Kinh tế độc thân: Mọi thứ cho một người

PHAN BẢO 29/05/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Ở nhiều quốc gia, tỉ lệ sinh giảm, dân số già đi, trong khi độ tuổi kết hôn trung bình và số lượng người lựa chọn cuộc sống độc thân lại gia tăng. Ở đó cũng đã hình thành những nền kinh tế chăm lo cho các khách hàng đơn lẻ này.

 
 Hát karaoke một mình ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea Herald

“Trong tương lai, tất cả các quốc gia sẽ chứng kiến một “xã hội siêu độc thân” - đại diện bởi những người trẻ tuổi không bao giờ kết hôn và những người già một lần nữa độc thân sau khi góa vợ, góa chồng” - Kazuhisa Arakawa, nhà nghiên cứu tại Hakuhodo - một trong những công ty quảng cáo lớn nhất Nhật Bản, nói với BBC.

Arakawa đã xuất bản một cuốn sách kinh tế học về “xã hội siêu độc thân”, ước tính rằng 50% dân số từ 15 tuổi trở lên sẽ sống trong các hộ gia đình một người vào năm 2040. “Sẽ không còn thực tế nếu các công ty chỉ chú tâm đến những hộ gia đình nhiều thành viên… Tôi tin rằng thị trường sẽ không phát triển nếu không nắm bắt được những khách hàng đơn lẻ” - Arakawa nói.

Trước COVID-19, nền kinh tế độc thân đã bắt đầu bùng nổ, các doanh nghiệp ngày càng tìm ra nhiều cách thức sáng tạo để thỏa mãn một nhu cầu lâu dài của con người - nhu cầu một mình nhưng không cô đơn. Và có vẻ như họ đã đáp ứng thành công nhu cầu này trên nhiều phương diện.

Khi ánh đèn disco vẫn nhấp nháy, Lee Seung Hyun, 21 tuổi, hát vang câu hát cuối cùng và rồi căn phòng rơi vào im lặng. Không có tiếng vỗ tay nào vang lên, vì Lee đang tận hưởng khoảng thời gian một mình tại phòng coin noraebang - dịch vụ hát karaoke tính theo bài và trả bằng tiền xu rất thịnh hành tại Hàn Quốc. “Tôi thích đến karaoke tiền xu cùng bạn bè, nhưng đôi lúc tôi cũng đi một mình để hát mà không cần đợi lượt” - cô gái trẻ đang theo học ngành kinh doanh tại Đại học Yonsei nói với báo Today (Singapore).

Với tỉ lệ sinh ngày càng giảm cùng với tỉ lệ ly hôn gia tăng ở Hàn Quốc, các công ty chú trọng nhiều hơn đến sản phẩm và dịch vụ cho những khách hàng độc thân như cô Lee. Những phòng coin noraebang có mặt khắp Seoul, với mỗi bài hát thường có giá 250won (5.000 đồng).

Một loại hình giải trí khác cũng được giới độc thân khá ưa chuộng là cà phê truyện tranh. Chỉ với một khoản tiền nhỏ, khách hàng có thể thỏa sức đọc truyện tranh Hàn thâu đêm, bởi nhiều tiệm cà phê theo mô hình này mở cửa suốt 24 giờ và bố trí những ngách nhỏ để khách thoải mái tựa lưng đọc sách trong sự riêng tư.

Nhưng các cửa hàng tiện lợi mới chính là điểm sáng nhất trong ngành kinh tế độc thân đang lên tại Hàn. Các cửa hàng tiện lợi chuyên bán đồ ăn và thức uống take-away (mang đi) theo khẩu phần dành cho một người. Đây là lựa chọn hiển nhiên của những người tiêu dùng độc thân.

Paul Chang - phó giáo sư xã hội học tại Đại học Harvard - giải thích rằng xã hội Hàn Quốc đang dần xóa bỏ tâm lý sống theo đám đông và hướng tới mục tiêu hạnh phúc của cá nhân. Điều này đã tạo ra tăng trưởng kinh tế từ nhu cầu tiêu dùng cá nhân. Vị phó giáo sư nhận định: “Tỉ lệ hộ gia đình một người lớn đến mức nó đã trở thành một phần quan trọng của thị trường”.

Theo số liệu từ Viện Y tế và xã hội Hàn Quốc (KIHASA), ước tính số hộ gia đình một người ở quốc gia này tăng gần 8 lần, từ 661.000 người năm 1985 lên 5,06 triệu người vào năm 2015. Dự kiến đến năm 2035, gia đình một người sẽ trở thành loại hình hộ gia đình phổ biến nhất tại đây.

Chang cho biết sự lớn mạnh của thị trường tiêu dùng độc thân còn sản sinh ra những khái niệm mới dành riêng cho nó trong tiếng Hàn, như honbap để chỉ những người đi ăn một mình và honsul để gọi những người uống rượu bia một mình. Chúng ngày càng trở nên phổ biến trong văn hóa cộng đồng ở đất nước này.■

Nhật Bản: Thiên đường của người độc thân

Người Nhật cách đây chục năm từng tồn tại hiện tượng benjo meshi, nghĩa là “bữa trưa trong toilet”, vì nhiều người xấu hổ nếu bị nhìn thấy ăn trưa ở căngtin trường hay chỗ làm việc đến mức phải trốn vào ăn trong nhà vệ sinh. 

Giờ đây, cũng như xu hướng ở Trung Quốc và Hàn Quốc, họ không còn ngại nữa. Xu hướng ngày càng trở nên phổ biến và được đón nhận hiện nay là ohitorisama (“một mình”) - khi người ta thoải mái dành thời gian cho bản thân mà không sợ bị săm soi, xét nét từ bên ngoài nữa.

 
 Ăn một mình ở Nhật. Ảnh: BBC

Doanh nghiệp Nhật cũng đang thay đổi để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng ohitorisama. Các quán ăn, nhà hàng ở Nhật dành một số lượng lớn chỗ ngồi cho những người đến một mình. Những bàn này thường được chia cắt bằng vách ngăn, hướng vào tường và cửa sổ, hoặc ở quầy ăn. Những vị trí ngồi dành cho một người phổ biến nhất ở quán mì (udon, soba, ramen) và quán cà phê, quán bánh ngọt, kể cả quán rượu như Bar Hitori - quán rượu chuyên dành cho người thích độc ẩm, mới mở hồi giữa năm 2018 ở khu Shinjuku sầm uất.

Và cũng như ở Trung Quốc và Hàn Quốc, karaoke một người cũng có mặt ở Nhật và ngày càng phổ biến. Sau khi nhận thấy có đến 30% số khách đi một mình, chuỗi karaoke Koshidaka Kan đã cho xây các phòng hát dành riêng cho một người. 

Ngoài ra, còn có thể kể sự phổ biến của căn hộ một người: rộng từ 20 đến 40m2, bao gồm một căn bếp nhỏ, buồng tắm (gồm bồn tắm và tắm đứng), nhà vệ sinh và phòng ngủ. Những căn hộ này thuận tiện cho những người bận rộn và không mất nhiều công sức khi cần phải dọn dẹp.

Nhiều siêu thị đóng gói các thức ăn cơ bản như thịt, rau và cá thành những gói nhỏ chỉ đủ ăn từ 1 đến 2 bữa, trong khi món ăn đông lạnh như mì Ý, cơm chiên hay xúp vừa đủ cho một người ăn.

HÀ MY

“Bà nội trợ” không đi... chợ

Câu chuyện về một app liên quan nấu nướng đáp ứng được các nhu cầu đặc thù của người sống một mình có thể là ví dụ tiêu biểu cho nền kinh tế độc thân cũng bắt đầu manh nha ở Việt Nam. Nhờ dùng app mà nửa năm nay Thùy Linh (28 tuổi) không cần đi chợ hay siêu thị nhưng các loại nguyên liệu tươi sống vẫn luôn có sẵn trong tủ lạnh để cô nấu ăn mỗi ngày.

Các bà nội trợ của app mua sẵn nguyên liệu và các đầu bếp cũng đã sơ chế thức ăn, thậm chí có gửi kèm hướng dẫn cách thức chế biến để người mua có thể dễ dàng nấu món ăn bài bản. Mỗi tuần, app sẽ giới thiệu thực đơn từ thứ hai đến thứ sáu, Thùy Linh chỉ cần chọn các món và cách chế biến phù hợp với khẩu vị của mình để đặt mua. Chỉ với 198.000 đồng, cô gái này đã có đủ thức ăn hai bữa cho cả tuần với các món không trùng nhau và giao tận nhà nguyên liệu mỗi ngày. Cứ đều đặn chừng 16h mỗi ngày, nam nhân viên giao hàng của app sẽ treo nguyên liệu trước cổng nhà trọ, sau khi đi học về Thùy Linh chỉ việc lấy nguyên liệu để chế biến cho buổi tối và mang đến trường vào trưa hôm sau.

Điều đặc biệt, do là thức ăn để nấu cho một người nên các nguyên liệu được giao vừa khéo, có khi chỉ là một trái ớt, vài cọng hành hay nửa trái chanh... “Nếu thử làm một bài toán so sánh thì việc nhận nguyên liệu nấu ăn qua app có rất nhiều cái lợi dành cho những người sống một mình như tôi so với việc phải đi chợ hay đi siêu thị, nhất là vấn đề tiết kiệm chi phí” - Thùy Linh, hiện đang học thạc sĩ tại Trường ĐH Fulbright sau nhiều năm sống ở Thái Lan, kể.

Chọn mua thực phẩm theo hình thức này giải quyết được nhiều vấn đề của người sống một mình, nhất là ở chỗ mua vừa đủ, chống lãng phí: không phải trữ sẵn, mua nhiều hơn nhu cầu trong tủ lạnh, hoặc chỉ cần nguyên liệu mỗi thứ một ít để nấu một bữa cho một người mà phải mua cả trái bí, cái bắp cải.

NGỌC HIỂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận