Hướng tới một cơ chế phân bổ ngân sách mới

LÊ THANH 28/09/2020 21:09 GMT+7

Cơ chế phân cấp ngân sách hiện hành ra đời và thực hiện đã khoảng 25 năm, đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tiễn khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và hoạt động theo cơ chế thị trường. Đã đến lúc cần cân nhắc phân chia lại ngân sách theo thông lệ quốc tế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Ban Kinh tế trung ương (BKT) cho biết trung tuần tháng 7 vừa qua, BKT đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM về đề án “Tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2026-2030”. Tại buổi làm việc, Trưởng BKT Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh việc xem xét tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách TP.HCM đã được nêu trong các nghị quyết và kết luận của Đảng, và qua tình hình thực tế của thành phố, BKT ủng hộ và cho rằng việc xem xét tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố là cần thiết.

Lãnh đạo BKT cũng đặt vấn đề cần xem xét lại mô hình tăng trưởng của thành phố - hiện chủ yếu phát triển theo chiều rộng, trong khi mục tiêu, nhiệm vụ là phải phát triển theo chiều sâu, đúng như tinh thần của nghị quyết số 16. Cần thay đổi quan điểm phát triển ở TP.HCM, không nhất thiết phải là công xưởng thâm dụng lao động hay đất đai, mà phải trở thành một trung tâm khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức, cung cấp các dịch vụ công nghệ cao và là nơi đáng sống.

Phải đợi tới năm 2022?

Về tăng tỉ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố, đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng việc thành phố đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết phần giữ lại cho ngân sách thành phố cũng là hợp lý để có thêm nguồn lực đầu tư cũng như tạo động lực hơn nữa cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chia sẻ vấn đề này, ông Võ Thành Hưng, vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, cho rằng nhìn từ yêu cầu phát triển của địa phương, đề xuất tăng tỉ lệ điều tiết là nhu cầu chính đáng của địa phương, mà nhìn rộng ra thì cũng đúng với các địa phương khác, nhưng ông Hưng cũng lưu ý về tổng thể, Chính phủ và Quốc hội không thể không đánh giá thực tiễn chung của năng lực ngân sách quốc gia.

Dự án mở rộng đường Lương Định Của (quận 2) chậm tiến độ. Ảnh: Tự Trung

Theo quy định, Luật ngân sách năm 2015 nêu rõ tỉ lệ điều tiết các khoản thu phân chia được ổn định 5 năm. Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỉ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỉ lệ phần trăm nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều. Do đó, về góc độ pháp luật, muốn tăng tỉ lệ điều tiết phần giữ lại cho ngân sách thành phố thì phải sửa Luật ngân sách và có lẽ phải đợi đến hết năm 2021, tức là hết thời kỳ ổn định ngân sách 2016-2020, nếu có điều chỉnh tỉ lệ thì phải đợi đến năm 2022.

Địa phương có thể làm gì?

Theo Bộ Tài chính, tỉ lệ điều tiết cho TP.HCM được phân chia theo số thu của 5 sắc thuế: tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và bảo vệ môi trường. Riêng thuế bảo vệ môi trường, tỉ lệ phân chia địa phương - trung ương là khoảng 30-60, còn 4 sắc thuế kia là 82-18. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương cũng bổ sung những khoản không nhỏ cho TP.HCM, như 10.000 tỉ đồng chống ngập, khoảng 20.000 tỉ vốn ODA và các chương trình mục tiêu quốc gia… Ngoài ra, một năm ngân sách trung ương còn hoàn thuế cho đầu tư và xuất khẩu cho các doanh nghiệp thành phố khoảng 14.000-16.000 tỉ đồng. “Nếu tính đầy đủ và tổng thể, rõ ràng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM không phải chỉ 18% như tính trên các sắc thuế nói trên mà còn các khoản hoàn thuế, bổ sung ODA, vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia… Tỉ lệ thực tế phải lên tới 24-25%” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng cho rằng TP.HCM cần tập trung sắp xếp lại cơ sở nhà đất trên địa bàn. Thủ tướng đã phê duyệt cơ sở nhà đất của trung ương trên thành phố như Bộ Tài chính ước tính, cho thấy có khoảng 2.600 cơ sở nhà đất cần phải sắp xếp. Mới đây có 119 cơ sở nhà đất đã có quyết định sắp xếp. Như vậy, TP.HCM chỉ cần sắp xếp lại và bán đấu giá những cơ sở này. Theo cơ chế nghị quyết 54 của Quốc hội thì TP.HCM được hưởng một nửa khoản thu từ việc này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho dự án công của thành phố.

Theo nghị quyết 54 - vốn trao cho thành phố cơ chế đặc thù - ngân sách địa phương còn được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu. Như vậy, thành phố nên tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để lấy nguồn đầu tư. Bộ Tài chính tính toán tổng vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp do UBND thành phố quản lý có trị giá trên sổ sách là gần 60.000 tỉ đồng. Chỉ bán 10% số này với hệ số 2-3 thôi thì thành phố cũng thu về 20.000-30.000 tỉ đồng. Như báo cáo về cổ phần hóa 8 tháng đầu năm nay, tiến độ cổ phần hóa của cả nước cũng như ở TP.HCM là chậm. Để đảm bảo kế hoạch đặt ra, từ nay đến cuối năm thành phố phải cổ phần hóa khoảng 30 doanh nghiệp. Đây là những doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ.

Cơ chế mới?

Nhìn rộng hơn về quản lý ngân sách nhà nước, ông Tuấn cho hay theo quan điểm cá nhân ông, Việt Nam cần xây dựng đề án tổng thể thay đổi phân cấp ngân sách. Thực tế, cơ chế phân cấp ngân sách hiện hành ra đời và thực hiện đã khoảng 25 năm, đến nay không còn phù hợp với tình hình thực tiễn khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và hoạt động theo cơ chế thị trường. Do đó, chúng ta cần cân nhắc phân chia lại ngân sách theo thông lệ quốc tế.

Ông Tuấn gợi ý như nhiều nước, họ phân chia nguồn thu theo các sắc thuế, như thuế giá trị gia tăng là khoản thu lớn nhất hiện nay, địa phương thu ở từng địa bàn thì phải trừ số hoàn đi. Nhưng quy định hiện hành của Việt Nam lại không như vậy, tổng số thu thuế VAT mỗi năm được khoảng 300.000 tỉ đồng và phải trừ số hoàn thuế 120.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế các địa phương lại hưởng khoản thuế này, còn ngân sách trung ương lại hoàn.

Tại buổi làm việc về ngân sách TP.HCM giữa BKT và Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Bình cũng đề nghị cần có nghiên cứu, đánh giá và đề xuất cơ chế điều tiết ngân sách giữa trung ương và địa phương phù hợp với thông lệ quốc tế. Tỉ lệ phân chia các nguồn thu giữa trung ương và địa phương nên áp dụng theo từng loại thuế, quy mô và đặc thù địa phương, giúp trung ương có công cụ điều tiết để định hướng phát triển cho các địa phương, đồng thời bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương vừa sự chủ động của địa phương.■

Con cái ra riêng, bố mẹ đừng can thiệp chuyện tiền nong

“Về lâu dài, Việt Nam cần giải bài toán ngân sách chung cho toàn quốc gồm 63 tỉnh thành phố, chứ không riêng địa phương nào. Điều quan trọng nữa là độc lập ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Hội đồng nhân dân phải làm rõ họ có nguồn thu gì, phải phấn đấu vươn lên. Trung ương chỉ tập trung hỗ trợ những tỉnh nghèo ở biên giới, hải đảo giữ vị trí đặc biệt quan trọng của quốc gia thôi” - ông Tuấn đề xuất.

Ông Tuấn cho rằng Quốc hội, Chính phủ không thể quyết định ngân sách thu - chi của từng tỉnh như hơn 20 năm qua. Ông ví von việc này giống như một gia đình, khi con cái đã đi ở riêng rồi mà bố mẹ lại cứ tham gia xem hai vợ chồng đứa lớn và cả vợ chồng đứa bé có tiền lương hằng năm thế nào, thu nhập ra sao. Nếu đứa nào khó khăn thì bố mẹ lo cho, còn đứa nào dư dả thì bố mẹ lấy bớt để cho đứa còn thiếu thốn. Điều khó chấp nhận ở các gia đình, có lẽ cũng là khó thực hiện lâu dài với nền kinh tế quốc gia.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận