Thế còn SAT?

NGUYỄN VŨ 11/07/2018 22:07 GMT+7

TTCT - Các trường đại học hàng đầu trên thế giới chọn sinh viên cho mình theo cách không dựa hoàn toàn vào điểm số, vào kết quả bài thi mà là tiềm năng họ thấy được ở người sinh viên, không những sẵn sàng hút kiến thức như tờ giấy thấm mà còn đóng góp trở lại cho môi trường đại học, trở thành những viên đá nền làm nên danh tiếng, uy tín của đại học đó.

??

Nói đến đổi mới thi cử, một trong những giải pháp được một vài trường đại học tại Việt Nam cân nhắc là tìm cách tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực của thí sinh dựa theo khuôn mẫu của kỳ thi SAT.

Những kiểu kiểm tra năng lực 

Đáng tiếc gần đây nhiều trường đại học lớn ở Mỹ, mà mới đây nhất là Đại học Chicago, đã tuyên bố không còn đòi hỏi học sinh nộp điểm thi SAT trong hồ sơ tuyển sinh.

Suy nghĩ đầu tiên của nhiều người khi nghe tin này là cho rằng SAT không còn đánh giá đúng năng lực của một sinh viên tương lai - điều này không hẳn là chính xác.

Bởi dù có đến cả ngàn trường đại học, nhất là các trường liberal arts (theo khuynh hướng giáo dục khai phóng, nhân văn), đã bỏ yêu cầu điểm thi SAT, 10 trường đại học nghiên cứu hàng đầu của Mỹ (mà Đại học Chicago là ngoại lệ đầu tiên) vẫn xem xét điểm SAT như một yếu tố không thể thiếu trong hồ sơ tuyển sinh.

Dù sao, với đa số các trường đại học, SAT là một kỳ thi đánh giá năng lực xem thí sinh có đủ những kỹ năng cần thiết để theo học chương trình đại học không. Trong đó kiểm tra năng lực ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng, bên cạnh kỹ năng tính toán, suy luận logic, để xác định sau đó học sinh có thể hiểu bài giảng, trao đổi, thảo luận, thậm chí tranh luận tại giảng đường.

Nếu các trường đại học Việt Nam soạn được một kỳ thi chuẩn hóa như SAT nhưng để kiểm tra năng lực ngôn ngữ tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh thì đó là một bước tiến quan trọng, bổ sung cho đề thi môn ngữ văn hiện nay, vốn không làm được nhiệm vụ sàng lọc đó.

Bước chân vào môi trường đại học, người sinh viên tương lai rất cần một bộ kỹ năng ngôn ngữ rất cụ thể để có thể xoay xở trong nhiều tình huống khác nhau. Đó là khả năng đọc hiểu, khả năng trình bày ý tưởng dưới dạng viết hay nói, khả năng dùng ngôn ngữ để tranh luận, thuyết phục người nghe. Đọc hiểu không chỉ ở mức độ trực tiếp mà còn ở nhiều tầng lớp ẩn sâu dưới các hình thức biểu đạt khác nhau.

Đó còn là khả năng đọc lướt, hiểu ý chính, tóm tắt được ý chính và nắm được ý đồ triển khai ý chính của tác giả. Đọc hiểu cũng đòi hỏi người sinh viên tương lai biết đâu là ngụy biện, đâu là thủ thuật ngôn từ, đâu là logic…

Dù chương trình đào tạo có thể là kỹ thuật xây dựng hay kỹ thuật robot…, người sinh viên phải rành rẽ kỹ năng viết lách, có thể là viết để trình bày cách mình hiểu vấn đề được nêu, để tranh luận lại những điều mình chưa đồng ý. Đề thi môn ngữ văn như hiện nay chỉ giúp em nào viết theo văn mẫu, viết theo khuôn sáo được điểm cao; em nào càng sáng tạo càng có nguy cơ bị điểm kém.

Chương trình học cũng không giúp các em tiếp cận các văn bản hiện đại hay các nội dung hiện đại mà một người sống cách đây vài chục năm không thể nào hiểu được. Vì thế, nếu cách viết lách của đa số sinh viên ngày nay tối như hũ nút, đầy lỗi chính tả, thiếu sự mạch lạc, vắng bóng tính logic, đầy sự chủ quan, khó lòng thuyết phục được ai thì cũng chẳng có gì lạ.

Thật ra lý do nhiều trường ở Mỹ bỏ xem xét điểm SAT là bởi họ muốn cải tiến mạnh mẽ các tiêu chí tuyển sinh: họ không chọn học sinh giỏi nhất mà chọn người phù hợp nhất với trường. Chọn người giỏi nhất thì dễ lắm, cứ dựa vào điểm thi SAT hay ACT rồi lấy từ cao nhất xuống. Bỏ tiền mời thầy kèm cặp suốt sẽ nâng điểm SAT ngay.

Nhưng ngay cả các trường danh giá nhất Mỹ cũng không tuyển sinh theo cách đó nên chúng ta sẽ thấy có em đạt điểm SAT cao ngất nhưng không được Harvard chọn trong khi một em khác điểm SAT thấp hơn lại được nhiều trường săn đón, chào mời!

Còn thế nào là phù hợp thì tùy quan điểm của từng trường. Đó có thể là sự đa dạng để cộng đồng sinh viên tương lai có thể học hỏi lẫn nhau về phông nền văn hóa, quan điểm, chủng tộc… Đó cũng là lý do Đại học Chicago đưa ra khi nói sẽ thay điểm SAT bằng một tùy chọn, cho phép thí sinh nộp một video hai phút giới thiệu về mình.

Điểm bài thi là con số vô hồn trong khi hai phút video có thể cung cấp biết bao thông tin về người sinh viên tương lai, kể cả óc sáng tạo, sự độc lập trong suy nghĩ, hoạt động gắn bó với cộng đồng, khả năng làm việc nhóm.

Nhìn vào tiềm năng của một con người 

Miêu tả quy trình chọn lựa của các ban tuyển sinh là điều bất khả nhưng có thể dùng một quy trình tuyển chọn tài năng khác, hoàn toàn công khai trước bàn dân thiên hạ, để hiểu được cách đánh giá thế nào là tài năng: đó là chương trình Britain’s Got Talent.

Ngồi xem, người nghe cứ tưởng các giám khảo sẽ chọn ngay giọng ca điêu luyện về kỹ thuật, chuyên nghiệp trong phong cách trình bày, nhiều người hát còn hay hơn ca sĩ nhà nghề. Thế nhưng các giám khảo loại ngay thí sinh nào hát giống danh ca đang nổi tiếng bởi họ không đi tìm người bắt chước giỏi.

Sau đó họ loại các giọng hát hay nhưng vô cảm, điêu luyện nhưng không lôi cuốn… Và bất ngờ thay khi họ chọn các giọng ca, có người thì khàn khàn, có người nhẹ như gió thoảng nhưng đều có điểm chung là độc đáo, có cá tính, không lẫn vào đâu được.

Một em nhỏ hát rap cũng bình thường nhưng cả bốn giám khảo đều đứng bật dậy vỗ tay không dứt khi em kết thúc vì nội dung bài hát do chính em soạn, từ trải nghiệm bản thân em, như một cách trải lòng, dùng nghệ thuật để nói được suy nghĩ của em về một góc cạnh nào đó của cuộc sống.

Thiết nghĩ các trường đại học hàng đầu trên thế giới cũng chọn sinh viên cho mình theo cách đó: không phải là dựa hoàn toàn vào điểm số, vào kết quả bài thi mà là tiềm năng họ thấy được ở người sinh viên, không những sẵn sàng hút kiến thức như tờ giấy thấm mà còn đóng góp trở lại cho môi trường đại học, trở thành những viên đá nền làm nên danh tiếng, uy tín của đại học đó.

Do đó SAT hay không, không phải là câu trả lời. Hiểu được mình muốn chọn sinh viên như thế nào, từ đó mới thiết kế một bài thi kiểu SAT hay mời đến phỏng vấn hay thi kiểu Vietnam's Got Talent (!) mới là câu trả lời sau cùng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận