Ứng phó biến đổi khí hậu: Việt Nam cần chạy nhanh hơn!

HƯƠNG GIANG 16/04/2013 21:04 GMT+7

TTCT - Mưa đá bất thường ở Lào Cai và oi bức kéo dài ở Trung Nam bộ vừa qua chỉ là vài biểu hiện của biến đổi khí hậu (BĐKH). Ông Neefjes Koos - cố vấn chính sách về BĐKH của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại VN - cho rằng Chính phủ VN đang ở tình thế buộc phải “chạy” nhanh hơn, nếu như không muốn bị kẹt trong những hiện tượng khí hậu ngày càng cực đoan và nguy hiểm.

Thích ứng hoặc bị hủy diệt

Nhiều khu vực nhà dân ở Mường Khương (Lào Cai) bị tàn phá nặng nề do mưa đá - Ảnh: Kim Thủy

Ông Koos nói: Ở VN đã có nhiều bằng chứng là sẽ ngày càng có nhiều trận mưa lớn. Chúng ta đã chứng kiến điều đó ở Hà Nội, TP.HCM và sẽ còn xảy ra ở nhiều tỉnh khác. Nhìn chung, BĐKH sẽ khiến lượng mưa dâng cao vì lượng hơi nước bốc lên gia tăng. Nhưng vấn đề là cùng với nó, hạn hán cũng sẽ khắc nghiệt hơn. 

Hiện nay chúng ta đã biết chắc chắn là mực nước biển đang dâng lên do ảnh hưởng của BĐKH. Điều xảy ra ở VN là cùng lúc các bạn phải chịu ảnh hưởng của thủy triều lên, gió mạnh từ biển phía đông, lượng mưa tăng cao ở khu vực ven biển. Việc mực nước biển dâng 20-30cm chưa phải là điều tồi tệ nhất, nhưng khi kết hợp với gió từ biển vào thì cả TP Cần Thơ sẽ bị lụt. 

Đây là những dữ liệu thực tế sờ sờ chứ không còn là câu hỏi đặt ra cho các nhà khoa học hay Liên Hiệp Quốc nữa. Câu hỏi ở đây không phải là liệu chúng ta có BĐKH không hay sẽ phải làm gì, mà là chúng ta cần làm gì với những gì đã biết.

Ông Neefjes Koos - Ảnh: Việt Dũng

* Cụ thể ở đây là cách hành xử ra sao, theo ông?

- Một ví dụ thường được đưa ra gần đây là tỉnh Bến Tre. Chúng ta biết là do ảnh hưởng của mực nước biển dâng, việc xâm nhập mặn ở tỉnh này ngày càng trầm trọng và ngày càng khó có đủ nước ngọt để tưới tiêu. Như vậy chúng ta cần có giải pháp thay thế. Bến Tre là tỉnh nghèo so với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Họ không có đủ nguồn thu nhưng vẫn cần nhiều tiền để xây các con đê, đập nhằm bảo vệ các TP, làng mạc của mình. 

Tiền ở đâu ra? Những TP lớn như TP.HCM có thể dùng ngân sách địa phương, nhưng Bến Tre cần sự trợ giúp của Nhà nước. Ngoài ra các tổ chức như Oxfam, Quỹ Quốc tế vì phát triển nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (IFAD), Chính phủ Đan Mạch... cũng đang hỗ trợ tỉnh này. 

Nhưng như vậy vẫn chưa hết. Vấn đề ở đây phức tạp hơn thế. Là chính quyền trung ương, bạn có một khoản tiền và cần phải dùng tiền đó bảo vệ TP.HCM và Bến Tre, bạn sẽ làm ở nơi nào trước? Việc xây đê tốn kém như nhau, nhưng giữa việc bảo vệ đồng áng và các nhà máy lớn, bạn chọn cái nào để làm trước? 

Tất nhiên là bạn rất muốn bảo vệ nông dân nhưng bạn cũng phải tính toán về mặt kinh tế xem cần ưu tiên cái nào trước. Chúng ta đang thấy Chính phủ VN cố gắng làm mỗi nơi một ít. Nhưng như vậy không đảm bảo được tính ưu tiên về mặt kinh tế. Nếu nguồn lực của bạn có hạn, bạn buộc phải mạnh dạn hơn. 

Thích ứng với BĐKH cũng có thể mang ý nghĩa là một số khu vực sẽ không được ưu tiên bảo vệ mà sẽ có một kế hoạch hoàn toàn khác. Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đang có một chương trình tái định cư, xác định những nhóm dân cần phải di cư. Có thể phải để một số vùng nào đó làm rừng ngập mặn, làm du lịch... Nhiều nước cũng đang làm điều tương tự. 

Hà Lan, quê hương tôi, nổi tiếng với việc xây đập và giữ gìn mọi thứ khô ráo, nhưng cũng có những nơi chúng tôi bỏ đê, để cho đất đai ẩm ướt. Như vậy, sẽ có những trường hợp chúng ta phải đưa dân tới nơi khác. Khi đó, không còn đất nông nghiệp cho họ, chính quyền sẽ phải thúc đẩy việc tái đào tạo, cho vay tiền, hỗ trợ họ tìm sinh kế thay thế. Sinh kế thay thế đó có lẽ không thể là nông nghiệp được nữa vì không còn đủ đất đai canh tác. 

UNDP cũng đang giúp VN trong việc xác định làm thế nào để việc tái định cư và di dân không mang lại quá nhiều rắc rối mà sẽ trở thành cơ hội để người dân tiến lên trong cuộc sống. Chúng ta cũng sẽ phải xem xét cách hỗ trợ thanh niên sinh sống ở khu vực bờ sông dễ bị tổn thương, tạo cơ hội đi học, sử dụng máy tính... để họ có thể tìm việc ở nơi khác khi trưởng thành. 

Như vậy, sinh kế thay thế là vô cùng quan trọng, không chỉ với chính những người phải di dời mà còn cả đất nước, vì khi họ có thể tiếp tục học hành, sản xuất thì đất nước cũng có lợi. 

Theo Cơ quan Liên chính phủ về BĐKH, hiện tượng thời tiết cực đoan là hiện tượng hiếm ở một địa điểm cụ thể, thông thường được hiểu là tần suất xuất hiện của nó nhỏ hơn 10%. Khái niệm này xuất hiện những năm gần đây khi nói tới ảnh hưởng của BĐKH. 

Trao đổi với TTCT, ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư - cho biết thêm: “Cực đoan là chỉ những hiện tượng thời tiết nguy hiểm nhưng hiếm, ít gặp, không theo chu kỳ. Ví dụ như hạn hán đang xảy ra ở Trung bộ và Nam Trung bộ VN, cơn bão Katrina ở Mỹ, mưa lớn ở Pakistan cách đây hai năm, nhiệt độ tăng cao đột biến ở Úc đầu năm nay...”. 

Phải thay đổi lời khuyên cho dân chúng

Qua những nghiên cứu hiện nay, Liên Hiệp Quốc có gợi ý gì cho VN để ứng phó với BĐKH tốt hơn?

- Chúng tôi đang nghiên cứu các hiện tượng khí hậu cực đoan. Thời điểm này chưa có kết quả cụ thể cho VN nhưng tôi có thể nói rằng VN có một lịch sử thiên tai rất dài và giờ đây cần phải củng cố lại các khoản đầu tư hiện có, không những nhằm ngăn ngừa tai họa mà còn phải tạo ra cấu trúc cộng đồng để cảnh báo dân chúng sớm hơn, khôi phục cuộc sống sau thảm họa nhanh chóng hơn. 

Và VN phải làm tất cả những điều đó vì BĐKH đang làm thiên tai trở nên nguy hiểm hơn. Các bạn cần “chạy” nhanh hơn. 

Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt ở VN rất đa dạng. Với mưa đá, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách cần thấy là mưa đá có thể không gây nguy hiểm chết người nhưng sẽ tiêu diệt mùa màng. Loại cây trồng nào dễ bị mưa đá hủy hoại, loại nào không? Nếu bạn trồng dâu nho ở miền núi phía Bắc thì kể cả trận mưa đá nhỏ nhất cũng sẽ tàn phá vườn dâu đó; còn nếu trồng khoai tây thì có thể yên tâm. 

Đây là cách chúng ta phải tư duy về những rủi ro để đưa ra lời khuyên thích hợp cho dân chúng. Những hình thức sinh nhai phi nông nghiệp cần được tăng cường vì sẽ ngày càng có nhiều người cần đến nó. Với những vùng thường bị hạn hán hay lũ lụt cũng vậy, chúng ta phải cảnh báo sớm hơn, xây dựng kế sinh nhai thay thế, tập huấn những kỹ năng giúp người dân sống sót sau thảm họa. 

Ví dụ ĐBSCL sẽ ngày càng có nhiều đợt hạn hán hơn, lời khuyên cho nông nghiệp sẽ phải thay đổi: nếu không đủ nước tưới tiêu cho ba vụ mùa lúa thì trồng hai vụ thôi; hoặc trồng một vụ lúa và hai vụ khác với loại cây cần ít nước hơn. Với ngư dân cũng thế, mưa đá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cá mà phải quan tâm tới hạn hán. Nếu khu vực bạn ở hay xảy ra hạn hán và lại còn có cả đập thủy điện, ngư dân sẽ không có đủ nước ngọt và cá sẽ chết. 

Ở Bình Thuận hay Ninh Thuận, hạn hán là kinh niên nên những khu vực này sẽ không phù hợp với thâm canh. Vì thế hãy dừng xúc tiến việc đó! Hãy tìm cách khác để thay thế!

Những điều này không có gì mới với VN, vấn đề là làm sao để tích hợp BĐKH vào các lời khuyên cho người dân. Đồng thời, ở mọi cấp từ trung ương, địa phương tới từng hộ gia đình đều cần phải suy nghĩ về phương án thay thế. 

Tôi nghĩ cần phải nhấn mạnh một điều: ở VN chúng tôi chưa có đủ dữ liệu nhưng trên bình diện quốc tế đã có đầy đủ bằng chứng cho thấy những hiện tượng thời tiết từng được coi là cực đoan giờ đây trở thành bình thường và thời tiết cực đoan ngày nay còn cực đoan hơn nhiều phần so với trước kia. Ví dụ rõ ràng là mấy tháng qua, cơ quan khí tượng của Úc đã phải ra một nhóm nhiệt độ mới. Trong các bản tin hằng ngày, họ cho thêm nhóm “siêu nóng”. 

Vậy chúng ta phải làm thế nào với hiện tượng “siêu nóng” ở một nơi như nước Úc? Họ sẽ phải giải quyết các thách thức mới về nguồn nước cho tưới tiêu, sinh hoạt, làm lạnh... Nhóm nhiệt độ mới này được hiển thị bằng một màu mới trên bản đồ thời tiết và là biểu hiện rõ ràng cho việc BĐKH đang diễn ra. 

Ở Mỹ hay VN cũng xảy ra tình trạng lụt kinh khủng và hạn hán kinh khủng trong cùng một năm. Rồi chỉ vài tháng nữa chúng ta sẽ lại bàn chuyện lũ lụt ở ĐBSCL, đến tháng 10 lại nói chuyện bão ở miền Trung. 

 Hệ thống giáo dục - y tế phải mở rộng cửa khi xảy ra thiên tai

Chúng tôi tin rằng VN sẽ ngày càng phải tính nhiều hơn tới bảo trợ xã hội: không chỉ làm thế nào để bảo vệ những người nghèo nhất trong số người nghèo, mà còn cả những người không có khả năng lao động như người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ...Hệ thống bảo trợ đó cũng đang hình thành, song hệ thống bảo hiểm xã hội cần lồng ghép yếu tố BĐKH nhiều hơn nữa. 

Hệ thống y tế trở nên cần kíp nhất khi có thiên tai, luôn phải mở rộng cửa, bác sĩ và y tá phải sẵn sàng, bệnh nhân có thể di chuyển nhanh đến bệnh viện. Làm thế nào để bệnh viện và dịch vụ y tế có thể hoàn toàn phát huy tác dụng khi cần nhất? Đó là thách thức lớn, đòi hỏi phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, điều kiện cho nhân viên y tế, phương tiện đi lại... 

Với trường học cũng vậy. Ở ĐBSCL, một số vùng duyên hải hay miền núi, trẻ em phải nghỉ học ngay khi có lũ lụt hay thậm chí khi nước sông mới lên. Điều này rất tiêu cực cho tương lai của chúng. Chúng ta không cần báo cáo thành tích kiểu “hầu hết trẻ em VN đều được đi học” vì quả thật nhiều em đi học nhưng không được thường xuyên, liên tục. 

Như vậy thì chưa thể đủ để đưa các em vào cao đẳng, đại học. Từ đó đặt ra câu hỏi phải xây trường học ở vị trí nào, cách xây ra sao, làm thế nào để đảm bảo đường đến trường được an toàn... Tôi nghĩ những vấn đề do khí hậu gây ra ngày càng trở nên tồi tệ nên việc giải quyết những vấn đề ấy ngày càng cấp bách. 

NEEFJES KOOS

Ông nhận xét thế nào về nỗ lực ứng phó BĐKH của VN so với các quốc gia tương tự khác?

- Philippines, Bangladesh, VN đều đang có nhiều hành động tích cực để ứng phó. Thái Lan hay Indonesia cũng vậy. Tôi cho là bản thân các TP cần tích cực hơn. Hiện đã có mạng lưới TP trên toàn cầu để liên kết nhau, ở VN có Đà Nẵng tham gia rồi, Hà Nội thì tôi không chắc lắm còn Cần Thơ hay TP.HCM thì nhất định nên tham gia mạng lưới đó. Đây là thời điểm các TP uốn nắn quy hoạch của mình, nhất là ở một nước đang giai đoạn chuyển đổi kinh tế như VN. 

Khu cũ của Hà Nội ngập lụt đã đành, nhưng cả những khu đô thị mới như khu Mỹ Đình cũng dễ bị ngập mưa thì không thể chấp nhận được!

Tiền đi vay phải được dùng đúng chỗ

Ông có cho rằng VN vẫn còn bối rối trong những vấn đề này?

- Tôi không chắc là VN bị bối rối. UNDP đang hỗ trợ Bộ NN&PTNT lập bản đồ những cộng đồng dễ bị tổn thương bởi thiên tai nhất. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp VN hỗ trợ đúng đối tượng, xác định đúng nhóm dân cư cần di dời hay thực hiện các kế hoạch khác. 

Nhưng chỗ còn rối là có rất nhiều chương trình khác nhau và chúng không được tích hợp với nhau. VN sẽ còn tiếp nhận các khoản vay lớn từ Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, Pháp... và các khoản đó đang được đẩy theo hướng củng cố đê, đập. Về nguyên tắc, đê đập sẽ giúp bảo vệ trước mực nước biển dâng, mưa bão... Nhưng chúng tôi tin rằng VN cần sử dụng tiền nước ngoài một cách có chiến lược. 

Ví dụ, VN có 2.000 năm lịch sử xây đê, và không cần sự giúp đỡ của nước ngoài cho việc đó nữa. Tiền nước ngoài không cần dành cho những việc ta đã biết và có thể làm. Nói về chiến lược thì nên dùng hỗ trợ tài chính quốc tế cho việc áp dụng công nghệ mới và chuyên môn đặc biệt cho những việc khó để qua đó, chúng ta tăng cường được năng lực của chính mình. 

Các bạn cần có những phân tích mang tính lý trí để xác định đâu là nơi tốt nhất để đổ tiền vào, chi phí - lợi ích (cost - benefit) là gì. VN không thường tiến hành các phân tích kinh tế này và nếu có thì chúng chưa có tác dụng tác động tới các quyết định phân bổ nguồn lực tài chính. 

Cam kết quốc tế cho lĩnh vực này hiện nay đang ở mức độ nào?

- Tuy không đưa ra các cam kết chính thức nhưng trong các sự kiện bên lề, nhiều lãnh đạo cấp cao các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Úc, New Zealand cho biết họ sẽ tăng ngân sách dành cho hỗ trợ các vấn đề BĐKH trên thế giới. 

Nhìn vào VN, trong vài năm qua các bạn nhận được ngày càng nhiều khoản vay ưu đãi và viện trợ không hoàn lại cho BĐKH nhưng chưa có nhiều bằng chứng cho thấy tiền thật sự đến được các địa phương. Hay nhiều dự án về giảm thiểu rủi ro thiên tai vẫn không tiếp cận được nguồn vốn cho BĐKH. Điều đó thật kỳ quặc!

 Việt Nam: thừa giấy tờ, thiếu thực thi

Ông Ian Wilderspin - hiện là cố vấn cho Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ, từng là chuyên gia kỹ thuật về quản lý rủi ro thiên tai của UNDP tại VN - cho rằng VN hiện “có quá thừa” các chính sách, chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia và quy định liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai/BĐKH. Vấn đề thật sự của công tác quản lý rủi ro thiên tai ở VN là “thực thi yếu/chậm trễ/manh mún”.

Ông Wilderspin cho biết có những chiến lược lớn thông qua từ 3-5 năm trước nhưng vẫn chưa ban hành luật hướng dẫn, hoặc quá trình lập kế hoạch hành động của chiến lược vẫn chưa nhận được hướng dẫn hay kinh phí cụ thể.

Một đánh giá độc lập gần đây về năm năm đầu thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 từ năm 2007 - chiến lược quan trọng nhất của VN liên quan tới xử lý rủi ro thiên tai - cho thấy chiến lược đó quá rộng, khó khăn tài chính khiến việc thực thi bị chậm trễ.

Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của Chính phủ VN tuy nhìn rất tiến bộ nhưng cũng mất quá nhiều thời gian mới đến được giai đoạn thực thi và nay vẫn chưa vượt qua được khâu đào tạo cán bộ chính quyền cấp tỉnh. Mặc dù cả khu vực phi chính phủ và các dự án của Bộ Tài nguyên - môi trường/UNDP đều có nhiều nỗ lực nhưng việc tích hợp giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó BĐKH vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, theo đánh giá của ông Wilderspin, vẫn còn ở giai đoạn “trứng nước”.

Năm 2011, Quỹ châu Á đã thực hiện một nghiên cứu ở Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa cho thấy tới 85% doanh nghiệp cho biết họ thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão theo mùa, 4% bị lũ lụt ảnh hưởng...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận