Làn sóng thâu tóm doanh nghiệp hậu COVID-19

NAM MINH 14/07/2020 18:07 GMT+7

TTCT - Vì COVID-19, giá cổ phiếu và tài sản của doanh nghiệp bất ngờ sụt giảm mạnh, điều có thể mở đường cho các nhà đầu tư ngoại gia tăng thâu tóm doanh nghiệp trong nước.

Ảnh: Insurance Journal
Ảnh: Insurance Journal

Việc mua - bán, sáp nhập doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường thì là điều bình thường, thậm chí là lành mạnh, diễn ra theo cơ chế thị trường, để loại bỏ những doanh nghiệp yếu hơn, tăng năng suất, và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. 

Nền kinh tế hiện đã mở rất rộng của Việt Nam cũng khiến các thương vụ mua lại ở quy mô lớn, trong đó một tập đoàn nước ngoài mua đứt một doanh nghiệp đình đám trong nước, diễn ra ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 và những hậu quả của nó chắc chắn không thể coi là một bối cảnh bình thường. Sự giảm giá mạnh giá trị vốn hóa của nhiều doanh nghiệp nội đã niêm yết công khai có thể kéo theo những vụ thâu tóm để lại tác động lâu dài.

Cơ hội mua lại giá rẻ

Một sự kiện đáng chú ý mới đây là việc tập đoàn có nguồn gốc từ Đông Âu Kusto Group gửi văn bản yêu cầu, đòi chủ tịch và tổng giám đốc Công ty xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu: CTD) phải từ chức. Lý do mà cổ đông này đưa ra là giá doanh thu và lợi nhuận của thương hiệu xây dựng dân dụng hàng đầu VN này đang trên đà đi xuống, trong khi giá cổ phiếu CTD trên thị trường chứng khoán đã giảm 38% so với cách đây một năm.

Đã rộ lên ý kiến cho rằng nhà đầu tư này đang lợi dụng tình hình khó khăn do nhu cầu xây dựng trầm lắng và đại dịch tấn công để nhăm nhe thôn tính toàn bộ Coteccons. Mục tiêu của Kusto Group hướng tới có tính dài hơi, khi dự kiến năm nay kinh tế VN vẫn sẽ tăng trưởng, trong bối cảnh gần như toàn cầu rơi vào suy thoái, và thị trường xây dựng và bất động sản trong nước sẽ sớm phục hồi, trong khi Coteccons là thương hiệu đầu ngành nổi tiếng trong nước.

Nhưng dù vì lý do gì đi nữa, các tranh chấp thượng tầng nếu không giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và năng lực cạnh tranh của Coteccons trong thời gian tới.

Và CTD chỉ là một ví dụ dễ thấy. Thực tế từ đầu năm đến nay, khi kinh tế trong nước giảm tốc, sản xuất đình trệ, nhiều doanh nghiệp phải sa thải bớt lao động, thì các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) do các tập đoàn nước ngoài khởi phát lại trở nên đặc biệt sôi động.

Đơn cử ở ngành bao bì, công ty Thái Lan Siam Cement thông báo đã mua lại thương hiệu giấy carton lâu đời trong nước là Bao bì Biên Hòa. Ngành cáp điện, Tập đoàn Stark Corporation PCL (cũng Thái Lan) đã chi đến 240 triệu đôla (gần 5.600 tỉ đồng) để mua lại cùng lúc hai doanh nghiệp là cáp điện Thịnh Phát (Thipha) và nhựa kim loại màu Đồng Việt. Tập đoàn Thái Lan thứ ba, Super Energy Corporation, thì chi ra 457 triệu USD để mua lại bốn dự án điện mặt trời ở Tây Ninh.

Nhà đầu tư Nhật Bản là Mitsubishi UFJ Lease & Finance mới đây công bố thương vụ thâu tóm 49% cổ phần trong Công ty cho thuê tài chính VietinBank Leasing. Đích nhắm mà nhà đầu tư ngoại này hướng đến là nhu cầu cho thuê tài chính tại VN dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng.

Lĩnh vực bất động sản chứng kiến sự kiện Mitsubishi và Nomura (Nhật) mua lại một phần dự án Vinhomes Grand Park có quy mô 10.000 căn hộ. Chủ đầu tư trong nước Nam Long thì cho biết đang trong giai đoạn đàm phán để chuyển nhượng hai dự án Waterfront và Đại Phước cho các tập đoàn Nhật. Trong 5 tháng đầu năm 2020, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy có tổng cộng 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo tiến sĩ Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao của Hãng tư vấn Savills Việt Nam, năng lực tài chính hạn chế khiến khá nhiều doanh nghiệp trong nước điêu đứng khi gặp phải cú sốc có lẽ là chưa từng thấy trong lịch sử như COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, khi phát triển các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại..., nguồn vốn đầu tư chủ yếu là từ vay ngân hàng. Dưới tác động của đại dịch, nhiều dự án phải đóng cửa, mặt bằng bị trả hoặc không thuê mới, nhiều chủ đầu tư gần như kiệt quệ tài chính, mất khả năng chi trả nợ gốc, lãi vay.

Các dự án nhà ở cũng gặp tình trạng tương tự khi vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 10-20%, còn lại chủ đầu tư sẽ vay ngân hàng và thu trước từ người mua. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng hiện nay ở các dự án là cực kỳ khó, trong khi việc huy động vốn từ khách hàng giữa bối cảnh thất nghiệp gia tăng, tiền lương và thu nhập giảm cũng là bài toán nan giải.

“Các doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn sẽ gặp phải những tác động gần như ngay lập tức, buộc họ phải tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng, hoặc bán bớt tài sản trong dự án để có thể duy trì được hoạt động kinh doanh của mình”, ông Sử Ngọc Khương nhận định.

Đợt chuyển giao tài sản chưa từng thấy?

Theo Hãng tài chính PwC, đại dịch lần này đang đóng vai trò là chất xúc tác mạnh cho nhiều thay đổi. Các doanh nghiệp mạnh hơn có thể tận dụng cơ hội để điều chỉnh mô hình kinh doanh, trong đó có việc gia tăng thâu tóm các bộ phận trong chuỗi cung ứng hoặc chính các đối thủ cạnh tranh đang gặp khó khăn.

Trong bối cảnh kinh tế ngày càng mở cửa, các giao dịch mua bán sáp nhập giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể xem là quan hệ kinh doanh bình thường. Nhưng như đã nói, COVID-19 là một biến cố lớn.

Thái độ thận trọng hơn trước các vụ mua bán ồ ạt lớn diễn ra vừa qua là cần thiết, bởi khi giai đoạn khó khăn hiện nay kết thúc, có thể sẽ là khả năng những tài sản chất lượng bị định giá thấp hơn đáng kể so với giá trị nội tại rơi hết vào tay các tập đoàn nước ngoài.

Bên cạnh đó, không thể không tính tới những kế hoạch thâu tóm nhằm thống lĩnh thị trường. Thực tế thì trong nhiều trường hợp, mục tiêu của các tập đoàn nước ngoài khi mua lại doanh nghiệp trong nước không chỉ là thị phần, tài sản, hay năng lực sản xuất, mà còn là kìm hãm hoặc xóa bỏ các thương hiệu nội địa để mở rộng kênh xâm nhập cho chính sản phẩm của họ.

Trong khi lý thuyết thị trường tự do nói điều đó sẽ có lợi cho người tiêu dùng và là điều tự nhiên với thị trường tự do, thực tế cho thấy kinh tế thực ra chưa bao giờ tách rời chính trị. Xét về dài hạn, xu thế này có thể làm suy yếu năng lực sản xuất nội địa, gia tăng lượng hàng hóa nhập khẩu, còn vị trí thống lĩnh thị trường tiêu dùng, sau nhiều năm vất vả các doanh nghiệp nội - vốn vẫn còn yếu ớt - mới gầy dựng được, sẽ dần rơi vào tay nước ngoài.

Những bài học quá khứ từ trước dịch bệnh không thiếu: thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan bị xóa sổ sau khi rơi vào tay Colgate, xà bông Cô Ba biến mất sau khi P&G mua lại, hay gần đây là trường hợp nước giải khát Tribeco không còn xuất hiện trên các kệ hàng siêu thị sau khi lọt vào tay Uni-President.

Thế khó của các chủ doanh nghiệp rơi vào thế phải cân nhắc bán lại cơ đồ gầy dựng cả đời cần được thông cảm, nhưng việc đứng vững trước những lời mời gọi trong giai đoạn khó khăn này sẽ thực sự chứng tỏ doanh nghiệp nội nào đủ sức không chỉ “giữ vững trận địa” thị trường trong nước, mà còn có thể vươn xa và “phản công” cùng với sự sát cánh của người tiêu dùng VN.■

Công chúng chỉ được biết khi giao dịch M&A đã diễn ra rồi, trong khi có một số doanh nghiệp hay dự án bất động sản thuộc diện “nhạy cảm”, cần được xem xét cẩn trọng đến tác động khía cạnh kinh tế - xã hội ngay từ quá trình đàm phán mua - bán.

Cuộc di dời nhà máy của các hãng xưởng quốc tế ra khỏi Trung Quốc vì COVID-19 cũng có thể kéo theo một xu thế khác khó tránh: Chính những nhà đầu tư Trung Quốc sẽ bỏ tiền vào VN để mua đất đai, nhà xưởng để chuẩn bị cho cuộc di chuyển đó.

Ông Phạm Thành Hưng, phó chủ tịch HĐQT Cen Group, cho biết đang có xu hướng dịch chuyển rõ ràng từ những nhà cung cấp dịch vụ bất động sản hạ tầng và khu công nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu quan sát về báo cáo thị trường M&A thì số lượng M&A tại Việt Nam tăng vọt trong vòng 3-4 tháng đầu năm 2020.

Ông Hưng cho biết doanh nhân Trung Quốc không ngồi đợi xem chính phủ họ sẽ làm gì để cứu vãn tình trạng sản xuất trong nước, mà đã nhanh chân sang Việt Nam thâu tóm nhiều khu công nghiệp đang dở dang hoặc có mặt bằng sạch, thậm chí thủ tục pháp lý có thể chưa xong, họ vẫn mua lại các doanh nghiệp, nhà máy, hạ tầng.

Trên thế giới, một số quốc gia cũng gặp phải làn sóng thâu tóm từ bên ngoài tương tự, và nhà nước đã phải can thiệp, bất chấp các nguyên lý thị trường tự do. Đơn cử, Úc mới đây đã ban hành đạo luật trao thêm quyền hạn cho Cơ quan giám sát đầu tư nước ngoài (FIRB) và yêu cầu mọi khoản góp vốn và đầu tư từ nước ngoài giờ phải được cơ quan này thông qua.

Trước đây, những khoản góp vốn, đầu tư có giá trị nhỏ thường được miễn trừ. Sự thay đổi đáng kể này được cho là để phản ứng với mối lo ngại tình hình khó khăn sẽ khiến các tài sản và doanh nghiệp bị bán với giá quá thấp, nhiều khi gây tổn hại đến lợi ích quốc gia Úc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận