Những nông dân làm khác

TTCT - Năm Nhâm Thìn với họ không chỉ toàn khó khăn vì những nhà nông này biết tìm cách đột phá, làm khác và gặt hái thành quả...

Phóng to
Những trái cam lai giống từ Úc đang phát triển mạnh tại Đức Trọng, Lâm Đồng - Ảnh: Trần Mạnh

Gọi họ là nông dân chưa hẳn đã chuẩn bởi có người là kỹ sư nông nghiệp có nghiên cứu, sáng chế hẳn hoi, có người lập doanh nghiệp để lo đầu ra cho sản phẩm...

Cam không hạt, ra trái quanh năm

Những ngày sắp tết, trang trại của Công ty TNHH Phương Mai (Đức Trọng, Lâm Đồng) nhộn nhịp hơn hẳn vì những cuộc gọi điện đặt hàng. Ông Nguyễn Công Cẩm, phó giám đốc công ty, cho biết càng cận tết khách hàng điện thoại đặt hàng càng nhiều, trong khi số lượng trái cây chỉ có hạn nên phải từ chối nhiều đơn hàng mới.

Thành quả ngày hôm nay có được là nhờ gần chục năm kiên trì gây dựng trang trại cam cara cara bên chân núi Voi ở Đức Trọng của ông Mai Viết Phương - giám đốc công ty - và gia đình. Ông Phương kể giống cam này là thành quả 30 năm mà ông - một kỹ sư thực nghiệm của Đại học Nông nghiệp Tây Sydney (Úc) - và GS Graeme Richards (Đại học Hawkesbury, tây Sydney) nghiên cứu, lai tạo. Giống cam này thích hợp ở nhiều vùng đất khác nhau, chịu được khung nhiệt độ từ 0-40 độ C và dễ canh tác.

Dù đến năm trồng thứ tám giống cam này mới thật sự trưởng thành nhưng đến năm thứ ba đã có thể thu hoạch. Điểm đặc biệt của cam cara cara là ra trái quanh năm, vỏ bóng, ruột đỏ đặc trưng và không hạt. So với các loại cam trong nước, cam cara cara cho năng suất vượt trội, từ 30-40 tấn/ha/năm, lại có giá trị kinh tế cao. “Đó cũng chính là lý do vì sao khi giống cam này được lai tạo thành công tại Úc thì tôi đã nung nấu ý định đưa về Việt Nam trồng và phát triển thành một vùng nguyên liệu lớn” - ông Phương nói.

Nhưng cũng phải đợi đến khi nghỉ hưu, ông Phương mới quyết tâm dồn tiền, công sức để đưa những giống cây trồng tốt về sản xuất tại Việt Nam. Ban đầu công ty phải sản xuất ở quy mô nhỏ trong khoảng hai năm để chứng minh sự phù hợp của giống cây ngoại với điều kiện Việt Nam cũng như không tác hại gì đến môi trường và hệ sinh thái bản địa.

Sau khi được công nhận giống đạt tiêu chuẩn, ông Phương thuê hơn 20ha đất dưới chân núi Voi. Đó là vùng đồi núi đầy cây dại và sỏi đá. Để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho trang trại một cách bài bản, ông Phương đã phải đầu tư lớn để san ủi đất, lắp đặt hệ thống tưới tiêu, xây dựng vườn ươm, nhà xưởng, trồng và chăm sóc cây... Những kỹ sư nông nghiệp, nhà nghiên cứu lên đây tham quan đều thán phục sự kiên trì và cách làm khoa học ở trang trại này.

Trời không phụ lòng người, sau ba năm cắm rễ trên vùng đất dốc nhiều đá tảng, những trái cam cara cara đầu mùa đã cho thu hoạch với chất lượng không thua kém cam trồng tại Úc, khiến tên tuổi ông Phương và loại cam này vươn xa. Đúng như ông Phương nói, trái cam cara cara bổ ra có màu đỏ tươi mát mắt. Sở dĩ loại cam này đắt và đang “cháy hàng” vì theo những kết quả phân tích, cam cara cara vỏ màu vàng sáng, ruột màu đỏ thẫm đặc trưng giàu chất lycopene rất tốt cho cơ thể, được xem là một trong những chất chống ung thư và phù hợp cho những người ăn kiêng.

Ngoài cam cara cara, ông Phương còn đang giữ một bộ sưu tập hàng chục loại trái cây khác như cam navel, quýt không hạt, chanh không hạt, nhãn Úc, xoài Úc..., đều là những loại trái cây cho năng suất vượt trội so với cây trồng trong nước và chất lượng cao hơn nhiều. Gần 10 năm sau khi cam cara cara chứng minh sự phù hợp với mảnh đất Đức Trọng, loại cam này giờ đã có mặt tại nhiều nơi khác trên cả nước. Ông Phương cho biết đang nghiên cứu tạo cây giống đầu dòng ngay tại Việt Nam. Dự kiến khoảng 3-5 năm nữa nghiên cứu này sẽ cho kết quả, khi đó giá cây giống sẽ giảm đi một nửa so với hiện tại.

Phóng to
Cách nuôi tôm của những nông dân này là cách ly vùng nuôi với mọi nguồn gây bệnh - Ảnh: Trần Mạnh

Sống khỏe giữa vùng tôm chết

Cuối năm, giữa cái nắng chang chang, vùng nuôi tôm tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) càng thêm vắng lặng và tiêu điều bởi hàng trăm ao nuôi tôm liên tiếp nhau đang bị bỏ trống. Những lều trại xiêu vẹo vì để lâu không sử dụng, những ao nước có chỗ đầy nước, chỗ không, cỏ mọc lẫn những cánh quạt nước chỏng chơ trên đất trống. Thế nhưng một bức tranh tương phản lại diễn ra ở trại nuôi tôm của anh Sén (41 tuổi) tại phường 1, thị xã Vĩnh Châu.

Anh Sén vừa tất bật kiểm tra nước nuôi tôm từ hai ao lớn sắp cho thu hoạch, lại chỉ đạo công nhân sửa sang lại ao ươm chuẩn bị cho lứa nuôi kế tiếp. Anh cho biết vừa mới thuê thêm 5ha của một hộ nuôi tôm gần đó để mở rộng diện tích. Không nhận là mình có kinh nghiệm hay bí quyết gì nhưng vụ tôm vừa qua anh thu hoạch gần 6 tấn tôm thương phẩm, thu được xấp xỉ 700 triệu đồng.

Ở gần đó, ông Tăng Văn Xúa cũng vừa thắng lớn vụ tôm thẻ chân trắng sau khi đợt nuôi tôm sú chết gần hết. Với ao nuôi diện tích 6.000m2, sau ba tháng nuôi thu được 6,65 tấn tôm. Với giá bán 119.000 đồng/kg, tiền bán tôm thu được là 791 triệu đồng, trừ chi phí ông Xúa có lời 408 triệu đồng.

Cách nói chuyện của các triệu phú nuôi tôm kiểu mới tại Sóc Trăng vẫn rặt chất nông dân miền Tây nhưng cách làm của họ đã thay đổi thật sự về chất. “Không thay đổi thì chỉ có cách bỏ nhà lên thành phố đi làm thuê. Dịch bệnh xảy ra nhiều năm mà Nhà nước vẫn chưa đưa ra nguyên nhân chính xác để chữa trị nên người nuôi phải tự cứu lấy mình” - ông Xúa nói.

Thật ra, bí quyết của ông Xúa hay anh Sén chẳng có gì cao siêu, mà chủ yếu là theo phương châm kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi. Để chống mầm bệnh từ bên ngoài, xung quanh ao nuôi họ dựng một hàng rào bạt cao khoảng 40cm để ngăn cua từ bên ngoài bò vào, thành ao được trải kín bằng bạt để ngăn nước bẩn thấm vào. Toàn bộ không gian phía trên của ao được quây kín bằng lưới để ngăn chim sà xuống bắt tôm bởi chim cũng là một nguồn chứa dịch bệnh có thể truyền xuống ao. Như vậy, coi như nguồn bệnh từ tự nhiên đã được kiểm soát.

Trong suốt quá trình nuôi, các chủ trại hằng ngày phải đo nhiệt độ nước, độ pH, các khoáng chất như magie, canxi... nếu có gì bất thường phải xử lý ngay bằng vôi, khoáng hoặc chế phẩm sinh học. “Nuôi tôm giờ cũng như làm công nghiệp chứ khác gì, cứ giữ cách làm theo cảm tính và chỉ coi bằng mắt thường thì có ngày phá sản” - anh Sén kết luận.

Phóng to
Mục tiêu của người trồng dâu sạch là du khách có thể hái trái ăn ngay trong vườn - Ảnh: Trần Đức Tài

Dâu sạch từ... trái tim!

Sau khi bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ ở tuổi 25, Nguyễn Lâm Thanh gác tấm bằng qua một bên và quyết tâm sản xuất dâu sạch. Ý tưởng này bắt đầu đến với anh vào năm 2008 khi chuẩn bị làm thực nghiệm cho luận văn cao học với đề tài “Khảo sát việc trồng giàn cây dâu tây”. Vườn dâu khoảng 1.000 m2 hiện nay là kết quả suốt hai năm trời Thanh chăm sóc dâu để nghiên cứu trong khoảnh đất chỉ... 10mcủa gia đình.

Còn Nguyễn Thanh Trung (32 tuổi) sau 12 năm học và làm đủ thứ nghề tại Sài Gòn, anh nhớ quay quắt mảnh vườn xứ lạnh Đà Lạt và quay về năm 2010. Trung quyết định sản xuất dâu sạch bằng sự ngang tàng của người nếm trải sương gió bôn ba: “Đã làm lại từ đầu thì chọn cái ít người biết mà bắt đầu, phải đi trước hoặc cùng đi chứ không chạy theo”.

Không hẹn mà ý tưởng của hai chàng trai ở hai đầu thành phố gặp nhau, họ bắt tay vào sản xuất dâu tây sạch bằng phương pháp thủy canh. Dâu không trồng trên đất theo cách những người nông dân đã làm từ xưa đến nay tại Đà Lạt mà trồng trên giàn, trong các túi chứa giá thể xơ dừa đã qua xử lý. Cả hai đều cho rằng đây là nền tảng cơ bản của việc sản xuất dâu sạch. Khi dùng phương pháp này, trái dâu được cách ly khỏi mặt đất nên tránh được vi sinh, bụi bẩn từ đất.

Nhà lồng của Thanh giăng chi chít những tấm keo sinh học dùng để chống côn trùng. Thanh biết là không hiệu quả lắm nhưng đó là lựa chọn duy nhất vì bơm thuốc hóa học sẽ khử được côn trùng nhưng quả dâu không còn sạch. Với tư duy của người làm khoa học, Thanh quan tâm đến phương pháp hơn là năng suất. Thanh chủ động làm hợp đồng với Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt để mỗi tháng nhân viên của viện này sẽ bất ngờ xuất hiện, chọn mẫu ngẫu nhiên đưa đi phân tích. Tất cả các phân tích đều được anh lưu giữ, không để chứng minh với ai mà để biết dâu của mình như thế nào, cần làm gì để có thể sạch hơn.

Còn với Trung, thời điểm bắt đầu dự án là lúc bệnh thối rễ do virút đang hoành hành tại các vườn dâu ở Đà Lạt. Những cây giống được tuyển chọn cẩn thận từ nhiều nguồn cũng không giúp Trung thoát khỏi tình hình chung mà nhiều nông dân trồng dâu khác đang phải hứng chịu. “Bệnh chết” đã lan đến vườn dâu của anh. Lúc này Trung đứng trước hai lựa chọn: hoặc là dùng thuốc bảo vệ thực vật, hoặc là phá bỏ toàn bộ. “Dâu sạch mà phải bơm thuốc thì không còn là dâu sạch!”, Trung nhổ sạch dâu vườn nhà, chấp nhận mất trắng hơn 100 triệu đồng để bảo vệ uy tín thương hiệu “Dâu sạch Thanh Trung” của anh.

Trung quan tâm đến hiệu quả nên nguồn giống tốt để trồng dâu sạch luôn là trăn trở khôn nguôi. Cách đây khoảng ba tháng, khi đang đau đầu vì nhiều giống dâu trồng thử đổ bệnh thì anh vô tình thấy một mầm dâu ngay trong bãi phân chim đang phân rã. Anh nhận thấy cây dâu ấy lớn nhanh, ra trái trong khi các giống dâu thử nghiệm còi cọc rồi chết. “Tôi nghĩ con chim chọn trái dâu ngon nhất ăn nên hạt của nó cũng chất lượng nhất”.

Ý tưởng bất chợt đó thôi thúc anh quyết định ươm giống từ những trái dâu thơm ngon nhất do anh tuyển chọn. Trung mở tủ lạnh giới thiệu ba ống nghiệm nhỏ như ngón tay út chứa đầy hạt dâu, đó là tất cả hạt của khoảng 2kg dâu hảo hạng chọn lựa từ khoảng 10kg dâu. Máy tuyển hạt của anh là máy... xay sinh tố. Dâu được đưa vào máy xay sau đó anh dùng lưới lọc lấy hạt.

Phóng to
Dâu sạch được trồng trong các túi giá thể xơ dừa, đặt trên giàn cách ly với đất - Ảnh: Trần Đức Tài

Trung tỉ mỉ đếm từng hạt và phát hiện một quả dâu có khoảng 300 hạt: “Tôi phải tính số hạt để sau này mới có thể kết luận một trái dâu thì có bao nhiêu cây giống tốt. Số liệu tôi theo dõi rồi lưu hết trong máy tính”. Còn nhật ký trồng dâu Trung lưu trong chiếc smartphone rẻ tiền luôn ở bên mình. Trung đưa tất cả hạt dâu vào tủ lạnh để hạt dâu ngủ đông một thời gian. Theo anh, hạt dâu nào đạt chất lượng sẽ nảy mầm và phát triển tốt ngay khi bắt đầu ươm giống, hạt kém thì tự phân hủy.

Với Thanh, lập nghiệp không đơn giản là kiếm tiền mà là sự đầu tư lâu dài, chắc chắn. Tại vườn dâu của mình, hằng ngày chàng trai trẻ này cặm cụi chăm sóc từng cây dâu, khi có khách du lịch đến thì làm hướng dẫn viên và tự hào giới thiệu mô hình của mình rồi say sưa kể chuyện về nông nghiệp sạch.

Khi Trung chấp nhận thua lỗ, phá bỏ vườn dâu đang bệnh, nhiều người nói anh cực đoan, khuyên anh bơm thuốc để gỡ vốn, anh thẳng thừng: “Đó không phải lựa chọn của tôi khi bắt đầu trồng dâu, giờ mà vớt vát thì mất luôn cái tên dâu sạch đã tốn công xây dựng”.

Còn Thanh, chỉ một nông dân đang bơm thuốc, thỉnh thoảng gió thổi lên và tạt những tia thuốc vào người, nói: “Đã đến lúc thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp để bảo vệ sức khỏe cho chính người nông dân. Sản xuất dâu không an toàn thì chính người sản xuất chịu tác động đầu tiên, nặng nhất và đồng tiền sinh ra từ đó không bao giờ đủ để mua lại sức khỏe”.

Không khó để hình dung ra được tương lai của những nông dân này qua tầm nhìn và cách làm của họ.

Rất cần những Việt kiều như anh Phương

Tôi từng đến thăm trang trại cam cara cara của anh Mai Viết Phương ở Đức Trọng (Lâm Đồng). Phải nói rằng tinh thần của anh Phương khi hướng về quê hương như vậy là rất đáng quý, đáng trân trọng. Nếu như mỗi Việt kiều đều đem góp một vài sản phẩm độc đáo của thế giới về Việt Nam như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ có nhiều thành quả.

Cam cara cara là loại cam quý không hạt, ruột đỏ mang nhiều vitamin tốt cho sức khỏe. Loại cam này ra trái quanh năm và cho năng suất cao, đây là hướng đi cho cây trồng của Việt Nam trong tương lai và cần nhân rộng không chỉ cam cara cara mà cả những loại cây ăn trái có đặc tính tốt như vậy. Tuy nhiên, cam cara cara trồng ở Việt Nam vẫn còn những nhược điểm cần phải cải tiến như phần lõi còn to, màu sắc đẹp nhưng vị ngọt không bằng cam Mỹ.

Hơn nữa, giá cây giống hiện nay còn khá cao nên việc phổ biến loại cây trồng này trên quy mô rộng còn hạn chế. Về lâu dài, Công ty Phương Mai nên tìm cách hạ giá thành cây giống để người dân dễ tiếp cận đầu tư hơn.

GS NGUYỄN LÂN HÙNG(ủy viên Ban chấp hành trung ương Hội Nông dân VN)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận