Khi tài trợ quốc tế rút đi

TTCT - Từ năm 2013, các khoản tài trợ quốc tế cho phòng chống HIV/AIDS ở VN sẽ giảm dần và chưa có tín hiệu nối lại sau năm 2015. Với một hệ thống phòng chống HIV hầu như dựa hoàn toàn vào tài trợ quốc tế nhiều năm qua, nỗi lo lắng về việc hệ thống này sẽ có thể gặp nhiều khó khăn ngày càng lớn. TTCT trao đổi với ông Bùi Đức Dương, phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), về vấn đề này.

Điều trị nghiện ma túy bằng việc uống methadone tại chỗ - Ảnh: Thanh Đạm

Theo ông Bùi Đức Dương, không chỉ VN mà ở nhiều nước trên thế giới, tài trợ cho phòng chống HIV/AIDS cũng có xu hướng sụt giảm. Nhiều tổ chức như Quỹ PEPFAR (*) của Mỹ, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Chính phủ Anh... đã nhiều năm dành các khoản tài trợ cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS cho VN.

Những khoản tài trợ này đã giúp VN mở rộng diện bao phủ thuốc kháng virút cho người bệnh, khống chế số ca mắc mới, giúp dịch có xu hướng giảm (từ năm 2008 đến nay số mắc mới năm sau luôn thấp hơn năm trước). 

Tuy nhiên, tổ chức tài trợ cho VN phòng chống HIV/AIDS nhiều nhất là PEPFAR đã chính thức có thư thông báo giảm dần hỗ trợ từ năm 2013 về thuốc kháng virút, sinh phẩm chẩn đoán, chuyển dần sang chỉ hỗ trợ kỹ thuật. 

Hỗ trợ của WB lẽ ra đã kết thúc từ năm 2012 nhưng cuối cùng được gia hạn thêm một năm và sẽ kết thúc vào năm 2013. Hai dự án còn kéo dài đến năm 2015 là của Quỹ Toàn cầu và PEPFAR chưa có biểu hiện mở thêm các vòng mới.

* Với một hệ thống phòng chống HIV hầu như dựa vào tài trợ nước ngoài, việc tài trợ liên tục bị cắt giảm và sau năm 2015 gần như là hết, hoạt động phòng chống HIV sẽ được tiếp tục như thế nào, thưa ông?

- VN đã hình thành các chương trình phòng chống HIV độc lập, với kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách trung ương và địa phương, tài trợ quốc tế... Từ nay đến năm 2015, tổng kinh phí được duyệt từ các nguồn là 3.700 tỉ đồng. 

Tuy nhiên khoản kinh phí này chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu do chi phí cho phòng chống HIV/AIDS rất cao, ngoài các hoạt động truyền thông, cộng đồng, giảm lây nhiễm, các nguồn vốn để cung cấp dịch vụ như thuốc kháng virút, dùng thuốc methadone thay thế và các biện pháp giảm hại... cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức quốc tế. 

Để duy trì những thành quả đã đạt được, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang xây dựng các dự án để tăng nguồn vốn hỗ trợ cho giai đoạn sau năm 2015. Giai đoạn trước mắt tìm mọi nguồn lực để đầu tư giữ số người hiện đang được uống thuốc ARV, mở rộng diện tiếp cận thuốc cho người có nhu cầu, cung cấp sinh phẩm chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị.

* Với kinh phí chỉ đáp ứng 1/2 so với nhu cầu, làm sao để đạt được nhiều mục tiêu như thế, thưa ông? Đến nay khi tài trợ quốc tế bắt đầu bước vào giai đoạn giảm và kết thúc, VN mới bắt đầu xây dựng dự án để huy động vốn cho giai đoạn tiếp theo có phải là quá muộn?

- Với nguồn tài chính hạn chế hơn, hoạt động thiết thực nhất là rà soát các hoạt động, làm sao để giảm chi tiêu ở nhóm người cung cấp dịch vụ, đồng thời lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS với hệ thống y tế hiện hành. Do cùng lúc có nhiều dự án, mỗi dự án lại có tiêu chí riêng, mục tiêu là tăng số người được tiếp cận với thuốc điều trị nên tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ nhiều nơi chưa ổn. 

Vừa qua, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã phối hợp với các địa phương rà soát việc cung cấp dịch vụ cho hợp lý, mục tiêu là hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng giữa các đối tượng, lồng ghép với hệ thống y tế từ trung ương tới cơ sở, chuyển dịch vụ về cộng đồng để người nhiễm tiếp cận được liên tục, lâu dài, giảm chi phí đầu tư. Khi giảm được chi phí gián tiếp, đầu tư cho các ưu tiên như thuốc cho người nhiễm sẽ tăng lên, bên cạnh hỗ trợ từ hệ thống bảo hiểm y tế, chính sách khuyến khích sản xuất thuốc trong nước để giảm giá thành... 

Về câu hỏi bây giờ mới xây dựng dự án cho giai đoạn tới có muộn không thì như trên tôi đã nói, hiện nay dự án xây dựng cho giai đoạn sau năm 2015, tôi cho rằng thời gian ba năm là có thể kịp.

Chúng tôi đang rất lo về nhân sự do cùng lúc nhiều dự án sẽ rút đi, ngừng trả lương cho những người trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ như truyền thông, thuốc, trong khi họ đều đã được đào tạo, có kỹ năng làm việc. 

Mặc dù trung tâm tư vấn cộng đồng đã thuộc trung tâm y tế nhưng kết nối chưa chặt chẽ, nhân sự do các dự án trả lương, khi các dự án cắt giảm, nhân sự phục vụ phòng chống HIV/AIDS sẽ hạn chế hơn, trong khi những công việc họ đang đảm nhiệm có thể không có người thay thế kịp.

Bệnh nhân đến Trung tâm Y tế dự phòng Q.Bình Thạnh, TP.HCM để được tư vấn, khám và điều trị nghiện ma túy bằng việc uống methadone - Ảnh: Thanh Đạm

* Với tình hình hiện tại, các ông có phương án nào để giữ được những thành quả đã có trong phòng chống HIV/AIDS?

- Chúng tôi cho là phải lồng ghép hoạt động phòng chống HIV với hệ thống y tế hiện có. Phải làm sao để việc điều trị cho bệnh nhân HIV tương tự cho bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch... Khi đó vai trò của các UBND phải cao hơn, vì lúc đó phòng chống HIV/AIDS là việc làm cho dân của địa phương mình chứ không phải vì có dự án, có tiền nên làm. 

Tại các tỉnh thành hiện nay quả thật hoạt động phòng chống HIV chưa kết nối với hệ thống y tế, mới chỉ như kiểu người đi mua dịch vụ, còn tổ chức, báo cáo vẫn là riêng, cán bộ y tế tham gia dự án phòng chống HIV như là làm thêm, được trả lương thêm ngoài lương nhà nước. Nhưng nay phải lồng ghép lại, coi đó là một phần trách nhiệm của hệ thống y tế.

Mới có 67.000 người được tiếp cận với thuốc

Cả nước hiện có trên 200.000 người nhiễm HIV, số người nhiễm HIV đã được khống chế dưới 0,3% dân số. Trong số này có 150.000 người cần điều trị bằng thuốc kháng virút ARV. Theo yêu cầu của chương trình mục tiêu quốc gia, 70% trong số này được tiếp cận với thuốc, tương đương 105.000 người. Tuy nhiên thực tế đến năm 2012 mới có khoảng 67.000 người có nhu cầu được tiếp cận với thuốc.

Trong 3.700 tỉ đồng được dành cho phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015, có 1.700 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, 980 tỉ ngân sách địa phương, 705 tỉ tài trợ quốc tế, các nguồn hợp pháp khác là 245 tỉ đồng... Mục tiêu là tiếp tục cung ứng thuốc ARV cho số người hiện đang được dùng thuốc, tăng số lượng bệnh nhân mới, mở rộng cung cấp dịch vụ xét nghiệm, đào tạo và theo dõi để tăng chất lượng điều trị. 

Tỉ lệ bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị bằng ARV ở VN thấp hơn các nước trong khu vực. Ngay ở Campuchia đã có tới 90-95% bệnh nhân có nhu cầu được tiếp cận với thuốc. 


PEPFAR - tổ chức đang viện trợ trên 70% nguồn kinh phí phòng chống HIV/AIDS tại VN - mới đây tuyên bố sẽ rút dần viện trợ cho công tác phòng chống AIDS. Trong năm 2012, PEPFAR vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ cho VN bằng mức năm 2011 là 82 triệu USD. Nhưng từ năm 2013, PEPFAR sẽ giảm tài trợ ở mức 10-15% mỗi năm. Dự kiến đến năm 2015, mức hỗ trợ chỉ còn khoảng 40 triệu USD. Từ năm 2004, PEPFAR đã tài trợ hơn 232 triệu USD để cung cấp các dịch vụ toàn diện về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV ở VN. 

Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại VN, với 36.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV, 700.000 người được tư vấn xét nghiệm tự nguyện/năm, cung cấp điều trị methadone cho hơn 10.000 người.

Bộ Phát triển quốc tế thuộc Chính phủ Anh (DFID) cũng đã tài trợ 31 triệu USD cho chương trình phòng chống HIV tại VN từ năm 2003, tập trung vào việc kiềm chế sự lây lan HIV. Chương trình này đã kết thúc năm 2009. Sau đó, DFID tuyên bố cung cấp một khoản tài trợ mới khoảng 30 triệu USD cho chương trình “Phòng chống HIV tại VN” cùng một chương trình trị giá 33 triệu USD của Ngân hàng Thế giới để hình thành một chương trình chung, nhằm nâng cao sự hỗ trợ đối với Chính phủ trong các nỗ lực phòng chống HIV. Chương trình này kéo dài tới năm 2012, mở rộng phạm vi triển khai lên tới 40 tỉnh thành trong cả nước.

(Nguồn: Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế)

____________

(*): PEPFAR: tên gọi tắt của Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của tổng thống (President’s Emergency Plan For AIDS Relief) do Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khởi xướng năm 2003, dành viện trợ cho 15 quốc gia, trong đó có VN, để phòng chống HIV/AIDS.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận