Muốn hóa rồng, phải phát triển khoa học công nghệ

NGUYỄN XUÂN XANH 02/02/2021 07:00 GMT+7

TTCT - Quan sát các thảo luận và đọc các văn kiện, có thể thấy Đại hội Đảng XIII có những dự kiến chiến lược toát ra hi vọng sẽ có sự đổi mới căn bản trong chiến lược sử dụng, đãi ngộ nhân tài một cách xứng đáng, cũng như đầu tư đáng kể vào con người và cơ sở hạ tầng tri thức.

Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII từng nêu rõ: “Cần phải coi các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành là thuộc cán bộ cấp chiến lược; bởi họ hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực tinh thần, cung cấp những căn cứ, luận cứ khoa học để xây dựng các quyết sách, qua đó tác động vào công tác lãnh đạo chiến lược của Đảng, Nhà nước, mặc dù có những người không thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở phương Tây đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Ảnh: Britannica

Như vậy, có thể nói, cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp “tinh hoa” của đất nước, những người ở tầm cao trí tuệ, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để điều hành đất nước phát triển”.

Mục tiêu và yêu cầu đó được tiếp tục làm rõ và sâu sắc hơn trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội XIII: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thực sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.

Đó là những điểm theo tôi là rất mới. Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, với điều kiện cần hướng ngày càng mạnh mẽ và rõ rệt vào tư duy trọng dụng nhân tài, trí thức và khoa học, như các quốc gia đã thành công đi trước.

Điểm lại lịch sử

Nhìn sang phương Tây, từ cuộc cách mạng công nghiệp tại nước Anh thế kỷ 18, tới cuộc đại cải cách toàn diện của nước Phổ (tiền thân của nước Đức sau này) ở thế kỷ 19, sự phát triển ngoạn mục của nước Mỹ sau Thế chiến II, rồi nhìn sang phương Đông từ lúc Nhật Bản Minh Trị vắt sức trí tuệ làm cuộc đại cải tổ đến nay đã ngót 152 năm, từ các cuộc lột xác của Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore nay đã ngót hơn nửa thế kỷ..., ta có đủ những thông tin và ví dụ để chiêm nghiệm, học hỏi và rút ra những bài học đắt giá để áp dụng cho Việt Nam.

 

 Để hái trái ngọt của tăng trưởng, đầu tư và tạo điều kiện cho khoa học công nghệ phát triển là yêu cầu bắt buộc. -Ảnh: Jason Raish

Bài học đầu tiên: Các quốc gia đã bứt phá không thể dựa trên sức mạnh thuần túy của nông nghiệp hay thương mại. Anh quốc mạnh nhất về thương mại thế giới từ thế kỷ 16, 17, nhưng chỉ cuộc cách mạng công nghiệp mới tạo cho họ sức mạnh thần kỳ và ảnh hưởng to lớn, biến họ thành “đế chế mặt trời không bao giờ lặn”. 

Cuộc cách mạng công nghiệp sau đó lan tỏa sang các quốc gia Âu Mỹ khác, rồi sang Nhật Bản những thập niên cuối thế kỷ 19. Từ giữa thế kỷ 20, sau Thế chiến II, cách mạng công nghiệp một lần nữa diễn ra toàn cầu với cường độ chưa từng thấy. Công nghệ đã đóng vai trò quyết định trong suốt tiến trình phát triển hai thế kỷ qua, làm thay đổi bộ mặt giáo dục bậc cao và nâng sức mạnh nền kinh tế lên bội phần.

Bài học thứ hai: Để tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước cần nhiều chất xám ở các mặt trận nóng bỏng khoa học, công nghệ, và giáo dục. Thanh niên phải được giáo dục để trở thành lực lượng xung kích của đổi mới sáng tạo - một đặc tính nổi bật của thời đại chúng ta đang sống, với những cơn bão hi-tech từ Tây sang Đông.

Thí dụ điển hình

Ở Phổ thế kỷ 19, khi tiến hành cuộc đại cải cách toàn diện, nhà vua lúc đó đã sử dụng những cố vấn xuất chúng, như Wilhelm von Humboldt và em trai của ông, nhà khoa học tự nhiên Alexander von Humboldt. 

Hai con người đó đã giúp cải cách toàn diện nền giáo dục lỗi thời, tạo ra di sản khổng lồ là mô hình đại học lấy nghiên cứu khoa học và học thuật làm trung tâm - yếu tố làm nên sức mạnh Đức mãi tới bây giờ.

Bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ sau Thế chiến II đã có cuộc phát triển ngoạn mục trong khoa học, nghiên cứu, tạo ra ảnh hưởng toàn cầu. 

Người giúp Tổng thống Franklin Roosevelt trả lời câu hỏi “Làm sao để phát triển quốc gia, đem lại sự phồn vinh cho nhân dân và an ninh quốc gia thời hậu chiến?” là Vannevar Bush, cố vấn khoa học cao cấp của ông. Vannevar đã dâng tổng thống “bài sớ” về kế hoạch phát triển khoa học hậu chiến tựa đề “Khoa học - Biên giới vô tận” (“Science - The Endless Frontier). 

Theo đó, nhà nước phải sử dụng nguồn lực trí thức mênh mông ở các đại học, trả chi phí cho nghiên cứu khoa học cơ bản và trao quyền hàng đầu cho giới khoa học. Những kiến nghị được thu dụng của ông mở ra thời kỳ mới phát triển khoa học ồ ạt Big Science vào những năm hậu chiến, tạo nền tảng cho sự phồn vinh và vị thế siêu cường của nước Mỹ.

Gần chúng ta hơn có mô hình Đài Loan. Trong cuộc công nghiệp hóa, qua hợp tác với các cá nhân, sử dụng khôn ngoan các nhà kỹ trị nổi tiếng như K.Y. Yin (Doãn Trọng Dung, kỹ sư) và K.T. Li (Lý Quốc Đỉnh, nhà vật lý), và những chuyên gia về chính sách, như các kinh tế gia gốc Hoa xuất thân từ những đại học hàng đầu của Mỹ. 

Lực lượng trí thức tinh hoa này đóng vai trò nòng cốt. Các công chức phụ trách kinh tế là những người có năng lực và được giáo dục tốt nhất của Đài Loan. Trong số 44 nhà lập kế hoạch kinh tế những năm 1950 và 1960 ở đây, có đến 43 người tốt nghiệp đại học, và 61% có bằng cấp sau cử nhân tại Âu - Mỹ.

Nền sản xuất công nghiệp ở Đài Loan đã vươn lên tầm thế giới nhờ những nhà kỹ trị. Ảnh: Focus Taiwan

Ở giai đoạn quyết định để bứt phá những năm 1980, họ lập chiến lược phát triển các ngành công nghiệp cao tạo ra động lực tăng trưởng mới, tiến lên bắt kịp các nước tiên tiến. 

Năm 1979, khi Sun Yun Suan (Tôn Vận Tuyền), một kỹ sư điện và chính khách có ảnh hưởng, người giám sát sự chuyển đổi kinh tế của Đài Loan từ nông nghiệp lên công nghiệp, lên nắm quyền, ông tìm cách tăng cường và định chế hóa sự hỗ trợ cho các đề án hi-tech, đặc biệt là ngành bán dẫn. 

Ông giao cho Lý Quốc Đỉnh, nhà vật lý từng học ở Cambridge, đồng thời là một chính khách nhiều ảnh hưởng, từng phụ trách các mảng kinh tế - tài chính, thành lập nhóm tư vấn chính sách độc lập cao cấp STAG (Science and Technology Advisory Group) để hoạch định chính sách và hướng đi mới hòng chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

STAG quy tụ 15 người, những chuyên gia cao cấp người Hoa ở Mỹ và cả người Mỹ từng làm việc cho các công ty như Bell Labs, IBM, và một số đại công ty công nghệ khác. 

Họ tư vấn cho chính phủ thiết kế chính sách để tăng tốc phát triển khoa học và công nghệ, chủ trương phát triển mạnh công nghệ cao, đặc biệt qua đề án công nghiệp sản xuất rất lớn VLSI (Very Large-Scale Integrated Circuits). VLSI đánh dấu một cột mốc mới trong sự phát triển kinh tế của Đài Loan.

Có thể thấy, con đường tái cấu trúc kinh tế, tiến lên công nghiệp và công nghệ cao của Đài Loan luôn có sự hiện diện và dẫn dắt của những tập hợp kỹ sư tinh hoa, giới nghiên cứu công nghệ, các start-up tư nhân, và các lò ấp đổi mới sáng tạo. 

Cuối thập niên 1990, chỉ sau 2 thập niên triển khai, ngành công nghệ IT của Đài Loan đã cất cánh, vượt qua cả Singapore, Malaysia, hay Thái Lan, là những nơi đi trước.

Những câu chuyện trên nói lên một điều cốt lõi: Các quốc gia muốn bứt phá nhất thiết phải phát triển khoa học công nghệ và giáo dục, mà trí thức đóng vai trò rất then chốt. 

Chúng ta cần nhiều hơn những nhà khoa học, công nghệ đóng vai trò nhà kỹ trị có kinh nghiệm, am tường tình hình phát triển của thế giới và các quốc gia trong vùng giúp hoạch định chính sách cụ thể cho lãnh đạo chính trị. Họ là tai mắt của chính trị; và chính trị cần lắng nghe, khuyến khích họ, trong tinh thần khoa học và khách quan.

Việt Nam cần hơn lúc nào hết những nhóm kỹ trị tư vấn như thế để xác định chiến lược tiến lên và bắt kịp khả thi ở một số ngành mũi nhọn. Nhà nước nên dành cho những nhóm này quy chế độc lập và an toàn chính trị để họ hoạt động lâu dài, bền vững, theo những yêu cầu hàng đầu của khoa học là trung thực, khách quan, và nói đúng sự thật. 

Tôi tin tưởng các quyết sách mới của Đảng và Nhà nước sẽ làm hồi sinh và truyền cảm hứng, tạo không gian sâu rộng cho giới tinh hoa trong khoa học, công nghệ, để họ góp phần vào cuộc chấn hưng đất nước sắp tới.■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận