó tránh. Bà Zakharova cho rằng các “hoạt động quân sự thường kỳ của Nga, thường xuyên được tổ chức cùng kỳ, với quy mô như hằng năm, đã bị phía Ukraine và phương Tây thổi phồng lên để cáo buộc Nga gia tăng khiêu khích nhằm đáp ứng những mục tiêu của họ”. Muốn hay không, Donbass cũng chỉ là một mặt trận nữa của cuộc so găng này.

Không thấy tương lai

Diễn biến hiện nay cho thấy phía Nga có thái độ hòa hoãn hơn. Bộ Quốc phòng Nga 24-4 cho biết theo chỉ thị của Bộ trưởng Shoigu, từ 22-4 binh sĩ của Quân khu phía Nam và lực lượng dù tham gia đợt diễn tập ở Crimea đang trở lại điểm triển khai thường trực sau khi hoàn tất thao dượt. Mặt khác, trong thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21-4 không hề nhắc tới tình hình Donbass cũng như căng thẳng ở biên giới với Ukraine. Và tuyên bố mới đây nhất của ông Putin về việc Nga sẵn sàng tiếp tổng thống Ukraine ở Matxcơva cho thấy trong điều kiện phải đối phó với nhiều khó khăn, Nga không muốn làm căng thẳng thêm cục diện.

Hiện tại Nga cho rằng do phía Ukraine không thực hiện nghĩa vụ của họ ở Donbass, đặc biệt là việc ân xá cho những người tham gia xung đột và triển khai phần chính trị của các thỏa thuận, Nga đã quyết định cấp quyền công dân Nga cho tất cả công dân DNR và LNR muốn có quốc tịch Nga. Đến tháng 4-2021, khoảng 500.000 người (trong khoảng 4-4,5 triệu người) đã được nhập quốc tịch. Nhiều người khác đang xếp chờ đợi.

Sau nhiều năm chiến sự, cái giá hợp nhất trở lại Donbass cũng đã trở nên rất đắt với Ukraine, ngay cả khi họ có thể “thu giang sơn về một mối”. Theo nhiều ước tính khác nhau, việc khôi phục lại nền sản xuất bị tàn phá nghiêm trọng của Donbass sẽ đòi hỏi vài chục đến vài trăm tỉ đôla. Những lo ngại của các phần tử ly khai ở đây về việc hợp nhất cũng là dễ hiểu.

Trong những điều kiện này, người Donbass nói họ sống không có tương lai, khi phía trước chỉ có hai lựa chọn: chiến tranh nóng hoặc hòa bình lạnh. Trong một trả lời phỏng vấn cho tờ Sự thật Komsomol, 6 sinh viên giấu tên của Đại học Donetsk nêu nghịch lý: “Donbass chúng tôi Ukraine không cần mà Nga có vẻ cũng chẳng muốn, vậy chiến tranh ở Donbass để làm gì?”.

Ở vùng đất chẳng ai thèm đó, sau 7 năm chiến tranh, hơn 10.000 người đã thiệt mạng.■

Donbass là tên gọi chung khu vực ở đông nam Ukraine, bao gồm các phần quan trọng của tỉnh Donetsk và Luhansk (Ukraine) cũng như phần phía tây khu vực Rostov của Nga. Đây là trung tâm lớn của ngành công nghiệp than, luyện kim đen và kim loại màu Ukraine. Donbass cũng là một trong những khu vực đô thị hóa nhất của Ukraine, với khoảng 90% dân số sinh sống ở thành phố.

“Vấn đề Donbass” nảy sinh từ tháng 2-2014, sau biến cố mà Ukraine gọi là cuộc “cách mạng cam”, còn Matxcơva và phe đối lập gọi là “đảo chính nhà nước”. Tại đông nam Ukraine, những người gốc Nga và thân Nga vào tháng 5-2014 đã lập ra các “Cộng hòa nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa nhân dân Luhansk” ly khai, dẫn tới xung đột vũ trang sau đó.

Để giải quyết cuộc khủng hoảng, bộ tứ Normandy đã ngồi lại với nhau ở Minsk (thủ đô Belarus). Thỏa thuận Minsk 1 và 2 đã được thông qua quy định Donbass sẽ dần được trả lại cho Ukraine, đổi lấy việc Kiev trao quyền tự trị cho DNR và LNR. Tuy nhiên, đến nay thỏa thuận Minsk 2 vẫn chưa được triển khai và hai bên đổ lỗi cho nhau tìm cách leo thang xung đột. Trên thực tế, hiện Donbass hiện là một lãnh thổ “đóng băng” về chính trị và kinh tế, không thuộc Kiev, cũng không thuộc Nga, tồn tại theo các quy định nội bộ, không có chính quyền hợp pháp, với cơ sở hạ tầng bị chiến tranh hủy hoại rất nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận