Chiến tranh có luật của chiến tranh

DANH ĐỨC 19/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Hôm 7-3, Ukraine đã ra trước Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu Nga dừng các hành động quân sự. Nga đã không xuất hiện để tự bào chữa. Phiên tòa đã diễn ra như thế nào? Lập luận của mỗi bên ra sao? Vụ này với vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Tòa Trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 có gì giống nhau không? Đây thật sự là một kinh nghiệm và án lệ rất hữu ích cho các nước nhỏ.

Tuy phía Nga không có mặt, ICJ vẫn họp phiên công khai về các cáo buộc của phía Ukraine dựa trên Công ước về diệt chủng nhắm vào Liên bang Nga và ngày 17-3 đã ra phán quyết yêu cầu Nga ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine với tỉ lệ phiếu 13-2 (2 phiếu chống là của thẩm phán người Nga và Trung Quốc). 

Trước đó, Ukraine đã trình bày miệng các lập luận của mình. Liên bang Nga không tham gia, đã chỉ gửi văn bản.


 
 Phiên tòa ngày 7-3 với hàng ghế dành cho phía Nga bỏ trống. Ảnh: cij-icj.org


Thủ tục tố tụng

Khoảng 5h30 sáng (giờ Matxcơva) ngày 24-2, Nga bắt đầu mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” bằng loạt tên lửa bắn vào các địa điểm khác nhau khắp Ukraine, kể cả gần thủ đô Kiev. 

Hai ngày sau, 26-2, Ukraine đã đệ trình ICJ “Yêu cầu chính thức tiến hành các thủ tục” chống lại Liên bang Nga về “tranh chấp liên quan đến việc giải thích, áp dụng và thực hiện Công ước về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng năm 1948 (gọi tắt là Công ước về diệt chủng)”. 

Có thể thấy phía Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng việc sử dụng luật pháp quốc tế như một công cụ phòng vệ, thể hiện qua việc họ bắt đầu quy trình tố tụng chỉ 48 giờ sau khi súng nổ.

Phía Ukraine viện dẫn các điều 36 và 40 của Quy chế ICJ để khẳng định yêu cầu của họ là đúng thẩm quyền tòa này. Có thể so sánh, năm 2016, Trung Quốc từ chối ra tranh biện với Philippines ở PCA với lý do PCA không có thẩm quyền tài phán. 

Trong phần mở đầu đơn kiện, Ukraine lập luận: “Liên bang Nga đã tố cáo sai sự thật rằng các hành động diệt chủng được gây ra tại các tỉnh Lugansk và Donetsk của Ukraine, trên cơ sở đó Nga đã công nhận các nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk. Dựa trên cáo buộc giả mạo đó, Nga nay tiến hành “cuộc xâm lược quân sự” Ukraine, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người của người dân Ukraine”. 

Bởi thế, “Ukraine dứt khoát phủ nhận, khẳng định rằng không hề có bất kỳ cuộc diệt chủng nào xảy ra, và nộp đơn này để [tòa] xác nhận rằng Nga không có cơ sở hợp pháp để hành động trong lãnh thổ Ukraine và chống lại Ukraine vì mục đích “ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng có mục đích của Ukraine [như lập luận của phía Nga]””.

Nhắc lại, tối 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tố cáo Ukraine “diệt chủng”: “Không một ngày nào trôi qua mà các cộng đồng ở Donbass không bị các cuộc tấn công pháo kích. Gần đây còn là một lực lượng quân sự lớn sử dụng máy bay tấn công không người lái, thiết bị hạng nặng, tên lửa, pháo, cùng các bệ phóng tên lửa phản lực. Việc giết hại dân thường, phong tỏa, bức hiếp người dân, kể cả trẻ em, phụ nữ và người già, vẫn tiếp tục không giảm”. 

Ông Putin còn tố cáo cả phương Tây: “Trong khi đó, cái gọi là thế giới văn minh, mà các đồng sự phương Tây của chúng tôi tự xưng là đại diện duy nhất, nhắm mắt làm ngơ, như thể sự kinh hoàng và cuộc diệt chủng mà gần 4 triệu người đang phải đối mặt này không hề tồn tại”. 

“Đơn kiện” của Ukraine cũng có trích dẫn đoạn kết án nói trên. Bản lý đoán của họ, sau phần “Mở đầu” là 8 điểm (4 đến 12) nhằm chứng minh thẩm quyền của tòa ICJ. Các điểm 4 đến 7 nói Ukraine và Nga đều là thành viên Liên Hiệp Quốc, do đó bị ràng buộc bởi quy chế của ICJ; hai nước đều là thành viên của Công ước về diệt chủng; ICJ có thẩm quyền phân xử liên quan tới công ước này; và có tranh chấp giữa hai bên về ý nghĩa điều 9 liên quan đến việc giải thích, áp dụng hoặc thực hiện công ước.

Ở điều 8, điều dài nhất trong lý đoán, phía Ukraine lần lượt nêu những lần gần đây nhất các nhân vật cấp cao của Nga tố cáo Ukraine “diệt chủng” người Nga ở Donbass, để trên cơ sở đó quả quyết đây là tranh chấp giữa Nga và Ukraine về vấn đề diệt chủng, nên cần được ICJ thụ lý. 

Ở điều 9, Ukraine dứt khoát phủ nhận các tố cáo họ diệt chủng và nói Nga không có bất kỳ cơ sở hợp pháp nào để thực hiện hành động chống lại Ukraine với mục đích ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng theo điều 1 công ước. 

Các lập luận của Ukraine được kê ra chi tiết trong phần 3 của bản “Yêu cầu”, phần “Dữ kiện”, từ điều 13 đến 25 (trang 3-7), trong đó họ phản bác việc Nga tố cáo Ukraine diệt chủng ở Lugansk và Donetsk, và tố cáo ngược rằng Nga đã “lên kế hoạch các hành vi diệt chủng của họ ở Ukraine… cố ý giết người thuộc quốc tịch Ukraine và xâm phạm nghiêm trọng tính toàn vẹn về thể xác của họ”. 

Bản lý đoán cũng kèm trích dẫn các cơ quan LHQ như Cao ủy LHQ về quyền con người (OCHCR) ủng hộ cho lập luận.

Có thể thấy, về mặt hình thức, văn kiện của Ukraine là hội đủ các yêu cầu lập luận, dựa trên một “lịch ký” ghi chép các vụ việc theo thời gian để tiện dẫn chứng, đúng thủ tục tố tụng.

Phản đòn của Nga 

Trong bức thư đề thứ bảy ngày 5-3, Nga thông báo cho ICJ rằng họ “đã quyết định không tham gia vào quá trình tố tụng bằng miệng khai mạc ngày 7-3-2022”. 

Trong thư, Nga “lấy làm tiếc rằng… các phiên điều trần đã được lên lịch trong một thời gian ngắn như vậy” và vào cùng ngày, “Đại sứ Liên bang Nga đã thông báo cho chánh văn phòng ICJ rằng Chính phủ Liên bang Nga sẽ không tham gia vào quá trình tố tụng bằng miệng…, rằng Liên bang Nga đã quyết định, qua thông báo này, lưu ý tòa rằng tòa không có thẩm quyền trong vụ này”.

Việc bác bỏ thẩm quyền của ICJ được nhắc lại trong điều 6 của văn thư trên, qua đó Nga quả quyết rằng họ không đồng ý với thẩm quyền tài phán của tòa: 

“Tòa không thể giải quyết một yêu cầu, ngay cả chỉ là tạm thời, nếu không đảm bảo trước rằng tòa có thẩm quyền với yêu cầu đó. Như chính tòa đã nhiều lần lặp lại: “Một trong những nguyên tắc cơ bản của quy chế là tòa không thể giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia không đồng ý với quyền tài phán của tòa””. 

Việc bác bỏ thẩm quyền của ICJ từ phía Nga trong vụ này không khác mấy chuyện Trung Quốc bác bỏ thẩm quyền của PCA trong vụ kiện của Philippines năm 2016. Tuy nhiên, cũng cần nhắc rằng phán quyết của PCA đã đồng thời đưa ra ý kiến về lập trường và thái độ của Trung Quốc: 

“Tuy nhiên, phụ lục VII quy định rằng “việc vắng mặt của một bên hoặc việc một bên không thực hiện việc biện hộ không tạo nên bất kỳ rào cản nào cho tiến trình tố tụng””. Tức, “đoàn lữ hành cứ đi”!

Cho nên, lập luận của Nga không chỉ dừng lại ở đó. Điều 7 văn thư gửi ICJ của họ viết: “Ngay cả khi Liên bang Nga và Ukraine đều là các bên tham gia công ước, mà không có bên này hay bên kia bảo lưu, thì tòa, để có quyền tài phán, phải xác lập được rằng “cục diện tranh chấp liên quan đến “việc giải thích, áp dụng hoặc thực hiện công ước”… mà theo phía Nga, tòa không xác lập được điều này”. 

Bởi thế, ở điều 15, Nga giải thích lý lẽ cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ ở Ukraine: “Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành trên lãnh thổ Ukraine dựa trên điều 51 Hiến chương LHQ và thông lệ quốc tế".

"Nền tảng pháp lý của hoạt động này đã được thông báo vào ngày 24-2-2022 cho Tổng thư ký LHQ và Hội đồng Bảo an qua đại diện thường trực của Liên bang Nga tại đấy… kèm theo “bài phát biểu của ngài Vladimir Putin, tổng thống Liên bang Nga, gửi cho công dân Nga””. 

Cụ thể, điều 51 Hiến chương LHQ - quy định về thể thức khai chiến giữa các quốc gia - gồm hai câu. Câu thứ nhứt là: “Không một điều khoản nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp thành viên LHQ bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an áp dụng được những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. 

Tức trong trường hợp một thành viên LHQ bị tấn công thì thành viên đó được quyền tự vệ chính đáng, còn việc hỏi ý kiến Hội đồng Bảo an tính sau. 

Theo phía Nga, thành viên bị tấn công đó là hai nước cộng hòa ly khai Donbass. Hai nước cộng hòa bị tấn công này không phải hai tỉnh Lugansk và Donetsk, mà là hai quốc gia Lugansk và Donetsk độc lập đã được Nga công nhận kể từ tối thứ hai, 21-2.

Vế thứ nhì của điều 51 là: “Những biện pháp mà các thành viên LHQ áp dụng trong việc bảo vệ quyền tự vệ chính đáng ấy phải được báo ngay cho Hội đồng Bảo an và không được gây ảnh hưởng gì đến quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Bảo an, chiểu theo Hiến chương này”. 

Nga đã có thông báo ngay hôm khởi chiến 24-2 cho Tổng thư ký LHQ và Hội đồng Bảo an rồi. 

Trên cơ sở đó, văn bản Nga gửi ICJ ở điều 20 quả quyết: “Đề cập đến tội ác diệt chủng không có nghĩa là viện dẫn công ước hoặc thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp theo công ước đó, do lẽ khái niệm diệt chủng tồn tại trong luật tục quốc tế độc lập với công ước”. 

Luật tục quốc tế (droit coutumier international) là “một tập quán chung được chấp nhận là luật”, theo định nghĩa ở điều 38 Quy chế ICJ. 

Có thể thấy, không chỉ Ukraine mới sẵn sàng trên mặt trận pháp lý, mà cả Nga cũng thế. Bản lý đoán của Nga kết thúc bằng hai điều 23 và 24 khẳng định: “Từ đó, rõ ràng là yêu cầu và thỉnh nguyện [của Ukraine] vượt quá phạm vi công ước, và cả thẩm quyền của tòa. Chiếu các lẽ nêu trên, Chính phủ Liên bang Nga kính mong tòa từ bỏ việc chỉ định các biện pháp tạm thời và đình chỉ vụ việc".

Phán quyết

Do dịch COVID, nên phiên tòa diễn ra đồng thời cả trực tiếp và qua video. Lẽ ra phiên khẩu vấn sẽ kéo dài qua hôm sau, mỗi ngày nghe một bên phát biểu, song do phía Nga không đến hầu tòa, nên phần khẩu vấn kết thúc trong ngày 7-3, và tới 17-3, tòa đưa ra phán quyết, như đã nói.

Nhìn vào thành phần tham dự của đoàn Ukraine, càng thấy họ đã chuẩn bị kỹ cho trận chiến pháp lý. Đại diện của họ trước ICJ là Anton Korynevych, đại diện thường trực của tổng thống Ukraine tại Cộng hòa tự trị Crimea, và Oksana Zolotaryova, vụ trưởng Vụ Luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Ukraine. 

Luật sư tranh tụng của bên nguyên thuộc tập đoàn luật Covington & Burling LLP lừng lẫy của Mỹ, đã có thâm niên 103 năm hoạt động với đội ngũ hơn 1.100 luật sư.

Tất nhiên, Nga hẳn cũng có thể đưa ra thành phần hùng hậu không kém nếu họ chấp nhận ra tòa. Nhưng bởi họ không tham dự, như câu nói của người Pháp “kẻ vắng mặt luôn sai”, phiên khẩu vấn trở thành nơi đối phương của họ độc chiếm diễn đàn. 

Cuộc tấn công của Ukraine bắt đầu ngay trong lời mở màn của ông Korynevych: “Tôi là đặc phái viên của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tại Cộng hòa tự trị Crimea, nhưng chiến tranh đang ngăn cản tôi thực hiện công việc của mình". 

"Chúng tôi không còn có thể cung cấp các dịch vụ của nhà nước cho công dân của mình cư trú trên lãnh thổ bị chiếm đóng, bao gồm các dịch vụ hành chính, giáo dục, dịch vụ y tế, chẳng hạn như tiêm chủng COVID với các loại vắc xin được quốc tế công nhận”.

Tấn công cả sự vắng mặt của Nga: “Thực tế về chiếc ghế trống của phía Nga nói lên nhiều điều. Họ không có mặt ở đây trong pháp đình này. Họ đang ở trên chiến trường”. 

Cứ thế, ông Korynevych đánh kẻ vắng mặt không khác gì đấm… bao cát: “Đây là cách Nga giải quyết các tranh chấp. Nhưng Ukraine có quan điểm khác và tôn trọng luật pháp quốc tế… Nhưng dù vậy, Nga vẫn biết rằng luật pháp quốc tế rất quan trọng. Đó là lý do Nga vẫn cố gắng biện minh cho hành động gây hấn của họ”.

Sau đó, ông nhường diễn đàn cho giáo sư Jean-Marc Thouvenin, người Pháp. Sau khi điểm lại những xung đột và tố cáo lẫn nhau giữa hai bên từ năm 2014, ông Thouvenin đi vào trọng tâm vấn đề: ICJ có thẩm quyền không? 

Ông giải thích bằng khái niệm “prima facie” (tiếng Latin: thoạt nhìn, hiển nhiên): “Các sự việc này tự nói lên, chứng thực sự tồn tại, ít nhất là sơ bộ; tranh chấp giữa các bên có thể được tóm tắt như sau: Nga cáo buộc Ukraine đã thực hiện các hành vi và chính sách diệt chủng theo ý nghĩa điều 2 công ước; Ukraine trả lời rằng những cáo buộc này là vô lý… vì chúng là sự che đậy pháp lý cho một cuộc tấn công vũ trang… Do đó, thẩm quyền prima facie của quý Tòa để tìm hiểu vụ này đã được thiết lập”.

Thế giới đang trải qua một thời kỳ quá rối ren, nguy cơ các nước phải đương đầu với những vấn đề sắc tộc hay tôn giáo “có ít xít ra nhiều” đang ngày càng hiển hiện. 

Chính vì thế, lý đoán của giáo sư Thouvenin có lẽ không chỉ hữu ích cho mình Ukraine. Trong đó, ông nhấn mạnh hai cấm kỵ: (1) “Tuy nhiên, không có quy định nào trong công ước cho phép một quốc gia xâm nhập vào lãnh thổ một quốc gia khác để ngăn chặn hoặc trừng phạt tội ác diệt chủng” (ông viện dẫn vụ can thiệp vào Bosnia-Herzegovina). Và (2) “nếu mỗi quốc gia có thể tự ý đánh giá tình hình nhân quyền ở một nước khác thì việc sử dụng vũ lực không thể là phương pháp thích hợp để xác minh và đảm bảo tôn trọng các quyền này” (ông viện dẫn vụ tranh tụng năm 1986 giữa Nicaragua với Hoa Kỳ).

Hai điều đó về cơ bản nhất quán với lập trường của Việt Nam, đã được đại sứ Đặng Hoàng Giang thể hiện rõ ràng trong bài phát biểu ở LHQ ngày 2-3: 

“Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này”.

Chính ông Putin hôm 24-2 cũng đã viện dẫn pháp luật khi ban lệnh mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”: “Họ đã không cho chúng ta lựa chọn nào khác - để bảo vệ đất nước và người dân Nga - ngoài hành động chúng ta buộc phải thực hiện hôm nay. Tình hình yêu cầu chúng ta hành động quyết liệt và ngay lập tức". 

"Cộng hòa nhân dân Donbass đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Nga. Trong bối cảnh này, phù hợp với điều 51 của Hiến chương LHQ, với sự ủy nhiệm của Hội đồng Liên bang Nga và căn cứ các hiệp ước hữu nghị và tương trợ đã ký kết với Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk, được Quốc hội Liên bang phê chuẩn vào ngày 22-2, tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt”. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận