Sinh viên và COVID-19: Cú trượt dài sau khi tàu trật bánh

YÊN LAM 18/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Tất cả kế hoạch học hành, việc làm bị xáo trộn, mọi mong chờ, kỳ vọng về cuộc sống sinh viên và tương lai sau tốt nghiệp bị đảo lộn. Chuyến tàu giáo dục bậc cao của hàng triệu sinh viên khắp thế giới bỗng dưng trật bánh vì đại dịch COVID-19. Con tàu rồi cũng sẽ tiếp tục lăn bánh, nhưng trải nghiệm “trật đường ray” hôm nay sẽ để lại những hậu quả to lớn về sau.

Ảnh: Edutopia
Ảnh: Edutopia

Cuộc sống sinh viên thay bằng sự cô đơn

Trước khi đăng ký học một trường nghệ thuật ở Tokyo vào tháng 4 này, cô gái người Nhật 18 tuổi Maki (tên tài khoản Twitter) mong chờ một cuộc sống sinh viên đầy những va chạm mới, kèm theo những giờ học tập, thực hành vất vả. Nhưng đại dịch COVID-19 xảy ra, và từ khi nhập học, cô chỉ ở yên trong nhà mình, hàng tháng trời học online qua màn hình máy tính.

Giờ đây, khi các cơ sở kinh doanh, thậm chí trường tiểu học và cấp II đã khởi động trở lại, nhiều cơ sở giáo dục bậc cao, bao gồm trường của Maki, vẫn còn đóng cửa với lý do ngăn ngừa lây nhiễm. “Không có gì sai khi nghĩ rằng chúng tôi [sinh viên đại học] là đối tượng duy nhất còn phải bị phong tỏa và chịu hi sinh” - Maki nói với Nikkei Asian Review.

Maki tìm thấy chỗ để giãi bày nỗi lòng vào tháng 7, khi thấy một sự kiện trực tuyến được tổ chức với chủ đề “đời sống sinh viên đại học cũng quan trọng”. Bằng hình thức manga (truyện tranh Nhật), Maki mô tả sự chật vật của một cô gái 18 tuổi khi phải làm quen với cách học online, những lần tức đến chảy nước mắt khi thấy công sở và các trường học cấp dưới mở cửa lại mà đại học thì không, sự ngạc nhiên khi thấy chính phủ ra chiến dịch khuyến khích du lịch nội địa, và bức xúc vì học online mà phải đóng học phí như bình thường.

Tác phẩm nhanh chóng nhận được gần nửa triệu like trên Twitter bản tiếng Nhật. Maki cũng bày tỏ băn khoăn trước thực tế nhiều sinh viên tạm ngưng hoặc bỏ hẳn chuyện học hành và phải đương đầu với trầm cảm, và kết luận: sinh viên đại học còn phải chịu đựng chuyện này đến bao giờ đây?

Sinh viên vào đại học ngay tại bản xứ mà còn nhiều tâm tư đến thế, huống chi du học sinh. Hà My, học viên cao học ngành quản trị kinh doanh ở Tokyo, đã đáp một trong những chuyến bay cuối cùng từ TP.HCM sang Nhật cho kịp học kỳ xuân hồi tháng 4, để rồi phải học online suốt cả học kỳ đó, và sẽ tiếp tục như thế vào học kỳ mùa thu tháng 10 này.

“Học kỳ đầu học online thì chỉ thấy tiếc vì nghĩ biết vậy ở Việt Nam cho rồi, phần nào vì Việt Nam giải quyết chuyện dịch bệnh tốt hơn Nhật và ở Nhật mình không có xe nên luôn đi giao thông công cộng, rủi ro lây bệnh rất cao. Nhưng đến học kỳ thu trường tiếp tục quyết định học online thì thấy thật sự bực mình, chán nản, và thấy phí tiền vì học phí vẫn cao, chi phí sinh hoạt ở Tokyo không hề rẻ” - Hà My kể với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Một thăm dò trên 1.012 trường đại học của Bộ Giáo dục Nhật cho thấy 24% chỉ bắt đầu tổ chức các lớp online từ ngày 1-7, nghĩa là “có khoảng 100.000 sinh viên năm nhất hoặc hơn ở Nhật phải đối diện với các vấn đề như Maki, khi buộc phải giam mình trong phòng, không thể tiếp xúc với người khác hay tìm kiếm lời khuyên, sự an ủi”, theo Nikkei.

Cũng như Maki, nhiều sinh viên chưa hề đến trường kể từ khi năm học bắt đầu. Sự cô đơn của việc phải học ở nhà thay vì đến trường còn choáng ngợp hơn với những người phải (lần đầu tiên) rời quê nhà, gia đình và bạn bè cấp III để đi học đại học.

“Thế hệ phong tỏa”

Nghiên cứu công bố hồi tháng 5 của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) cho biết các tác động tiêu cực của COVID-19 lên thị trường việc làm có thể sẽ ảnh hưởng khả năng được tuyển dụng trong tương lai của người trẻ - 3 trong 4 người trẻ trong khảo sát của ILO hiện đối mặt với chuyện trường học đóng cửa và thừa nhận rằng trong thời phong tỏa, họ học ít hơn, thậm chí không học gì so với bình thường.

Điều đáng buồn nhất, theo chuyên gia Drew Gardiner của ILO, là “càng trẻ thì nguy cơ mất việc càng cao”. Nguyên nhân là vì hiện tượng “vào sau cùng ra trước tiên”: “Người gần nhất được tuyển vào công ty thường là người đầu tiên bị sa thải, vì đối tượng này thường là người trẻ, chưa có kinh nghiệm và tham gia thị trường lao động chưa lâu” - Gardiner giải thích.

Chuyện học hiện tại ảnh hưởng đã đành, giờ thì chuyện việc làm trong tương lai của người trẻ cũng gian nan theo. Đây là lý do mà ILO cảnh báo những người trẻ đang tuổi đôi mươi đã phải tự cô lập khỏi bạn bè đồng trang lứa, học hành gián đoạn, triển vọng tìm được việc làm thì ảm đạm, và hơn hết là hoàn toàn không chắc chắn về tương lai sẽ trở thành “thế hệ thời phong tỏa”, hệ quả trực diện của cuộc khủng hoảng COVID-19.

ILO cũng cảnh báo những trải nghiệm đen tối hiện tại sẽ để lại vết sẹo theo suốt quãng đời làm việc của “thế hệ thời phong tỏa”, do lẽ việc họ bắt đầu tham gia thị trường lao động bị gián đoạn, và những khó khăn chung của nền kinh tế sẽ để lại hệ quả về sinh kế cho những người trẻ này đến tận khi họ bước vào tuổi 30-40.

Một con đường mới

Thời gian phải tuân thủ các lệnh phong tỏa là lúc người trẻ có thể lên mạng để thỏa mãn các đam mê của mình, bày tỏ bản thân, thử làm video YouTube. Đây là những mặt tích cực, song mặt còn lại của đồng xu là việc thiếu vắng các giao tiếp mặt đối mặt trong đời thực sẽ ảnh hưởng đến phát triển xã hội.

“Khi ta đã quen với giao tiếp online và với việc bật tắt hình ảnh, giọng nói tùy thích khi trò chuyện qua mạng, ta có thể có ít cơ hội để giao tiếp với người lạ, từ đó khả năng hình thành các mối giao tiếp xã hội cũng giảm theo” - Thang Leng Leng, nhà nhân học thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cảnh báo.

Kết quả thăm dò do Bộ Y tế Nhật và ứng dụng nhắn tin trực tuyến LINE hồi tháng 5 cho thấy có lý do để lo lắng: 14% số người trả lời cho biết họ “muộn phiền hoặc cảm thấy chán nản phần lớn thời gian trong ngày”. Nhiều trường đại học đã chú ý đến hiện tượng này và lập các trang web để thông tin cho sinh viên về sức khỏe tâm thần và các hình thức hỗ trợ cần thiết.

Đại học Osaka City bắt đầu cung cấp các bài trắc nghiệm sức khỏe tâm thần từ tháng 6 và phát hiện có rất nhiều sinh viên cần được giúp đỡ, theo giám đốc trung tâm y khoa của trường. Bộ trưởng Giáo dục Nhật Koichi Hagiuda hồi tháng 8 cũng yêu cầu các trường đại học nên mở lại một số lớp đi học trực tiếp để sinh viên thoát cảnh bị cô lập.

Tất cả những câu chuyện từ những cá nhân cụ thể kể trên cho thấy, vì đại dịch COVID-19 mà con đường học hành, làm việc của người trẻ sẽ không giống với những người đi trước nữa.

Ng Chia Wee, sinh viên năm 3 tại NUS, hiểu rõ con đường an toàn đến thành công trước nay vẫn là chăm học, đạt điểm cao, có việc làm tốt. Giờ đây, chàng trai trẻ không còn cảm thấy sợ các rủi ro nữa, khi mọi thứ đã bị đại dịch làm đảo điên, trong khi công nghệ lại tạo ra cảm giác “không còn gì để mất”.

Kaito Shigemasa, sinh viên sau đại học người Nhật, cũng cho rằng đại dịch đã làm đảo ngược lối suy nghĩ truyền thống. “Trong quãng đời đi học chúng ta biết và hướng đến những gì đúng đắn, và rằng những ai làm đúng sẽ chiến thắng trong những thứ như kỳ thi đại học. Nhưng virus corona đã dạy chúng tôi rằng vì thế giới thay đổi không ngừng, ta phải tự mình ra quyết định” - Shigemasa nói.

Song điều này không có nghĩa cứ “thả” cho người trẻ tự bơi mà không có hỗ trợ nào. Thang cho rằng các trường đại học phải thay đổi cách dạy, để sinh viên “tự chuẩn bị tốt hơn khi tìm việc và có sức chống chịu tốt hơn” trước các bất định trong tương lai.■

Bất chấp những khó khăn và thách thức, người trẻ vẫn tìm thấy cơ hội học thêm kỹ năng, thử những điều mới nhờ công nghệ. Shiira Imada, một sinh viên đại học người Nhật, xin bảo lưu kết quả tại Đại học Miyazaki để sang Mỹ học kỹ thuật vũ trụ. Imada dự định ở Mỹ đến tháng 8, nhưng phải về nước sớm từ tháng 3 vì dịch bệnh.

Trở về nhà, anh vẫn tìm cách để theo đuổi giấc mơ được đóng góp cho sự phát triển của ngành vũ trụ Nhật Bản, và tìm được một khóa học online của Viện Công nghệ Massachusetts. “Chất lượng lớp học cực cao và tôi được một cựu phi hành gia NASA giảng cho, điều này chắc chắn sẽ tốt cho tương lai của tôi” - Imada kể.

Song sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận hạ tầng công nghệ lại là một mối đe dọa với người trẻ. Theo nghiên cứu tại 6 quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) của Diễn đàn Kinh tế thế giới và Tập đoàn dịch vụ Internet Sea (Singapore), những người không có bằng đại học và sống ngoài các thành phố thủ đô “có nhiều khả năng phải đối mặt với khó khăn trong làm việc và học tập từ xa trong suốt đại dịch”, nói gì ngồi ở Nhật mà học về vũ trụ từ Mỹ như Imada.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận