Tính mạng con người trên hết

TRƯỜNG SƠN - HẢI MINH 25/10/2016 21:10 GMT+7

TTCT - Xả lũ là chuyện sống còn của các đập thủy điện vì thảm họa do vỡ đập cũng sẽ vô cùng khủng khiếp. Ở các nước có đập thủy điện, quy trình xả lũ rất chặt chẽ, nhưng tính mạng con người vẫn là trên hết.

Trận lụt kinh hoàng ở bang Uttarakhand năm 2013 đã khiến Ấn Độ phải suy nghĩ lại chính sách thủy điện của nước này
Trận lụt kinh hoàng ở bang Uttarakhand năm 2013 đã khiến Ấn Độ phải suy nghĩ lại chính sách thủy điện của nước này

 

Lãnh đủ vì bất cẩn

Cuối năm 2010, các trận lụt liên tiếp quét qua bang Queensland (Úc) và Brisbane, thành phố thủ phủ. Tình trạng lụt lội kỷ lục kéo sang đầu năm 2011, 90 thị trấn và hơn 200.000 người bị ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 2,38 tỉ đôla Úc (tương đương 1,8 tỉ USD).

Ba năm sau đó, các hộ dân bị ảnh hưởng sau cơn lũ lịch sử nói trên khởi xướng một vụ kiện tập thể mà bị đơn là chính quyền Queensland và Seqwater, doanh nghiệp nhà nước quản lý hai đập thủy điện Wivenhoe và Somerset.

Bên khởi kiện cho rằng Seqwater đã bất cẩn trong việc quản lý hai con đập trên trước và trong khi xảy ra lũ lụt khiến tình hình thêm tồi tệ. Theo báo The Australian, hồ sơ kiện cho thấy Seqwater đã đánh giá sai tình hình khi để lượng nước mưa tích vào hai con đập quá lớn vào những tuần cuối cùng của năm 2010.

Seqwater dự định sẽ xả lũ vào tháng 1-2011. Song, vào thời điểm đó, trời vẫn tiếp tục mưa và công ty này buộc phải xả lũ vì hai đập đã quá tải. Việc xả lũ với lưu lượng lớn khi trời vẫn mưa to đã dẫn đến trận lụt lịch sử.

Trận lũ đó lẽ ra đã không xảy ra nếu Seqwater không bất cẩn như thế” - The Australian trích lời phía nguyên đơn. Dự kiến các bên sẽ bắt đầu đàm phán để đạt được thỏa thuận về mức bồi thường vào tháng 2-2017, theo báo địa phương Brisbane Time.

Chuyện không dừng lại ở số tiền bồi thường, trước sức ép của người dân, năm 2015 Seqwater và Sunwater, công ty cấp nước do chính quyền Queensland sở hữu, tuyên bố đã cải thiện hệ thống cảnh báo xả lũ để đảm bảo người dân được thông tin đầy đủ và kịp thời mỗi khi có xả lũ.

Theo Đài ABC, hai công ty trên buộc thay đổi khi vào tháng 5 cùng năm, một lần nữa họ lại xả lũ khi trời mưa mà người dân không được thông báo kịp thời. Seqwater vì thế ra mắt hệ thống cảnh báo hai lần, dành cho người dân sống ở hạ nguồn các con đập có đăng ký dịch vụ nhận thông báo xả lũ với công ty.

Trước đây chúng tôi quyết định xả lũ rồi mới báo cho người dân - giám đốc truyền thông Seqwater, ông Mike Foster, nói với ABC - Giờ thì chỉ cần thời tiết diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ cho người dân biết ngay là chúng tôi đang theo dõi tình hình và có thể sẽ phải xả lũ”.

Đó là lần thông báo thứ nhất. Và “người dân sẽ nhận được thông báo lần hai khi chúng tôi gần như chắc chắn sẽ xả lũ” - Foster cho biết. Hệ thống cảnh báo hai lần này được kỳ vọng sẽ cải thiện việc liên lạc giữa công ty quản lý đập và người dân sống trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu xả lũ. Người dân có thể vào trang web của Seqwater để đăng ký nhận thông tin mỗi khi các đập do công ty này quản lý xả lũ.

Trách nhiệm của Trời, trách nhiệm của công ty

Ở Ireland, Công ty cung ứng điện (ESB), một doanh nghiệp nhà nước, đã đối mặt với hàng loạt vụ kiện với tổng số tiền bồi thường thiệt hại lên tới 90 triệu euro sau một vụ xả lũ bất cẩn ở các đập thủy điện của công ty này, gây ra ngập lụt tại vùng Cork năm 2009.

Đó là một cuộc chiến pháp lý dai dẳng, với nguyên đơn là Đại học Cork. Sau nhiều lần kháng án, vụ việc lên tới Tòa án tối cao Ireland, và phán quyết cuối cùng được đưa ra hồi tháng 8-2015, nói ESB có “trách nhiệm phần lớn” với các thiệt hại do lũ lụt gây ra với trường Cork.

Thẩm phán Max Barrett phán quyết rằng ESB, với tư cách đơn vị vận hành các đập Inniscarra và Carrigadrohid ở vùng Lee Valley, phải chịu trách nhiệm 60% cho các thiệt hại ước tính vào khoảng 20 triệu euro với tài sản của Đại học Cork trong trận lũ ngày 19-11-2009.

Có thể thấy hai điều từ phán quyết của tòa:

(1) người dân hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự với các công ty điện lực để đòi được bồi thường thích đáng cho thiệt hại tài sản và nhân mạng của họ;

và (2) trách nhiệm hoàn toàn không phải 100% thuộc về nhà máy điện, nhưng với đủ những chuyên gia và thông qua các con số chính xác, có thể xác định được phần trách nhiệm của ai (đâu là tác nhân con người, do ngăn nước làm lũ thêm dữ dội; và đâu là tác nhân “ông trời”, do mưa lớn không thể kiểm soát), qua đó xác định mức bồi thường với những thiệt hại do chủ quan con người gây ra.

Trong đơn kiện, trường Cork lập luận rằng cách ESB xả nước từ hai đập thủy điện sau mưa lớn dẫn tới lũ lụt quá mạnh và gây ra thiệt hại lớn cho trường. Phán quyết của Tòa án tối cao Ireland đã được các hãng bảo hiểm và hộ gia đình ở Ireland, vốn phải sống chung với lũ ở cuối nguồn các đập thủy điện một thời gian dài, hoan nghênh nhiệt liệt.

Chỉ một công ty luật chuyên về đòi bồi thường trong vụ này như Irish Claims Consultants Association chẳng hạn, đã đóng vai trò đại diện cho 900 vụ kiện đơn lẻ khác nhau, theo Irish Times ngày 6-10-2015.

“Chúng tôi rất lo lắng về việc thủy điện mọc lên như nấm ở Uttarakhand và ảnh hưởng của điều đó tới vùng lưu vực các sông Alaknanda và Bhagirathi” - các thẩm phán K. S. Radhakrishnan và Dipak Misra viết, theo Indian Times tháng 4-2014.

 

Vấn đề quy hoạch

Ở hầu hết các nước, việc quy hoạch, xin phép và cấp phép cho các công trình đập thủy điện luôn rất phức tạp, đòi hỏi những đánh giá chi li và thường xuyên gây tranh cãi. Ấn Độ, vào loại cường quốc thủy điện của thế giới, cũng đã từ lâu đối mặt với xung đột giữa việc xây dựng các nhà máy thủy điện với môi trường, sự an toàn và đời sống của người dân dưới hạ nguồn.

Từ năm 2003, dưới quyền thủ tướng Atal Bihari Vajpayee, nước này bắt đầu chương trình quốc gia xây dựng nguồn điện mới ngoài than đá. 162 dự án thủy điện lớn được quy hoạch tới năm 2025, dự kiến tạo thêm 50.000 MW điện, trong bối cảnh công suất của toàn bộ các nhà máy điện Ấn Độ khi đó là hơn 100.000 MW.

Vấn đề là gần như tất cả các dự án mới này, 113 đập và nhà máy thủy điện chiếm công suất 40.000 MW, được quy hoạch ở 5 bang vùng núi Himalaya.

Những con sông vốn đã rất dữ tợn với dòng chảy khó lường của hệ thống núi cao nhất thế giới giờ sẽ được đặt mỗi nơi 5-6 đập thủy điện mới, và có khi cứ 10km thì có một nhà máy. Trận lụt khủng khiếp vào tháng 6-2013, vì thế, là một kết quả đã được báo trước.

Mưa lớn nhiều ngày liên tiếp khiến các nhà máy xả những trận lũ kinh hoàng xuống hạ lưu. Những nhà hoạt động xã hội nói có tới 30.000 người đã thiệt mạng trong trận lũ này, trong khi con số chính thức chính quyền đưa ra là 6.000, dựa trên số đơn nộp đòi tiền bồi thường từ các gia đình có người thân thiệt mạng (!). Trận lũ quét sạch 6 ngôi làng, chôn sống hàng chục người và làm hư hỏng 1.000km đường cao tốc.

Tám tuần sau trận lũ tàn hại, hai thẩm phán của Tòa tối cao Ấn Độ, khi phán quyết trong một vụ việc liên quan tới nhà máy thủy điện 330 MW Alaknanda, ra lệnh cấm vĩnh viễn chính quyền các bang liên quan cấp phép xây thủy điện mới.

Chúng tôi rất lo lắng về việc thủy điện mọc lên như nấm ở Uttarakhand và ảnh hưởng của điều đó tới vùng lưu vực các sông Alaknanda và Bhagirathi” - các thẩm phán K. S. Radhakrishnan và Dipak Misra viết, theo Indian Times tháng 4-2014.

Ở các nước giàu, những bộ quy chuẩn liên quan tới thủy điện thường chặt chẽ hơn, bao gồm những nguyên tắc đồng thuận rất ngặt nghèo liên quan tới việc hỏi ý kiến người dân, các chính trị gia đại diện cho họ, cơ quan quản lý nhà nước, và đôi khi cả tòa án.

Cấp phép và quy định chặt về đánh giá tác động môi trường không chỉ với môi trường mà cả với mạng lưới lợi ích tương quan với nhà máy giúp kiểm soát rủi ro tốt hơn, nhưng đồng thời các cơ quan quản lý, chẳng hạn như ở Mỹ, cũng rất để tâm tới việc xử lý tình trạng khẩn cấp, điều mà với các đập thủy điện là chuyện “cơm bữa”.

Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) đã ban hành tài liệu hướng dẫn về an toàn đập thủy điện cho các chủ đầu tư, quy định các bước bắt buộc phải làm khi đập xảy ra tình huống khẩn cấp (vỡ đập do thiên tai hoặc chủ động xả lũ) năm 2014.

Tài liệu dài 75 trang này quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng đơn vị có liên quan như công ty điều hành đập và cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp của chính quyền địa phương, trong việc đảm bảo an toàn cho cư dân hạ nguồn của con đập.

Tài liệu này hướng dẫn cách chuẩn bị kế hoạch hành động khẩn cấp trong trường hợp xảy ra sự cố (...), mục đích là bảo vệ mạng sống cho dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản. Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp có thể gây lũ lụt làm ảnh hưởng đến khu dân cư sống gần đập, đơn vị vận hành đập phải phối hợp và liên tục trao đổi thông tin với các đơn vị có liên quan về tình hình sự cố và tình trạng hiện tại của đập để hành động kịp thời.

Công ty vận hành đập cũng phải lập được bản đồ các vùng sẽ bị ngập và chia sẻ thông tin này với cơ quan ứng cứu tình huống khẩn cấp của địa phương đó. Nếu việc xả nước gây hậu quả ngập lụt nghiêm trọng, cơ quan quản lý đập cũng phải chuẩn bị phương án sơ tán dân và phối hợp với đơn vị có liên quan để thực hiện việc sơ tán.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận