Đông Nam Á - chiến trường mới của IS?

ĐỨC HOÀNG 14/08/2016 17:08 GMT+7

TTCT - Cảnh sát Indonesia mới đây bắt giữ 6 phần tử IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) đang lên kế hoạch tấn công vịnh Marina tại Singapore. Đó chỉ là diễn biến mới nhất trong một kế hoạch lâu dài của IS nhằm biến Đông Nam Á thành một chiến trường mới.

Những tay súng Hồi giáo cực đoan Philippines tập hợp dưới lá cờ IS -japantimes.co.jp
Những tay súng Hồi giáo cực đoan Philippines tập hợp dưới lá cờ IS -japantimes.co.jp


IS không chỉ muốn tấn công Đông Nam Á. Mục tiêu chúng đặt ra là biến toàn bộ Đông Nam Á thành một wilayat - một tiểu quốc trong vương quốc toàn cầu mà chúng muốn xác lập. Và chúng đã khởi động cho hành trình không tưởng này bằng những hành động cụ thể.

Những “hạt giống” của IS

Những người này đến Syria và Iraq không chỉ đến để chiến đấu - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói - Mà còn đem gia đình đến đó, hành hương tới đó, với những đứa trẻ, để sống trong một thứ mà họ tưởng tượng là quốc gia Hồi giáo lý tưởng...”.

Đó là một đoạn trong bài phát biểu của ông Lý Hiển Long tại Shangri-La 2016. Ông đã thoáng nở một nụ cười gượng gạo, không phải bởi đó là một thực tế hài hước, mà bởi nó hoang đường đến đáng sợ.

Lúc đó, ông đang nói về việc những người Malaysia và Indonesia gia nhập lực lượng của IS; đang nói về mối nguy mà IS đem đến cho Đông Nam Á - một vùng đất cách rất xa đại bản doanh của lực lượng này.

Nguyên văn, ông Lý Hiển Long dùng chữ “hijrah” để nói về hành trình về nguồn của những kẻ ủng hộ IS (“Họ hijrah tới đó”).

Ông giải thích khái niệm này trong bài phát biểu: đó là từ dùng để gọi hành trình từ Mecca về Medina của nhà tiên tri Muhammad vào thế kỷ thứ 7, qua đó bắt đầu lịch Hồi giáo. Trong những đoạn băng phát đi trên toàn thế giới, IS đã kêu gọi các tín đồ hãy “hijrah” về với chúng.

Với việc sử dụng từ “hijrah” này, ông Lý Hiển Long muốn tô đậm tín điều của những kẻ Hồi giáo cực đoan, đang trở thành nguy cơ hiển hiện ở Đông Nam Á.

Hơn 500 người Indonesia đã “hijrah” tới Syria, vài chục người khác từ Malaysia. Cộng thêm một số nhân vật từ Singapore và Philippines, tổ chức này đã tập hợp đủ thành viên từ Đông Nam Á đến mức có một đơn vị riêng gồm những người đến từ quần đảo Mã Lai.

Chúng gọi đó là đơn vị “Katibah Nusantara” - với quân số tương đương một tiểu đoàn. Katibah Nusantara được chính thức thành lập ngày 26-9-2014, đại bản doanh đóng tại thành phố Al-Shaddadah, Syria và do một nhân vật tên là Abu Ibrahim al-Indunisiya, người Indonesia, lãnh đạo. Trong vòng 2 năm qua, lực lượng này đã gây nhiều tiếng vang trong cuộc chiến của IS.

Đơn cử, vào tháng 4-2015, chính Katibah Nusantara đã tham gia cuộc tái chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn do lực lượng người Kurd kiểm soát, một chiến công mà theo tờ The New York Times, “tạo cú hích cho việc tuyển mộ quân mới từ quần đảo Mã Lai”.

Lực lượng này có tính tổ chức rất cao, với đầy đủ các đơn vị chiến đấu, gồm cả lính cận chiến, lính bắn tỉa, lính sử dụng vũ khí hạng nặng, các sĩ quan tham mưu... Cũng giống như đại bộ phận IS, đơn vị này sử dụng thuần thục các kỹ năng “quan hệ công chúng”.

Chúng từng tung ra một đoạn video tuyên truyền trong đó có những đứa trẻ nói tiếng Malay đang được huấn luyện sử dụng vũ khí.

Chúng cũng tìm cách chăm sóc cho vợ con tại quê nhà Indonesia và Malaysia của những thành viên đang tham chiến ở Syria, bao gồm cả những kẻ đã thiệt mạng. Trong một đoạn băng tuyên truyền của IS, người ta thấy hai người Malaysia chặt đầu một người Syria.

Và mục tiêu tối hậu của lực lượng này là biến Đông Nam Á thành một wilayat. Mục tiêu này, theo ông Lý Hiển Long, giống một chiếc bánh vẽ, nhưng ông cũng thừa nhận rằng một đích đến gần hơn là thiết lập cơ sở tại Đông Nam Á: IS có thể làm được việc đó tại một vùng đất nào đó xa chính quyền trung ương.

Trên thực tế, cuộc thánh chiến của IS ngay trên đất Đông Nam Á đã bắt đầu khá lâu. Gần trưa ngày 14-1-2016, hai vụ nổ liên tiếp diễn ra tại trung tâm thành phố Jakarta, tại các trung tâm thương mại và chợ đông người qua lại.

Sau đó là một loạt những cuộc đấu súng giữa những kẻ khủng bố và cảnh sát. 8 người chết (trong đó có 4 kẻ khủng bố và 4 dân thường), 24 người bị thương. Theo điều tra, chính Katibah Nusantara đứng sau cuộc tấn công này. Sau vụ tấn công, cảnh sát Indonesia bắt giữ 20 người, những kẻ đang tiếp tục lên kế hoạch cho những vụ khủng bố tiếp theo trên lãnh thổ nước này.

Trong vòng 6 tháng qua, chúng tôi nhận thấy sự tăng đột biến của những kế hoạch bạo lực tại Indonesia - Sidney Jones, một chuyên gia chống khủng bố của Jakarta, nhấn mạnh - Không có vụ nào liên quan đến chính trị trong nước”.

Trước đó, kể từ tháng 4-2014, cảnh sát Malaysia đã bắt giữ 11 người, 8 đàn ông và 3 phụ nữ, những kẻ đang lên kế hoạch tấn công khủng bố tại Malaysia và tuyển quân đến Syria cho IS, thông qua việc giả dạng các tổ chức cứu trợ nhân đạo.

Nhóm này có độ tuổi từ 20 đến 56, bao gồm sinh viên, bà nội trợ, người thất nghiệp và thậm chí một giáo sư. Ở thời điểm bị bắt, chúng đang gây quỹ để tiến hành các hoạt động khủng bố. Mối nguy hiểm mà IS mang đến cho Đông Nam Á là có thật và rất nghiêm trọng.

Bởi một lẽ, địa hình phức tạp trong khu vực đã hơn một lần tạo ra những khu vực được kiểm soát bởi các nhóm phiến quân khủng bố tại nhiều quốc gia. Cộng thêm vào đó, lịch sử Đông Nam Á cũng đã từng chứng kiến hậu quả của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Mỗi nước một kiểu vấn đề

Những người Indonesia sẽ không bao giờ quên vụ đánh bom khủng khiếp tại Bali năm 2002, cướp đi sinh mạng của 202 con người. Và đó chỉ là một trong hàng chục cuộc đánh bom mà Jemaah Islamiyah thực hiện từ đầu thiên niên kỷ mới tới nay.

Jemaah Islamiyah, nhóm khủng bố nổi tiếng của Indonesia, có mối liên hệ mật thiết với Taliban và Al-Qaeda, cũng có chung mục tiêu là thành lập một quốc gia Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á. Sự hiện diện của Jemaah Islamiyah trong suốt nhiều thập kỷ qua là bằng chứng cho mối nguy ẩn chứa trong các phần tử Hồi giáo thánh chiến (jihadist) tại Đông Nam Á.

Còn rất nhiều “năng lượng” trong khu vực có thể được kích hoạt bởi những lời kêu gọi của IS. Đơn cử như chính các jihadist đang bị cầm tù bởi chính quyền Indonesia vì các vụ khủng bố trong quá khứ. Trong vòng hai năm tới sẽ có hàng trăm phần tử jihadist mãn hạn tù - một lực lượng dự bị hùng hậu.

Jemaah Islamiyah, rất nhanh chóng, đã “bắt sóng” với IS và bày tỏ sự ủng hộ tổ chức này. Năm ngoái, lãnh tụ tinh thần Abu Bakar Bashir của Jemaah Islamiyah đã chụp một tấm ảnh tập thể với các tín đồ mặc áo choàng Ả Rập màu trắng và phát đi thông điệp trung thành với IS ra toàn thế giới. Điều đáng nói là Abu Bakar Bashir đang ngồi tù tại Indonesia nhưng bằng cách nào đó vẫn làm được tất cả những việc này.

Những “hạt giống” của IS không chỉ tồn tại ở Indonesia, quốc gia với hơn 200 triệu người Hồi giáo, đông nhất thế giới. Tại Philippines, nhóm Abu Sayyaf là bằng chứng sống cho mối lo ngại của ông Lý Hiển Long, về việc bọn khủng bố có thể thiết lập cơ sở tại một vùng đất xa chính quyền trung ương.

Nhóm Hồi giáo cực đoan này trong hai thập kỷ qua đã đóng quân tại đảo Jolo và từ đó thực hiện các hành vi khủng bố đẫm máu, trong đó có vụ đánh bom phà SuperFerry 14 vào năm 2004, giết chết 116 người. Abu Sayyaf cũng đã bày tỏ sự ủng hộ IS, với việc sử dụng luôn lá cờ đen của Nhà nước Hồi giáo làm cờ mới cho mình.

Tại Thái Lan, chính quyền Bangkok vẫn liên tục phải đối mặt với cuộc xung đột vũ trang dai dẳng tại miền nam, nơi có 3 tỉnh Hồi giáo đang đòi ly khai, dẫn tới cái chết của hơn 6.500 người trong hơn một thập kỷ qua. Myanmar, “Phật giáo cực đoan” nhắm vào người Hồi giáo thiểu số.

Tháng 5-2013, chỉ từ một vụ va chạm trên đường phố giữa một thiếu nữ Hồi giáo với một nhà sư, những phần tử Phật giáo cực đoan đã tấn công một thánh đường Hồi giáo, thiêu rụi 70 ngôi nhà tại Yangon. Những mầm mống thù hận tôn giáo này có thể để lại hậu quả khôn lường trong tương lai, đặc biệt là trong bối cảnh Myanmar vẫn chưa thật sự thống nhất với cả chục nhóm vũ trang ly khai ở phía bắc.

Tại Brunei, mặc dù nguy cơ khủng bố là không rõ ràng, nhưng bản thân quốc gia Hồi giáo này lại khá cực đoan trong việc duy trì truyền thống tôn giáo. Họ áp dụng thánh luật Sharia, bài xích người đồng giới và cấm tổ chức lễ Giáng sinh của người Thiên Chúa giáo kể từ năm ngoái.

Chỉ cần điểm qua một vòng, có thể nhận thấy nguy cơ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, hay cụ thể hơn là những kẻ sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi tấn công khủng bố của IS, xuất hiện ở khắp nơi tại Đông Nam Á.

Đi tìm lý do

Trước hết, ở Đông Nam Á, từ trước khi IS tồn tại đã có nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo hoạt động. Tại Indonesia, làn sóng quân sự hóa các tổ chức Hồi giáo mạnh mẽ vào cuối những năm 1990 và đầu 2000.

Sau thành công ban đầu của Jakarta trong việc trấn áp Jemaah Islamiyah, một thế hệ Hồi giáo cực đoan mới nổi lên ở nước này vào cuối những năm 2000 và đầu 2010. Một số là các sinh viên lớn lên trong các trường học của Jemaah Islamiyah.

Sự nổi lên của IS đã mang tới nguồn cảm hứng mới cho những kẻ cực đoan trẻ tuổi đó, không ít người tới Syria và Iraq, không chỉ với mong muốn khám phá, tìm hiểu như những người đồng trang lứa ở châu Âu, mà còn là các chiến binh thánh chiến đích thực.

Ngày nay, những kẻ cực đoan trẻ tuổi đó tìm hiểu và tới vùng lãnh thổ của IS dễ dàng hơn nhiều so với công cuộc mujahedeen với Al Qaeda ở Afghanistan những năm 1980.

Cùng lúc, các quốc gia Đông Nam Á đang vật lộn với những yếu tố có thể làm bùng lên chủ nghĩa cực đoan: sự lan nhanh chưa từng có của mạng xã hội và Internet, sự xuất hiện của các ứng dụng nhắn tin tập thể như WhatsApp và Zello khiến chính quyền rất khó kiểm soát, các trường học tôn giáo và hệ thống nhà tù quá tải ở đây.

Sự suy giảm về dân chủ và các quyền tự do là một yếu tố khác khiến các xã hội Đông Nam Á trở nên dễ tổn thương hơn trước chủ nghĩa cực đoan dưới nhiều hình thức, mà Hồi giáo cực đoan là một trong số đó.

Trong khi về mặt kinh tế, đây vẫn là khu vực năng động bậc nhất thế giới, với hầu hết các quốc gia duy trì được mức tăng trưởng cao; cùng với sự giàu có tăng lên, khoảng cách thu nhập cũng đã tăng. Một thập kỷ suy giảm về dân chủ và bất công xã hội dẫn tới chủ nghĩa cực đoan là điều khó tránh khỏi.

Kết hợp tất cả những điều đó với sự nổi lên và những lời kêu gọi của IS, các quốc gia Đông Nam Á có lẽ chưa bao giờ đứng trước thách thức lớn thế này về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận