Trách nhiệm: Thế nào? ở đâu?

ĐÀ TRANG 04/12/2004 22:12 GMT+7

TTCT - Hai chữ “trách nhiệm” thường xuyên được nhắc đến ở mỗi kỳ Quốc hội (QH), nhất là tại những phiên chất vấn và thảo luận chuyên đề. Nhưng muốn gắn nó với địa chỉ cụ thể, rõ ràng thì câu chuyện lại trở nên không đơn giản. “Trách nhiệm: Thế nào? Ở đâu?”.

ĐB QH Đinh La Thăng (phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế): ĐB QH phải thấy có trách nhiệm

Trong phiên QH bàn vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản, ĐB Đinh La Thăng đã có phần gây “sốc” cho các ĐB QH khi phát biểu: “Mỗi công trình đều gắn với một địa phương cụ thể, các đoàn ĐB QH, ĐB QH không thể không hay biết gì". 

Ảnh: Việt Dũng

 

"Khi nói tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí, một số ĐB cứ nghĩ đó là chuyện của nơi khác chứ không phải của địa phương mình. Tôi đề nghị ở đây phải có cả phần trách nhiệm của ĐB QH, đoàn ĐB QH”.

* Sau khi gây “sốc”, ông nhận được phản hồi ra sao?

- Mọi người đều thấy điều đó không có gì sai cả. Tôi nói như vậy là xuất phát từ chính thực tế. Ngay Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc khi trả lời chất vấn trước QH cũng đã nói rằng: một trong bốn chức danh chủ chốt cấp tỉnh (bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND) là trưởng đoàn ĐB QH. 

Các ĐB QH ở địa phương đều tham dự cuộc họp HĐND. Các dự án đầu tư của địa phương cũng đều qua HĐND. Nghĩa là các ĐB QH nắm được.

Nhưng nghe các ý kiến thảo luận ở hội trường, tôi thấy địa phương nào cũng tốt cả trong khi thất thoát, lãng phí, dàn trải... vẫn cứ được đề cập. Cho nên tôi đề nghị phải thấy được trách nhiệm của ĐB QH, đoàn ĐB QH bởi các công trình đều gắn với một địa phương cụ thể.

* Không chỉ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, ở lĩnh vực khác có hiện tượng “trách nhiệm mình không thấy, chỉ thấy trách nhiệm người khác, nơi khác” không, thưa ông?

- Có chứ. Đấy là phổ biến.

* Ông có thể lý giải sự phổ biến ấy?

- Thứ nhất: do tư tưởng cục bộ địa phương. 

Thứ hai: do xin - cho. Xin được thì phấn khởi, xin không được thì bắt đầu nhìn sang địa phương khác thấy họ có cái mà mình xin không được lại cho rằng Nhà nước đầu tư không hiệu quả, dàn trải. 

Cho nên tôi cứ nói đùa với Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng, lỗi là của Bộ Tài chính vì không đủ tiền để cấp hết cho các địa phương. Nếu cấp được hết chắc sẽ không còn ai phê bình dàn trải nữa (cười).

ĐB Nguyễn Mạnh Đức (chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Yên Bái): Trận đánh không thắng, anh chỉ huy phải chịu

Tôi chỉ nói một ví dụ: chương trình mía đường qua nhiều cấp, nhiều trình tự thủ tục nhưng thực hiện không hiệu quả, thế mà bây giờ qui trách nhiệm cho một cá nhân cụ thể nào thì không được. Nếu không khắc phục vấn đề này, các dự án, chương trình khác sẽ lại như thế.

Thực tế đã cho thấy các dự án của tư nhân thường hiệu quả hơn của Nhà nước. Việc tiêu “tiền chùa” phung phí hơn tiêu “tiền túi”. 

Bây giờ bảo bỏ “tiền túi” ra một khoản bằng 200 tấn muối để mở bữa tiệc mừng chức vụ như ông tổng giám đốc Tổng công ty Muối thì tôi cho là hơi khó (còn nếu “tiền chùa” chắc sẽ vô tư).

Tôi cứ nghĩ nếu một đảng bộ mất đoàn kết, ông bí thư phải chịu trách nhiệm, một trận đánh không thắng, anh chỉ huy phải chịu trách nhiệm trước tiên chứ đừng nói bộ đội không dũng cảm xung phong. Nghĩa là nói đến trách nhiệm phải đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Riêng trách nhiệm ĐB QH, do phần lớn kiêm nhiệm nên hơi bó ở chỗ: tôi đang là lãnh đạo của một ngành, không cớ gì lại đứng ra phê phán ngành của tôi trước QH. Nếu người nào mạnh dạn như vậy thì sau này người đó dễ phải nhận sự đối xử không được như những người khác luôn có ý làm vừa lòng cấp trên.

Tôi rất tâm đắc câu của chủ tịch QH “cấp trên phải tạo điều kiện cho cấp dưới phát huy, cấp dưới phải làm hết trách nhiệm”. Thế nhưng yêu cầu này có lẽ còn lâu mới đạt được. 

Tôi biết có cơ quan hành chính hiện nay có 50%, thậm chí 60-70% anh không làm được việc hoặc làm việc không hiệu quả, không làm hết trách nhiệm..., nhưng tinh giản biên chế không đơn giản. 

Tiền lương thì đã có ngân sách lo, còn cán bộ công chức đụng vào toàn gặp phải “con cháu các cụ cả”. Cho nên phải tháo dỡ lực cản này.

ĐB Nguyễn Bá Thanh (bí thư Thành ủy Đà Nẵng): Giống chuyện năm ông đắp cùng một tấm chăn

Tôi đề nghị trước mắt cần phải siết chặt hơn nữa kỷ cương trong bộ máy công quyền. Đã nói đến nền hành chính là phải nói đến trách nhiệm cá nhân, là phải có thứ bậc trên - dưới, lớn - nhỏ. 

Không thể cả nể, xuề xòa, cá mè một lứa, trên nói dưới không nghe, trên nói dưới từ từ, trên nói cứ nói, dưới làm cứ làm, trách nhiệm chung chung, cuối cùng… hòa cả làng.

Thật ra mình làm chưa nghiêm thôi chứ mình muốn là làm được. Như ở Đà Nẵng có hai con đường Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Văn Thoại gần bốn năm cứ làm ì ạch, dân kêu quá trời! 

Trong kỳ họp HĐND TP vừa rồi, tôi với tư cách chủ tịch HĐND tuyên bố: đến ngày 30-9-2004 nếu hai con đường đó không xong, tôi sẽ kiến nghị UBND TP cách chức từ giám đốc sở (GTVT) đến tất cả trưởng ban quản lý dự án. 

Thế là các ông ấy bàn bạc, phối hợp nhịp nhàng, chu đáo, làm đêm làm hôm và chỉ trong vòng bốn tháng đã hoàn tất công trình.

Vì thế tôi cho rằng cần phải phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, trao quyền hạn đầy đủ hơn nữa, trên cơ sở đó xác định cho được trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu tổ chức, địa phương tương ứng... 

Khi nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường mà nền hành chính không dựa trên tài năng cá nhân, sáng tạo cá nhân và không dựa trên trách nhiệm cá nhân thì vấn đề đạo đức công chức chỉ như những câu khẩu hiệu suông.

Chúng ta thường hỏi trách nhiệm thuộc về ai? Tôi nghĩ nhiều lúc không biết ai đâu để mà hỏi, cứ chung chung như thế! 

Chuyện này giống như 5-6 ông cùng đắp một tấm chăn, thấy một ông thò chân ra chưa rửa liền túm lấy, thế nhưng ông ta lại túm cả mấy ông nằm bên cạnh, rồi giằng xé, lôi cả đoàn ra! 

Mình mệt quá thả ra thì ông ấy co cái chân vào, đắp chăn lại. Cứ như thế không xác định rõ trách nhiệm cá nhân từng người nên khi kiểm điểm trách nhiệm rất khó!

ĐB Phan Trung Lý (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH): Quốc hội phải đi đến cùng sự việc

Muốn qui trách nhiệm phải dựa vào các qui định của pháp luật. 

Thực tế đang đòi hỏi việc phân định giữa trách nhiệm cá nhân - trách nhiệm tập thể, trách nhiệm người đứng đầu - trách nhiệm mỗi thành viên trong cơ quan, đơn vị phải rõ ràng, rành mạch, tránh tình trạng “thành tích thì của tôi, khuyết điểm, trách nhiệm thì của chúng ta”.

Ở QH, hoạt động giám sát nói chung và chất vấn nói riêng cũng đặt ra yêu cầu ấy. Các thành viên Chính phủ không chỉ phải làm rõ nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm, tồn tại trong ngành mình quản lý mà còn phải làm rõ trách nhiệm của mình, phải thành thật trước QH, trước cử tri.

QH cải tiến rồi song cần cải tiến hơn nữa. Nhiều vấn đề được mổ xẻ khi chất vấn tích tụ đã lâu, thậm chí có lĩnh vực bộc lộ những tồn tại lớn như bị thanh tra vài ba lần, thất thoát lãng phí cả ngàn tỉ đồng, nhưng QH cũng chỉ nghe giải trình thế thôi mà không đi đến cùng sự việc. 

Như thế phiên chất vấn dễ bị hiểu thành một kỳ “sát hạch” mà thông qua đó QH đã đóng một cái dấu “làm sạch” cho đối tượng trả lời chất vấn (sau kỳ “sát hạch”, những vấn đề tồn tại gần như được dỡ bỏ). 

Theo tôi, QH (cứ sau mỗi kỳ chất vấn) phải có kết luận, được thể hiện bằng nghị quyết về trách nhiệm cụ thể của cá nhân trả lời chất vấn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận