Nobel Kinh tế: Thí nghiệm tự nhiên và lương tối thiểu

CHIÊU VĂN 21/10/2021 05:00 GMT+7

TTCT - Nobel kinh tế năm nay đã về tay 3 nhà khoa học làm việc ở Mỹ: David Card (nửa giải), Joshua Angrist và Guido Imbens (chia nhau nửa giải) vì những nghiên cứu tiên phong sử dụng phương pháp “thí nghiệm tự nhiên” hòng tìm hiểu quan hệ nhân quả trong chính sách và những vấn đề kinh tế.

Theo thông lệ ở Việt Nam, ngày 1-1 hằng năm là khi Chính phủ cân nhắc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, mà xưa nay chỉ tăng chứ không giảm (dẫu vậy năm 2021 này gần như chắc chắn sẽ không có tin vui đó cho người lao động, vì cả nền kinh tế đang gồng mình chống dịch, trong khi lạm phát đang đe dọa ngóc đầu). 

Ngoài việc là dịp để dân chúng có chút tin vui, và các thứ hàng hóa có cơ hội nhích giá lên, đây cũng là lúc để các kinh tế gia bàn tán. 

Chuyện tăng lương tối thiểu nói chung là được lòng dân. Người lao động thu nhập thấp có thêm vài trăm nghìn mỗi tháng, người lĩnh lương hưu đỡ lo tiền chợ, công nhân có thêm bó rau, con cá. 

Nhưng suốt một thời gian dài, các kinh tế gia chủ lưu và sách kinh tế học chính thống đều không mặn mà với chuyện đó. Không phải vì họ “phản động” chống lại lợi ích nhân dân, mà họ có lập luận nghe rất chặt chẽ đàng hoàng.

Ảnh: theweek.com

 

Lương tối thiểu: Đại kỵ

Thật ra, riêng việc ấn định một mức lương tối thiểu, chứ đừng nói tăng mức đó hằng năm, với nhiều kinh tế gia đã là chuyện đại kỵ rồi. 

“Vì lương tối thiểu làm tăng thất nghiệp, nên gây hại cho tất cả mọi người, mà chẳng lợi lộc gì cho xứng đáng” (Henry Hazlitt). 

“[Lương tối thiểu] là trường hợp ta có thể thấy rõ về một biện pháp mang lại tác dụng hoàn toàn trái ngược với ý định của những người ủng hộ nó vì thiện tâm” (Milton Friedman). 

“Mỗi lần tăng lương tối thiểu là một lần làm suy giảm sản lượng lương thực và công ăn việc làm” (Jude Wanniski). 

“Lương tối thiểu đã gây nhiều đau khổ và thất nghiệp hơn bất kỳ điều gì kể từ cuộc đại suy thoái” (Ronald Reagan).

Lòng tin đó dựa vào một trong những bài học vỡ lòng ở các sách kinh tế học: mức lương cao hơn sẽ khiến chủ lao động cắt bớt việc làm. 

Kết quả là những ai sẵn sàng làm việc dưới mức lương tối thiểu, thường là lao động giản đơn không có kỹ năng, dễ trở nên thất nghiệp nhất.

Nghe thì rất logic, nhưng một số người muốn thách thức logic đó, bao gồm David Card, kinh tế gia sinh ở Canada hiện là giáo sư ở Đại học California, Berkeley (được vinh danh với giải Nobel kinh tế vì “những đóng góp có tính thực nghiệm cho kinh tế học lao động”). 

Card là người tiên phong thách thức những luận điểm kinh tế học lâu đời về lương tối thiểu bằng một nghiên cứu năm 1994 chứng minh rằng tăng lương tối thiểu trên thực tế không làm giảm số việc làm.

Từ khóa ở đây là “trên thực tế”: Nghiên cứu của Card diễn ra ngoài đời thực, chứ không phải là những suy luận trên giấy hay thí nghiệm trong điều kiện kiểm soát. 

Angrist và Imbens, trong khi đó, nhận nửa giải nhờ nghĩ ra cách giúp những người như Card tiến hành các nghiên cứu đời thực đó (hay như lối nói kiểu cách của giới kinh tế học: “Phương pháp luận cho những thí nghiệm tự nhiên”).

Card tìm hiểu những gì xảy ra khi tiểu bang New Jersey nâng mức lương tối thiểu từ 4,25 lên 5,05 đôla Mỹ/giờ, với nhóm so sánh là các nhà hàng ở tiểu bang giáp ranh Pennsylvania, nơi lương giữ nguyên. 

Trái với các nghiên cứu trước đó, ông và cộng sự Alan Krueger (đã qua đời năm 2019) thấy rằng việc tăng lương tối thiểu không có tác động gì đến số lượng lao động được tuyển dụng.

“Trái với dự đoán trọng tâm trong mô hình theo sách giáo khoa... chúng tôi không thấy có bằng chứng nào cho thấy lương tối thiểu ở New Jersey làm giảm số việc làm ở các nhà hàng thức ăn nhanh thuộc tiểu bang này”, Card và Krueger kết luận. 

Card đã đào sâu thêm vấn đề và những nghiên cứu tổng hợp của ông một thời gian dài, sau đó kết luận rằng hiệu ứng tiêu cực của việc tăng lương tối thiểu là nhỏ và nhỏ hơn nhiều so với những gì giới kinh tế gia vẫn nghĩ suốt gần nửa thế kỷ.

Chuyện này rất phức tạp...

Trước hết, phải nói rằng kinh tế học là một khoa học chỉ có tính chính xác tương đối. 

Đó xét đến cùng là một khoa học xã hội, dù các dạng thức toán học hóa nó ngày càng sâu rộng đã tạo ra cảm giác nó cũng là một khoa học chính xác, ít ra là với dân ngoại đạo. 

Nghiên cứu của Card, dù đã được trao giải Nobel, vẫn gây nhiều tranh luận dữ dội tới tận ngày nay. 

Ở đây, ta có thể nói giải thưởng được trao cho người nêu ra một hướng tranh luận mới ít nhiều thuyết phục, hơn là đạt được một thành tựu khoa học xác quyết, như trong các giải y sinh, vật lý hay hóa học.

Cũng không giống các khoa học tự nhiên kia, kinh tế học là một khoa học được/bị chính trị hóa cao độ. 

Với việc thách thức một tín điều cơ bản của kinh tế học chính thống, Card không chỉ khiến sách giáo khoa kinh tế học có khi phải viết lại, mà còn tạo ra nền tảng khoa học nhất định cho những người ủng hộ áp lương tối thiểu, tăng lương tối thiểu theo hạn định - thường đồng nghĩa với chuyển bớt tài sản từ giới chủ sang giới làm công - thường đồng nghĩa với chính trị của phe tả.

Thật vậy, mô hình lý thuyết truyền thống và tưởng như hiển nhiên: tăng lương - cắt giảm lao động, nhiều khi không đúng trong đời thực.

Trước hết, mô hình đó nói nếu tiền lương tăng lên, chủ lao động sẽ thay thế nhân công bằng máy móc. 

Nhưng các công nghệ tiết kiệm sức lao động con người không phải lúc nào cũng có thể áp dụng và áp dụng nhanh được, nhất là ở những doanh nghiệp nhỏ, vốn chiếm số đông lao động của nền kinh tế. 

Ở thái cực bên kia, những doanh nghiệp cực lớn có thể đủ sức mạnh thị trường nên mô hình cung - cầu đơn giản không còn đúng hoàn toàn với họ nữa. 

Họ có thể giảm lương bằng cách tuyển ít người hơn, giống như một hãng độc quyền có thể tăng giá bằng cách giảm sản lượng. Khi đó, tăng lương tối thiểu chỉ đơn giản có nghĩa là bắt họ phải cắt bớt lợi nhuận để trả cho người lao động.

Một giả định khác là tiền lương tăng lên khiến tổng chi phí sản xuất tăng lên cũng không nhất thiết đúng. 

Nhiều công ty sẽ bù đắp cho khoản lương tăng đó bằng cách tăng giá bán hoặc sản lượng, bởi lẽ những công ty trả lương cao hơn cũng thường có năng suất và chất lượng sản phẩm - dịch vụ tốt hơn. 

Tiền lương tăng tạo động cơ cho người lao động làm việc chăm chỉ hơn, thu hút lao động kỹ năng cao hơn, giảm yêu cầu thay thế lao động, giảm chi phí tuyển dụng và đào tạo, cùng nhiều thứ khác. 

Với nền kinh tế chung, tất cả những điều đó đồng nghĩa tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm chứ không tăng. 

Thật vậy, nếu nhìn vào số liệu ở Mỹ, lương tối thiểu liên bang điều chỉnh theo lạm phát cao nhất là vào giai đoạn 1967 - 1969. Tỉ lệ thất nghiệp khi đó là 4%, thấp nhất trong lịch sử!

Cuối cùng, tiền lương cao hơn làm tăng sức mua của người lao động, hứa hẹn hoạt động kinh tế sôi động hơn, và do đó là tăng trưởng kinh tế, tạo ra thêm việc làm.

Tất cả những yếu tố đó khiến quan hệ tiền lương - lao động - việc làm trở nên rất phức tạp, chứ không đơn giản như việc ta mua một hàng hóa vật chất hữu hình, vốn gần như luôn tuân theo quy luật giá tăng, lượng mua giảm. 

Mô hình cung - cầu kiểu đó, dẫu vậy, vẫn là điểm khởi đầu tốt để thảo luận về tiền lương, nhưng riêng nó thì không giải thích hết được những muôn hình vạn trạng của đời sống.

Các thí nghiệm tự nhiên của Angrist (Viện Công nghệ Massachusetts) và Imbens (sinh ở Hà Lan, Đại học Stanford) tạo nền tảng cho những nghiên cứu của Card và nhiều nghiên cứu khác, sử dụng các tình huống đời thực để tìm hiểu tác động thật sự lên thế giới thực, cách tiếp cận đã lan sang các lĩnh vực khác, như các khoa học xã hội khác và cả y sinh, qua đó cách mạng hóa nghiên cứu thực nghiệm.

“Ngày nay thí nghiệm tự nhiên xuất hiện khắp mọi nơi - thành viên Ủy ban giải thưởng tưởng niệm Alfred Nobel trong khoa học kinh tế, nói trong cuộc họp báo công bố người thắng giải - Nhờ những đóng góp của các học giả này, giới nghiên cứu ngày nay có thể trả lời được những câu hỏi then chốt về chính sách kinh tế và xã hội. Và như thế công trình của họ đã mang lại lợi ích lớn lao cho xã hội”. 

Cần lưu ý, Nobel kinh tế chỉ là cách gọi tắt và không có trong những hạng mục giải ban đầu của Alfred Nobel vào năm 1901. Giải thưởng này chỉ được lập từ năm 1969 nhờ một khoản tài trợ của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển nhân 300 năm thành lập ngân hàng này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận