Những giáo sư bị "bịt miệng" và một nền giáo dục đại học Mỹ đang rung lắc

XÊ NHO 04/11/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Tinh thần giáo dục khai phóng, môi trường tự do học thuật, khuyến khích tranh luận có lẽ là những điểm thu hút phụ huynh khi cố gắng cho con đi du học ở Mỹ. Nhưng các vụ việc xảy ra gần đây rất có thể khiến các bậc phụ huynh này phải suy nghĩ lại.

 
 

 Ông Abbot và Viện Công nghệ Massachusetts

Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) mời nhà địa vật lý Dorian Abbot đến trường nói chuyện trong một hoạt động khoa học thường xuyên vào mùa thu này. Abbot là nhà khoa học nổi tiếng nghiên cứu từ biến đổi khí hậu đến khả năng các hệ mặt trời xa xôi có thể có bầu khí quyển nuôi dưỡng sự sống. 

Khi lịch mời được công bố, ngay lập tức nhiều giảng viên và nghiên cứu sinh MIT phản đối, cho rằng Abbot, hiện đang là giáo sư chính thức của Đại học Chicago, đã từng phát biểu lên án chính sách nâng đỡ các nhóm yếu thế.

Chính sách này với tên gọi chính thức “affirmative action” được thiết kế để chủ yếu buộc các trường đại học tuyển sinh người da đen nhiều hơn, có sự châm chước về điểm số hay gia giảm các tiêu chí chọn lựa khác mà sinh viên bình thường phải đáp ứng.

Đây là một chính sách gây tranh cãi từ lâu vì mặc dù nó giúp người da đen tiếp cận được giáo dục đại học nhiều hơn, không bị phân biệt đối xử trong tuyển sinh... nhưng ở hướng ngược lại, nó tạo ra sự bất công ở những sinh viên khác bị mất chỗ lẽ ra họ được nhận dù học giỏi hơn, có thành tích hoạt động xuất sắc hơn. Nó cũng tạo ra sự ỷ lại, sự lười biếng của không ít giới hưởng sự ưu ái của chính sách “affirmative action”.

Tranh luận ưu khuyết của một chính sách như thế là chuyện bình thường - bởi phải có tranh luận, người làm chính sách mới có thể tinh chỉnh cho chính sách ngày càng hoàn thiện hơn. Lập luận của GS Abbot cũng rất nhẹ nhàng, ông cho rằng các chương trình ưu đãi như thế sẽ gom mọi người thành từng nhóm chứ không còn cân nhắc trên từng cá nhân nên có nguy cơ lập lại các sai lầm chết người đầu thế kỷ 20.

Thế là dưới áp lực của chính giới học giả, Trường MIT rút lại lời mời, hủy bỏ cuộc nói chuyện của Dorian Abbot - một cuộc nói chuyện về các đề tài khoa học thuần túy chứ không liên quan gì đến chính sách “affirmative action”.

Đáng buồn hơn, chính ông trưởng khoa MIT - người từng đưa ra lời mời GS Abbot tới nói chuyện, nay lại “đảo lưỡi”: “Bên cạnh tự do ngôn luận, chúng tôi còn có quyền tự do chọn người nói chuyện phù hợp nhất với nhu cầu của chúng tôi. Lời nói là quan trọng và có gây ra hậu quả [nay phải gánh chịu]”.

Có thể lấy câu chuyện này để minh họa cho bầu không khí “đấu tố”, “xoi mói”, “dè chừng” lẫn nhau ở các trường đại học Mỹ. Nó không chỉ giới hạn vào các môn khoa học xã hội như năm trước mà nay lan qua khoa học tự nhiên. 

Thậm chí có phong trào kêu gọi “công lý trích dẫn” tức yêu cầu các giáo sư và nghiên cứu sinh phải trích dẫn các nhà nghiên cứu da đen, người gốc Mỹ Latin, người châu Á... nhiều hơn cho công bằng! Phong trào này còn đòi xóa các chú thích liên quan đến các nghiên cứu của những nhân vật họ cho là “quan điểm có vấn đề”.

Có những câu chuyện, kể ra thì ta sẽ thấy buồn cười, nhưng nó lại là nguồn cơn của những cuộc đấu tố khét lẹt. Sinh viên ngành âm nhạc Đại học Michigan học về quy trình chuyển thể một tác phẩm văn học sang thể loại opera và được giáo sư, nhà soạn nhạc nổi tiếng Bright Sheng cho xem phim Othello năm 1965 do Laurence Olivier thủ vai chính. 

Để đóng vai Othello - một người da đen, đương nhiên lúc đó Olivier - một người Anh da trắng - phải hóa trang bôi đen khuôn mặt. Thế nhưng sau giờ học, sinh viên ùn ùn kéo lên khoa phản đối cho rằng họ phải xem một phim bôi nhọ người da đen! Giáo sư Sheng phải hai lần xin lỗi nhưng sau đó bị buộc hủy bỏ lớp này.

 
 Diễn viên Laurence Olivier bôi mặt đen để đóng phim Othello năm 1965 - nguồn cơn vụ đấu tố của sinh viên ngành âm nhạc đại học Michigan mới đây. Ảnh: Warner Brothers

 Im lặng thì lành

Trong một câu chuyện khác, Sandra Sellers, một phó giáo sư tại Đại học Georgetown, trò chuyện với một giáo sư đồng nghiệp về một số sinh viên da đen học yếu trong lớp của bà; cuộc nói chuyện tình cờ bị ghi âm và từ nội dung câu chuyện, không thể kết luận bà Sellers bày tỏ định kiến với người da đen hay bà đang lo lắng cho các sinh viên này. 

Thế mà chỉ mấy ngày sau Đại học Luật Georgetown sa thải bà. Còn vị đồng nghiệp, ông David Batson bị ngưng chức vì người ta kết luận dường như ông lịch sự đồng ý với bà kia. Cuối cùng ông này bỏ việc luôn.

Trong một bài viết dài trên tờ The Atlantic, Anne Applebaum đã tóm tắt bầu không khí bóp nghẹt tự do ngôn luận đó: “Ngay ở đây tại Mỹ, ngay lúc này, có người mất hết mọi thứ - nghề nghiệp, tiền bạc, bạn bè, đồng nghiệp - dù không vi phạm luật lệ nào, ngay cả nội quy nơi làm việc cũng không. 

Thay vào đó, họ chỉ phá vỡ (hay bị buộc tội là phá vỡ) các quy ước xã hội liên quan đến chủng tộc, giới tính, hành vi cá nhân, hay thậm chí lời nói đùa chấp nhận được; các quy ước này chưa từng tồn tại cách đây 5 năm hay có thể chỉ cách đây 5 tháng”.

Nỗi sợ đám đông hung dữ trên các mạng xã hội, đám đông cùng cơ quan, cùng trường đại học và đám trẻ háu đá đang buộc nhiều nhà trí thức tại các trường đại học Mỹ tránh lên tiếng, luôn giữ im lặng và chọn thái độ trung dung trước các vấn đề thời cuộc. 

Bằng không, theo lời kể của Applebaum, một khi bị buộc tội “phạm húy” như thế nào đó, đầu tiên điện thoại sẽ ngưng reo, người quen ngưng nói chuyện với bạn, đồng nghiệp tránh xa như gặp phải chất độc. Dù bạn chưa bị cắt hợp đồng, ngưng chức, hay thậm chí chưa bị kết luận phạm lỗi gì, sẽ không còn sinh viên nào đến nhờ bạn hướng dẫn, không tạp chí nào chịu đăng các công trình nghiên cứu của bạn. Bạn cũng không thể cắn răng từ chức cho khỏi nhục vì sau đó sẽ không có trường nào chịu tuyển dụng bạn.

Với nhiều nhà trí thức bị dính “lỗi”, sự nghiệp chuyên môn của họ xem như kết thúc. Áp lực dư luận không còn tha thứ cho họ để họ rảnh trí lao vào chuyên môn. Peter Ludlow, một giáo sư triết tại Đại học Northwestern bị hủy hai hợp đồng viết sách sau khi trường đại học ép ông nghỉ việc do có hai đơn tố cáo ông quấy rối tình dục mà ông bảo là vu khống. Các triết gia đồng nghiệp không chịu đăng bài trên cùng số tạp chí có đăng bài của ông. 

Applebaum kể một giáo sư rớm nước mắt kể cho tác giả nghe một loạt công việc ông phải làm tạm để kiếm sống từ khi bị ngưng hợp đồng giảng dạy. “Tôi chỉ giỏi nghề này thôi” - ông chỉ vào tấm bảng đen viết đầy các công thức toán học, cái nghề giờ ông không còn được chào đón.

Những người chưa dính “phốt” đang thay đổi cách nhìn về nghề nghiệp. Một nhà giáo nói: “Mỗi sáng thức dậy tôi lại sợ chuyện dạy” - có lẽ vì nói năng sao cũng dễ bị bóp méo thành không “phải đạo”. “Ngôi trường đại học tôi từng yêu mến nay trở thành khu rừng đầy nguy hiểm, đầy cạm bẫy chông gai”.

Vì sao môi trường đại học Mỹ ra đến nông nỗi này? Chưa ai có thể khái quát hết các lý do đẩy nền giáo dục vào chỗ tự kiểm duyệt như thế. Có thể đó là tác động của mạng xã hội khi ai nấy đều tin mình đúng và trong tay mình có phương tiện phải nói to lên để mọi người cùng nghe. Một tâm thế như vậy đòi hỏi phải đi tìm nạn nhân để bắt nạt.

Có thể đó là sự dồn nén lâu ngày của một giới trẻ thất vọng về cái thế giới mà các thế hệ trước để lại cho họ, đầy rẫy các nghịch lý, các vấn đề. Họ phải xả nỗi bực tức đó lên đại diện của thế hệ cũ.

Có thể đó là một thái cực khác của vấn đề khi ngày xưa đúng là nhiều người bị phân biệt đối xử, nhiều người khác bị quấy rối tình dục mà buộc phải im tiếng - nay thái cực mới là lên án mọi hành vi dù chỉ dính một tí xíu đến chủng tộc hay tình dục hay bình đẳng nam nữ.

Dù vì lý do gì đi nữa, hy vọng nền giáo dục Mỹ đủ mạnh để vượt qua giai đoạn “đấu đá loạn xạ” này. Ngay sau khi MIT hủy cuộc nói chuyện của giáo sư Dorian Abbot, giám đốc Chương trình James Madison thuộc Đại học Princeton đã mời ông đến nói chuyện tại Princeton, cũng đúng vào ngày MIT từng chọn. 

Vị giám đốc này nói: “MIT đã ứng xử một cách đáng xấu hổ vì đầu hàng một chiến dịch có động cơ chính trị. Đây chính là biểu hiện của xu hướng chính trị hóa khoa học”.

Ông Abbot nay vẫn yên ổn với vị trí giảng dạy đã vào biên chế tại Đại học Chicago, nhưng ông nói: “Rõ ràng các tranh cãi này sẽ có tác động tiêu cực lên sự nghiệp khoa học của tôi. Nhưng tôi không muốn sống trong một nước mà ở đó thay vì thảo luận một đề tài khó khăn, chúng ta lại đi bịt miệng cuộc thảo luận”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận