Mũi tiêm hi vọng cho 450 triệu người

HỒNG VÂN 04/01/2021 20:00 GMT+7

TTCT - Hôm chủ nhật 27-12, từ các viện dưỡng lão ở Pháp đến các bệnh viện ở Ba Lan, những người cao tuổi và các nhân viên chăm sóc họ đã đưa tay ra nhận những mũi tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bắt đầu một đại chiến dịch tiêm chủng nhằm bảo vệ hơn 450 triệu người trên khắp Liên minh châu Âu (EU).

Bà Martha Nadolph, 94 tuổi, được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech ở Đức ngày 27-12-2020. Ảnh: Reuters

Sau nhiều tháng bị đảo lộn cuộc sống, một Giáng sinh buồn, với tin tức về các biến thể virus dễ lây lan hơn xuất hiện ở Anh và đã kịp xuất hiện ở mấy chục nước khác, chiến dịch này mang lại chút sinh khí và hi vọng cho người dân châu Âu, nhất là khi mùa đông đã tới.

Một ngày quá dài để chờ

Nhà dưỡng lão ở Sachsen-Anhalt (thành phố Halberstadt, miền đông nước Đức) đã không thể chờ thêm, dù chỉ một ngày, để cùng các nước Liên minh châu Âu khác đồng loạt tiêm vaccine. Ngày 26-12, chỉ vài giờ sau khi nhận lô vaccine đến từ Bỉ, cơ sở này đã tiêm cho người đầu tiên - một cụ bà 101 tuổi, rồi hàng chục người thuộc nhóm tuổi xưa nay hiếm, cũng như các nhân viên làm việc ở đây, theo tạp chí Fortune. “Mỗi ngày chờ đợi là một ngày quá dài” - Tobias Krueger, giám đốc nhà dưỡng lão, cho biết.

Những chiếc xe tải đặc biệt chở đầy đá khô bảo vệ vaccine bên trong tỏa đi các nhà dưỡng lão ở khắp thủ đô Berlin vào sáng hôm sau 27-12, ngày tiêm chủng đồng loạt ở EU. Trong chiến dịch tiêm thể hiện sự thống nhất và đoàn kết này, nhóm người lớn tuổi dễ bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19, các hộ lý và nhân viên y tế tuyến đầu được tiêm vaccine trước hết. Tất cả thấm đẫm hi vọng bỏ lại phía sau những thời khắc đen tối và chết chóc nhất của đại dịch.

Niềm tin của người châu Âu hiện đặt vào vaccine do Công ty dược phẩm Pfizer và đối tác BioNTech cùng phối hợp phát triển và cả của các hãng khác, như Moderna, một khi được cơ quan chức năng phê duyệt. Vaccine Pfizer-BioNTech phải được tiêm hai liều và bảo quản ở nhiệt độ âm sâu -70 độ C. Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê duyệt cho sử dụng vaccine này vào ngày 21-12.

Hiện EU đã chắc chắn có 300 triệu liều vaccine nhờ thỏa thuận mua trước, đủ cho 2/3 tổng dân số trong khối; trong đó, 200 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech đầu tiên sẽ được giao từ nay đến tháng 9-2021, dù thời gian đầu số lượng cung cấp có thể không quá dồi dào.

Tuy nhiên, khối này còn có thỏa thuận mua vaccine với công ty dược khác như Sanofi-GlaxoSmithKline, AstraZeneca, Janssen Pharmaceutica NV, CureVac, và Moderna. EMA dự kiến sẽ họp để quyết định có cho phép vaccine của Hãng Moderna hay không vào ngày 6-1. Điều này có nghĩa là EU sẽ có đủ vaccine cho toàn bộ 450 triệu dân.

Một khối đồng lòng

Nếu nhìn vào Anh hay Mỹ, nơi đã triển khai tiêm vaccine cùng loại cho cả triệu người từ đầu tháng 12-2020 đến nay, EU rõ ràng là thận trọng hơn. Các nước thành viên EU đã thể hiện sự đoàn kết bằng cách chờ EMA phê duyệt vaccine rồi cùng triển khai tiêm chung, thay vì làm riêng lẻ ở từng nước (chỉ có Đức, Hungary và Slovakia bắt đầu tiêm trước một ngày ngay khi nhận được vaccine).

Công tác phối hợp để triển khai chiến dịch “ngày tiêm chủng EU” diễn ra trong chưa đầy một tuần sau khi vaccine Pfizer-BioNTech được cấp phép. Tuy nhiên, EU sẽ cần vài tháng để tiêm chủng cho một số lượng người đủ lớn thì mới mong vaccine mang lại miễn dịch cộng đồng và đảo chiều tình hình phát tán của dịch.

Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu, ca ngợi việc triển khai tiêm chủng đồng loạt của khối là một hành động đoàn kết đầy xúc động: “Hôm nay đánh dấu ngày chúng ta bước qua một năm khó khăn khi vaccine COVID-19 đã có mặt ở tất cả các nước EU”. Hi Lạp thậm chí đã gọi chiến dịch tiêm chủng của mình là “chiến dịch tự do”.

Mặc dù mỗi quốc gia đều có cách thức tổ chức tiêm chủng đại trà của mình, nhìn chung từ Pháp đến Đức, từ Hungary đến Tây Ban Nha, hầu như các nước đều ưu tiên cho lực lượng y tế và nhóm người lớn tuổi, có bệnh lý nền, là những người dễ bị mắc COVID-19 cũng như diễn tiến bệnh phức tạp nếu bị nhiễm virus corona.

Mức độ ưu tiên này được cho là hợp lý, nhất là khi thống kê đã cho thấy người lớn tuổi dễ tử vong vì COVID-19 hơn các nhóm tuổi khác. Tại Tây Ban Nha, đã có hơn 16.000 người sống trong các nhà dưỡng lão tử vong trong vòng 3 tháng đầu của đại dịch. Danh sách ưu tiên có thể sẽ không khác lắm so với của Anh.

 

 Đồ họa: BBC

Tất cả các nước EU đều có hệ thống y tế miễn phí nên người dân sẽ được tiêm vaccine miễn phí. Tuy nhiên, với các quốc gia thành viên nghèo hơn như Bulgaria và Romania, nơi các bệnh viện đã bị quá tải gần đây do bùng phát số ca nhiễm phải nhập viện, việc phân phối vaccine cần điều kiện bảo quản ngặt nghèo như của Pfizer-BioNTech sẽ vẫn là thách thức.

Thuyết phục người còn lưỡng lự

Một thách thức không chỉ riêng EU trong việc triển khai vaccine COVID-19 đại trà là thuyết phục được số đông chấp nhận đi tiêm. Những người cần nhắm vào không phải là người chống vaccine, mà là những người lưỡng lự, nửa muốn nửa không.

Đôi vợ chồng người Pháp Nathalie và Adrien Delgado nói với The New York Times rằng cả hai sẽ tiêm vaccine ngay khi đến lượt ưu tiên của họ - những thị dân Paris trên 50 tuổi. “Đây là hành động vì tinh thần công dân. Tôi tiêm không chỉ cho tôi mà vì đây là cách duy nhất hi vọng có hiệu quả để ngăn chặn virus” - bà Delgado nói.

Tại Pháp, nơi còn nhiều câu hỏi nghi ngại về sự an toàn của vaccine, chính quyền rất thận trọng với những thông điệp đưa ra. Họ không muốn chiến dịch tiêm vaccine bị người dân xem là một chiến dịch ép buộc. Nơi đầu tiên tiêm vaccine ở Pháp cũng không được truyền hình trực tiếp như ở một số nước châu Âu khác, cũng không có nhân vật nào trong chính quyền tham dự.

Tại Ý, đất nước bị dịch tàn phá nặng nề giai đoạn đầu, nữ y tá 29 tuổi Claudia Alivernini làm việc tại Bệnh viện Spallanzani ở Rome là người được tiêm chủng đầu tiên trong ngày 27-12. “Tôi ở đây hôm nay với tư cách là một công dân… Tôi và những nhân viên y tế chọn tin vào khoa học và do đó chúng tôi tin tưởng vaccine” - cô nói với The Guardian. Alivernini gọi việc triển khai vaccine là “khởi đầu cho việc chấm dứt đại dịch”, trong khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte cũng liên tục đăng Twitter ca ngợi ngày trọng đại này: “Ngày hôm nay là ngày nước Ý tái sinh. Ngày tiêm chủng. Ngày này sẽ ở lại mãi với chúng ta”.

Người tin tưởng thì đã tin tưởng, người lo ngại thì vẫn có tâm lý chờ đợi. Sandra Frutuoso, một phụ nữ 27 tuổi làm nội trợ, cho biết dù rất sợ COVID-19 nhưng sẽ không tiêm vaccine sớm. “Họ phát triển nó quá nhanh, tôi sợ là những tác dụng phụ sẽ còn tệ hơn là bị mắc COVID-19 đối với những người trong độ tuổi như tôi” - cô nói.


Đa số các nước EU cho biết họ hi vọng vaccine sẽ đến với phần lớn công chúng trong mùa xuân, nhưng việc đưa cuộc sống trở lại bình thường khó có thể đến quá sớm. Phải đến hết quý 1-2021 mới có kết quả ban đầu của nỗ lực tiêm chủng lần này.

Con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Vaccine hiện vẫn đang được sản xuất và cung cấp theo tuần do nhu cầu cao mà khả năng đáp ứng có hạn. Những khó khăn về hậu cần khi phải vận chuyển vaccine bằng máy bay, xe chuyên dụng, thông tin sai lệch, sự hoài nghi của những người còn e ngại, thậm chí chống đối… vẫn là những cản trở rõ ràng trong cuộc đấu tranh đầy khó khăn chống lại sự lây lan và biến đổi không ngừng của virus corona.

Mặc dù các chuyên gia nhận định rằng không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ biến thể nào của virus corona chủng mới mà chúng ta đã biết khiến vaccine kém hiệu quả hơn, vẫn cần nghiên cứu sâu hơn để khẳng định điều này.

Khi nào thì cuộc sống chúng ta có thể trở về bình thường? Ugur Sahin, đồng sáng lập của BioNTech, thận trọng cho rằng ngay cả khi có vaccine, virus sẽ ở lại với chúng ta đến hết thập kỷ. Và có lẽ tất cả chúng ta đều cần một định nghĩa mới về “một cuộc sống bình thường”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận