Nước Đức và lũ sói trong chuồng cừu

LÊ QUANG 20/07/2020 23:07 GMT+7

TTCT - Nước Đức cũng lao đao vì đại dịch corona đúng lúc bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu, nữ Thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel chuẩn bị kết thúc sự nghiệp có nguy cơ bỏ lại một công trường ngổn ngang, và trong tất cả các vấn đề lớn nhỏ có một nguy cơ mà người lạc quan đến mấy cũng không thể gọi là hiện tượng lẻ tẻ: chủ nghĩa Quốc xã mới đã và đang có môi trường thuận lợi để ngóc đầu dậy ở xã hội Đức, thậm chí ngay chính trong quân đội Đức, một hiện tượng xưa nay hay bị xem thường chứ không được nhận diện như con sói còn ngủ gà gật trong chuồng cừu.

Kênh Deutsche Welle trích báo cáo về công tác tình báo của Bộ trưởng Nội vụ liên bang Seehofer nửa đầu năm 2019, và các con số thống kê nghe như đèn báo động ở mức vàng đậm: cả nước Đức có chừng 24.000 phần tử cực hữu công khai, già nửa số đó sẵn sàng sử dụng bạo lực.

Con số tín đồ Hồi giáo cực đoan cũng gia tăng cùng làn sóng nhập cư từ Trung Đông. Các tội phạm hình sự có màu sắc kỳ thị chủng tộc tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.

Biểu tình công khai của chủ nghĩa Quốc xã mới ở Munich. Ảnh: © Rufus46
Biểu tình công khai của chủ nghĩa Quốc xã mới ở Munich. Ảnh: © Rufus46

Chính trị cực hữu

Những môn đệ mới của Hitler dĩ nhiên cũng thành thạo sử dụng tiến bộ công nghệ để quảng bá tư tưởng và chiêu mộ lực lượng cũng như hoạch định các hành động. Các mạng xã hội, dịch vụ nhắn tin và diễn đàn video cho thấy một mạng lưới cực hữu bắt đầu đặt nhà chức trách trước câu hỏi: phải chăng người ta đã quá lề mề hoặc chủ quan, tin vào một cơ thể dân chủ mạnh mẽ như Đức hoàn toàn có thể gánh chịu một vài vết ghẻ lở nho nhỏ?

Vài ngày trước khi báo cáo trên được đọc ở Quốc hội, một công chức cao cấp của bang Hessen là Walter Lübcke, vốn được biết là chính trị gia nhiệt liệt ủng hộ cứu trợ tị nạn và phản đối phong trào phân biệt chủng tộc Pegida, bị một kẻ cực hữu bắn chết.

Chậm nhất từ thời điểm này dư luận Đức phải giật mình thức tỉnh và đặt câu hỏi: vì sao một chính đảng dân túy cánh hữu như AfD (Con đường khác cho nước Đức) đột ngột từ bóng tối nhảy ra chiếm 12,5% số ghế Nghị viện liên bang trong thời gian ngắn?

Người Đức quá lo lắng trước tương lai bấp bênh, sợ xã hội Đức bị áp đảo bởi làn sóng tị nạn khó kiểm soát, hay đơn giản là thất vọng trước các đảng bảo thủ không có gì mới để hứa hẹn?

Nhưng không chỉ tư tưởng hệ cực hữu trong nội bộ xã hội khiến người dân Đức lo ngại, mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dường như cũng đã có đất sống ở đây. Số người được cơ quan an ninh Đức đưa vào diện cần theo dõi tăng từ năm 2018-2019 thêm 750, đạt tổng số 26.560, quả là một đại lượng đáng lo ngại, theo nhận xét của ông Seehofer.

Không chỉ các thành viên cũ từ nhà nước Hồi giáo tự phong ISIS, mà cả tín đồ Hồi giáo cực đoan từ Caucasus và Chechnya sống lẫn dân Đức. Với con số đó, lúc nào cũng có thể xảy ra một cuộc tấn công bất ngờ.

Bệnh nghiện vũ khí

Tình báo Đức cũng nhức đầu không chỉ bởi hệ tư tưởng thiên hữu, mà cả vì phái tả cực đoan. Danh sách bị an ninh theo dõi, theo tin của Deutsche Welle, trong vòng một năm dài thêm 8,5% thành 32.000 cá nhân, trong đó 9.000 có xu hướng bạo lực. Lực lượng này gắn sự phản đối chủ nghĩa tư bản với các đề tài thời sự như biến đổi khí hậu và thiếu nhà ở giá rẻ ở đô thị nên tranh thủ được khá nhiều ủng hộ.

Thêm một nguy cơ thường trực nhưng có chiều gia tăng trong tình hình nhiều biến động ở lĩnh vực di trú: nước Đức, một cường quốc kinh tế và công nghệ trong EU, đồng thời là thành viên khối quân sự NATO, đang dần dần trở thành nơi tụ tập các gián điệp công nghệ, đặc biệt từ Nga, Trung Quốc, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Hầu như một cấu phần mặc định và dễ hiểu của tư tưởng cực đoan là sự ham mê vũ khí, đặc biệt nổi bật ở một nhóm người mới xuất hiện, tự gọi là “Công dân Đế chế”.

Họ coi Đế chế Đức theo tinh thần Hiến pháp Đế chế Đức hay Hiến pháp Weimar (1919) vẫn tiếp tục tồn tại, nói cách khác là họ từ chối sự hiện diện và luật pháp của Cộng hòa Liên bang Đức ngày hôm nay.

Hiện tại ở Đức có ngót 20.000 công dân Đế chế với tư tưởng thiên hữu đến cực hữu, 3/4 là đàn ông và cũng là những người yêu thích vũ khí. Đọc các tuyên ngôn trên mạng của công dân Đế chế, người ngoài cuộc dễ giật mình bởi từ vựng không chỉ phổ biến trong phe cực hữu, mà giống đến kỳ lạ thứ ngôn ngữ dưới thời Hitler - từ “sự ngoại hóa quá độ” đến “căn cước dân tộc”.

Công dân Đế chế cũng sở hữu (hợp pháp) nhiều vũ khí hơn người khác, mặc dù Luật vũ khí của Đức chỉ cấp giấy phép cho những ai tôn trọng Hiến pháp Đức, trong khi công dân Đế chế tuyên bố ngược lại. Rõ ràng nhà chức trách đã xem thường quá lâu hiện tượng này.

Chủ nghĩa Quốc xã mới trong quân đội

Tháng 5 vừa qua, một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ súng ống lăm lăm xông vào nhà riêng của hạ sĩ quan ở Calw. Họ đem theo một cái máy xúc lớn để đào bới cả khu vườn. Và không bị thất vọng: Sch. sở hữu trái phép một khẩu AK-47, đạn, thuốc nổ dẻo. Bên cạnh đó là một bộ sưu tập bài hát, tranh ảnh, cờ quạt... của thành phần phát xít mới và cũ.

Cho đến khi bị bắt, Sch. có 20 năm im lìm trong nhóm đặc nhiệm KSK, đây là một đơn vị đặc nhiệm trong quân đội Đức, được thành lập để giảm bớt phụ thuộc vào các lực lượng đồng minh trong NATO.

Lý do là trước đó, năm 1994, một nhóm nhân viên của kênh Deutsche Welle bị kẹt ở thủ đô Rwanda trong cuộc chiến tranh diệt chủng đẫm máu và phải nhờ đặc công Bỉ cứu ra trong một cuộc giải thoát kịch tính. Hai năm sau KSK ra đời, bao gồm những binh lính tinh nhuệ nhất và dĩ nhiên có nhiều cái nhất nữa, bên cạnh trang bị kỹ thuật và tiền lương để đáp ứng sự chủ động tác chiến mà quân đội kỳ vọng.

Như thường lệ, đứa con cưng trong gia đình đôi khi thành thằng hư hỏng nhất. Khác với điều lệ quân đội Đức, vốn được gọi là quân đội nghị viện, tức là chỉ được hoạt động theo chỉ thị của Quốc hội để nhấn mạnh tính dân chủ trong ý chí và hành động; KSK làm việc trong bóng đêm và thường không chỉ báo cáo công việc kiểu “tiền trảm hậu tấu”, mà còn giữ bí mật toàn bộ các hoạt động hiệp đồng với đặc nhiệm Anh, Israel và Mỹ ngay cả với Quốc hội.

Đơn vị đặc nhiệm KSK. Ảnh: © Tim Rademacher
Đơn vị đặc nhiệm KSK. Ảnh: © Tim Rademacher

Điều này tuy dễ lý giải ở một đơn vị tác chiến bí mật, song cũng là cơ sở cho đủ loại hoài nghi. Nhật báo taz đưa ra vấn đề từ năm 1997: “Tinh thần đồng đội cao, nghĩa vụ giữ bí mật là hạn chế tiềm năng đối với các quyền dân chủ và hàm chứa một rủi ro là các binh lính tinh hoa ấy cho rằng họ có đặc quyền này nọ”.

Và thực tế không ở đâu xa: trong vụ điều tra hạ sĩ quan Sch., cơ quan điều tra phát hiện một loạt vi phạm lớn nhỏ cho phép nhận định là tư tưởng phát xít mới không còn là điều hiếm hoi, ngay cả trong quân đội.

Câu hỏi liệu KSK có cùng đặc nhiệm Mỹ tra tấn tù nhân ở Guantanamo, chủ ý bắn chết con tin hoặc dẫn độ vi hiến những tội phạm về quốc gia đe dọa tử hình chưa được trả lời, song một loại sai phạm khác nữa trong KSK và trong quân đội khiến bà Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer ra tối hậu thư qua tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia ARD tối 1-7: Đức rút toàn bộ lính KSK đang ở nước ngoài (hiện tại chỉ có Afghanistan) về nước và quân đội từ nay sẽ đảm nhận toàn bộ công tác huấn luyện chứ không tạo ra môi trường riêng có tính bảo mật “huyền thoại” không cần thiết. Chậm nhất đến tháng 10-2020 KSK phải được cải tổ hoặc bị giải tán một phần.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer

“Cơ hội sửa lỗi“?

Bà bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể dùng từ hoa mỹ hay quyết liệt, cuối cùng chỉ có kết quả là quan trọng. Tờ Bild chủ nhật 5-7 đưa tin 70 lính KSK đầu tiên đã bị sa thải hoặc vào tù khi bị nhận mặt tại một video trong một buổi liên hoan, khi chơi nhạc rock có nội dung cực hữu và chào sĩ quan kiểu Hitler.

Theo New York Times số 5-7, cảnh sát còn tìm được một kho vũ khí bí mật ngay trong doanh trại KSK. Theo chỉ thị của Nghị viện, KSK tá hỏa làm một cuộc kiểm kê sơ bộ và phát hiện 85.000 viên đạn cùng 62kg chất nổ bị thiếu - kênh truyền hình RTK hôm 1-7 trích báo cáo của Tổng thanh tra quân đội Eberhard Zorn.

Mặt khác, một đơn vị tinh nhuệ chuyên để giải cứu con tin, bắt cóc hoặc vô hiệu hóa tội phạm chiến tranh cũng như trinh sát hậu phương đối phương không dễ gì có thể bị giải tán, khi phương án thay thế còn chưa được ấn định.

Rất có thể KSK với 1.100 lính mới chỉ là chóp nhọn nổi tiếng của núi băng trôi? Nhóm nghị sĩ cánh tả khen nỗ lực của bà bộ trưởng mới nhậm chức chưa lâu, nhưng đặt câu hỏi vì sao Bộ Quốc phòng mãi bây giờ mới nhận ra vấn đề?

Chậm nhất từ năm 2000 đã có nhiều vụ nghiêm trọng bị quân đội “giải quyết nội bộ” bằng những hình thức khiển trách qua loa, và hôm nay người ta nhận được hóa đơn tổng kết? Những diễn đàn cá nhân của binh lính nhưng bị phát hiện là có trao đổi về phương pháp bắt cóc và thủ tiêu chính trị gia cánh tả, dự thảo các bức thư đe dọa, hình xăm phát xít trên cánh tay một sĩ quan cao cấp... phải chăng chỉ là sơ suất nhỏ lẻ, trong khi chào kiểu Hitler ở Đức chiếu theo điều 86a Bộ luật hình sự bị phạt tiền cho đến 3 năm tù?

Nói đi cũng phải nói lại: bộ máy quan liêu Đức vốn rất ì ạch, thủ tục để loại trừ các phần tử có thái độ chính trị sai lệch trong quân ngũ kéo dài hàng năm, kể từ khi quân đội Đức không có lính nghĩa vụ nữa. Tình báo quân đội MAD trong năm 2019 phát hiện 52 binh lính được coi là có tư tưởng cực đoan, song chỉ sa thải được ngay 26 người vì số này chưa phục vụ quá 4 năm.

Nước Đức phải đổi luật, Bộ Quốc phòng thông báo, cho đến lúc đó các nghị sĩ phe đối lập tiếp tục đòi phải giải tán, bà bộ trưởng vẫn tin vào khả năng tự chữa bệnh của một cơ thể ít nhiều rệu rã. Nước Đức và cụ thể là bà Annegret Kramp-Karrenbauer có một vấn đề không nhỏ: họ định nhốt con sói vào chuồng cừu, hi vọng nó suy ngẫm và ăn năn để sau đó quyết định ăn chay trường! Về mặt kỹ thuật thì dễ mua ổ khóa, khó hơn chút là thuyết phục bầy cừu hợp tác và tin tưởng, còn thành công đến mức nào mới là chuyện khó đoán nhất. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận