Lập luận của Nga

TƯỜNG ANH 19/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hai mục đích công khai của “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Nga mở ở Ukraine từ 24-2 là “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” Ukraine. Liệu có cơ sở pháp lý gì trong hai vấn đề tưởng như mơ hồ đó không? Các lập luận của phía Nga, thể hiện qua tuyên bố của các lãnh đạo và báo chí trong nước, là gì?

Trong phát biểu ngày 24-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về hai định đề liên quan đến Ukraine - nguyên tắc chủ quyền và nguyên tắc tôn trọng nhân quyền. 

 
 Các binh sĩ Ukraine ở một điểm kiểm soát bên ngoài Kyiv, 3-3-2022. Ảnh: Reuters

“Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga đã chấp nhận những thực tế địa chính trị mới. Chúng tôi tôn trọng và sẽ tiếp tục tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia mới thành lập trong không gian hậu Xô viết”, nhưng ông nói thêm: “Nga không thể cảm thấy an toàn, phát triển, tồn tại với một mối đe dọa thường trực phát ra từ lãnh thổ Ukraine hiện đại”. 

Ông Putin nhắc lại quyền tự quyết của các quốc gia, được ghi trong điều 1 Hiến chương LHQ: “Cả trong thời kỳ thành lập Liên Xô, cũng như sau Thế chiến II, với những người sống ở một số vùng lãnh thổ thuộc Ukraine hiện đại, không ai hỏi bản thân họ muốn sắp xếp cuộc sống của mình như thế nào”. 

Nga cho rằng “điều quan trọng là quyền này - quyền được lựa chọn - có thể được sử dụng bởi tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ của Ukraine ngày nay”.

Luận điểm trên được phát triển trong tuyên bố của Đại diện Thường trực Nga tại LHQ Vasily Nebenzya. Ông này nói khái niệm về sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, được nêu trong Tuyên bố năm 1970 của LHQ về các nguyên tắc luật pháp quốc tế “không thể áp dụng cho Ukraine. 

Chính quyền Kiev không tuân thủ nguyên tắc cơ bản được nêu trong tuyên bố: bình đẳng trong mối quan hệ với các dân tộc sống trên lãnh thổ của nhà nước”.

Về mục tiêu phi quân sự hóa, hãng tin Nga RIA Novosti giải thích rằng điều này là nhằm “thiết lập một chế độ pháp lý quốc tế [ở Ukraine] theo đó bất kỳ hoạt động quân sự nào đều bị cấm hoặc bị hạn chế”, bao gồm việc sản xuất và triển khai vũ khí, xây dựng căn cứ quân sự, đào tạo quân đội… 

Các ví dụ về phi quân sự hóa trong lịch sử hiện đại được Nga viện dẫn là các thỏa thuận hậu Thế chiến I và II. Sau Thế chiến I, Đức buộc phải ký Hiệp ước Versailles quy định các lực lượng vũ trang của nước này không vượt quá 100.000 binh sĩ. 

Tương tự, sau Thế chiến II, việc phi quân sự hóa nước Đức được thông qua bởi Hiệp định Postdam 1945, bao gồm giải tán quân đội, tiêu hủy kho vũ khí và thủ tiêu hoàn toàn tổ hợp công nghiệp - quân sự của nước này.

Theo RIA Novosti, các cuộc thảo luận về việc phi quân sự hóa Ukraine ở Nga đã bắt đầu từ năm 2014. Khi đó, Viện Xã hội Nga đã đánh giá tính khả thi của việc Ukraine trở thành thành viên NATO và việc phi quân sự hóa nước này qua đàm phán. 

Phía Nga lúc bấy giờ cho rằng cần yêu cầu phương Tây: (1) ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine; và (2) ngừng huấn luyện chiến đấu và mọi công tác đào tạo khác cho các lực lượng vũ trang lẫn đơn vị bán quân sự của Ukraine.

Tuy nhiên, Nga nhìn nhận rằng Mỹ và các đồng minh đã bơm viện trợ quân sự và vũ khí vào Ukraine ngày càng ồ ạt. Theo Trung tâm Stimson, chỉ riêng Washington, trong giai đoạn 2014 - 2021, đã cung cấp hơn 2,7 tỉ USD hỗ trợ quân sự. 

Những chương trình của Mỹ đã “biến Ukraine trở thành một trong những nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ, xếp thứ 7 trên thế giới từ năm 2016 đến năm 2020 và là nước nhận viện trợ lớn nhất ở châu Âu”, Trung tâm Stimson kết luận.

Ở điểm thứ hai, Nga cho rằng việc “phi phát xít hóa” Ukraine sẽ là thủ tiêu và cấm các tổ chức, đảng phái, cơ cấu bán quân sự theo chủ nghĩa tân phát xít và phát xít hoạt động ở Ukraine, cấm các tổ chức dân tộc cánh hữu và Đức quốc xã, bãi bỏ các luật tôn vinh tội phạm Đức Quốc xã. 

Vấn đề này tất nhiên gây tranh cãi, khó chứng minh về mặt pháp lý, và ngay cả chứng minh được, cũng khó có thể là cơ sở cho một sự can thiệp quân sự từ bên ngoài.

Sử gia, nhà khoa học chính trị Nga Oleg Nemenski, chuyên gia trong lĩnh vực lịch sử và bản sắc dân tộc của người Slav phương Tây và phương Đông, bổ sung: 

“Tôi thậm chí không chắc rằng xã hội chúng ta hiểu được bản chất của những nhiệm vụ này… Quá trình này là rất lớn và phức tạp. Người Đức bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa Quốc xã chỉ trong vài năm, trong khi người dân tây nam nước Nga đã bị chủ nghĩa Ukraine tác động trong hơn 100 năm. Các nhiệm vụ [phi phát xít hóa] đầy tham vọng và khá đáng lo ngại ngay cả khi suy nghĩ về mức độ khả thi của chúng”.

Ba kịch bản cho Ukraine

Các chuyên gia Nga đã nêu ra một số kịch bản tương lai cho Ukraine hậu chiến. Tờ Sự thật Komsomol tóm tắt như sau:

(1) Ukraine vẫn ở quy mô hiện tại (trừ các lãnh thổ Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR) trong biên giới hành chính của họ). Thoạt nhìn, kế hoạch này lý tưởng - Ukraine vẫn giữ được đất nước như một chủ thể quốc tế, mặc dù có một số tổn thất nhất định, và nếu Quốc hội mới được bầu chính thức công nhận Crimea thuộc về Nga, nền độc lập của Donbass, đưa vào hiến pháp quy chế trung lập và không liên kết của Ukraine, từ chối vũ khí hạt nhân, thậm chí dẫn độ tội phạm chiến tranh theo yêu cầu của Nga, ấn định vị trí của tiếng Nga là ngôn ngữ thứ hai.

(2) Theo kế hoạch này, vào giai đoạn đầu sẽ thành lập một số cộng hòa chính thức độc lập theo mô hình DNR và LNR, dựa trên số người nói tiếng Nga và những khu vực lịch sử Novorossiya: lập nên các Cộng hòa Kharkiv, Nikolayev, Odessa, sau đó, ở giai đoạn thứ hai, tất cả các cộng hòa này cùng DNR và LNR có thể tuyên bố thành lập một nhà nước độc lập mới có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Nga - Novorossiya. Phần còn lại của Ukraine hiện tại được chia thành hai nhà nước tương đối nhỏ, là Ukraine (Tiểu Nga - gồm Kiev, Sumy, Zhytomyr, Kirovohrad, Poltava, Chernihiv và Cherkasy), và Tây Ukraine (Galicia và Volyn gồm Lviv, Ivano-Frankivsk, Volyn, Ternopil, vùng Khmelnytsky và Rivne).

(3) Là kế hoạch cực đoan: Ukraine biến mất hoàn toàn như một nhà nước. Trong trường hợp này, các xu hướng hướng tâm mạnh có thể phát sinh ở Novorossiya và Tiểu Nga, và các lãnh thổ này sẽ có thể nhập vào Nga. Romania và Hungary sẽ có thể yêu sách Bukovina và Transcarpathia, trong khi Ba Lan yêu sách 6 khu vực phía tây từng thuộc Ba Lan trước năm 1939.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận