Kẻ chống, người do dự, hậu quả dành cho ai?

LÊ MY 25/12/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Vaccine COVID-19 chắc chắn sẽ đi vào sử sách như một thành tựu khoa học rực rỡ của loài người. Nhưng chúng ta hãy luôn chuẩn bị đón nhận sự bùng nổ của những điều phi lý, khi mà nhiều người - hoặc muốn phản đối, hoặc muốn phá hoại - đang lan truyền những thông điệp chống lại vaccine.

Thế giới vừa tiến một bước gần hơn đến ngày tàn của “bóng ma” SARS-CoV-2 khi Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine của Hãng Pfizer/BioNTech. Một cột mốc quan trọng giữa đại dịch: lúc 6h31 sáng theo giờ địa phương, hôm 8-12 bà Margaret Keenan, người vừa đón sinh nhật lần thứ 91, là công dân Anh đầu tiên nhận mũi tiêm thứ nhất trong số hai liều.

Tuy nhiên, làn sóng những người chống vaccine (anti-vaxxer), trên đường phố và cả trên mạng, có thể là mối đe dọa chết người đối với nước Anh và toàn thế giới.

Ít nhất 7,8 triệu người đã đăng ký theo dõi các tài khoản mạng xã hội của nhóm anti-vaxxer kể từ năm 2019, tạp chí The Lancet trích báo cáo của Trung tâm Đối phó sự căm ghét (trên) kỹ thuật số (CCDH) ở Anh hồi tháng 10. CCDH cảnh báo rằng phong trào chống vaccine ngày càng lớn mạnh thì việc triển khai bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai chống lại COVID-19 sẽ càng suy yếu.

Biểu tình chống vaccine. Ảnh: khn.org

Kẻ bài xích

Tin tức về vaccine Pfizer/BioNTech cũng đã không tránh khỏi bàn phím của các anti-vaxxer. Họ cố làm mất uy tín của vaccine này trên mạng xã hội chỉ vài giờ sau khi những thông tin đầy hứa hẹn được công bố.

Một bức ảnh chụp những vết loét màu tím và đỏ, đôi chân sưng tấy và mưng mủ được chia sẻ hàng ngàn lần trên Instagram, Twitter và Facebook chỉ trong vòng một ngày, với dòng chú thích: “Đây được cho là của người tham gia thử nghiệm [vaccine] … sẵn sàng xắn tay áo của bạn lên chứ?”

Theo BBC, đôi chân kia thuộc về Patricia, một phụ nữ ngoài 30 sống ở Texas (Mỹ). Cô ấy quả là có tham gia thử nghiệm vaccine Pfizer/BioNTech. Nhưng còn một sự thật nữa, “tình cờ” không được nêu trong bức ảnh lan truyền trên mạng: Patricia chưa bao giờ được tiêm vaccine thật mà chỉ được chích giả dược là dung dịch nước muối. Như vậy, đôi chân của cô không liên quan gì đến việc tiêm thuốc, nhưng không gì ngăn được lực lượng chống vaccine vặn vẹo câu chuyện của Patricia để thu hút khán giả.

Trước đó, trên mạng cũng đã đầy rẫy các video đổ lỗi cho những ông lớn trong ngành dược phẩm, tỉ phú Bill Gates và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã âm mưu tạo ra đại dịch (không có bằng chứng), hay những bức ảnh chế tràn lan khắp mạng xã hội cho rằng vaccine có thể làm biến đổi ADN của chúng ta (không chính xác) hay nhằm đưa các con chip vào cơ thể người (chưa có công nghệ này), và vô số tin tức giả khác.

Và cũng không ngạc nhiên khi tên tuổi trong làng chống vaccine Andrew Wakefield lại nổi lên để khẳng định COVID-19 “không nguy hiểm đến tính mạng hơn bệnh cúm mùa” và số ca tử vong đã bị “phóng đại rất nhiều”. Báo The Guardian phải nhắc lại: Wakefield đã bị loại khỏi danh sách các bác sĩ được công nhận của Anh vào năm 2010, và bị “cạch mặt” vì nghiên cứu đầy gian lận của ông về mối quan hệ giữa vaccine sởi - quai bị - rubella (MMR) với chứng tự kỷ.

Theo khảo sát về khả năng chấp nhận vaccine COVID-19 thực hiện với 13.426 người ở 19 quốc gia vừa công bố trên Nature vào tháng 10, 71,5% người tham gia cho biết sẽ sử dụng loại vaccine “đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả”, trong khi 14% sẽ từ chối thẳng thừng. Thêm 14% cho biết họ sẽ do dự về việc tiêm vaccine. Phổ khác biệt về mức độ chấp nhận vaccine khá rộng, từ gần 90% ở Trung Quốc đến dưới 55% ở Nga. 

Người lung lay

Tuy nhiên, điều thực sự khiến các chuyên gia y tế công cộng thao thức mỗi đêm không phải là số người cho rằng Bill Gates muốn tiêm vào họ những con chip vô hình, mà chính là những người còn đang do dự. Sự do dự về vaccine (vaccine hesitancy) là sự trì hoãn hoặc từ chối tiêm chủng, được WHO hồi năm ngoái nhấn mạnh là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe, cùng với Ebola và nguy cơ đại dịch cúm toàn cầu (không ngờ virus corona đã đến thế chỗ).

Nina, 21 tuổi, sống ở London (Anh) với người bà 82 tuổi, nói với BBC rằng cô có “cảm xúc lẫn lộn” về vaccine COVID và vẫn chưa chắc chắn liệu chính mình có chấp nhận đi tiêm trong tương lai hay không. “Rõ ràng là giống như mọi người, tôi muốn con virus này biến mất càng nhanh càng tốt - Nina nói - Nhưng đồng thời, tôi không chắc mình tin tưởng vào vaccine đến mức nào, vì nó diễn ra quá nhanh”. Lượng thông tin xung quanh Nina gây thêm khó khăn trong việc thấu hiểu các vấn đề khoa học đằng sau vaccine.

Đám đông do dự chính là những người có thể dễ dàng bị lung lay bởi thông tin mà bạn bè của họ đăng trên Facebook, là những người muốn chờ xem điều gì sẽ xảy ra với những ca đã tiêm vaccine. Theo cây bút Gaby Hinsliff của The Guardian, đó có thể là những người đàn ông lớn tuổi, thường thuộc dân tộc thiểu số, vốn đã cảnh giác với việc đi khám bệnh và tiêm chủng, cũng có thể là những phụ nữ có trình độ đại học, chăm đọc tin tức và tự hào vì họ tự nghiên cứu thông tin.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature vào tháng 5, Neil Johnson thuộc ĐH George Washington (Mỹ) và nhóm của ông đã cho rằng phong trào chống tiêm chủng phải chịu nhiều trách nhiệm cho tình trạng do dự vaccine.

Khi so sánh với nhóm ủng hộ, thông điệp của anti-vaxxer đa dạng hơn, dễ gây xúc động và thường có sức thuyết phục, và họ giỏi truyền bá những thông điệp đó ra bên ngoài nhóm hơn, từ đó tiếp cận nhiều người hơn. Theo một bài báo sắp xuất bản của Johnson mà NBC News tiếp cận được, tác giả cho biết có sự gia tăng kết nối giữa các cộng đồng “không liên quan” hoặc “chưa quyết định” về vaccine (tỉ như hội yêu thú cưng, nhóm phụ huynh hay người hâm mộ yoga) với phong trào chống tiêm chủng.

Ngay cả khi các mạng xã hội đã ra sức loại bỏ một số nội dung cực đoan nhất, Heidi Larson, giám đốc Dự án Niềm tin vaccine (Anh), cho rằng rất khó để giám sát các nội dung mập mờ, hoặc được đăng tải bởi những tổ chức mang tên vô thưởng vô phạt, hoặc ngăn họ chuyển sang nền tảng khác. Các cá nhân và hội nhóm chống lại hay hoài nghi vaccine đang tích cực tìm kiếm những người còn thắc mắc và do dự, và họ ở đó chờ đợi để nói: “Bạn nói đúng, bạn có lý do chính đáng để lo lắng, đúng là (vaccine) có vấn đề”.

Biểu tình chống vaccine ở bang California (Mỹ) vào tháng 5-2020. Ảnh: Getty Images

Cả cộng đồng lãnh đủ

Tiêm phòng không chỉ trực tiếp bảo vệ bạn khỏi virus corona, mà còn gián tiếp bảo vệ những người không thể tiêm vaccine (có thể vì họ không đủ sức khỏe). Khi một tỉ lệ dân số (đã được tính toán) được chủng ngừa, virus sẽ khó lây lan trong cộng đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia WHO, một loại vaccine có hiệu quả ngừa bệnh hơn 90% (như vaccine Pfizer theo công bố của hãng dược này) sẽ yêu cầu khoảng 60-70% dân số được tiêm chủng để đạt khả năng đó, hay còn gọi là miễn dịch cộng đồng.

Khả năng thành công của vaccine COVID-19 sau khi triển khai ở Anh ra sao? Theo The Lancet, cứ 6 người Anh thì có 1 người cho biết khó đồng ý tiêm vaccine COVID-19, và một tỉ lệ tương tự vẫn còn do dự. Điều này có một ngụ ý đáng lo: một phần ba nước Anh không tin rằng họ sẽ tiêm vaccine. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát do CCDH ủy quyền, thực hiện trên 1.663 người, trong đó những cá nhân cập nhật thông tin về đại dịch qua mạng xã hội thì thường do dự hơn. Tỉ lệ 1:6 lặp lại trong cuộc thăm dò do Savanta ComRes tiến hành cuối tháng 11. Theo đó, 16% trong tổng số 2.090 người Anh được hỏi nói rằng họ không tin tưởng dù vaccine được phê duyệt sử dụng.

Có vẻ như “thiên thời, địa lợi, nhưng nhân… chưa hòa” về vấn đề vaccine là điều đang xảy ra ở nước Anh và cả thế giới nói chung. Phong trào chống vaccine có khả năng làm cho tình hình khó khăn hơn.

Tiến sĩ Paul Goepfert, giáo sư y khoa và vi sinh vật học tại ĐH Alabama (Mỹ), lạc quan nói với NBC News rằng COVID-19 vốn có thể dễ dàng được kiểm soát hơn so với bệnh sởi thông qua tiêm chủng đại trà. Với bệnh sởi, chúng ta cũng có vaccine hiệu quả 90%, nhưng 12-14 người có thể bị lây bệnh từ một ca sởi nếu không có miễn dịch cộng đồng, vì vậy cần phải bảo vệ 90% dân số. “May mắn thay, COVID không kinh khủng đến thế - một ca bệnh thường chỉ lây cho 2-3 người, vì vậy với vaccine có hiệu quả 90%, bạn không cần phải tiêm phòng cho tất cả mọi người” - ông giải thích.

Vì hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào một tỉ lệ lớn dân số được tiêm chủng, các chính phủ nên sớm bắt đầu gửi đi những thông điệp tích cực, để ngay cả những người đang do dự về vaccine có thể thấy rằng quyết định của họ có ý nghĩa quan trọng để tạo nên miễn dịch cộng đồng.■

Lại nhắc về nghiên cứu bài xích vaccine MMR của Andrew Wakefield, tác động của nó vẫn tiếp diễn đến hôm nay, và là một bài học từ quá khứ. Năm 2018, Anh đánh mất công nhận “loại trừ bệnh sởi” của WHO, khi tỉ lệ tiêm chủng giảm 5 năm liên tiếp, ở mức 90% vào năm 2019 (thấp hơn yêu cầu của WHO là 95% trẻ). Số ca sởi và quai bị ở thanh thiếu niên đã tăng lên sau khi các phụ huynh - vì sợ hãi trước thông tin của Wakefield nên đã không tiêm phòng cho con họ. 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận