Thể thao và tương lai tự thân vận động

HUY ĐĂNG 25/01/2021 04:00 GMT+7

TTCT - Nếu so về ngân sách cấp cho ngành thể thao, có rất nhiều quốc gia trong khu vực chi nhiều hơn Việt Nam, điển hình như Singapore, Thái Lan hay Malaysia. Nhưng hầu hết đang có xu hướng giảm dần ngân sách và bù đắp bằng chính sách xã hội hóa.

Điển hình như Thái Lan. Vào năm 2016, ngân sách dành cho Bộ Du lịch và thể thao Thái Lan là 7,14 tỉ baht (238 triệu USD, tương đương 5.500 tỉ đồng). Nhưng đến 2017 và 2018, con số này giảm còn 6,7 tỉ baht (223,5 triệu USD), và năm 2019 chỉ còn 6,08 tỉ baht (202 triệu USD, khoảng 4.700 tỉ đồng). 

Còn Malaysia duyệt chi 1 tỉ ringgit (khoảng 248 triệu USD) cho thể thao vào năm 2019, nhưng đến năm 2020 con số này giảm mạnh chỉ còn 671 triệu ringgit (147 triệu USD). Đây là ngân sách được đưa ra trước khi đại dịch bùng phát vào giai đoạn đầu năm 2020.

SEA Games 2019 ở Singapore được tổ chức với nguồn kinh phí xã hội hóa lớn. Ảnh: CNA

Nhà nước giảm ngân sách không có nghĩa thể thao bị bỏ bê. Trên thực tế, dòng tiền đổ vào ngành thể thao của các quốc gia này ngày càng nhiều hơn nhờ sự hiệu quả trong chính sách xã hội hóa. 

Vào năm 2018, ngành thể thao Thái Lan kiếm được nguồn tài trợ 187,8 triệu USD. Đến năm 2019, thị trường thể thao của họ bùng nổ với mức tăng tài trợ 19% lên 223,4 triệu USD. Chúng ta có thể thấy từ năm 2018 sang 2019, ngân sách thể thao của Thái Lan bị cắt giảm 21,5 triệu USD. 

Nhưng đổi lại, tổng số tiền ngành thể thao Thái nhận được lại tăng đến 35,6 triệu USD. Trước khi đại dịch bùng phát, mô hình tài chính thể thao Thái Lan đã đạt đến trạng thái gần như lý tưởng mà Hàn Quốc, Nhật Bản đạt được cách đây 10 năm, khi nguồn thu xã hội hóa còn nhiều hơn ngân sách nhà nước.

Để VN đạt được điều đó, mức thu từ các nguồn xã hội hóa sẽ phải là vào khoảng 900 tỉ đồng (xem bài trước về ngân sách chi cho thể thao VN). Con số đó là không tưởng khi tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao có doanh thu lớn nhất, hơn tất cả các liên đoàn khác gộp lại - Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), mới có doanh thu khoảng 250 tỉ đồng.

Từ năm 1989, người Hàn Quốc đã có ý thức về việc xã hội hóa ngân sách thể thao. Họ đặt ra Quỹ phát triển thể thao Hàn Quốc (Korea Sports Promotion Foundation, KSPO) với mục đích phát triển tối đa chiến lược này. Công việc của KSPO rất đa dạng. 

Họ tham gia tất cả các môn thể thao khác nhau, bao gồm thể thao khuyết tật, với mục tiêu tạo ra thị trường thể thao năng động ở Hàn Quốc, để các nhà tài trợ, các thương hiệu lớn cảm thấy hứng thú, từ đó chuyển hóa nguồn tài trợ thành kinh phí đầu tư cho việc phát triển nền thể thao quốc gia.

Từng năm, nguồn quỹ mà KSPO tạo ra tăng dần theo cấp số cộng. Đến năm 2007, họ thiết lập cột mốc đáng nhớ khi nguồn quỹ của KSPO vượt qua ngân sách chính phủ cấp cho thể thao, 236 tỉ won (217 triệu USD) so với 200 tỉ won (184 triệu USD). 

Dần dà, con số mà KSPO tạo ra hằng năm ngày càng vượt xa ngân sách - điển hình là vào năm 2017, 1.295 tỉ won (1,19 tỉ USD) so với 150 tỉ won (138 triệu USD). Trong 28 năm kể từ ngày thành lập, KSPO đã đóng góp cho ngân sách thể thao của Hàn Quốc 12,6 tỉ USD, một số tiền khổng lồ.

Có thể hiểu vì sao Hàn Quốc - một cường quốc thể thao hàng đầu châu Á - lại có mức ngân sách nhà nước chi cho thể thao thấp đến như vậy (chỉ bằng một nửa so với những nước như Thái Lan).

Ở các nước như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, ngân sách chi cho thể thao thực ra cũng không dồn toàn bộ cho thể thao thành tích cao. Chính xác là chỉ một số ít được phân bổ cho việc đào tạo VĐV thi đấu kiếm thành tích, còn lại để dùng cho các mục tiêu phát triển thể thao cộng đồng, xây dựng sân chơi chung... 

Như ở Malaysia vào năm 2019, Bộ trưởng Thanh niên và thể thao Syed Rahman cho biết trong ngân sách 1 tỉ ringgit chỉ có khoảng 100 triệu là sử dụng cho thể thao thành tích cao, số còn lại đầu tư cho việc xây dựng các trường học, sân chơi với mục tiêu rộng lớn hơn.

Đó cũng là xu hướng sử dụng ngân sách thể thao ở các quốc gia phát triển ngày nay. Đầu tư cho thể thao đồng nghĩa với đầu tư cho sức khỏe, chứ không chỉ là để mang về những tấm huy chương quốc tế. Một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2015 cho thấy VN là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tư ít nhất để cải thiện sức khỏe người dân. 

Cụ thể theo WHO, ngân sách chi cho sức khỏe trên mỗi người dân của VN ở mức 116,7 USD/người trong năm 2015, trong khi con số tương tự với Singapore là 2.280 USD/người, Malaysia là 358 USD/người, Thái Lan 217 USD/người, Philippines 127 USD/người, Indonesia 117 USD/người...■

Mục tiêu 30%

Ngay trong các lần tổ chức đại hội thể thao, bài toán tiết kiệm ngân sách cũng luôn được đưa lên hàng đầu. Ông Lim Teck Yin - trưởng Ban tổ chức SEA Games 2015 của Singapore - cho biết lý tưởng là phải tự thân vận động được khoảng 30% kinh phí tổ chức một kỳ đại hội. Như ở SEA Games 2015, kinh phí tổ chức của Singapore khoảng 325 triệu USD. 

Trong đó, họ huy động được tài trợ khoảng 50 triệu USD. Những nguồn thu xã hội hóa khác giúp tổng số tiền tài trợ mà ban tổ chức SEA Games 28 nhận được khoảng 90 triệu USD, cộng thêm tiền bán vé và bản quyền truyền hình thì con số này vào khoảng 100 triệu USD, tức đạt chỉ tiêu 30%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận