Hi Lạp: nợ nần và tham nhũng

DANH ĐỨC 10/10/2011 04:10 GMT+7

TTCT - Sau khi Bộ Tài chính Hi Lạp hôm chủ nhật 2-10 công bố dự thảo ngân sách 2012, theo đó Hi Lạp sẽ không đạt mục tiêu giảm thâm thủng ngân sách năm 2011 mà các chủ nợ đã đặt ra, phản ứng chung là không hài lòng.

Có ý kiến nhắc lại rằng chừng nào Hi Lạp chưa giải quyết được nạn tham nhũng thì sẽ vẫn còn trong vòng luẩn quẩn nợ.

Phóng to
Nhân viên Bộ Nội vụ ngồi bên ngoài tòa nhà tại Athens ngày 29-9 vì lối vào đã bị những người phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của Chính phủ Hi Lạp phong tỏa. Biểu ngữ ghi dòng chữ “chiếm đóng” - Ảnh: Reuters

Mới tháng 7 năm nay, bộ ba chủ nợ gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ấn định rằng Hi Lạp phải giảm thâm thủng ngân sách bằng 8,5% GDP nước này để có thể được cấp một gói giải cứu trị giá 109 tỉ euro, nhằm trừ vào số nợ nước ngoài. Ấy vậy mà chỉ ba tháng sau, Hi Lạp “tung khăn đầu hàng” thông báo sẽ chỉ cắt giảm được 7,6% GDP.

Bản dự thảo ngân sách này được đưa ra đúng vào lúc các thanh tra tài chính của bộ ba chủ nợ trên đang có mặt tại Athens để kiểm tra tài chính Hi Lạp, trước khi có thể quyết định giải ngân một khoản cho vay 8 tỉ euro để trả nợ khác (có thể là) vào ngày 13-10. Có thể xem việc công bố này như một quả bóng thăm dò phản ứng của các chủ nợ, nhằm kỳ kèo những điều kiện cho khoản vay sắp tới.

Thông điệp của Athens hôm chủ nhật rất rõ ràng: Hi Lạp đã chọn một biện pháp rất gây mích lòng dân là sẽ cho về nghỉ dưỡng sớm, hưởng 60% lương những ai sắp đến tuổi hưu, một năm sau về hưu luôn. Đó là sự cắt giảm ngân sách tột cùng mà Chính phủ Hi Lạp nghĩ là dân chúng còn có thể chịu đựng được.

Cho Hi Lạp vay để làm gì?

Tuy nhiên, cắt chừng đó thôi vẫn chưa đạt yêu cầu cắt giảm tương đương 8,5% GDP. Điều đó có nghĩa là Chính phủ Hi Lạp sẽ thiếu 2 tỉ euro để chi cho sự vận hành của mình, trừ phi đánh thêm thuế, giảm bớt lương! Những biện pháp này từng được đưa ra cách đây hai tháng, nay dân chúng sẽ càng oán hơn nếu chính phủ cứ nghe lời các chủ nợ.

Hi Lạp mới thả bóng thăm dò hôm chủ nhật, qua thứ hai 3-10 Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders đã tuyên bố “chặn đầu” rằng hiện khối sử dụng đồng euro không có nhu cầu bức bách phải quyết định sẽ trợ giúp tiếp Hi Lạp bao nhiêu, rằng từ đây đến giữa tháng 11 Hi Lạp vẫn chưa cần tới một gói tín dụng mới của EU và IMF. Phát biểu đó đồng nghĩa với dọa nạt sẽ không cho vay giải cứu gì cả, trừ phi “đầu hàng” tái cơ cấu kinh tế hơn nữa, có giỏi thì ráng cầm cự từ nay tới giữa tháng 11.

Đây không phải là tiếng nói “chống Hi Lạp” đầu tiên từ Bruxelles, thủ đô Bỉ đồng thời là thủ phủ của EU. Hạ tuần tháng 7, đúng vào lúc các chủ nợ đang sắp sửa duyệt gói giải cứu 109 tỉ euro, một bài báo mang tựa đề “Hi Lạp: tại sao lại phải giúp nạn tham nhũng?” (1) đã được tung ra.

Trong bài báo có đoạn: “...Chính phủ Hi Lạp sắp sửa nhận những khoản vốn mà dân chúng họ sẽ chẳng bao giờ thấy mặt mũi đồng tiền, càng tệ hại hơn nữa là họ sẽ phải thò tay vào túi mình mà chi tiêu... Tại sao chừng ấy chính khách tham ô lại vẫn cứ được dân chúng Hi Lạp bầu đi bầu lại? Bầu lại những kẻ tham nhũng chính là một dị tật của nền dân chủ”.

Từ Fakelaki đến Roufeti

Thực tế người dân Hi Lạp rất bực bội trước nạn tham nhũng. Họ viết rất nhiều về thảm họa này, như bài viết sau của một tác giả ký tên là Zorkmidden:

“Đằng sau cuộc khủng hoảng ngân sách của Hi Lạp là một bí ẩn khôn cùng: làm thế nào nhà nước có thể chi tiêu vô tội vạ song lại cứ thất thu thuế? Nhiều người Hi Lạp nói rằng để trả lời chỉ cần hai từ “Fakelaki” và “Rousfeti”. Fakelaki trong tiếng Hi Lạp có nghĩa là “phong bì”, còn Rousfeti là “đặc quyền, đặc lợi”.

...Một nghiên cứu của Tổ chức Brookings Institution đã phát hiện nạn hối lộ, đỡ đầu bao che cùng các kiểu tham ô trong bộ máy công quyền mới chính là những đóng góp chủ yếu vào gánh nợ thổi phồng như bong bóng của Hi Lạp, tước đoạt của nhà nước một khoản tương đương 8% GDP, tức khoảng 20 tỉ euro (27 tỉ USD)...

Hi Lạp đứng hạng 16 trên 16 quốc gia, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về tham nhũng ở Hi Lạp, và đứng chót trong 27 nước của EU, cùng với Bulgaria và Romania, theo một khảo sát của Transparency International. Năm ngoái, 13,5% số hộ gia đình Hi Lạp cho biết đã phải hối lộ bình quân 1.355 euro. Hối lộ để mua giấy phép lái xe, đi khám bệnh, xin giấy phép xây dựng hoặc để giảm thuế...

...Tham nhũng phá hoại tài chính công bằng nhiều cách. Lừa dối nhà nước trong thuế má là cực kỳ phổ biến. Hối lộ trong cung cấp vật tư, ô dù bao che, thổi phồng chi tiêu ngân sách...” (2).

Làm gì để ra khỏi vũng lầy nợ nần?

Đến lúc này, chính giới tài chính đã đánh giá rằng các gói giải cứu đã không đem lại kết quả mong đợi: càng ép Hi Lạp tiện tặn hơn nữa càng làm kinh tế suy thoái. Trong bối cảnh đó, các ý kiến như của Stavros Katsios, giáo sư Đại học Ionian của Hi Lạp, nhắm đến một vấn đề mà theo ông là cội nguồn (3):

“Chính phủ không có khả năng thu thuế các hoạt động kinh tế ngầm. Nền kinh tế ngầm càng lớn, nguồn thu của nhà nước càng thấp. Tuy được xếp là nước công nghiệp phát triển đứng hàng thứ 21 thế giới, Hi Lạp vẫn còn cho thấy những dấu hiệu rõ rệt của một nền kinh tế chuyển tiếp: luật lệ, quy định nhiều quá càng làm tăng tần số tham nhũng; thu thuế các hoạt động kinh tế công khai thì giỏi, trong khi đó không tài nào thu thuế được nền kinh tế ngầm”.

Ở Hi Lạp, tuân theo luật pháp lại là hèn, thiên hạ gọi những ai chấp hành luật pháp là “đồ ngu”. Và giáo sư Stavros Katsios kêu gọi: “Trước khi có thể thay đổi bất cứ gì, phải thay đổi xã hội và “đầu óc” Hi Lạp trước đã”. Song đó lại là huyền thoại đội đá vá trời của Sisyphe.

Có hai cụm từ khá quen thuộc trong “bài học Hi Lạp”: tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu nợ, những từ ngữ liên quan đến một khủng hoảng nợ đang đến.

“Giải cứu nợ Hi Lạp” hay “giải cứu châu Âu”, những cụm từ mỹ miều đó chỉ là những động thái tài chính che đậy một thực tế hiển nhiên là các quốc gia ấy không còn khả năng trả nợ.

Cuộc khủng hoảng nợ Hi Lạp bùng nổ trên báo chí hôm 23-4-2010 khi Chính phủ Hi Lạp than không trả nổi số nợ lên đến 532,9 tỉ USD, trong đó nợ công 469,8 tỉ USD, thâm thủng ngân sách hơn 10% GDP. Đến ngày 2-5-2010, cuộc khủng hoảng nợ càng nổi lên trên các bản tin sau các tin tức về việc các nước khối sử dụng đồng euro và IMF quyết định cho Hi Lạp vay 109 tỉ euro, với điều kiện Hi Lạp phải tái cơ cấu nền kinh tế.

Đúng một năm sau, tức tháng 5-2011, Hi Lạp lại cầu cứu EU và IMF. Lần này, phản ứng của EU khác trước: Pháp vẫn đồng ý cho Hi Lạp vay tiếp, Đức thì không, đòi các ngân hàng nào đã cho Hi Lạp vay phải cùng gánh chịu và buộc Hi Lạp phải cắt giảm chi triệt để.

__________

(1) Grèce: pourquoi faut-il aider la corruption? http://www.lepost.fr/article/2011/07/22/2554539_grece-pourquoi-faut-il-aider-la-corruption.html
(2) Two words that explain the Greek crisis: 'fakelaki' and 'rousfeti'. http://discardedlies.com/entry/?53734
(3) The shadow economy and corruption in Greece, Stravos Katsios, Ionian University

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận