Trung Quốc và nền kinh tế độc thân

CẢNH CHÁNH 29/05/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Sự gia tăng của số người độc thân ở Trung Quốc đã giúp hình thành một nền kinh tế độc thân với nhiều tiềm năng, với các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho nhóm đối tượng khách hàng này.

 
 Karaoke một mình ở Trung Quốc. Ảnh: zznews.gov.cn

Theo phóng sự của Đài CCTV hồi cuối tháng 4, Trung Quốc đang có hơn 200 triệu người độc thân, chiếm khoảng 14% dân số.

Làn sóng độc thân mới

Tết Tân Sửu 2021 là cái tết cô độc nhất với dân Trung Quốc, khi có đến 100 triệu người không thể về quê ăn tết mà phải ăn tất niên, đón giao thừa một mình.

Nhiều thanh niên độc thân thở phào nhẹ nhõm vì họ không phải bị người nhà hay bà con giục chuyện kết hôn. Nhưng khi mọi người đang vui vẻ đón chào năm mới trong tiếng pháo đì đùng, đã có một cô gái ở Bắc Kinh bị kẹt ở nhà vệ sinh trong chính ngôi nhà của mình hơn 30 tiếng đồng hồ vì khóa hư. Thông tin này khiến không ít người suy ngẫm về rủi ro khi ở một mình của người độc thân. Tờ Nam Phương Cuối Tuần tuyên bố: thời đại độc thân ở Trung Quốc đã đến!

Báo cáo hôn nhân Trung Quốc do Viện Nghiên cứu Hằng Đại thuộc Đại học Thanh Hoa công bố tháng 2 năm nay cho biết tỉ lệ đăng ký kết hôn từ 13,47 triệu đôi năm 2013 giảm xuống còn 8,13 triệu đôi năm 2020. Trong đó, số người kết hôn lần đầu cũng giảm từ 23,86 triệu xuống còn 13,98 triệu người.

Trung Quốc trải qua làn sóng độc thân thứ 4 từ đầu thế kỷ 21 đến năm 2014 mà nguyên nhân phần lớn là do sự mất cân bằng giới tính, sự sụt giảm dân số trẻ. Trả lời Đài CCTV, Đào Kim - phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu tài chính Tô Ninh) - cho biết vài năm nữa, khi giới trẻ được tiếp cận nền giáo dục tốt, thu nhập tăng, quan điểm thay đổi, Trung Quốc sẽ bước vào làn sóng độc thân thứ 5.

Nền kinh tế độc thân

Trước một số lượng người độc thân như vậy cũng là tiềm năng gia tăng lớn khu vực dân số này, một nền kinh tế độc thân nhiều tiềm năng cũng đã hình thành ở Trung Quốc. Nền kinh tế độc thân xuất hiện phản ảnh sự bao dung của xã hội đối với người trẻ độc thân trong độ tuổi kết hôn, những người có chủ nghĩa độc thân.

Trước đây, ăn lẩu một mình, du lịch một mình, hát karaoke một mình, xem phim một mình luôn khiến con người cảm thấy bất tiện, cô đơn; còn bây giờ, có nhà hàng, ứng dụng gọi món cung cấp suất thịt nướng một người, lẩu một người, phòng karaoke mini, phòng tập thể dục mini, phòng chụp hình mini… ra đời ở nhiều thành phố lớn.

Rất nhiều nhà hàng, công ty đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường nền kinh tế độc thân nên tung ra nhiều sản phẩm cho người sống một mình, ví dụ như món ăn 1/2 suất, túi gạo 1kg, rượu vang 200ml, lẩu một người… Rạp chiếu phim, nhà hàng còn thiết kế chỗ ngồi có vách ngăn cho người độc thân để họ cảm thấy thoải mái.

Tiềm năng to lớn của thị trường độc thân khiến thị trường điện gia dụng cũng đang thay đổi theo, với các sản phẩm như nồi cơm 1,2 lít, lò nướng 10 lít, chảo mini, máy giặt 2,2kg… An Doanh dù sống ở Bắc Kinh một mình nhưng phòng trọ của cô có đủ nồi cơm, máy ép trái cây, lò nướng, tất cả đều là đồ gia dụng mini. Cô cho rằng cho dù sống một mình ở nhà trọ thì cuộc sống cũng phải có chất lượng.

Giờ thời đại thay đổi, rất nhiều việc đều có thể thông qua dịch vụ, như mua thuốc, mua đồ ăn đều có thể ship đến tận nhà, người độc thân có nhiều thời gian cho bản thân. Đối với người độc thân, khi bắt buộc phải ăn cơm một mình, ứng dụng gọi món là lựa chọn hoàn hảo. Theo số liệu của ứng dụng gọi món Meituan, năm 2019 ngành gọi món có quy mô trên 650 tỉ tệ, cứ mỗi giây là có 270 đơn hàng được đặt. Trong đó, nhóm người 26 - 30 tuổi chiếm 22,5%, 31 - 35 tuổi chiếm 16,9%.

 
 Đồ gia dụng mini cho người sống một mình ở Trung Quốc. Ảnh: Caixin

Chi tiêu mạnh bạo

Do không có người yêu và gia đình nên người độc thân dành tất cả thời gian và tiền bạc để hưởng thụ cuộc sống. CCTV cho rằng người độc thân đa phần là đối tượng “chưa hết tháng đã hết tiền”, số người này ở các thành phố loại VI và V chiếm đến 76%. Cô Tiffany (31 tuổi, ở Thượng Hải) vừa mua nhà, mỗi tháng trả góp 3.000 tệ, nhưng với mức lương 20.000 tệ vẫn không có dư.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội Trung Quốc, người tiêu dùng độc thân chú trọng trải nghiệm và cảm giác bản thân. Họ không chạy theo hàng hiệu mà chú trọng sản phẩm đáng đồng tiền, sản phẩm có cá tính, hay nuôi thú cưng. Trong năm 2019, số lượng thú cưng ở các thành phố là 99.150.000 con, trong đó chủ nhân độc thân chiếm 32,5%, số liệu từ trang goumin.com. Thế hệ 8X, 9X xem thú cưng là thành viên gia đình. Lâm Lâm, thế hệ 9X ở Quảng Châu, mua sắm rất nhiều lương thực hay sản phẩm công nghệ để chăm sóc 2 con mèo của mình. Mỗi khi ra ngoài, mở camera xem 2 con mèo ở nhà đang làm gì đã trở thành thú vui của cô.

Mặc dù độc thân nhưng chất lượng cuộc sống không hề giảm, họ luôn biết thỏa mãn thú vui của bản thân. Mạc Mạc (thế hệ 9X) rất mê xem phim, mới mấy năm mà cô đã xem hơn 400 bộ phim; còn Lâm Lâm không tiếc tiền đăng ký học múa, thậm chí thuê nhà gần trường để tiện việc đi học. Lâm Lâm cho rằng phải đối xử tốt với bản thân, và học múa giúp cô tích cực lạc quan hơn trong cuộc sống, kiên nhẫn hơn với công việc.

Người trẻ mặc dù hoài nghi về chế độ hôn nhân và tình yêu, nhưng họ tin vào cảm giác an toàn và khả năng sinh lời của bất động sản. Phùng Tiếu Nghê Mặc dù mới 30 tuổi nhưng cô đã có nhà ở quê, có xe, nên cô không bị áp lực về hôn nhân.

Minh họa

 

Chủ động độc thân

Tờ Thanh Niên Trung Quốc phân tích: tỉ lệ dân số độc thân tăng do thay đổi về quan niệm giá trị, ngoài ra còn do ảnh hưởng điều kiện khách quan. Hiện nay áp lực của giới trẻ khi sống độc thân giảm rất nhiều so với trước. Do trình độ giáo dục được nâng cao, họ không còn chấp nhận quan niệm “kết hôn vì đã đến tuổi”. Có thể gọi họ là những người chủ động độc thân.

Tuy nhiên vẫn còn bộ phận độc thân bị động. Áp lực mua nhà, kết hôn của giới trẻ là rất lớn, nhất là ở các thành phố lớn độ tuổi kết hôn bình quân đang ngày càng tăng, khó mà nói rằng điều này không liên quan đến điều kiện kinh tế. Họ mặc dù muốn kết hôn nhưng điều kiện không cho phép, khó tìm được đối tượng, đành phải kết hôn trễ.

Trang qq.com cho rằng nguyên nhân độc thân vì mạng lưới quan hệ của giới trẻ quá nhỏ, do quan niệm thay đổi, điều kiện kinh tế và do công việc. Ngày nay đàn ông muốn lấy vợ đều phải có nhà, có xe, công việc ổn định và tiền dành dụm. Nhưng với một thanh niên mới tốt nghiệp vài năm thì khó mà đáp ứng điều kiện trên, trừ trường hợp được bố mẹ giúp đỡ. Công việc bận rộn, đến cuối tuần họ chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, không có nhiều thời gian đi tìm người yêu hay hẹn hò, không muốn tốn nhiều sức lực cho những mối quan hệ chưa xác định. Ngoài ra còn do tâm lý sợ kết hôn, sợ áp lực lấy vợ của nam giới ngày càng tăng.

Để giải quyết tình trạng này, những năm gần đây nhiều ứng dụng tìm bạn ra đời ở Trung Quốc với mong muốn giúp cho giới trẻ bớt cô đơn. Ứng dụng kết bạn người lạ Momo có đến 140 triệu tài khoản. Những ứng dụng ra đời sau như Tantan, Soul đều có số tài khoản đăng ký trên 100 triệu.

Cũng có nhiều chuyên gia tâm lý nhận định người trẻ Trung Quốc lựa chọn cuộc sống độc thân còn vì muốn trốn tránh áp lực từ bố mẹ, trốn tránh trách nhiệm với hôn nhân, áp lực sinh con, giáo dục con cái...Đó có thể là một bước lùi, là sự ích kỷ, vì họ chưa đủ động lực để gánh vác trách nhiệm, theo tờ Thanh Niên Trung Quốc.■

Người trong cuộc nói gì?

Tân Hoa xã trích dẫn một số quan niệm của cư dân mạng. Người chủ động độc thân cho rằng độc thân tự do tự tại; là một sự lựa chọn chủ động nên học cách chấp nhận; hôn nhân là sự ràng buộc, không có gia đình họ có nhiều thời gian và tiền bạc để hưởng thụ cho mình.

Người độc thân bị động thì than thở: nuôi mình còn không nổi, đừng nói kết hôn sinh con; cứ sống vậy thôi, không muốn sinh con rồi chịu khổ. Rồi thì “ai ai cũng muốn độc thân, mình tôi không muốn cũng không được” hoặc “rất muốn kết hôn, nhưng sao cứ mãi không gặp được như ý”.

Cư dân mạng chỉ ra rằng giá nhà trên trời, tiền thách cưới cao ngất ngưỡng là nguyên nhân sâu xa khiến có nhiều người độc thân. Nên chỉ cần có việc làm ổn định là có thể giải quyết tất cả. Và họ quyết không nhượng bộ: kiếm một tấm chồng không ra gì chẳng thà sống một mình, tại sao nhất định phải tìm một người về chăm sóc rồi cãi vã, giờ sống tốt là được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận