Trở về với thuận tự nhiên

HỒNG VÂN 05/10/2019 22:10 GMT+7

TTCT - Tiến sĩ Philip Minderhoud, nhà vật lý, địa lý làm việc tại ĐH Utrecht (Hà Lan) chính là người đã nghiên cứu về vấn đề sụt lún tại ĐBSCL từ năm 2014 và công bố nghiên cứu về độ cao thực tế của ĐBSCL trên tạp chí Nature Communications mới đây, ngày 28-8. TTCT trò chuyện với ông về vấn đề này.

Tiến sĩ Philip Minderhoud bên một trạm bơm nước ngầm trong Vườn quốc gia U Minh.  -Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tiến sĩ Philip Minderhoud bên một trạm bơm nước ngầm trong Vườn quốc gia U Minh. -Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cơ duyên nào thúc đẩy ông nghiên cứu về ĐBSCL của VN?

- Năm 2014, tôi làm luận án tiến sĩ về lún ở ĐBSCL. Đây là một phần của dự án lớn (Rise and Fall project) được Chính phủ Hà Lan tài trợ, phối hợp với VN để nghiên cứu về ảnh hưởng của lún, xâm nhập mặn.

Để thực hiện nghiên cứu này, tôi cần dữ liệu về độ cao của đồng bằng và phát hiện dữ liệu độ cao về ĐBSCL từ nguồn quốc tế - vệ tinh DEM (dùng miễn phí) có những mô hình bất thường.

Nhiều lần đi thực địa ĐBSCL ở các địa bàn khác nhau, tôi càng tin rằng dữ liệu vệ tinh này, được nhiều nhà khoa học sử dụng trong các nghiên cứu trước, không phản ánh đúng độ cao thực tế của ĐBSCL so với mực nước biển. Tôi cho rằng có thể có gì đó không chính xác ở dữ liệu.

Chúng ta có thể nói gì về độ cao thực sự của ĐBSCL trong nghiên cứu vừa công bố của ông?

- Độ chính xác của thang đo trong trường hợp này được tính bằng mét. Do sai số là một khoảng hai chiều, khi áp dụng trên một diện tích lớn, sau khi bù trừ, kết quả - trong trường hợp này là độ cao trung bình - sẽ sát với độ cao thực tế.

Độ cao vệ tinh toàn cầu (zero elevation) được tham chiếu với mô hình toàn cầu về trọng lực trái đất (Geoid), tạm gọi là mực nước biển. Tuy nhiên, mô hình Geoid toàn cầu lại không chính xác lắm đối với VN vì không có dữ liệu từ VN.

Có nơi, sự khác biệt lên đến gần 2m giữa mức 0 trong mô hình Geoid toàn cầu và thực tế mực nước biển ở ĐBSCL (tùy vào trọng lực Trái đất, thủy triều, dòng hải lưu).

Nhiều nghiên cứu trước đã không phát hiện và điều chỉnh sai số này, vì: (1) họ không biết sự khác biệt là quá lớn và (2) không có dữ liệu để chỉnh sửa. Chúng tôi đã phát hiện ra khoảng chênh lớn này (có thể dẫn đến những ước lượng, tính toán sai) khi so sánh với dữ liệu địa hình về độ cao của VN.

Xin nhấn mạnh: Chúng tôi nói rõ trong nghiên cứu là độ cao thực sự của ĐBSCL thấp hơn nhiều so với độ cao mà cộng đồng khoa học quốc tế mặc định và độ cao xuất hiện trong đánh giá quốc tế về tác động của nước biển dâng dựa trên so sánh với dữ liệu địa hình của VN.

Các nhà khoa học VN cũng sử dụng dữ liệu này trong Báo cáo đánh giá quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2016. Qua các ví dụ này, tôi muốn nói rằng các nhà nghiên cứu quốc tế đã nhầm trong đánh giá về độ cao và mực nước biển. Trong khi các chuyên gia VN được tiếp cận bộ số liệu tốt hơn trong nước không bị nhầm.

Dĩ nhiên, nguyên nhân là vì các nhà khoa học quốc tế không được tiếp cận dữ liệu này và phải dùng dữ liệu miễn phí, kém chính xác hơn. Do đó, đối với các nhà nghiên cứu và Chính phủ VN, công bố của tôi không mới vì họ đều đã biết về độ cao thực của đồng bằng.

Tốc độ lún của ĐBSCL theo nghiên cứu và phân tích của ông ở mức nào so với các đồng bằng trên thế giới?

- Tỉ lệ lún hiện nay của ĐBSCL đang cao hơn các đồng bằng khác như đồng bằng Mississippi, Mỹ (6-11mm/năm), đồng bằng Po, Ý (0-10mm/năm) và đồng bằng Hà Lan. Do đó, so với các hệ đồng bằng này, tỉ lệ lún của ĐBSCL hiện cao hơn nhiều so với mực nước biển dâng. Điều này đáng báo động, đặc biệt là với độ cao thấp sẵn có của ĐBSCL.

Tỉ lệ lún đo bằng vệ tinh hiện nay cho thấy lún ở ĐBSCL đang cao hơn mô hình chúng tôi dự báo năm 2017. Cũng có những đồng bằng khác, như Trung Quốc, có tỉ lệ lún tương đương ĐBSCL và nhiều nơi khác chưa có số liệu do chưa được nghiên cứu.

Nuôi tôm kết hợp nuôi cua dưới tán rừng đước ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: Tấn Thái
Nuôi tôm kết hợp nuôi cua dưới tán rừng đước ở huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Ảnh: Tấn Thái

Những thách thức chủ yếu mà ĐBSCL cần nhanh chóng tìm giải pháp đối phó là gì?

- Phù sa là đối trọng với sụt lún. ĐBSCL có thể bị lún nhưng nếu có đủ phù sa, nơi đây sẽ vẫn được bồi đắp. Ví dụ, ở một số rừng mắm, đước ven biển ở ĐBSCL, tỉ lệ sụt lún là 2-4cm/năm nhưng do được phù sa bồi đắp 5-6cm/năm, nền đồng bằng vẫn được tôn cao.

Nhưng hiện nay và trong tương lai, ĐBSCL sẽ mất đi phần lớn phù sa do các đập thủy điện trên sông Mekong. Tỉ lệ sụt lún đang tăng lên trong vài chục năm qua, trong khi phù sa thì giảm xuống. Sẽ không có đủ phù sa để bù cho sự sụt lún của ĐBSCL.

Ông có đề xuất gì cho ĐBSCL về giải pháp ứng phó với vấn đề sụt lún?

- Ưu tiên hàng đầu là giảm tỉ lệ sụt lún hiện nay càng nhiều càng tốt. Để làm được điều này, cần xác định đâu là nguyên nhân gây ra sụt lún ở ĐBSCL. Sụt lún do nguyên nhân tự nhiên thì không thể can thiệp, nhưng nếu nguyên nhân do con người thì có thể.

Chẳng hạn, lún do khai thác nước ngầm hoặc các công trình quá nặng. Giảm hoặc ngừng khai thác nước ngầm sẽ giảm tỉ lệ sụt lún (nhưng không chấm dứt hoàn toàn vì sụt lún đất là một quá trình xảy ra chậm nhưng một khi đã xảy ra thì sẽ tiếp diễn trong nhiều năm cho dù có giảm về tỉ lệ).

Mức độ sụt lún ở mỗi địa phương là khác nhau, phụ thuộc nhiều yếu tố như địa lý và tỉ lệ khai thác nước ngầm.

Dù không biết nước ngầm đang bị khai thác thế nào, chỉ cần giảm khai thác thì sẽ cải thiện sụt lún. Vì vậy, chính quyền địa phương không cần chờ một nghiên cứu nào mà có thể hành động ngay lập tức.

Thách thức không nhỏ là làm sao có nước ngọt đủ cung cấp cho các nhu cầu hiện đến từ nước ngầm. Theo tôi, nước ngầm ở ĐBSCL cần được xem là một nguồn dự trữ chiến lược để sử dụng trong trường hợp xảy ra hạn hán cùng cực trong tương lai do biến đổi khí hậu chứ không phải là nguồn nước dùng cơ bản hằng ngày. Hãy bảo tồn nguồn nước quý giá này cho tương lai khi các bạn cần đến nó nhất.

Điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến sự phát triển của ĐBSCL?

- Tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực này, nhưng tôi có thể nói rằng con đường ngắn nhằm thu được thành quả kinh tế cao trong ngắn hạn thường không phải là con đường có thể thu hoạch những lợi ích bền vững về lâu dài.

Ví dụ, lợi nhuận cao có thể khiến người ta bơm nước ngầm để nuôi tôm công nghiệp ở ĐBSCL nhưng lại làm ĐBSCL bị lún nhiều hơn. Trong 20 năm, các trang trại này có thể cũng bị chìm dưới mực nước biển, việc kinh doanh cũng mất.

Trong khi nếu chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn, nuôi tôm quảng canh hoặc dưới tán rừng, các bạn có thể vẫn có một công việc kinh doanh mang lại thu nhập ổn định trong 20 năm tới và khu vực này vẫn duy trì trên mực nước biển.

Xin cảm ơn ông.

ĐBSCL có thể học theo mô hình xây đê của Hà Lan không?

Phần lớn đất đai của Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Chúng tôi có hệ thống dày đặc gồm đê và cống thoát nước để duy trì vùng đất này nhưng nó còn lâu mới gọi là mô hình lý tưởng. Chúng tôi đã có khoảng 1.000 năm xây dựng mà thành, không phải chỉ trong vài thập kỷ. Chi phí xây dựng vô cùng tốn kém, ngay cả đối với đồng bằng Hà Lan - một hệ thống đồng bằng nhỏ hơn rất nhiều so với ĐBSCL (lớn thứ 3 trên thế giới).

Đồng bằng Hà Lan không nên được xem là ví dụ về cách quản lý ĐBSCL trong tương lai. Nhưng ĐBSCL có thể học để tránh những sai lầm đó, và học những khía cạnh thành công trong quản lý đồng bằng của chúng tôi.

Việc xây một hệ thống đê để bảo vệ hoàn toàn ĐBSCL không phải là một ý tưởng hay, do: Một là nó rất khó thực hiện do diện tích lớn của đồng bằng. Hơn nữa, hệ thống đê biển tự nó cũng sẽ bị lún. Chi phí bảo trì, tu bổ vô cùng lớn. Hai là một hệ thống đê như vậy sẽ không cho phép lượng phù sa còn lại vào bồi đắp cho ruộng đồng để bù trừ cho vấn đề sụt lún và nước biển dâng.

Vì vậy, có thể chọn giải pháp giữa cứng và mềm. Ở vùng ven biển và các vùng nông thôn nên chọn giải pháp mềm như trồng rừng ngập mặn, tạo điều kiện để bồi đắp phù sa tự nhiên. Với những vùng kinh tế phát triển như các thành phố lớn, việc xây đê bảo vệ có thể khả thi về kinh tế để bảo vệ các khu vực này khỏi ảnh hưởng của sụt lún và nước biển dâng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận