Giá vàng nhảy múa, ai được lợi?

NAM MINH 23/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Giá vàng tăng đột biến trong các tháng đầu năm mang lại lợi nhuận lớn cho SJC. Khi nào cơ hội kinh doanh sẽ mở rộng hơn cho nhiều doanh nghiệp khác?

Từ đầu năm đến nay, giá vàng liên tục lập đỉnh. Có thời điểm, giá vàng miếng SJC nhảy vọt lên tới 74,4 triệu đồng/lượng. Cơn sốt giá vàng khiến Quốc hội không thể ngồi yên và trở thành vấn đề chất vấn với Ngân hàng Nhà nước trong kỳ họp vừa diễn ra.

Chênh lệch quá lớn

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, giá vàng trong nước sốt vì giá vàng trên thị trường quốc tế thời gian gần đây diễn biến phức tạp và rất khó lường, chịu tác động do nhiều yếu tố như chỉ số đồng USD hay căng thẳng giữa Ukraine và Nga. 

 
 Vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC). Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Có thời điểm giá vàng tăng lên đến 2.000 USD/ounce, nhưng cũng có lúc giá vàng xuống khoảng 1.700 hay 1.800 USD/ounce. 

Nỗi lo suy thoái kinh tế và lạm phát còn là động lực thúc đẩy người dân tích lũy vàng, thúc mặt bằng giá tăng đột biến. Đáng chú ý, sự liên thông của giá vàng trong nước và thế giới gần như không có. 

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận giá vàng có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống lại chậm hơn giá vàng thế giới. 

Giá vàng của các thương hiệu ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, về cơ bản chênh lệch giá trong nước và thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Nhưng riêng giá vàng SJC chênh lệch ở mức rất lớn, có lúc khoảng 16-17 triệu đồng/lượng. 

Mức chênh quá lớn giữa giá trong nước và thế giới giúp SJC lãi đậm nhờ đóng vai trò là đơn vị nhập khẩu, sản xuất độc quyền vàng miếng và thống lĩnh thị phần bán ra (chiếm tới 90% thị phần). Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc khác cũng hưởng lợi không ít nhờ giá vàng tăng vọt.

Tại PNJ, kết quả quý 1-2022 rất tích cực. Doanh thu bán lẻ, doanh thu vàng miếng và doanh thu bán buôn tăng lần lượt 35,5%, 61% và 12,3% so với cùng kỳ. 

Theo chứng khoán HSC, triển vọng thị trường vàng năm 2022 tích cực nhờ nhu cầu bị dồn nén sau giai đoạn phong tỏa và thị phần cải thiện. Trong dài hạn, nhu cầu trang sức sẽ tiếp tục tăng mạnh cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam khi thu nhập ngày trung bình ngày càng cao hơn.

Tâm lý sở hữu vàng chưa bao giờ mất đi trong dân chúng, bất chấp những nỗ lực giảm bớt tâm lý đó từ Nhà nước. Kết quả là Việt Nam luôn nằm trong số các thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. 

Một báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới cho thấy lượng tiêu thụ vàng cả năm 2021 ở Việt Nam đạt mức 43 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp (hay chính bởi?) ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

“Các nhà đầu tư quan tâm đến vàng rất lớn vì tin rằng vàng giúp chống lại lạm phát và biến động tiền tệ, khiến họ cảm thấy an tâm trong dài hạn” - ông Andrew Naylor, giám đốc Hội đồng Vàng thế giới khu vực ASEAN, nhận định.

Khi nào hết độc quyền vàng miếng?

Nếu như trước đây, thị trường kinh doanh vàng miếng khá phong phú với nhiều thương hiệu tham gia thì giờ đây, ngoài SJC thì chỉ còn một số tên tuổi khác như PNJ, Doji. 

Đáng chú ý, trong các đợt tăng giá vừa qua, giá của SJC thường đắt hơn 1-1,5 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác và nếu giảm cũng giảm chậm hơn so với thị trường thế giới. 

Từ đây, một câu hỏi đặt ra là liệu có xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách độc quyền sản xuất và thống lĩnh thị phần để thu lợi cho một số ít nhà đầu tư, trong khi người dân phải mua vàng với giá quá cao.

Theo nghị định 24/2012/NĐ-CP, và sau này là nghị định 94/2017/NĐ-CP, kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, nằm trong danh mục quản lý của Ngân hàng Nhà nước. 

Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Sự độc quyền này tuy mang lại một số tác động tích cực như giúp thị trường mua bán vàng trật tự, tỉ giá USD/VND ổn định hơn, nhưng từ đó sợi dây liên thông nhịp nhàng giữa giá vàng trong nước với thế giới lỏng dần. Giá vàng trong nước thường xuyên chênh cao hơn so với giá vàng thế giới. 

Hậu quả là thực trạng buôn lậu vàng về Việt Nam tiếp tục diễn biến căng thẳng khi giới đầu nậu tìm mọi các để thu lợi từ chênh lệch này.

Chính sách độc quyền vàng còn đẩy khá nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vàng bạc phải thu hẹp hoạt động hay giải thể. Người tiêu dùng phải mua vàng với giá đắt trong khi thị trường khan hiếm về chủng loại và chất lượng.

Để quản lý thị trường vàng theo quy luật cung - cầu trên cơ sở liên thông, gắn kết với thị trường vàng thế giới, thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan quản lý nên suy nghĩ nghiêm túc về việc nới lỏng các điều kiện sản xuất và kinh doanh vàng, dần mở cửa tự do hơn để khuyến khích các thành phần khác tham gia, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn.

Tin rằng khi một lượng lớn nguồn cung bổ sung vào thị trường, sự cạnh tranh về dịch vụ được đảm bảo, thị trường vàng sẽ vận hành hiệu quả hơn và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. 

Bên cạnh đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam còn kiến nghị cho phép thành lập sở giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với giá quốc tế.

Xét về lâu dài, Nhà nước muốn thị trường vàng ổn định, chống USD hóa và vàng hóa nền kinh tế thì phương án tốt nhất vẫn là có chiến lược kiềm hãm lạm phát, ổn định nền tảng vĩ mô, gia tăng dự trữ ngoại hối, tạo niềm tin cho người dân vào giá trị tiền đồng, thay vì đẩy thế khó về phía người dân có nhu cầu bằng các biện pháp hành chính thuần túy để kiểm soát nguồn cung vàng như hiện nay.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận